7 ĐIỀU CẦN LƯU TÂM TRƯỚC KHI LÀM VIỆC Ở MALAYSIA

Nhân dịp một hãng hàng không giá rẻ Malay tuyển các bạn trẻ Việt Nam sang làm việc, xin chia sẻ vài điều đáng lưu ý, từ ruột gan và trải nghiệm bản thân. Hi vọng có thể giúp các bạn đưa ra lựa chọn sáng suốt trước khi sang Malaysia làm việc, ít nhất là 1 năm.

Vlog

1. Công việc

Quan trọng nhất khi đi làm ở Malaysia, cũng như ở bất kì nước nào, là hiểu rõ bản chất công việc của mình. Công ty chủ quản của mình là tổ chức nào? (Trực tiếp quản lí hay qua bên thứ ba – BPO, có hợp pháp không,…), địa điểm làm việc ở đâu (Có gần trung tâm không?…), thời gian làm việc thế nào (Làm giờ hành chính, theo ca, hay 24/7?), thỏa thuận nếu một bên đơn phương kết thúc hợp đồng sớm ra sao (thường thì hợp đồng thời hạn 1 năm).

Những điều này các bạn nên chú ý khi đặt bút kí hợp đồng để bút sa gà vẫn sống.

2. Lương, đãi ngộ, thuế

Mức lương dành cho new grads (sinh viên tốt nghiệp đại học, không phải diploma) hay có thể gọi là entry level dao động từ 2.000RM – 2.700RM (mức cao nhất dành cho các ngành IT như đa số các nước). Các bạn có thể tham khảo mức lương năm 2017 của JobStreet. (1)

Còn đối với lao động nước ngoài như bọn mình, mức lương cơ bản để được Employment Pass type III (mức thấp nhất) là 2.500RM – 4.999RM (2). Như vậy, các công ty chỉ có thể offer mức lương thấp nhất là 2.500RM khi tuyển các bạn để đảm bảo có EP. Nhưng khoan đồng ý nha. 

Mức sinh hoạt của Klang Valley (bao gồm Kuala Lumpur, Selangor và Klang) tương đương với Việt Nam. Một bữa ăn cho là ngon có giá khoảng 9RM-20RM. (1RM theo thời giá là 5.800VND). Mức thuê nhà/phòng tương đối dễ chịu hơn Sài Gòn hoa lệ. Phòng đẹp, tốt, mới, ở chung cư cao cấp, dao động từ 500RM – 1000RM (đã bao gồm wifi, điện nước), tùy theo vị trí như gần trạm tàu hay các mall.

Như vậy, mức lương hàng tháng, bao gồm lương cơ bản và phụ cấp, dao động từ 3.000RM – 3.800RM. Theo mình, với mức này, là đủ sống, hoặc thậm chí dư một chút nếu tiết kiệm. 

Tuy vậy, cuộc đời không như mơ và mình đã ngơ ngác như chết đi sống lại khi nghe con số thuế phải đóng trong 182 ngày đầu tiên (tương đương 6 tháng) ở Malaysia là 28%. Họ gọi đây là mức thuế dành cho non-resident. Sau 182 ngày, bạn là resident, số tiền thuế đã đóng sẽ được hoàn. Nhưng tùy từng trường hợp và cách tính thuế cũng não nề và lắm truân chuyên. 

Ví dụ sơ sơ, 182 ngày này họ tính trong 1 năm tài chính. Và bạn không được ra khỏi Malaysia quá 14 ngày cho social visit (trừ trường hợp công ty cử đi hội thảo, v.v.); nếu đi nước ngoài, phải đảm bảo là bạn rời Malaysia đến nước đó, sau đó trở lại Malaysia mới được đi nước khác (Họ gọi là Before and After visit, You must be in Malaysia). Và còn nhiều nhiều cái quy định nữa mà mọi người nên tìm hiểu kĩ để tránh mất tiền. 28% tức 1/3 số lương lận. 

Lời khuyên để đỡ nhức đầu thuế má là các bạn bắt đầu công việc ở Malaysia trong quý 1, hoặc 2 của năm, để hoàn thành 182 ngày trong 1 năm. Tách ra như mình (mình bắt đầu làm từ tháng 10), tính toán rắc rối. Nhưng có lỡ đẩy đưa, thì cứ bình tĩnh đọc kĩ các quy định, sau đó lên phòng thuế tư vấn, đi về gửi mail confirm, về cụ thể trường hợp của mình. Sẽ ổn thôi.

