7 thói quen lành mạnh cho cuộc sống khỏe mạnh hơn – Viện Nghiên cứu và Đào tạo Y Dược An Sinh – An Sinh Institute for Research and Training of Medicine and Pharmacology.
Hầu hết mọi người đều mong muốn có một cuộc sống viên mãn, hạnh phúc, khỏe mạnh và thành công. Không có con đường tắt cho cuộc sống đáng mong ước ấy. Để có một cơ thể khỏe mạnh toàn diện cả về thể chất và tinh thần cũng cần sự nỗ lực ở bạn. Và mọi sự nỗ lực đều có thành quả xứng đáng.
Thiết lập những thói quen lành mạnh và khoa học sẽ giúp bạn cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc hơn.
7 thói quen lành mạnh phổ biến mà bất kỳ ai cũng có thể áp dụng vào cuộc sống hàng ngày mình:
(1) Tích cực hoạt động thể chất và luyện tập thể dục thể thao
Theo Viện Ung thư quốc gia Mỹ, tập thể dục thường xuyên giúp bạn kiểm soát cân nặng, duy trì cơ xương khớp dẻo dai, giảm nguy cơ huyết áp cao, bệnh lý tim mạch và tiểu đường. Thống kê tại Mỹ cho thấy có khoảng 260.000 trường hợp tử vong mỗi năm nguyên do là thiếu hoạt động thể chất.
Các chuyên gia khuyến cáo, bạn nên dành 30 phút mỗi ngày và 5 đến 6 lần một tuần cho hoạt động thể chất. Bạn không nhất thiết phải đến phòng tập, chỉ cần tập những bài tập thật đơn giản như đi bộ nhanh, leo cầu thang, đi dạo trong lúc giải lao… cũng giúp bạn cải thiện đáng kể sức khỏe của mình.
(2) Bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày
Nhiều nghiên cứu cho thấy những người ăn sáng có xu hướng hấp thụ nhiều vitamin và khoáng chất, ít hấp thụ lượng chất béo và cholesterol hơn. Đặc biệt, bữa sáng có nhiều chất xơ và protein giúp bạn cảm thấy no và tràn đầy năng lượng. Thực phẩm nhiều chất xơ và protein thường có trong ngũ cốc nguyên hạt, bánh mì, sữa ít béo, trái cây và sữa chua.
(3) Thực hành ăn uống lành mạnh suốt cả ngày
Thói quen này khuyến khích bạn ăn nhiều trái cây và các loại đậu, tránh các thức uống có đường và thức ăn nhanh. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến nghị, bạn nên ăn 2 bữa cá trong một tuần. Ngoài việc cung cấp một nguồn protein phong phú, các loại cá béo (cá thu, cà hồi, cá trích, cá ngừ…) có axít béo Omega-3 làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
Lời khuyên tốt nhất cho sức khỏe là hãy ăn nhiều loại trái cây và rau củ quả giàu vitamin, khoáng chất, đặc biệt là rau lá xanh và hạn chế thực phẩm có hàm lượng calo cao, nhiều lượng đường và chất béo.
Nhai kỹ khi ăn sẽ giúp bạn tiêu hóa dễ dàng. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nhai chậm làm giảm khoảng 10% lượng calo nạp vào cơ thể. Khi no, dạ dày cũng cần khoảng thời gian 20 phút để truyền tín hiệu đến não.
Có một lưu ý về chất ngọt nhân tạo. Theo một nghiên cứu được thực hiện trong khoảng thời gian 10 năm tại Đại học Manitoba và được công bố trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Canada cho thấy, chất ngọt nhân tạo có thể liên quan đến việc tăng nguy cơ béo phì, tăng cân không kiểm soát, tiểu đường, huyết áp cao và bệnh tim.
