7 công nghệ lớn bùng nổ năm 2020, xem ngay để không thành người tối cổ
AI (Artificial Intelligence – Trí tuệ nhân tạo) là một trong những phát triển công nghệ mang tính cách mạng nhất hiện nay. Hầu hết các hãng công nghệ đã bắt đầu ứng dụng AI vào đời sống để cải thiện trải nghiệm của khách hàng và hợp lý hóa hoạt động kinh doanh của họ. Điều này sẽ tiếp tục được nâng tầm trong năm 2020 và khi mọi người đã có thói quen làm việc chung với AI, thì việc thiết kế và triển khai các hệ thống dựa trên AI được xem là đề xuất sáng giá đối với hầu hết các doanh nghiệp.
Theo đó, phần lớn các ứng dụng AI sẽ tiếp tục được phát triển thông qua các nhà cung cấp nền tảng dịch vụ, cho phép khách hàng chỉ cần cung cấp dữ liệu và trả tiền cho các thuật toán hoặc tài nguyên khi sử dụng chúng.
Hiện tại, các nền tảng này được cung cấp bởi Amazon, Google và Microsoft, có xu hướng hơi rộng về phạm vi, với kỹ thuật tùy chỉnh (thường có chi phí cao) được yêu cầu để áp dụng chúng cho các nhiệm vụ cụ thể mà tổ chức có thể yêu cầu. Trong năm 2020, các dịch vụ về AI sẽ được mở rộng hơn, cung cấp các ứng dụng và dịch vụ phù hợp hơn cho từng nhiệm vụ cụ thể hoặc chuyên biệt. Với mức độ phổ biến và thiết thực, AI sẽ trở thành nhu cầu không thể thiếu đối với các công ty.
Thế hệ kết nối internet di động thế hệ thứ 5 sẽ mang đến cho chúng ta tốc độ tải xuống và tải lên cực nhanh cũng như các kết nối ổn định hơn. Mặc dù mạng dữ liệu di động 5G lần đầu tiên xuất hiện vào năm 2019, nhưng các dịch vụ đi kèm vẫn còn đắt đỏ và bị hạn chế hoạt động ở các khu vực, thành phố. Tuy nhiên, sang năm 2020, 5G sẽ phủ sóng rộng hơn, ổn định hơn, các gói dữ liệu được niêm yết với giá cả cũng phải chăng hơn. Đồng nghĩa với việc người tiêu dùng có thể thoải mái trải nghiệm dịch vụ.
Khi sử dụng các gói dịch vụ mạng 5G, bạn có thể tùy thích truyền phát phim, nhạc online với chất lượng cao và nhanh hơn khi đang di chuyển trên đường. Băng thông gia tăng sẽ cho phép máy móc, robot và phương tiện tự hành thu thập cũng như truyền nhiều dữ liệu nhanh hơn bao giờ hết, dẫn đến những tiến bộ trong lĩnh vực Internet Vạn Vật (IoT) và máy móc thông minh.
Hiện tại xe tự hành vẫn còn nhiều bất cập, nhưng ít ra vào năm 2020, những cải tiến và đổi mới trong công nghệ sẽ cho chúng ta thấy nhiều mẫu xe không người lái xuất hiện trên đường phố.
Giám đốc Tesla, Elon Musk, cho biết ông tự tin công ty của mình sẽ tạo ra được một chiếc xe tự hành hoàn toàn vào năm 2020. Hàng trăm ngàn chiếc Tesla đang liên tục thu và gửi dữ liệu về cho các máy chủ của Tesla, giúp hãng cải thiện và nâng cao hệ thống Autopilot và Full Self-Driving. Trong khi đó, máy tính tự lái của Tesla vốn bắt đầu hoạt động khoảng ba năm trước được cho là sử dụng ít năng lượng hơn trong xe so với các dịch vụ từ đối thủ như Nvidia.
Tesla dự kiến sẽ có 1 triệu phương tiện trên đường phố vào năm 2020, có khả năng hoạt động như robot taxi.
Mỗi chiếc xe có thể làm việc 100 giờ/tuần cho chủ xe, kiếm tiền với tư cách robot taxi.
Về phía Waymo, công ty con của Google vừa hoàn thành thử nghiệm taxi tự hành ở California, nơi hãng đã chở hơn 6.200 hành khách trong tháng đầu tiên.
Tất nhiên, tự hành hóa sẽ không chỉ ứng dụng trên ô tô mà còn lan rộng sang vận tải và vận chuyển. Những đột phá ở mảng này sẽ tiếp tục được nhìn thấy trong năm 2020.
