75% ngành nghề tương lai cần tới kỹ năng công nghệ
–
Thứ hai, 31/10/2022 08:55 (GMT+7)
Microsoft Việt Nam nhận định hiện nay yêu cầu kỹ năng công nghệ trong mọi ngành nghề đều tăng. Ước tính rằng, trong vòng chưa đầy 10 năm tới, cứ 3 trong 4 công việc sẽ yêu cầu các kỹ năng kỹ thuật chuyên sâu và cụ thể. Điều này đặt ra những thách thức cho ngành GDĐT về công nghệ thông tin, chuyển đổi số.
Giáo viên ứng dụng công nghệ vào dạy học trên truyền hình. Ảnh: Hải Nguyễn
Chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng
Trong báo cáo khoa học “Khung chuyển đổi số giáo dục – bức tranh toàn cảnh về hành trình chuyển đổi tổ chức giáo dục trong thời đại 4.0” của Microsoft Việt Nam được công bố mới đây đã nhận định sự bùng nổ về công nghệ giáo dục đã, đang và sẽ tạo ra những phương thức giáo dục mang tính chuyển đổi sâu sắc.
Từ mô hình lớp học tập trung đã dẫn chuyển sang các mô hình dạy học trực tuyến, sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông đã hỗ trợ các hoạt động giảng dạy, học tập. Qua đó, người học có thể tiếp cận tri thức mọi nơi, mọi lúc, có thể chủ động trong việc học tập và ứng dụng kiến thực vào thực tiễn. Ứng dụng chuyển đổi số sẽ tạo ra mô hình giáo dục thông minh, từ đó giúp việc học kiến thức của người học trở nên đơn giản và dễ dàng hơn.
Từ cách thức làm việc, học tập mới ấy cũng đồng nghĩa với cơ hội giảng dạy mới. Theo Microsoft Việt Nam, học sinh ngày nay cần những kỹ năng thực tế để thành công trong tương lai không xa. Đó là những kỹ năng như tư duy phản biện, làm việc cộng tác, giải quyết vấn đề sáng tạo, tự nhận thức về bản thân, tự quản lý bản thân, ra quyết định có trách nhiệm và khả năng xây dựng các giải pháp phức tạp. Điều này đúng trong mọi lĩnh vực.
Ngoài tư duy phản biện và giải quyết vấn đề, các kỹ năng số, vốn từng chỉ thuộc học sinh ngành khoa học máy tính, hiện nay đóng vai trò quan trọng trong toàn bộ nền giáo dục. Đối với hệ thống giáo dục, điều này đòi hỏi một nỗ lực chủ động để tạo điều kiện cho người học có thể thể hiện và phát triển những kỹ năng này.
Yêu cầu kỹ năng công nghệ tăng
Theo Microsoft Việt Nam, yêu cầu kỹ năng công nghệ trong mọi ngành nghề đều tăng. Hiện nay, cứ 2 công việc thì có 1 công việc yêu cầu kỹ năng công nghệ (chiếm 50%). Nhưng trong vòng chưa đầy 10 năm nữa, đơn vị này ước tính rằng cứ 3 trong 4 công việc sẽ yêu cầu các kỹ năng kỹ thuật chuyên sâu và cụ thể (chiếm 75%).
Các trường học tăng cường kỹ năng công nghệ thông tin cho học sinh. Ảnh: Hải Nguyễn
Báo cáo cũng trích dẫn ý kiến của ông Andreas Schleicher – Phó Giám đốc phụ trách giáo dục của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã tuyên bố rằng nền kinh tế thế giới trong tương lai sẽ không còn trả lương cho kiến thức của người lao động, mà cho những gì họ có thể làm dựa trên kiến thức của mình.
Nói cách khác, học sinh bây giờ cần phát triển các kỹ năng trong một môi trường tập trung nhiều vào sử dụng kiến thức hơn là truyền tải kiến thức. Trong một thế giới mà học sinh có thể tiếp cận kiến thức tức thời và không giới hạn, đã đến lúc thay đổi trọng tâm chương trình giảng dạy, chính sách, cách quản lý và pháp chế của chúng ta để nắm bắt sự thay đổi kỹ năng này.
“Chúng ta đã chứng kiến sự nổi lên của Thung lũng Silicon, văn hóa khởi nghiệp và môi trường làm việc ảo. Chúng ta hiện đang sống trong một thế giới mà công ty taxi lớn nhất không sở hữu ôtô (Uber), nhà cung cấp phim lớn nhất không sở hữu rạp chiếu phim (Netflix) và mạng truyền thông xã hội lớn nhất không tạo ra nội dung (Facebook.)
Đối với các doanh nghiệp ngày nay, sự nhanh nhạy là yếu tố hàng đầu và chỉ những doanh nghiệp đổi mới dũng cảm nhất mới vươn lên dẫn đầu. Chúng ta cũng có thể dự đoán rằng robot, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo sẽ có tác động sâu sắc và lâu dài đến bản chất công việc, cuộc sống và giáo dục. Nếu chúng ta trang bị cho học sinh kỹ năng công nghệ, kỹ năng kiến thức cốt yếu và một tư duy nhanh nhạy để đón đầu sự đổi mới sáng tạo hay “gián đoạn thị trường”, các em sẽ sẵn sàng đối mặt với hầu hết mọi hoàn cảnh”, Microsoft Việt Nam khuyên.
Xu hướng chủ đạo sẽ tập trung vào kỹ năng mềm, tiếng nói và công nghệ. Trong đó, kỹ năng mềm trở thành trọng tâm còn công nghệ ngày càng “mang tính người”. Các công cụ hiện có và mới nổi ngày càng sở hữu nhiều đặc điểm tạo nên con người chúng ta, bao gồm sự sáng tạo, đồng cảm và hợp tác. Các giao diện mới hỗ trợ phản hồi liên tục, cử chỉ, thực tế hỗn hợp, giọng nói và cảm ứng.