75 năm Ngày Thương binh- Liệt sỹ: Nối dài hành trình tri ân
Trong suốt 75 năm qua, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đến công tác chăm sóc thương binh, thân nhân gia đình liệt sỹ, người có công. Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa ngày càng đi vào chiều sâu và thu hút sự tham gia của toàn xã hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính viếng mộ các anh hùng, liệt sỹ.
Những nỗi đau không tên
Sự hy sinh của những người đã ngã xuống vì đất nước vừa là niềm tự hào nhưng cũng là nỗi đau của những người còn sống. Lửa chiến tranh đã tắt hàng chục năm, đã chôn vùi rất nhiều thứ, nhưng trong mỗi gia đình liệt sỹ, mỗi thương binh đã để lại một phần thân thể nơi chiến trường thì vẫn còn nguyên đó những ngọn lửa lòng. Người còn sống khóc thương người đã khuất và có những nỗi đau không bao giờ nguôi.
Cứ tháng Bảy hằng năm, hàng vạn người thân, du khách và những đồng đội đến thăm viếng các liệt sỹ đã anh dũng ngã xuống vì Tổ quốc tại các nghĩa trang trên khắp cả nước. Trên tấm bia đá trước mộ họ khắc nhiều cái tên, mỗi một cái tên được viết lên là một người đã nằm xuống. Mỗi cái tên nối dài thêm vinh quang cho đất nước, cũng nối dài thêm nỗi đau mất người thân của hàng vạn gia đình liệt sỹ.
Trên khắp mảnh đất Việt Nam, trong hàng nghìn nghĩa trang liệt sỹ vẫn còn hơn 300.000 người khi sinh ra có tên, có họ nhưng khi nằm xuống trên bia mộ chỉ khắc chữ “Vô danh” hoặc “chưa xác định danh tính.”
Bạt ngàn những ngôi mộ “Chưa biết tên” ở nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Đường 9 tại Quảng Trị.
Hiện nay, cả nước có trên 3.200 nghĩa trang liệt sỹ và trên 3.000 các công trình ghi công liệt sỹ. Mỗi năm, Trung ương và địa phương đều bố trí kinh phí để tu bổ, nâng cấp mộ liệt sỹ, nghĩa trang liệt sỹ, bia ghi danh liệt sỹ, đền thờ liệt sỹ, bảo đảm bền vững, trang trọng nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân về việc tôn vinh, thăm viếng mộ liệt sỹ, nghĩa trang liệt sỹ, có ý nghĩa giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng.
Nguồn hỗ trợ xây dựng nghĩa trang, tôn tạo nghĩa trang được rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ. Bên cạnh đó, và việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ chưa bao giờ ngừng nghỉ. Đặc biệt, hàng năm, các nghĩa trang vẫn đón các hài cốt liệt sỹ được tìm thấy từ những chiến trường cũ, từ Lào, Campuchia trở về.
Theo thống kê, cả nước có hơn 300.000 hài cốt liệt sỹ đang yên nghỉ tại các nghĩa trang nhưng chưa xác định được danh tính. Đặc biệt, vẫn còn gần 200.000 hài cốt liệt sỹ chưa tìm thấy. Do đó, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ và xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin luônđược Đảng, Nhà nước quan tâm đặc biệt. Trong giai đoạn từ năm 2012-2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sỹ từ nay đến năm 2020 và các năm tiếp theo; Quyết định số 1515/QĐ-TTg về ban hành tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ và xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Hằng năm, chúng ta tìm kiếm, quy tập được hàng nghìn hài cốt liệt sỹ ở trong nước và nước ngoài.
