7 thái độ dẫn đến thành công trong công việc
Từ trước tới nay các nhà tuyển dụng luôn ưu tiên thái độ hơn so với các yếu tố khác. Vậy thái độ là gì mà nó lại quan trọng như vậy?
Thái độ là một trạng thái cảm xúc được thể hiện thành hành vi của con người. Thông qua các hành vi về mặt cử chỉ, lời nói, hành động, cử chỉ và nét mặt; họ thực hiện việc phát biểu, nhật xét và đánh giá, cũng như phản ứng với thế giới xung quanh.
Những thái độ nào sẽ dẫn đến con đường thành công trong công việc? Chúng ta cùng nhau tìm hiểu 7 thái độ áp dụng trong phạm vi công việc mà nếu sở hữu một hoặc tất cả bạn có cơ hội thành công hơn so với những người khác rất nhiều. Hầu hết trong số đó cũng đúng nếu áp dụng vào cuộc sống gia đình.
1. Thái độ kỷ luật
Kỷ luật là một trong những thái độ quan trọng bậc nhất mà bạn cần có. Bạn muốn thành công nhất định cần có thái độ kỷ luật tốt. Kỷ luật không chỉ là việc chấp hành nghiêm ngặt các quy định của cơ quan và tổ chức. Kỷ luật với chính bản thân mình quyết định việc thành công hay thất bại của bạn trong tương lai.
Kỷ luật giúp điều chỉnh hành vi, tuy nhiên cách bạn tự đưa ra những khuôn phép yêu cần buộc bản thân hành xử đúng nó lại là hành vi thuộc về thái độ. Cách bạn hành xử đúng chuẩn sẽ có tác động tích cực. Nó hoàn toàn khác với sử dụng thủ đoạn, để chấp hành quy định.
Luôn làm việc có kế hoạch: Xây dựng thói quen lập kế hoạch sẽ giúp bạn luôn ý thức được mục tiêu mình muốn đạt được khi làm bất cứ việc gì và có phương án dự phòng cho những vấn đề phát sinh. Từ việc lựa chọn mô hình khởi nghiệp nào, học gì để phát triển bản thân, cho đến những việc thường nhật như ăn uống như thế nào để giữ gìn sức khoẻ, tập luyện ra sao để nâng cao sức khỏe… đều cần phải có kế hoạch.
Tuân thủ theo đúng kế hoạch: Rất nhiều người lập kế hoạch, có lịch công tác rõ ràng, nhưng lại thiếu sự kiểm soát khi thực hiện. Kết quả là kế hoạch chỉ trên giấy và không được hiện thực hoá. Làm việc theo đúng kế hoạch chính là thể hiện tinh thần tự tin và tự trọng.
Luôn đúng giờ bằng cách sớm hơn: Đi làm đúng giờ, tốt nhất là hãy chủ động để phòng tránh rủi ro kẹt xe, tắc đường. Đúng giờ sẽ mang lại cho bạn lợi nhiều hơn hại đấy. Đi họp lại càng phải đúng giờ hơn nữa, vì đó là thể hiện sự tôn trọng đối với đối tác của mình. Tốt nhất nên đến sớm 15 phút để có thời gian chuẩn bị trước cho cuộc họp.
Quản lý tốt thời gian của bản thân: Trong giờ làm việc chỉ tập trung vào công việc, không mất thời gian cho những việc riêng tư (điện thoại, chat, chơi game, facebook, mua hàng trên mạng…). Thời gian nghỉ giải lao từ 5 đến 10 phút sau mỗi nhiệm vụ, cho mắt và cơ thể được thư giãn, nghỉ ngơi, phục hồi năng lượng.
Người có kỷ luật tốt sẽ giúp đưa đội nhóm đi đúng hướng. Kỷ luật tạo ra sự chính xác và nhất quán trong quy trình quản lý. Người tôn trọng kỷ luận có khả năng tập trung vào công việc, tạo dựng được uy tín với những người xung quanh.
2. Thái độ ham học hỏi
Học là để bổ sung năng lượng kiến thức cho chính mình. Thành công lại là kết quả của một quá trình học tập. Đặc biệt là trong thời đại tri thức kinh tế, chu kỳ đổi mới tri thức ngày càng ngắn hơn và kiến thức lỗi thời được xem là vật bỏ đi. Chỉ bằng cách không ngừng học hỏi chúng ta mới có thể tích lũy được nhiều năng lượng và thích nghi với sự phát triển của xã hội để tồn tại.
