7 điều thú vị khi không thể bỏ qua khi đến Cao Bằng

Cao Bằng là tỉnh địa đầu tổ quốc thuộc vùng Đông Bắc – Việt Nam. Phía Tây giáp Hà Giang và Tuyên Quang, phía Nam giáp Bắc Kạn và Lạng Sơn, phía Bắc và phía Đông giáp tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Cao Bằng có núi, rừng, sông, suối trải dài hùng vĩ, bao la, thiên nhiên còn nhiều nét hoang sơ, nguyên sinh và là điểm đến không thể thiếu trong các hành trình chinh phục những vùng đất địa đầu tổ quốc.

Với 90% diện tích là đồi núi, bạn sẽ được nhìn thấy phong cảnh hùng vĩ của tổ quốc khi đặt chân đến Cao Bằng. Nổi tiếng nhất là thác Bản Giốc và động Ngườm Ngao ở huyện Trùng Khánh, hai thắng cảnh tuyệt đẹp là niềm tự hào của người dân Cao Bằng.

Đến Cao Bằng bạn cũng đừng quên nghe điệu hát then, đàn tính của người dân tộc Tày và Nùng, hai dân tộc chiếm phần lớn dân số của tỉnh. Bên cạnh đó, Cao Bằng còn là nơi sinh sống của nhiều dân tộc khác như H’Mông, Dao, Sán Chay… Ngoài ra với địa hình đặc trưng, Cao Bằng còn là quê hương của nhiều đặc sản như hạt dẻ Trùng Khánh, gạo nếp Pì Pất, quả mác púp… dùng để chế biến nhiều món ăn ngon.


Website về du lịch nổi tiếng của Singapore Skyscanner  đã từng chọn Cao Bằng là điểm du lịch đường bộ hấp dẫn nhất Đông Nam Á


Những thửa ruộng nằm trong thung lũng ở huyện Trùng Khánh, Cao Bằng

THÁC BẢN GIỐC
Thác Bản Giốc được xem là dòng thác đẹp nhất Việt Nam, nằm trên đường biên giới Việt – Trung, giữa khung cảnh núi non trùng điệp còn đậm nét nguyên sơ. Bản Giốc còn được vinh danh là thác nước tự nhiên lớn nhất Đông Nam Á và lớn thứ tư thế giới trong các thác nước nằm trên một đường biên giới quốc gia. Du khách đến thác Bản Giốc thường lưu trú tại khu nghỉ dưỡng Sai Gon Ban Gioc Resort nằm cách thác vài trăm mét.

ĐỘNG NGƯỜM NGAO
Động Ngườm Ngao nằm ở bản Gun, xã Đàm Thuỷ, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Theo tài liệu khảo sát của Hội khảo sát Hoàng gia Anh, động Ngườm Ngao có chiều dài 2.144m. Theo tiếng Tày, Ngườm Ngao có nghĩa là “động hổ”. Động được chia thành ba khu chính: Khu tứ trụ thiên đình, khu trung tâm và khu kho báu. Ngườm Ngao sở hữu vẻ đẹp kỳ thú được tạo nên bởi những lớp thạch nhũ lộng lẫy, vàng rực. Những dải nhũ đá màu sắc mọc từ dưới lên, từ trên các vòm đá cao rủ xuống với nhiều hình dáng đẹp phản chiếu ánh sáng lung linh.

HẠT DẺ TRÙNG KHÁNH
Sở hữu thời tiết lạnh, thổ nhưỡng, khí hậu thích hợp với vùng đất đồi núi nên huyện Trùng Khánh là vùng đất duy nhất có thể cho ra đời hạt dẻ Trùng Khánh. Hạt dẻ Trùng Khánh khác với nhiều loại hạt dẻ khác. Hạt dẻ Trùng Khánh đúng chuẩn có lớp vỏ cứng, dày và có nhiều lông tơ. Nếu đem luộc, hấp hoặc mang vào lò nướng chín có hương thơm tự nhiên. Khi ăn có vị ngọt bùi, chỉ cần ngậm một lúc, hạt dẻ sẽ tự tan ra.

Hạt dẻ Trùng Khánh chỉ xuất hiện vào cuối thu, đầu đông. Lúc này hạt dẻ xù lông rụng rốn. Hái về phải chế biến ngay vì hạt dẻ chứa hàm lượng đạm cao, rất dễ bị thối. 

