7 phong tục ngày Tết đẹp của người Việt Nam
Tết Nguyên Đán vốn là một ngày lễ cổ truyền của người Việt Nam, là thời khắc mọi người sum họp, quây quần bên nhau sau một năm làm việc vất vả. Bên cạnh đó, các phong tục truyền thống trong dịp Tết đến xuân về cũng vô cùng độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc. Hãy cùng Hồng Lam tìm hiểu 7 phong tục tập quán của các gia đình Việt Nam trong những ngày xuân sang nhé!
Nội Dung Chính
1. Phong tục ngày Tết: Thăm viếng mộ phần
Trong những ngày cuối cùng của năm cũ, người Việt thường đi thăm viếng mộ phần của tổ tiên và người thân để bày tỏ lòng kính trọng đối với đấng sinh thành hay những người đã khuất. Đây cũng được coi là một nét văn hoá truyền thống và là một hoạt động đầy ý nghĩa để con cháu mời người thân về cùng chung vui ngày Tết. Qua hàng trăm, hàng nghìn năm, phong tục ngày Tết này vẫn được các gia đình Việt gìn giữ và làm theo.
2. Phong tục ngày Tết: Cúng lễ Tất Niên
Cúng lễ Tất Niên là phong tục ngày Tết mà không gia đình Việt Nam nào không thực hiện. Mâm cơm cúng vào chiều 30 Tết bao gồm nhiều món ăn truyền thống để mời các vị thần linh về đón Tết. Đó cũng là dịp các thành viên trong gia đình dù ở xa hay gần cũng luôn cố gắng để trở về tụ họp. Theo quan niệm của người xưa, lễ cúng có thể loại bỏ những điều kém tốt đẹp của năm vừa qua. Các gia đình cũng cầu mong một năm mới thuận lợi và bình an.
3. Phong tục ngày Tết: Đón giao thừa
Giao thừa là thời điểm vô cùng đặc biệt, quan trọng trong năm và đón giao thừa là phong tục ngày Tết không thể thiếu. Đây là thời điểm chuyển giao giữa năm mới và năm cũ, là thời gian quan trọng khi đất trời giao hòa. Lễ cúng giao thừa còn được gọi là lễ trừ tịch diễn ra vào phút cuối cùng của năm với ý nghĩa xua đuổi tà khí, ma quỷ, mọi điều xấu xa trong năm cũ đi và rước nhiều may mắn thành công đến cho năm mới.
4. Phong tục ngày Tết: Hái lộc đầu xuân
Đây là một phong tục ngày Tết truyền thống đẹp đẽ trong những thời khắc đón chào năm mới của mọi người Việt. Vào đêm giao thừa hoặc sáng sớm mùng một Tết, mọi người thường đến đình chùa xin lộc, xin được ban ơn và cầu phúc cầu tài cho bản thân và gia đình.
5. Phong tục ngày Tết: Xông đất đầu năm
Theo quan niệm của người Việt, người nào bước vào nhà đầu tiên chính là người xông đất, có thể quyết định cả một năm may mắn. Phong tục ngày Tết này được bắt đầu tính khi đã bước qua thời khắc giao thừa hoặc vào sáng sớm mùng 1.Người xông đất thường là những người quen với gia đình, có tính khí ôn hòa, vui vẻ, rộng rãi. Đặc biệt, người xông đất phải là người có tuổi “tam hợp” với chủ nhà, đặc biệt tránh tuổi “tứ hành xung”.
6. Phong tục ngày Tết: Chúc Tết và mừng tuổi
Tết đến là dịp để các gia đình, họ hàng, bạn bè đi thăm nhau và dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Đây cũng là dịp những người trong gia đình, họ hàng, hàng xóm có dịp ghé chơi, thăm hỏi và gắn kết nhau hơn. Khi đi chúc Tết, ai cũng sẽ mang phong bao lì xì dành tặng những đứa trẻ và người già trong gia đình.
7. Phong tục ngày Tết: Đi lễ chùa
Đi lễ chùa đầu năm là một phong tục ngày Tết đẹp và một hoạt động gắn liền với đạo Phật đã trở thành nét đẹp văn hóa được duy trì ở nhiều gia đình Việt Nam. Nhiều gia đình có thói quen đi lễ chùa đầu năm để cầu xin một năm mới hạnh phúc và may mắn. Đó cũng là cách để bày tỏ cái tâm, cái thiện trong lòng.