Tinh thần học hỏi, hay Thái độ ham học luôn được đánh giá cao. Người ham học hỏi có tính tự giác cao, nên nó được xếp vào 1 phần của thái độ. Ham học hỏi giúp bạn có được kiến thức và kĩ năng tốt. Học là con đường giúp bạn tiến đến thành công nhanh nhất.
Hãy cố gắng biến việc học hỏi trở thành chủ động và thường xuyên. Người có thái độ ham học hỏi sẽ luôn được yêu quý và tôn trọng. Hầu hết các đơn vị luôn muốn có được người ham học hỏi. Vì người ham học hỏi có khả năng thích nghi cao giúp giải quyết công việc khó khăn thử thách.
Nên nhớ rằng kiến thức nền quyết định thái độ. Thái độ tốt, tiêu cực hay tích cực phụ thuộc hoàn toàn vào kiến thức của bạn. Chính vì vậy hãy đưa việc ham học hỏi lên hàng đầu trong việc rèn luyện thái độ tốt.
Thái độ ham học hỏi giúp hình thành các kỹ năng, kiến thức còn thiếu rất nhanh. Do vậy một nhà tuyển dụng sẵn sàng tuyển một người chưa có kinh nghiệm gì vào làm nếu anh ta có khả năng học hỏi. Hầu hết các công việc trong công ty có tính lặp đi lặp lại cao và chỉ cần một thời gian vài tháng cũng quá đủ cho người ham học hỏi nắm bắt lấy.
Thái độ ham học hỏi giống như động cơ để đẩy toàn bộ các thái độ, kiến thức, kỹ năng khác giúp cho con người tiến về phía trước. Nếu không có thái độ này chúng ta sẽ đứng yên mọi chỗ về mọi mặt, chỉ tiến lên khi bị ép buộc.
3. Thái độ lạc quan
Thái độ sống tích cực, tư duy tích cực,…. chung quy đó là sự lạc quan. Một người lạc quan thể hiện trạng thái bên ngoài là sự vui vẻ chiếm phần lớn, ít dành thời gian cho than vãn, luôn thấy mặt tốt của bất cứ vấn đề nào, luôn tin vào thành công vào một ngày nào đó.
Để nuôi dưỡng thái độ tích cực, Elizabeth R. Lombardo, một nhà tâm lý học đồng thời là tác giả cuốn “hành động để được vui vẻ” đưa ra những gợi ý sau:
Nghĩ đến những điều tốt đẹp: Hiện nay, nhiều ứng viên có xu hướng chú ý vào mặt trái của xã hội cũng như những gì chúng ta không thích trong công việc, điểm yếu người khác phải thay đổi, hạn chế của bản thân… Thế nhưng, để duy trì lòng tin, tinh thần lạc quan, bạn nên quan tâm đến những điều tốt đẹp, những gì bạn thích ở người khác hay ưu điểm của mình để phát huy. Từ đó, bạn sẽ xây dựng cho mình thái độ tích cực khi nhìn nhận về mọi vấn đề của cuộc sống.
Xác định mục đích rõ ràng: Nghiên cứu cho thấy khi con người xác định được mục đích tốt đẹp và cảm thấy công việc họ đang làm là có ý nghĩa, họ sẽ thấy tin tưởng, yêu đời hơn. Vì thế, bạn hãy suy nghĩ về những điều tốt mà công việc mang đến. – Tạo lập sự đoàn kết: cư xử tốt với đồng nghiệp, ăn trưa cùng nhau và tham gia các buổi sinh hoạt của công ty để tạo nên sự đoàn kết. Nếu có điều kiện, bạn hãy tham gia thành lập các nhóm tình nguyện để giúp đỡ những người kém may mắn. Điều đó sẽ giúp chúng ta tích cực hơn và có thêm động lực để phấn đấu trong cuộc sống.
Hòa nhã với mọi người: Một cách nữa để tạo dựng thái độ tích cực là duy trì sự hòa nhã trong mọi tình huống. Khi bạn rơi vào tình huống khó khăn nhất, thay vì cáu gắt, quát mắng mọi người, bạn nên cố gắng giữ bình tĩnh. Đồng nghiệp có thể thấy ngạc nhiên khi bạn không trách móc hay tỏ ra tức giận khi họ mắc lỗi. Tuy nhiên, về lâu về dài họ sẽ đánh giá cao thái độ của bạn, họ luôn thầm biết ơn bạn và cố gắng làm tốt mọi việc được giao để bạn không phải bận lòng.
