7+ loại hoa cúng bàn thờ gia tiên mang may mắn, tài lộc cho gia chủ. – Bàn Thờ Nhất Tâm
Trên bàn thờ gia tiên vào mỗi ngày rằm, lễ Tết, bên cạnh mâm cỗ, chén trà, những bình hoa thơm gần như không thể thiếu. Dâng hoa cúng có nhiều ý nghĩa thiêng liêng đặc biệt, bày tỏ được lòng thành của con cháu đối với các bậc Thần Linh và ông bà Tổ Tiên.
Tuy nhiên, không phải loại hoa nào cũng được sử dụng để bày biện và cúng báo trên bàn thờ Gia Tiên. Hôm nay, bàn thờ Nhất Tâm sẽ nêu rõ cho quý vị top 7 loại hoa cúng trên bàn thờ Gia Tiên để mang lại nhiều may mắn và tài lộc đến cho gia đình.
1. Ý nghĩa của việc dâng hoa cúng
Dâng hoa cúng có ý nghĩa dâng những điều thiện lành, tốt đẹp đã làm được trong cuộc sống, như là những đóa hoa tươi thắm, thơm tho dâng cúng chư Phật, thánh, gia tiên, là hành động thành kính, bày tỏ tâm biết ơn dù giá trị vật chất không nhiều.
Cúng hoa là thể hiện cho việc tu nhân. Nếu cúng hoa đẹp sẽ hái được quả ngon, mỗi khi thấy hoa là nhớ đến việc tu nhân thiện để tương lai mới nhận được quả báo thiện.
Dâng hoa cúng có ý nghĩa dâng những điều thiện lành, tốt đẹp đã làm được trong cuộc sống.
Hoa dâng cúng nên chọn hoa thơm, tên đẹp, tính chất hoa đẹp.
2. Top 7 loại hoa cúng bàn thờ gia tiên
Có thể nói, mỗi loài hoa đều có những đặc trưng và ý nghĩa khác nhau, song cũng có những loại hoa không nên dâng bàn thờ. Hãy cùng tìm hiểu 7 loại được người dân Việt Nam dùng để thờ cúng trên bàn thờ Gia Tiên nhé!
2.1 Hoa cúc vàng – Biểu tượng cho sự may mắn.
Có thể nói, hoa cúc vàng là loài hoa phổ biến nhất, được sử dụng rộng rãi nhất để chưng, cúng bàn thờ từ xưa đến nay.
Hoa cúc có rất nhiều màu, mỗi màu mang một ý nghĩa biểu tượng riêng. Tuy nhiên, hoa cúc vàng lại được đặc biệt yêu thích vì thể hiện được tấm lòng hiếu thảo của con cháu dành cho cha mẹ, ông bà, là biểu tượng của sự sống, sự thịnh vượng trường tồn, phúc lộc, là đại diện của sự đoàn viên, hạnh phúc, ấm no, may mắn,…
Ngoài ra, hoa cúc còn biểu tượng cho các phẩm chất cao đẹp khác như trung, tín, hiếu, nghĩa. Bởi lẽ, không giống bất kỳ loài hoa nào khác, hoa cúc vàng bất kể là khi nở rộ hay úa tàn thì cánh hoa vẫn không rụng xuống đất, lá vẫn không rời cành.
Vì đẹp, vừa thơm, vừa mang ý nghĩa biểu tượng tốt đẹp, hoa cúc vàng xứng đáng là sự lựa chọn hàng đầu trong các loại hoa dùng để cúng bàn thờ, nhất là vào các dịp Lễ Tết, tạo không khí vừa vui vẻ mà vẫn trang nghiêm.
Ngoài màu vàng, cúc còn có nhiều màu sắc, chủng loại để cho mọi người có thể dễ dàng lựa chọn.
2.2 Hoa sen – Tượng trưng cho vẻ đẹp thanh cao, tinh khiết
Trong văn hóa của các nước phương Đông, đặc biệt là các quốc gia có tín ngưỡng Phật giáo, hoa sen là loài hoa biểu tượng của nhà Phật thể hiện sự thanh khiết, cao quý tối thượng. Có thể thấy, hoa sen xuất hiện ở hầu hết các ngôi chùa, được điêu khắc và được chưng cúng thường xuyên.
Không chỉ mang màu sắc nhẹ nhàng, hương thơm nhè nhẹ rất phù hợp với không khí trang nghiêm, hoa sen còn thể hiện sức mạnh, ý chí, niềm tin và nghị lực kiên cường.
Tuy lớn lên từ bùn lầy nhưng không vướng mùi tanh khó chịu mà vẫn mang trong mình một hương thơm đặc trưng riêng, dễ chịu.
Với ý nghĩa biểu tượng đặc trưng như vậy, hoa sen được lựa chọn và sử dụng rất nhiều để trưng bày trên bàn thờ tổ tiên, thể hiện sự tôn kính vừa mang lại vẻ đẹp nhẹ nhàng, thuần khiết, thanh cao.
2.3 Hoa mai – Tài lộc, thịnh vượng
Hoa mai là loài hoa quen thuộc, đặc trưng của miền Trung và miền Nam nước ta vào mỗi độ Tết đến xuân về. Hoa mai vàng tượng trưng cho sự may mắn, thịnh vượng, tài lộc, phú quý, giàu sang.
Ngoài ra, có lẽ ít ai biết, hoa mai còn mang ý nghĩa biểu tượng cho lòng vị tha, tinh thần cao thượng của con người. Hoa mai chỉ nở một lần duy nhất trong năm vì thế loại hoa này chỉ được ưu tiên sử dụng vào màu xuân vào dịp Tết.
