7 Suy nghĩ sai lầm về nghề đầu bếp
Nghề đầu bếp khó có thu nhập cao, làm đầu bếp không có tương lai, chỉ cần có kỹ năng chế biến món ăn giỏi là được làm Bếp trưởng… là 3 trong số những suy nghĩ sai lầm về nghề đầu bếp. Vậy thì vì sao những quan điểm này lại sai lầm, hãy cùng Hoteljob.vn tìm hiểu…
Nghề đầu bếp khó có thu nhập cao, có phải như vậy không? (Ảnh nguồn Internet)
► Nghề đầu bếp khó có thu nhập cao
Nhiều người thường nghĩ rằng làm nghề đầu bếp khó có được mức thu nhập cao. Đây thực sự là một nhìn nhận chưa đúng về nghề đầu bếp. Thực tế ghi nhận hiện này, mức lương cơ bản của một đầu bếp chính vào khoảng 5 – 8 triệu đồng/ tháng; đầu bếp giữ vai trò giám sát, tổ trưởng bếp nhận mức lương 8 – 12 triệu đồng/ tháng; Bếp trưởng nhà hàng lương 12 – 20 triệu; Bếp trưởng điều hành trong khách sạn lương 18 – 40 triệu đồng.
Đấy là chưa kể các đầu bếp làm việc chính thức trong các khách sạn, ngoài mức lương cơ bản, còn được nhận thêm tiền phí phục vụ (service charge) 2 – 5 triệu đồng mỗi tháng.
Mỗi tháng đầu bếp khách sạn còn nhận được tiền service charge (Ảnh nguồn Internet)
Các đầu bếp, bếp phó, bếp trưởng có tay nghề cao còn có thể được mời tham gia các khóa giảng dạy – đào tạo nhân sự trong nghề. Công việc này cũng đem lại một khoản thu nhập không nhỏ. Như vậy, rõ ràng một đầu bếp có năng lực, tay nghề cao, mức thu nhập mỗi tháng không thể dưới hai con số.
► Nghề đầu bếp không có tương lai
Làm đầu bếp thì chỉ quanh quẩn trong bếp thì làm gì có tương lai, học đầu bếp ra mà chỉ làm phụ bếp thì biết bao giờ mới ra nghề… Có không ít bạn trẻ mang những tư tưởng đó trong mình khi nhận định về nghề đầu bếp. Hoteljob.vn xin khẳng định bất kể một ngành nghề, một công việc nào cũng có con đường thăng tiến, nghề đầu bếp cũng không ngoại lệ, quan trọng là bạn có nhận ra được con đường thăng tiến đó hay không mà thôi. Với nghề bếp, lộ trình thăng tiến sẽ gồm những cấp bậc sau:
Khi đã biết được con đường thăng tiến trong nghề, việc có tương lai hay không nó lại phụ thuộc vào sự nỗ lực rèn luyện, học hỏi, phấn đấu của chính bạn. Càng yêu nghề, đam mê công việc, đầu tư thời gian để phát triển kỹ năng của bản thân thì bạn sẽ càng nhanh thăng tiến trong nghề đầu bếp.
► Làm đầu bếp không cần biết tiếng Anh
Nhận định này xét một góc độ nào đó cũng đúng: đầu bếp làm việc cho các nhà hàng – khách sạn chỉ phục vụ khách Việt hay đầu bếp không trực tiếp phục vụ khách nước ngoài thì không cần biết tiếng Anh. Tuy nhiên, nếu muốn thăng tiến trong nghề, có được vị trí công việc tốt hơn – mức lương hấp dẫn hơn thì bạn cần phải biết tiếng Anh.
Tiếng Anh tốt giúp bạn dễ dàng tra cứu tài liệu ẩm thực bằng tiếng nước ngoài – cập nhật thêm nhiều kiến thức mới cho bản thân, được tuyển dụng làm việc cho các nhà hàng – khách sạn chuẩn sao quốc tế, được cử tham gia các khóa đào tạo nâng cao nghiệp vụ do các đầu bếp nổi tiếng hàng đầu thế giới chỉ dẫn… Rõ ràng tiếng Anh mà một kỹ năng quan trọng mà các đầu bếp cần có.
