7 điều nên làm để năm mới may mắn

Dịp Tết Âm lịch diễn ra nhiều phong tục truyền thống ý nghĩa, nhằm cầu mong một năm mới an lành, may mắn.

Ngày Tết cổ truyền của dân tộc có nhiều phong tục ý nghĩa. Ảnh: Nghĩa Lê/Pexels.

Tết Nguyên đán là lễ hội cổ truyền lâu đời và đặc sắc của người Việt, là dịp nhà nhà sum họp sau một năm bôn ba xuôi ngược, là thời điểm người người được lắng lại, nhìn về những ngày đã qua để chuẩn bị hành trang cho những chặng đường mới, hoài bão mới.

Nhiều phong tục truyền thống trong dịp Tết cũng chứa đựng ý nghĩa đặc biệt và giúp năm mới an lành, thuận lợi hơn năm cũ.

Hái lộc đầu năm

Theo sách Phong tục thờ cúng của người Việt, tục hái lộc được ra đời từ truyền thuyết vua Hùng nhân chuyến đi chơi xuân, hái cành lộc mang về cho con cháu với mục đích mang điều tốt lành đến cho dòng dõi.

Xin lộc đầu xuân đã quen thuộc và trở thành nét văn hóa đặc trưng dịp Tết trong đời sống của người Việt Nam. Lộc là nụ đầu tiên, mầm non mới nhú. Người xưa quan niệm cành lộc non là biểu hiện của sức sống, may mắn, phát triển. Vì vậy, thời khắc đầu năm hái lộc mang ý nghĩa cầu mong sự hanh thông, thịnh vượng trong năm mới.

Hái lộc ở nơi đền chùa linh thiêng mang ngụ ý xin được hưởng chút lộc của Thần, Phật ban cho để cả năm thuận lợi, phát tài phát lộc. Những loại cây được lựa chọn để hái lộc thường là cây có sức sống mạnh mẽ như đa, si, sung, đề…

Đi lễ chùa

Phong tục đi chùa là một nét văn hóa của người Việt Nam. Vào đêm 30, sau khoảnh khắc giao thừa, người người nhà nhà lại sắm sửa dâng lễ, đi chùa để cầu chúc một năm mới an lành, gặp nhiều may mắn.

Phong tuc Tet Viet anh 1

Đi lễ chùa là hoạt động không thể thiếu trong ngày đầu năm mới của người Việt. Ảnh: Quốc Nam.

Lễ chùa đầu năm không chỉ để cầu cho một năm mới suôn sẻ, phúc lộc, gia đạo an yên mà còn là hành động bày tỏ lòng thành kính, biết ơn đối với đức Phật, tổ tiên.

Không chỉ tìm về những phút lắng đọng với lời cầu chúc cho gia đạo bình an, đi chùa đầu năm còn là dịp để du xuân, ngắm cảnh, cũng như “sống chậm” sau một năm dài mệt nhọc.

Về nơi cửa Phật, giữa không gian thanh tịnh, mùi khói nhang, sắc màu của đèn hoa, mỗi chúng ta sẽ cảm thấy lòng mình trở nên nhẹ nhàng, thanh thản hơn.

Chúc Tết

Chúc Tết là truyền thống bao đời nay của người Việt trong dịp Tết Nguyên đán. Lời chúc gửi trao dịp đầu năm không chỉ cầu mong một năm mới thuận lợi, như ý mà còn mang đến niềm vui, hy vọng cho người nhận.

Phong tuc Tet Viet anh 2

Lời chúc Tết nên thể hiện sự chân thành, phù hợp hoàn cảnh. Ảnh: Shutterstock.

Một lời chúc được gửi đi với nụ cười tươi tắn trên môi, cái bắt tay hay cái ôm nồng ấm sẽ khiến đối phương cảm nhận được tình cảm chân thành. Với người già hay trẻ nhỏ, lời chúc kèm theo phong bao lì xì đỏ sẽ mang đến nhiều vui vẻ, ngụ ý may mắn, bình an.

