7 món ăn độc đáo nên trải nghiệm khi du lịch Tây Bắc

Mai Anh

  –  

Thứ sáu, 16/12/2022 14:36 (GMT+7)

Không chỉ hấp dẫn du khách bởi thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ, vùng núi Tây Bắc còn có nhiều món đặc sản độc đáo mà bạn nên nếm thử một lần trong đời.

Thịt trâu gác bếp

Thịt trâu gác bếp là món đặc sản trứ danh của người dân tộc Thái vùng Tây Bắc. Thịt trâu được làm sạch, tẩm ướp gia vị như hạt dổi, ớt khô, mắc khén rồi mang đi gác trên bếp để hun khói củi ít nhất 2 tháng. Sau 2 tháng khối thịt đặc lại và thấm hết gia vị vào bên trong. 

Khi thưởng thức, thực khách ăn đến đâu thì xé thịt trâu đến đó. Hương vị ngọt bùi của thịt xen lẫn vị thơm, cay cay của gia vị sẽ khiến bạn khó có thể cưỡng lại món ăn này. Thịt trâu gác bếp cũng là đặc sản được nhiều du khách mua về làm quà mỗi khi có dịp ghé thăm Tây Bắc.

Thắng cố

Thắng cố ngựa. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Lào CaiThắng cố ngựa. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Lào Cai

Thắng cố hay còn gọi là khấu tha hay thảng cố, là món ăn truyền thống của người H’mông, có nguồn gốc từ vùng núi Hà Giang và dần được ưa chuộng bởi các dân tộc thiểu số khác ở vùng núi phía Bắc. 

Trước đây, thịt nấu thắng cố thường là thịt ngựa. Nhưng về sau, để hợp với khẩu vị của người dưới xuôi, người dân đã biến tấu từ thịt ngựa thành thịt trâu, bò và lợn. Một nồi thắng cố gồm lòng, tim, gan, tiết, thịt, xương và 12 thứ gia vị như thảo quả, quế chi, sả, gừng, đặc biệt cây thắng cố là gia vị không thể thiếu.

Khi ăn, người ta sẽ múc nước dùng ra nồi lẩu, thái thịt ngựa thả vào, cho thêm các loại rau nhúng như cải mèo, ngồng su hào…

Lợn cắp nách

Lợn cắp nách là món đặc sản ngon nổi tiếng của Tây Bắc. Đây là giống lợn được lai giữa lợn rừng và lợn Mường Chúng, cân nặng chỉ từ 10-15kg, được nuôi theo kiểu thả rông. Vì sống trong môi trường tự nhiên nên thịt lợn rất chắc và nhiều nạc. 

Sở dĩ gọi là thịt lợn cắp nách, vì những con lợn này được người dân cắp nách để mang ra chợ bán. Món thịt này dù luộc, nướng hay chế biến kiểu gì cũng đều rất thơm ngon.

Cơm lam

Nguồn gốc cơm lam giản dị, xuất phát từ những lần đi rừng của người miền núi xưa. Với ít gạo mang đi cùng, họ chọn lấy những cây nứa non trong rừng, chặt lấy một dóng lưng ở phần thân nứa, cho cơm vào để nấu.

Ngày nay, cơm lam là món ăn phổ biến, được du khách ưa chuộng khi đến vùng Tây Bắc. Gạo để nấu cơm lam nhất thiết phải là thứ gạo nương được trồng trên những thửa ruộng bậc thang, bởi gạo trồng dưới xuôi khi nấu trong ống tre sẽ bị nát. Gạo nương tuy là gạo tẻ nhưng lại dẻo và thơm không kém gì gạo nếp.

Xôi ngũ sắc

Xôi ngũ sắc. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Yên BáiXôi ngũ sắc. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Yên Bái

Nếu có dịp ghé thăm Tây Bắc, bạn chắc chắn sẽ ấn tượng với màu sắc bắt mắt của món xôi ngũ sắc. Tên gọi này xuất phát từ 5 màu chủ đạo trong món xôi bao gồm trắng, tím, xanh, vàng và đỏ. Theo quan niệm của người dân tộc Tây Bắc, hình ảnh xôi ngũ sắc tượng trưng cho “ngũ hành” và những điều may mắn, tốt lành.

Nguyên liệu dùng để làm ra món xôi ngũ sắc bao gồm gạo nếp thơm và các loại lá cây rừng. Công dụng của những lá cây này là để nhuộm màu cho xôi. Những ai có cơ hội được thưởng thức xôi ngũ sắc Tây Bắc sẽ không thể quên được mùi thơm đặc biệt của các loại lá cây tạo màu cho xôi và gạo nếp dẻo ngậy.

Khâu nhục

Khâu nhục còn có tên gọi khác là nằm khâu. Đây là món ăn truyền thống của người dân xứ Lạng và được coi là món ăn “sang trọng” của người Nùng. Vì được chế biến khá cầu kỳ, phức tạp nên trước kia khâu nhục chỉ được nấu trong các ngày lễ tết.

Nguyên liệu để làm khâu nhục là thịt ba chỉ, tẩm ướp cùng húng lìu, ngũ vị hương, rượu, mật ong và địa liền. Đặc biệt, khâu nhục được hấp cách thủy nên hương vị rất đậm đà, thịt mềm, tan chảy trong miệng.

Nậm pịa

Nậm pịa. Ảnh: Cổng thông tin du lịch Mộc ChâuNậm pịa. Ảnh: Cổng thông tin du lịch Mộc Châu

Nậm pịa là món ăn truyền thống của người Thái. Đây cũng là một trong những đặc sản nổi tiếng của vùng Tây Bắc, được nhiều người tìm đến khám phá. Tuy nhiên, không phải ai cũng ăn được món ăn độc lạ này.

Được chế biến từ lòng, dịch ruột non của động vật được nấu nhừ, nậm pịa mang vị cay nhẹ, hơi mặn và đắng ban đầu. Tuy nhiên, khi nuốt xuống sẽ cảm nhận được vị ngọt ở cuống họng.