7 giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Để phát triển kinh tế – xã hội bền vững, cần thiết phải phát triển chất lượng nguồn nhân lực có chất lượng, kỹ năng. Đây cũng là một trong những đột phá chiến lược để phát triển đất nước thời gian tới mà đã được khẳng định trong Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII. Trong thời gian qua, chúng ta đã và đang tập trung để có nhiều giải pháp đẩy mạnh chất lượng nguồn nhân lực. Thời gian tới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có đề xuất một số giải pháp trọng tâm.
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển
Thứ nhất, đẩy nhanh thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong đó có chất lượng đào tạo mà trọng tâm là chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất, thiết bị và thay đổi phương thức giáo dục đào tạo, nhất là giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp. Đây là vấn đề quan trọng đã được chủ trương nhất quán từ trước đến nay và chúng ta cũng đang tiến hành, thời gian tới cần đẩy mạnh hơn vấn đề này.
Thứ hai, bảo đảm quy mô, cơ cấu ngành nghề đào tạo cho phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Chúng ta cũng đã thực hiện và đến nay đã có một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp chúng ta đào tạo lại và đào tạo thường xuyên lực lượng lao động. Một số lực lượng lao động qua quá trình làm việc có thể trình độ chưa đáp ứng được nhu cầu thì chúng ta đào tạo lại và đào tạo thường xuyên hơn. Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả nghề nghiệp nhằm hoàn thành đội ngũ lao động lành nghề và đáp ứng được nhu cầu về nhân lực khi Việt Nam phát triển như hiện nay, chủ động tham gia vào thị trường đào tạo nhân lực quốc tế.
Hiện nay đối tượng lao động lành nghề của chúng ta đã hình thành tuy vậy chưa đáp ứng nhu cầu, vừa bảo đảm về trình độ nhưng còn phải bảo đảm về ngoại ngữ. Việt Nam cũng cần phải tham gia vào thị trường đào tạo quốc tế.
Thứ ba, hoàn thiện cơ chế, chính sách, thu hút các nhà đầu tư trong đó có cả doanh nghiệp, người sử dụng lao động tích cực tham gia vào đào tạo, phát triển kỹ năng nghề, chú trọng đào tạo tại nơi làm việc. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng, ban hành các chính sách thu hút được người học thuộc các lĩnh vực, ngành nghề trọng điểm.
Thứ tư, xây dựng các mô hình gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động theo từng vùng, từng địa phương, phù hợp với từng nhóm đối tượng trong đó chú trọng những đối tượng đặc thù.
Thứ năm, hiện nay lao động ở khu vực phi chính thức chưa được quan tâm đào tạo nhiều, lao động đã bị thất nghiệp cần được tư vấn để được đào tạo lại để quay trở lại làm việc, hay người lao động có nguy cơ bị thất nghiệp cũng cần được quan tâm, tránh việc thất nghiệp. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp, người sử dụng lao động thông qua nâng cao năng lực phát triển các quy trình, công cụ thu thập, cập nhật và tổng hợp dữ liệu, thông tin về quy trình đào tạo nghề nghiệp.
Thứ sáu, đẩy mạnh dự báo nhu cầu về đào tạo nghề nghiệp, đặc biệt là ngành nghề khoa học, kỹ thuật, công nghệ trong đó ưu tiên công nghệ thông tin, công nghệ cao, các kỹ năng tương lai như về AI, trí tuệ nhân tạo, khai thác hiệu quả dữ liệu thông tin thị trường lao động quôc gia kết hợp với điều tra định kỳ hoặc đột xuất về nhu cầu lao động, nhu cầu đào tạo của doanh nghiệp và phản hồi của người tốt nghiệp để phục vụ nhu cầu quản lý.
Thứ bảy, sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, dễ tiếp cận, đa dạng về loại hình và hình thức tổ chức, phân bổ hợp lý cả về cơ cấu ngành, vùng miền, đáp ứng nhu cầu về đào tạo nhất là nhân lực công nghệ cao.
Bên cạnh đó, vấn đề an sinh xã hội đối với người lao động chúng ta đã ban hành rất nhiều chính sách như Nghị quyết số 42, Nghị quyết 68, Nghị quyết 116 và gần đây nhất là hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đã giải ngân được hơn 50%. Ngoài ra tiếp tục khảo sát, đánh giá tình hình lao động như thế nào để có những chính sách như Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 16 trong đó có nhiều chính sách hỗ trợ bao gồm cả hỗ trợ nhà ở cho người lao động. Sắp tới, Bộ tiếp tục quan tâm đề xuất chính sách mới để hỗ trợ người lao động, chất lượng người lao động, bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động để giúp doanh nghiệp phát triển trong thời gian tới.
PV lược ghi