Mừng tuổi, lì xì

Tục mừng tuổi bằng tiền trong lúc chúc Tết của người Việt đã có từ xưa. Tiền mừng tuổi thường được để trong những phong bao giấy đỏ và có tiền lẻ với ý rằng tiền đó sẽ sinh sôi nảy nở, đồng thời đem lại may mắn cho con cháu.

Tiền mừng tuổi cũng gọi là tiền mở hàng để lấy may. Bạn bè gặp nhau thường mở hàng cho nhau để cầu chúc sự phát đạt. Người ta thường cất số tiền đó đi để giữ lấy may mắn.

Phong tuc Tet Viet anh 3

Bao lì xì thường có màu đỏ, tượng trưng cho tài lộc, may mắn. Ảnh: Taan Huyn/Unsplash.

Phong tục lì xì mang ý nghĩa cầu may mắn, chúc phúc, đồng thời gắn kết tình cảm giữa người cho và người nhận, đặc biệt là giữa các thế hệ trong gia đình và dòng họ.

Trong ngày Tết, ngoài ông bà cha mẹ, những người lớn trong gia đình cũng mừng tuổi cho các cháu. Ngoài ra, các em nhỏ đi theo người lớn tới nhà khác lễ Tết, chúc Tết cũng được chủ nhà mừng tuổi để các em hay ăn chóng lớn, học hành thông minh, khỏe mạnh, ngoan ngoãn.

Đầu xuân năm mới, ý nghĩa của bao lì xì đỏ không chỉ ở số tiền bên trong mà là những lời chúc tốt đẹp về sức khỏe, học vấn và thành đạt trong cuộc sống đến người được nhận. Đáp lại, gia chủ cũng gửi lại những lời chúc sức khỏe, may mắn phát đạt cho khách tới thăm.

Xông nhà, xông đất

Xông đất lấy may đầu năm là một trong những phong tục cổ truyền của dân tộc ta. Người xông đất là người đầu tiên bước chân vào nhà của người nào đó ngay sau thời khắc giao thừa.

Các gia đình thường chọn người hợp tuổi với chủ nhà để đến xông đất đầu năm. Họ tin rằng người xông đất vui vẻ, hợp tuổi chủ nhà sẽ đem lại may mắn, tài lộc cho gia đình.

Xin chữ đầu năm

Phong tuc Tet Viet anh 4

Xin chữ “Phúc” để cầu mong một năm hạnh phúc, may mắn. Ảnh: Duy Hiệu.

Cùng tục khai bút, xin chữ ngày đầu năm là việc làm mang nhiều ý nghĩa văn hoá. Xin chữ đầu năm không phải việc làm đơn giản mà thể hiện truyền thống trọng chữ nghĩa, trọng tri thức và mong muốn xin con chữ lấy may, cầu một năm tài lộc, phúc thọ đầy nhà.

Chữ thường được viết trên nền giấy đỏ, bởi theo quan niệm của người phương Đông từ xa xưa, đỏ là màu của sự sống, sự tái sinh và biểu tượng của sự may mắn.

Mua muối đầu năm

Theo quan niệm của người xưa, muối mặn tượng trưng cho sự đậm đà, hòa thuận trong tình cảm gia đình, các mối quan hệ làm ăn tốt đẹp và giúp xua đuổi tà khí, đem lại may mắn.

Phong tuc Tet Viet anh 5

Theo quan niệm dân gian, đầu năm mua muối với mong muốn năm mới no đủ, mặn mà và ấm áp cho cả năm. Ảnh: Quốc Nam.

Bên cạnh đó, cùng với gạo, muối là thứ gia vị lâu đời, không thể thiếu trong căn bếp của người Việt, biểu tượng của sự no đủ.

Vì vậy, sau khi đón giao thừa hoặc vào ngày đầu tiên của năm mới, nhiều người mua những túi muối nhỏ về để lấy may. Những người bán muối cũng đong đầy bát, có ngọn cho khách chứ không gạt ngang để mang lại sự đầy đủ, trọn vẹn.

Tết là dịp sum vầy, đoàn viên bên mâm cỗ. Zing giới thiệu tới bạn đọc những món ngon, truyền thống ẩm thực hay ngày Tết.

> Xem thêm: Tủ sách ẩm thực Tết