4. Thái độ hợp tác tốt
Dân gian ta có câu “một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Khi làm bất kỳ một việc gì lớn nhỏ cũng cần phải có sự hợp tác. Nhất là trong kinh doanh, hợp tác kinh doanh làm tăng “lợi thế cạnh tranh”. Lợi ích trực tiếp của việc hợp tác kinh doanh bao gồm lợi thế cạnh tranh lớn hơn thông qua hợp tác và thậm chí là cơ hội tốt hơn về doanh thu, nghề nghiệp và đầu tư trong lĩnh vực ứng dụng.
5. Thái độ khiêm tốn
Con người ai cũng có nhược điểm và ưu điểm, nhưng quan trọng là bớt cái tôi của mình lại, phát huy những điểm mạnh. Khiêm tốn giúp con người ta nhanh tiến bộ hơn, kiêu ngạo làm con người ta lạc hậu. Có một câu nói: khiêm tốn là thành tựu lớn nhất của nhân loại. Khiêm tốn luôn khiến bạn nhận được sự tôn trọng từ người khác, giúp bạn tạo nên nhiều mối quan hệ hơn trong kinh doanh, dễ dàng dẫn lối đến thành công.
Khiêm tốn là cảm giác hoặc thái độ mà bạn không cho rằng mình có tầm quan trọng đặc biệt khiến bạn giỏi hơn người khác. Thoạt nhìn, sự khiêm tốn có vẻ như là một phẩm chất tiêu cực, gần giống như là dấu hiệu của sự yếu đuối. Tuy nhiên, trong thực tế khiêm tốn là đặc điểm sẽ giúp bạn thành công trong cuộc sống và công việc, dù là ở vị trí của một nhân viên hay một nhà quản lý.
Không có sự khiêm tốn, chúng ta không thể học các kỹ năng mới. Nhà quản lý khiêm tốn thừa nhận rằng họ không có tất cả các kỹ năng và bí quyết để thực hiện tất cả các nhiệm vụ một mình. Bằng cách mở lòng với các thành viên trong nhóm và học hỏi từ những người khác và thừa nhận sai lầm, các nhà quản lý khiêm tốn có thể chứng minh việc học tập không ngừng là trọng tâm của tất cả nhân viên cho dù họ ngồi ở đâu trên nấc thang công ty.
6. Thái độ đón nhận sự thất bại
Để đi đến thành công thì người ta phải trải qua muôn vàn khó khăn gian khó và không phải ai cũng làm một lần rồi sẽ vươn được tới thành công. Trên đường đi đến thành công ắt hẳn sẽ có những thất bại, nhưng quan trọng là bạn hãy mạnh mẽ nhìn nhận thất bại để bắt đầu làm lại từ đầu một cách quyết tâm hơn, chỉ có như thế mới sớm vươn đến thành công, như ở đâu đó bạn đã từng nghe: “Mũi tên chỉ được bắn về phía trước sau khi bị kéo ngược ra sau. Vậy nên, khi cuộc sống kéo bạn về phía sau, hãy bản lĩnh nắm lấy cơ hội tiến lên phía trước”.
7. Thái độ biết cảm ơn
Thành công đến với chúng ta một phần là nhờ vào năng lực của chúng ta, phần nữa là nhờ vào sự giúp đỡ của mọi người, phần còn lại dựa vào vận may. Tất cả những người thành công đều biết ơn những gì đã góp phần tạo nên thành công của họ. Không có thái độ biết ơn, ơn trên sẽ không che chở bạn. Không có thái độ biết ơn sẽ không ai còn muốn giúp bạn nữa. Chúng ta phải có một tâm thái biết ơn dành cho những người đã giúp chúng ta, thì sau đó chúng ta mới có thể tiếp tục nhận được nhiều sự giúp đỡ hơn nữa, thành công hơn nữa.
Thái độ là yếu tố quyết định tất cả. Mỗi người đều có quyền nắm giữ và kiểm soát một thái độ sống cho riêng bản thân. Nó là yếu tố còn quan trọng hơn cả học thức, ngoại hình và tiền bạc. Chính thái độ sẽ quyết định bạn được mọi người yêu quý hay ghen ghét, xem thường. Nó là yếu tố kéo mọi người lại gần bạn hay đẩy họ ra xa bạn.
Bên cạnh đó, thái độ còn quan trọng hơn cả những kĩ năng cần thiết để đạt được thành công. John D. Rockefeller từng nói: “Tôi đánh giá cao người vừa có năng lực vừa có thái độ hợp tác tốt với mọi người hơn bất kỳ khả năng vượt trội nào khác mà họ sở hữu”. Giữ cho mình một thái độ đúng đắn cũng có nghĩa bạn đang phát huy một cách cao nhất tài sản quý báu của mình.
Tác giả: Phạm Thị Ngọc Thùy
TT Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp