7 bước cha mẹ cần biết để ứng phó khi con cãi hỗn
Trong tình huống này, cha mẹ hãy ứng xử với trẻ một cách bình tĩnh để giữ sự tôn trọng lẫn nhau trong gia đình, đồng thời xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với trẻ.
Dưới đây là các bước gợi ý cách ứng xử khi con bạn cãi lại cha mẹ với ngôn từ thiếu phù hợp.
Bước 1: Tránh phản ứng lại trẻ với cùng tông giọng mà trẻ đã nói với mình
Đôi khi thật là khó giữ bình tĩnh trong những tình huống này, nhưng hãy thật chú ý đến ngôn ngữ của bạn. Bạn nên trở thành tấm gương cho trẻ về việc tôn trọng người khác. La hét, chửi mắng hay dùng những từ ngữ tiêu cực sẽ không được khuyến khích trong những tình huống này.
Cùng với đó, hãy ngăn chặn những phản ứng tiếp theo của trẻ. Đừng để trẻ tiếp tục nói những từ như: Tốt thôi, Để con yên, Thế nào cũng được… Đặc biệt, bạn nên quỳ xuống ngang tầm mắt con khi nói chuyện với chúng.
Bước 2: Cố gắng thấu hiểu vấn đề của trẻ
Đừng bao giờ quên rằng con bạn vẫn đang trong giai đoạn học cách kiểm soát hành vi và đôi khi chúng không biết cách xử lý các vấn đề.
Vì thế, việc trẻ tỏ ra thiếu kiên nhẫn là bình thường. Sau bước hạ tông giọng, hãy cố gắng hiểu vấn đề mà trẻ đang gặp phải. Thường thì khi trẻ cãi lại nghĩa là chúng đang tức giận, thất vọng, tổn thương hoặc sợ hãi.
Hãy dành ít nhất 15 phút nói chuyện riêng với trẻ mỗi ngày, dành cho con sự chú ý và tập trung nhất của bạn. Sau đó, hãy cố gắng hiểu những nhu cầu, hi vọng, ước mơ của trẻ. Có thể con bạn rất hứng thú với việc tìm hiểu về vũ trụ nhưng bạn lại chưa bao giờ đưa con đến một trạm thiên văn học.
Bước 3: Nói với con rằng bạn biết chúng đang buồn
Các nhà tâm lý học gợi ý cha mẹ nên sử dụng những câu như: “Con nói với mẹ như vậy thì chắc chắn là con đang rất buồn rồi”, “Mẹ muốn nghe kỹ hơn về chuyện này, nhưng mẹ không thể nghe được điều gì khi cảm thấy mình bị tấn công”.
Sau đó, hãy đề nghị trao đổi về vấn đề này khi cả hai đã bình tĩnh lại.
Bước 4: Cho trẻ thấy hậu quả của hành vi và mong đợi sự tôn trọng
Hãy cho trẻ biết rằng việc tỏ ra lịch sự sẽ có lợi cho chúng. Bạn không nên bỏ qua mỗi câu từ tiêu cực hay một cái đảo mắt của trẻ. Đôi khi bạn cần nhắc nhở con ngay cả khi biết rằng con đang có tâm trạng xấu.
Trẻ cũng cần biết rằng bạn mong đợi con sẽ ứng xử khác đi vào những lần sau, và bạn không hề cảm thấy ổn trước sự thiếu tôn trọng đó một chút nào.
Bạn cũng có thể cho trẻ thấy hậu quả của những hành vi xấu bằng cách đưa thêm việc nhà, cắt giờ tivi, máy vi tính.
Bước 5: Để con bày tỏ quan điểm của mình
Hãy nhớ rằng việc để trẻ bày tỏ quan điểm của mình là tốt. Nhưng chúng nên làm việc đó một cách bình tĩnh và thân thiện. Và tốt nhất bạn không nên ngắt lời khi trẻ đang cố gắng giải thích điều mình nghĩ.
Việc lắng nghe và đồng cảm với vấn đề của trẻ rất quan trọng. Nó sẽ khiến trẻ không coi bạn là kẻ thù.
Bước 6: Hãy cố gắng tìm ra khi nào thì con hay cãi lại
Cha mẹ hãy để ý đến những thời điểm và tình huống thường xuyên xảy ra việc này. Đó có thể là chìa khoá để giải quyết một vấn đề lớn và tránh những hậu quả tồi tệ hơn trong tương lai.
Bước 7: Khen ngợi hành vi tốt
Ai cũng thích cảm giác được đánh giá cao và trẻ cũng không phải là ngoại lệ. Nếu bạn thấy con bắt đầu ngừng lại và thể hiện lòng biết ơn, bạn có thể ôm con, khen ngợi, thậm chí là nói lời cảm ơn con.
Nhưng đồng thời, bạn cũng phải cho trẻ biết rằng tỏ ra thân thiện không có nghĩa là chúng có thể nhận được bất cứ thứ gì mình muốn.
Sai lầm bố mẹ dễ mắc phải khi nuôi dạy con gái
Có những bậc cha mẹ cố gắng nuôi dạy con gái trở thành một người quá hoàn hảo, lý tưởng. Nhưng điều này chưa hẳn đã tốt cho bản thân con.
Đăng Dương (Theo Bright Side)