Song song với việc quy tập hài cốt liệt sỹ, việc “trả lại tên” cho các anh cũng được thực hiện. Các cơ quan chức năng đã phối hợp để xây dựng Trung tâm lưu giữ nguồn gen để phục vụ cho công tác xác định hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin; điều tra, thu thập thông tin về liệt sỹ, hài cốt liệt sỹ, thân nhân liệt sỹ còn thiếu thông tin, mộ liệt sỹ còn thiếu thông tin trong các nghĩa trang liệt sỹ; xây dựng phần mềm quản lý và cơ sở dữ liệu thông tin liệt sỹ, thân nhân liệt sỹ, mộ liệt sỹ và nghĩa trang liệt sỹ; cổng thông tin điện tử về mộ liệt sỹ, nghĩa trang liệt sỹ…
Tri ân bằng những việc làm cụ thể, thiết thực
Đã 75 năm kể từ Ngày Thương binh-Liệt sỹ 27/7 lần đầu tiên được phát động, cả nước vẫn một lòng hướng về thương binh, liệt sỹ với lòng biết ơn sâu sắc. Sự đóng góp của cộng đồng đã trở thành nguồn lực không thể thiếu trong thực hiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi người có công. Khắp mọi nơi, hành trình tri đã trở thành thành hoạt động mà Nhà nước và người dân cùng chung tay thực hiện với một mục tiêu chung là chăm sóc tốt hơn, chu đáo hơn cho đời sống người có công.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn,” “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc Việt Nam và ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt 75 năm qua, nhất là trong hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới gần đây, Đảng và Nhà nước đã luôn luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa đối với thương binh, liệt sĩ, những người có công với cách mạng. Nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ưu đãi đối với người có công đã được ban hành; đối tượng hưởng chính sách ưu đãi được mở rộng, các chế độ ưu đãi từng bước được bổ sung, hoàn thiện, thể hiện sự trân trọng, biết ơn, chăm lo của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Vĩnh Hưng (Long An) là một trong những địa phương làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng một lần nữa đặt rõ mục tiêu: “Tiếp tục cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công; bảo đảm chế độ ưu đãi người và gia đình người có công phù hợp với xu hướng tăng trưởng kinh tế, tiến bộ và công bằng xã hội.”
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn và đề nghị các địa phương, các cơ quan, đơn vị cũng như mỗi cá nhân bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, với ý thức trách nhiệm cao hãy chủ động, sáng tạo triển khai nhiều hoạt động thiết thực hơn nữa, coi đó là bổn phận, trách nhiệm và cũng là tình cảm để tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
“Tất cả mọi người chúng ta hãy luôn luôn ghi nhớ và tâm niệm sống, chiến đấu, lao động, học tập và làm việc sao cho xứng đáng với những người đã khuất, đã hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân!” Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Vẫn còn những khắc khoải, đợi chờ…
Chiến tranh đã lùi xa nhưng hậu quả nó để lại vẫn còn đó. Không ít những người có công đã mất giấy tờ nên không thể hoàn thiện hồ sơ xác nhận người có công. Trong hàng triệu những người đã hy sinh, để lại một phần thân thể nơi chiến trường, có những người chưa được biết tên, chưa được công nhận là thương binh, liệt sỹ.
Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết do chiến tranh đã lùi xa, hầu hết các đơn vị, cá nhân không còn lưu giữ hồ sơ, giấy tờ gốc, những người giao nhiệm vụ và những người làm chứng không còn… Nhiều trường hợp hy sinh mấy chục năm, gia đình và người thân vẫn thầm mong, khắc khoải đợi chờ người cha, người chồng và người con của mình được vinh danh.
Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng ở Quảng Nam.
Từ tấm lòng biết ơn và trăn trở day dứt của các thế hệ sau đối với anh linh các anh hùng liệt sỹ, với phương châm “không để bất cứ người có công nào không được hưởng chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước và sự chăm lo của Nhân dân,” Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã tập trung rà soát, xem xét trên 7.000 hồ sơ tồn đọng, trình Lãnh đạo Đảng, Nhà nước cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với trên 2.400 liệt sỹ, trên 2.700 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh. Đối với những hồ sơ không đủ điều kiện cũng đã kết luận và giải thích cho đối tượng và nhìn chung nhận được sự ủng hộ của Nhân dân.
Trong số các liệt sỹ được xác nhận 5 năm qua, phần lớn hy sinh trên 50 năm, nhiều trường hợp hy sinh trên 80 năm. Những năm tháng đó là quãng thời gian đằng đẵng nỗi nhớ khắc khoải, chờ mong của thân nhân và gia đình, với tia hy vọng mong manh rằng người ông, người bà, cha mẹ con của mình được công nhận liệt sỹ.
“Đó là nỗi xót thương khi tiễn cha, anh lên đường nhưng chưa một lần gặp lại. Đó là nỗi niềm đau đáu trong tâm can khi gia đình chưa được đón nhận tấm Bằng Tổ quốc ghi công khắc ghi tên người thân của mình. Đợi chờ, hy vọng, thất vọng, rồi lại đợi chờ, mong mỏi và cuối cùng được đón nhận tình cảm vỡ oà trong nước mắt của hơn 2.400 liệt sỹ,” Bộ trưởng Đào Ngọc Dung xúc động.
Ông Dung khẳng định cần tiếp tục đẩy nhanh việc xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin, tu bổ nghĩa trang liệt sỹ để đáp ứng nhu cầu của gia đình trong việc tìm kiếm thân nhân, thăm viếng một liệt sỹ cũng như tạo thuận lợi hơn trong công tác quản lý cơ sở dữ liệu liệt sỹ.