Thành thạo tiếng Anh giúp các đầu bếp có nhiều cơ hội thăng tiến hơn (Ảnh nguồn Internet)
► Nghề đầu bếp chỉ dành cho nữ giới
Trong gia đình, gian bếp vốn được mặc định là không gian chỉ dành cho những người phụ nữ nên một số bạn nghĩ rằng nghề đầu bếp chỉ dành cho nữ giới. Suy nghĩ này là hoàn toàn sai lầm vì thực tế cả nam lẫn nữ đều có thể theo nghề bếp, thậm chí hiện nay số lượng nam giới làm đầu bếp có phần áp đảo. Những đầu bếp nổi tiếng thế giới hiện nay như: Gordon Ramsay, Marco Pierre White, Wolfgang Puck, Paul Bocuse, Graham Elliot… đều là nam giới. Hay những cái tên như: Dương Huy Khải, Luke Nguyễn, Tuấn Hải, Cẩm Thiên Long… đều là những nam đầu bếp Việt nổi tiếng, được nhiều người biết đến.
Chef Cẩm Thiên Long – hiện là Bếp trưởng điều hành Anantara Resort (Ảnh nguồn Internet)
► Chỉ cần có kỹ năng chế biến món ăn giỏi là được làm Bếp trưởng
Một người có kỹ năng chế biến món giỏi chỉ có thể làm một đầu bếp giỏi chứ chưa thể đảm đương chức vụ Bếp Trưởng. Bởi muốn làm tốt vai trò điều hành toàn bộ hoạt động trong gian bếp khách sạn – nhà hàng, người Bếp trưởng không chỉ cần thành thạo các kỹ năng làm bếp; am hiểu kiến thức chuyên sâu về ẩm thực mà còn phải có kỹ năng quản lý nhân sự, sắp xếp – điều phối công việc một cách hợp lý; có kỹ năng đào tạo nhân viên; giao tiếp tiếng Anh tốt… Con đường trở thành một Bếp trưởng giỏi là hành trình đẫm mồ hôi và mùi dầu mỡ mà các những ai theo nghiệp đầu bếp phải thực sự kiên trì – nỗ lực mới đạt được.
► Chỉ cần theo học một khóa học ngắn hạn là được làm đầu bếp
Nếu bạn chỉ mới đăng ký một khóa học bếp nóng ngắn hạn 3 tháng, chưa có kinh nghiệm gì với nghề thì khi đi xin việc, bạn chưa thể được tuyển dụng làm đầu bếp ngay mà chỉ có thể bắt đầu với vị trí phụ bếp. Công việc phụ bếp sẽ giúp bạn rèn luyện những kỹ năng hiện có, là cơ hội để bạn được quan sát, học tập kinh nghiệm của các anh chị đầu bếp nhiều năm trong nghề. Nếu cố gắng trau dồi thành thạo các kỹ năng và thể hiện thái độ làm việc cầu thị, bạn sẽ sớm được giao đảm nhận vị trí bếp chính nhà hàng – khách sạn với chế độ đãi ngộ tốt hơn.
Phụ bếp là vị trí bắt đầu trong lộ trình phát triển nghề nghiệp của nghề đầu bếp (Ảnh nguồn Internet)
► Bị mù màu thì không thể làm đầu bếp
Nhiều bạn mang định kiến rằng: người bị bệnh mù màu (không phân biệt được màu sắc một vài màu) thì không thể làm nghề đầu bếp. Có một thực tế mà bạn không thể chối cãi rằng: Christine Hà – người Mỹ gốc Việt đã xuất sắc trở thành quán quân Master chef Mỹ mùa thứ 3 dù là người khiếm thị. Vậy thì dù có bị bệnh mù màu nhưng nếu bạn có năng khiếu nấu nướng, đam mê – yêu thích công việc chế biến các món ăn, bạn hãy cứ mạnh dạn theo đuổi nghề đầu bếp. Vì chân lý “Hãy theo đuổi đam mê và thành công sẽ theo đuổi bạn”.
Christine Hà – Quán quân vua đầu bếp Mỹ 2012 (Ảnh nguồn Internet)
Với những điều Hoteljob.vn phân tích, bạn đã biết vì sao những suy nghĩ trên đây lại chưa đúng khi nói về nghề đầu bếp? Hy vọng bài viết sẽ góp phần nào “định hình” lại những quan điểm sai lầm về nghề “cầm dao, cầm chảo”…
Ms. Smile