(4) Uống đủ nước mỗi ngày
Nước đóng vai trò quan trọng trong cơ thể. Mọi tế bào, mô và các cơ quan trong cơ thể đều cần nước. Theo khuyến cáo chung, bạn nên uống khoảng 8 ly nước, tương đương với khoảng 2 lít nước mỗi ngày. Thực tế, nhu cầu nước ở mỗi người khác nhau, phụ thuộc vào các yếu tố: thể trọng, cường độ vận động, môi trường làm việc, thời tiết và đặc biệt là phụ nữ mang thai thì cần lượng nước nhiều hơn.
Thói quen uống nước lành mạnh là uống ngay cả khi bạn không cảm thấy khát để bù đáp cho quá trình bài tiết làm mất nước và đảm bảo sự cân bằng cho các chức năng hoạt động của cơ thể, điều hòa thân nhiệt và cải thiện chức năng tim mạch.
(5) Đừng bỏ qua việc chăm sóc sức khỏe bản thân
Yêu bản thân cũng cần có nghệ thuật. Khi yêu bản thân đủ nhiều, bạn sẽ nhận ra việc chăm sóc sức khỏe bản thân bằng kiểm tra sức khỏe thường xuyên theo định kỳ có ý nghĩa quan trọng thế nào để duy trì và phát triển một cơ thể khỏe mạnh toàn diện cả về thể chất và tinh thần.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, bạn nên đi kiểm tra sức khỏe trong khoảng thời gian từ 6 tháng đến 1 năm. Đó là khoảng thời gian lý tưởng để bạn điều chỉnh lại nhịp sống, sinh hoạt, phương pháp làm việc… nếu cần thiết.
Kiểm tra sức khỏe không những giúp bạn yên tâm khi hiểu rõ về tình trạng sức khỏe hiện tại của bản thân mà còn tiết kiệm được thời gian, chi phí và nếu phải điều trị thì kết quả điều trị cũng đạt hiệu quả cao hơn.
(6) Đảm bảo chất lượng giấc ngủ mỗi đêm
Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe. Khi ngủ, não bộ sẽ giải phóng những năng lượng tiêu cực trong suốt một ngày làm việc và khôi phục mạng lưới thần kinh để chúng có thể hoạt động tích cực trở lại khi bạn thức dậy.
Mất ngủ thường xuyên trong một thời gian dài còn ảnh hưởng đến não bộ, làm cơ thể bạn mệt mỏi, thiếu tập trung và giảm trí nhớ. Nghiên cứu cho thấy các tế bào thần kinh hoạt động mạnh hơn khi bạn mất ngủ và trầm trọng hơn có thể dẫn đến bệnh Alzheimer và các rối loạn chức năng não khác.
Hãy duy trì thói quen ngủ đủ từ 7 đến 9 tiếng mỗi ngày. Nếu gặp phải tình trạng khó ngủ, bạn nên dành thời gian thư giãn trước khi ngủ sẽ giúp bạn dễ đi vào giấc ngủ và ngủ ngon hơn. Hạn chế đặt các thiết bị như tivi, máy tính xách tay, điện thoại di động và các thiết bị khác trong phòng ngủ.
(7) Cho bản thân cơ hội có được những trải nghiệm mới mẻ
Sẽ có lúc bạn cảm thấy như thiếu động lực nếu chỉ làm những công việc giống nhau ngày này qua ngày khác. Để giữ cho cơ thể và tâm trí luôn khỏe mạnh, linh hoạt và tràn đầy năng lượng tích cực, đừng ngại cho bản thân cơ hội được trải nghiệm với những điều mới mẻ để đánh thức những khả năng tiềm ẩn trong bạn. Nhớ là một chuyên gia cũng đã từng là một nhân viên tập sự.
Mỗi người sẽ có mục tiêu và động lực sống khác nhau, không ai giống ai cả. Bạn đừng quá khắt khe với bản thân. Bạn cũng không cần phải quá khẩn trương, cho phép mình nghỉ ngơi khi cảm thấy mệt mỏi… Qua thời gian, bạn sẽ khám phá nhiều điều thú vị về năng lực của bản thân. Đi chậm lại nhưng không có nghĩa là dừng lại, nhé!
Bệnh viện An Sinh (Nguồn tham khảo: Living Magazine)