Đến Trùng Khánh, Cao Bằng bạn sẽ được đi dưới những tán cây dẻ mát lành, thoang thoảng hương. Quả dẻ nhiều gai xù xì. Mỗi quả chứa 3 hoặc 4 hạt. Khi dẻ chín rụng đầy mặt đất. Rồi hạt dẻ theo chân đồng bào dân tộc ra chợ, hay lên đường về xuôi như một thứ quà độc đáo của núi rừng Cao Bằng.

Thông thường, hạt dẻ Trùng Khánh mang hình tròn đều. Nhưng thỉnh thoảng cũng có hạt méo mó, dị dạng. Hạt nhỏ nhất cũng bằng ngón chân cái. Khi mua bạn nên chọn quả màu nâu đều, hạt to tròn, đó là quả được thu hái đúng độ chín. Sau khi luộc chín, nếu đem hạt dẻ rang lại một lượt đến khi dậy mùi thơm thì thật hấp dẫn. Người Trùng Khánh thường hay hầm hạt dẻ với chân giò lợn làm để đãi khách. Món này có hương vị rất đặc biệt mà không phải ai cũng có dịp được thưởng thức.

KHU DI TÍCH LỊCH SỬ PẮC BÓ
Nằm cách thành phố Cao Bằng khoảng 50km, Khu di tích lịch sử Pắc Pó gắn liền với những hoạt động của chủ tịch Hồ Chí Minh đang dần được đầu tư để trở thành điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch. Ngoài không khí tự nhiên trong lành, bạn sẽ còn được ghé thăm các công trình được xây dựng để tưởng niệm, lưu giữ những kỷ vật của chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày đầu trở về Việt Nam hoạt động.

CHÙA PHẬT TÍCH TRÚC LÂM
Chùa Phật tích Trúc lâm Bản Giốc được xây dựng theo lối kiến trúc thuần Việt trên diện tích 3ha ở núi Phia Nhằm, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, cách thác Bản Giốc khoảng 500m. Chùa gồm nhiều hạng mục như cổng tam quan, lầu chuông, lầu trống, bia đá và tam bảo… Từ trên chùa có thể nhìn bao quát được toàn bộ Thác Bản Giốc và một vùng không gian rộng lớn phía dưới.

PHỞ VỊT
Lên Cao Bằng mà chưa ăn phở thịt vịt thì thật là đáng tiếc. Thịt vịt làm phở được luộc hoặc quay nhưng phổ biến nhất là phở thịt vịt quay với hỗn hợp quả mác mật hoặc lá mác mật trộn thêm hành tỏi giã nhỏ đã tẩm ướp gia vị bên trong. Vịt được nướng bằng than củi đến khi gần chín thì cho vào chảo mỡ quay đến khi vịt có màu đỏ sẫm. Khi quay, gia vị nhồi bên trong sẽ ngấm vào thịt vịt làm thịt đậm đà hơn. Phở vịt quay có sức hấp dẫn khó tả, thịt vịt mềm, ngọt, hòa lẫn vị thơm của mác mật.

Bánh phở Cao Bằng được làm từ gạo ngâm rồi xay thành bột nước. Sợi phở Cao Bằng mềm, dai. Bát phở vịt được cho thêm ít hành lá thái nhỏ, giá xanh, thêm một thìa nước canh đầy là có thể ăn ngay. Khi ăn phở, người địa phương thường cho thêm vài miếng măng ớt, mác mật ướp cho thơm.

DAO PHÚC SEN
Một trong những món quà được nhiều người mua về khi đến Cao Bằng đó là dao Phúc Sen, loại dao của người Nùng An, Phúc Sen nổi tiếng về chất lượng.

Dao Phúc Sen không đẹp và bóng bẩy nhưng luôn vượt trội về độ sắc bén và bền chắc. Người Nùng An có công thức rèn dao đặc biệt đã tạo nên những con dao nổi tiếng khắp vùng. Dao Phúc Sen được các đầu bếp nhà hàng, các gia đình ở Cao Bằng cũng như các tỉnh lân cận tin dùng.


 

Tour gợi ý: https://saigontourist.net/vi/tour/tour-sapa