Công nghệ hiện đang giúp chúng ta chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Khả năng thu thập dữ liệu từ các thiết bị đeo thông minh như smartwatch và smartband giúp người dùng dự đoán được phần nào các triệu chứng để sớm đến bệnh viện thăm khám kịp thời.
Khi nói đến điều trị, chúng ta sẽ thấy các phương pháp cá nhân hóa hơn nhiều, giúp các bác sĩ kê đơn thuốc chính xác hơn và áp dụng các liệu pháp điều trị hiệu quả nhất, nhờ vào các dữ liệu thu thập xuyên suốt trong thời gian qua từ bệnh nhân.
Nhờ những đột phá gần đây trong công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực genomics và AI, chúng ta có thể hiểu rõ hơn tình trạng sức khỏe của mỗi người đang tốt hay xấu để từ đó điều trị chống lại các căn bệnh cụ thể, cũng như biết được bệnh nhân phản ứng như thế nào giữa các loại thuốc hoặc điều trị khác nhau.
Trong suốt năm 2020, chúng ta sẽ thấy các ứng dụng mới trong việc dự đoán để chăm sóc sức khỏe tốt hơn, đưa ra các phương pháp điều trị hiệu quả và cá nhân hóa hơn để đảm bảo kết quả cho từng bệnh nhân tốt hơn.
Blockchain là một cơ sở dữ liệu phân cấp lưu trữ thông tin trong các khối thông tin được liên kết với nhau bằng mã hóa và mở rộng theo thời gian. Mỗi khối thông tin đều chứa thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết tới khối trước đó, kèm một mã thời gian và dữ liệu giao dịch. Blockchain được thiết kế để chống lại việc thay đổi của dữ liệu: Một khi dữ liệu đã được mạng lưới chấp nhận thì sẽ không có cách nào thay đổi được nó.
Để “lúa hóa” hơn thì Blockchain thực chất là một sổ cái kỹ thuật số được sử dụng để ghi lại các giao dịch nhưng được bảo mật do tính chất mã hóa và phi tập trung của nó.
Các công ty tài chính lớn nhất thế giới đang hoạt động trên blockchain và xu hướng này không có dấu hiệu chậm lại. 2020 được dự đoán sẽ là năm Blockchain bùng nổ.
Thực tế mở rộng (Extended Reality hay XR) là một thuật ngữ đề cập đến tất cả các môi trường kết hợp thực – ảo và tương tác giữa người với máy bằng công nghệ máy tính và thiết bị đeo thông minh. Nó bao gồm các hình thức đại diện như thực tế tăng cường (AR), tăng cường ảo (AV) và thực tế ảo (VR).
Những công nghệ này đã trình làng được vài năm nhưng phần lớn chỉ giới hạn trong thế giới giải trí, điển hình như thiết bị thực tế ảo thuộc dòng Oculus Rift và Vive mang đến những trải nghiệm tuyệt vời nhất về các tựa game AR.
Đến năm 2020, hy vọng VR, AR và XR sẽ trở nên phổ biến hơn và đưa ra được những cách thức mới để tương tác với khách hàng.
Thị giác máy tính (Computer Vision) là một lĩnh vực trong AI và Computer Science (Khoa học máy tính) nhằm giúp máy tính có thể xác định được vật phẩm, địa điểm, vật thể hoặc con người từ hình ảnh trực quan – những thứ được thu thập bởi camera hoặc cảm biến.
Lấy một ví dụ đơn giản để bạn dễ hình dung, bạn tải hình ảnh lên Google Image Search hoặc dùng Google Lens quét hình ảnh của một bông hoa, hệ thống sẽ đối chiếu với dữ liệu thu thập trước đó để cung cấp thông tin mà bạn cần biết về bông hoa đó.
Sang năm 2020, chúng ta sẽ được thấy nhiều hơn các công cụ và công nghệ được trang bị Thị giác máy tính, đơn cử là xe tự hành. Theo đó, những chiếc xe không người lái sẽ phát hiện được cảnh sát và nhận biết các cung đường nguy hiểm.
Các dây chuyền sản xuất sẽ sử dụng camera Thị giác máy tính để theo dõi các sản phẩm bị lỗi hoặc lỗi thiết bị và camera an ninh sẽ có thể cảnh báo về bất cứ điều gì khác thường, mà không cần con người giám sát 24/7.
Thị giác máy tính cũng cho phép nhận dạng khuôn mặt, điều mà chúng ta sẽ nghe nhiều vào năm 2020. Chúng ta đã thấy công nghệ này hữu ích như thế nào trong việc kiểm soát quyền truy cập vào smartphone thông qua FaceID trên iPhone và iPad của Apple và cách sân bay Dubai sử dụng nó để cung cấp cho khách hàng thông tin về hành trình xuyên suốt hơn.