2.4 Hoa đào – Biểu tượng Sinh sôi, nảy nở
Nếu như trong miền Nam có hoa mai thì ngoài miền Bắc có hoa đào. Hoa Đào là loại hoa tượng trưng cho mùa Xuân của miền Bắc và được sử dụng nhiều vào mùa xuân. Trong phong thuỷ hoa đào có thể xua đuổi ma quỷ và mang đến một cuộc sống bình an cho mọi người.
Hoa đào là biểu tượng của sự sinh sôi nảy nở, của sức sống mãnh liệt. Bởi hoa đào đâm chồi, nảy lộc là biết mùa xuân đã gõ cửa.
Tham khảo tại đây: Cách Sắp xếp di ảnh thờ trên bàn thờ gia tiên
2.5 Hoa hồng – Hạnh phúc
Hoa hồng đỏ là loài hoa có hương thơm dịu nhẹ và có màu sắc là biểu trưng cho sự cát tường thịnh vượng. Hoa hồng là loài hoa yêu thích của rất nhiều người vì không nhưng mang vẻ đẹp sang trọng, quyến rũ mà còn mang nhiều ý nghĩa đặc biệt.
Lựa chọn hoa hồng cúng hay chưng bày trên bàn thờ gia tiên ngày tết vừa thể hiện được lòng thành kính, niềm hạnh phúc, sự ấm no, vui vẻ trường tồn trong gia đình.
Vào dịp Tết, nên lựa chọn hoa hồng có màu đỏ rực để dâng cúng bàn thờ vì chúng không những mang một vẻ đẹp sang trọng, cao quý mà còn thể hiện sự may mắn, khát khao hạnh phúc và bày tỏ lòng kính trọng đối với bề trên.
2.6 Hoa Lay Ơn – vẻ đẹp nhã nhặn
Hoa Lay ơn tượng trưng cho sự thuần khiết, thanh tao, trang nhã. Vì vậy, nhiều gia đình lựa chọn đây là loài hoa thắp hương lên bàn thờ gia tiên vào dịp Tết. Hoa Lay ơn thường được cắm với rất nhiều những cành hoa khác, nhằm tôn lên vẻ đẹp của loài hoa khác cũng như vẻ đẹp của chính nó. Mùi hương dịu nhẹ của loài hoa này khiến con người có thể thư giãn, tịnh tâm, ngồi thiền, tụng kinh,…
Cũng chính vì vậy mà đây là một loại hoa được yêu thích và sử dụng phổ biến hiện nay.
2.7 Hoa cúc đồng tiền – Tượng trưng cho tài lộc
Hoa cúc đồng tiền mang một vẻ đẹp đơn giản, không quá cầu kỳ nên có thể được sử dụng dễ dàng và phổ biến. Giống như tên gọi của loài hoa, nhiều gia đình lựa chọn loài hoa này với mong muốn mang lại nhiều tài lộc, thịnh vượng cho gia đình.
Bên cạnh đó, loài hoa này còn có ý nghĩa mang lại nhiều sức khỏe, tuổi thọ.
Nên chọn màu đậm hoặc màu nổi để thể hiện tấm lòng thành kính, tôn trọng đối với bậc bề trên, thần Phật.
Xem thêm: Cách lập bàn thờ gia tiên và những lưu ý cần tránh
3. Những lưu ý nhỏ khi chọn mua hoa cắm trên bàn thờ gia tiên.
Ngoài những loại hoa được khuyến kích ở trên thì quý khách hàng cũng nên chú ý đến những loài hoa không được phép chưng, cúng trên bàn thờ Gia Tiên như:
- Hoa ly: Loài hoa này theo quan điểm của nhiều người là có ý nghĩa chia ly.
- Hoa phong lan: Vì trong tên loài hoa này có chữ “phong” được hiểu là phong tình, phóng túng nên dù phong lan có đẹp như nào người ta vẫn không dùng để thờ cúng.
- Hoa móng rồng: hình dạng cánh hoa gần giống móng rồng.
- Hoa đại: Dù đẹp nhưng vẫn nhiều người cấm kỵ.
- Hoa râm bụt: Tuy có đẹp nhưng lại không có hương thơm, cộng thêm trong tên có chữ “râm” không may mắn nên không được dùng với mục đích cúng kiếng.
- Hoa phù dung: Mang vẻ đẹp nhất thời, thời gian úa tàn rất ngắn, cùng với sự tích không hay nên rất kiêng kị loài hoa này.
Ngoài ra, quý khách hàng cũng nên lưu ý không nên cắm, kết hợp quá nhiều loại hoa với nhau. Điều này sẽ khiến cho các loài hoa không đồng nhất, mất hài hòa sẽ làm mất đi tính thanh tao, trang nhã, giảm tính thẩm mỹ.
Trước khi những bông hoa được đặt lên bàn thờ, các gia đình hãy làm sạch lọ/bình hoa, hoa cần phải được rửa với nước sạch để loại bỏ bụi, đất bẩn và để hoa tươi lâu hơn.
Với bài viết này, bàn thờ Nhất Tâm mong có thể giúp quý vị hiểu thêm về các loài hoa và ý nghĩa của loài hoa đó. Huy vọng quý khách hàng có thể tự lựa chọn cho gia đình mình một loài hoa ý nghĩa và phù hợp với không gian nội thất phòng thờ của nhà mình!
Bàn thờ nhất Tâm – Tâm tín tạo tin tưởng!