Ví dụ mình sang tháng 10.2017, thì mình đóng tháng 10 11 12.2017 và 3 tháng năm 2018. Tuy nhiên chỉ sau khi hoàn thành 182 ngày của năm 2018 (không ra khỏi Malaysia quá 14 ngày trong khoảng thời gian đó) thì mình lên sở thuế đề nghị đổi residence status của năm 2017 thành Resident (trước đó là non-resident nên mình phải đóng 28%), và họ sẽ hoàn thuế năm 2017 cho mình. còn năm 2018 vẫn là đợi tax season 2019 (Tầm tháng 3-4) sẽ refund như bình thường ạ.

Các bạn có thể be nerdy với Uyên và nâng cao khả năng tiếp thu tri thức thuế xứ Mã với pdf từ sở thuế nha. (3)

Đãi ngộ cũng cần lưu ý một số điểm chủ yếu như: Số ngày nghỉ (dao động từ 12-18 ngày/năm), thẻ bảo hiểm y tế (khám bệnh ở clinic và bệnh viện), tiền relocation (một số công ty họ có thể offer tiền vé máy bay 2 chiều, cùng 1 tháng đầu sinh hoạt, một số công ty lớn thì nhiều hơn 4,5 lần). Cơ bản nhất là vậy. Một số công ty, tùy bản chất công ty, sẽ cung cấp như ăn trưa (10RM/phần), tiền đi lại, hay bonus điểm đi máy bay,…

3. Nhà ở

Đây là chuyện đau đầu và đáng quan tâm nhất khi đi làm. 20 năm sống với ba má, đi trao đổi cũng ở kí túc xá trường, đi sang làm việc là cả chân trời xa lạ chào đón.

Các bạn có thể lựa chọn nhà ở theo các tiêu chí như gần nơi làm để giảm tiền đi lại, gần tàu điện để tiện việc du hí, hay gần mall, khu vui chơi để không xa lánh phố thị. 

Mức giá mình đã nói như trên. Bổ sung thêm phần nhà, các bạn có thể thuê từ 1000-1500RM nhà chung cư sạch đẹp, fully-furnished, dạng studio (không ngăn phòng). 

Có 2 lời khuyên nho nhỏ là:

  • Các bạn nên thuê nhà qua bên thứ 3 (agents), đừng nên thuê trực tiếp từ chủ nhà, vì bạn không biết họ có thật là chủ nhà không, hợp đồng có hợp pháp hay có giá trị pháp lí không. Khi làm việc với các công ty môi giới, họ là trung gian để 2 bên có mức mua – bán hợp lí, chịu trách nhiệm đảm bảo bạn có nơi ở tốt, an toàn. Quan trọng nhất là hợp đồng của 2 bên có tem pháp lí, giá tầm 200-400RM (tùy nhà/phòng). Tiền hoa hồng do chủ nhà trả. Ví dụ, agent bên mình có một group Whatsapp để các thành viên trong nhà feedback, các cô chú sẽ hỗ trợ như hư đèn, hư máy lạnh, hay thậm chí là nhắc nhở dọn dẹp nhà cửa. Hằng tháng cũng có người đến dọn dẹp. 
  • Nên thuê nhà chung cư, đừng ở nhà mặt đất (flat), vì không sạch và không an toàn. Malaysia cũng khá là không an toàn ở một số điểm nhất định. Tốt nhất là chung cư có thẻ ra vào và CCTV 24/7.

Tiền cọc thường là 2 tháng với nửa tháng, hoặc 1 tháng điện nước. Cái này deal được, tùy duyên và miệng lưỡi người đi thuê. 

Các trang web tìm nhà mình cho là hiệu quả là mudah và iproperty. 

4. Đi lại

Giao thông khu Klang Valley khá tiện khi có RapidKL, đủ mọi loại tàu LRT, MRT, KTM, MNR và bus nối các bang liền nhau. Tuy nhiên, trong Selangor và Klang, các khu lân cận Kuala Lumpur, phương tiện công cộng không tới hết được các điểm nên taxi như Grab cũng được ưa chuộng (PR công ty 1 giây).

Sẽ di chuyển, từ sân bay có 2 cách an toàn và phổ biến để về phố thị là KL Express và Grab. 

KL Express từ sân bay đến KL Sentral (hub tàu điện huyết mạch thủ đô) là 55RM. 

Grab từ sân bay đến mọi nơi trong Klang Valley đồng giá 65RM, chưa kể phí cầu đường, có thể lên 70RM. 

5. Thẻ ngân hàng

Chỉ khi nào bạn có EP và công ty cấp giấy giới thiệu mới được đi làm thẻ Ngân hàng. 

Bạn nên chọn ngân hàng theo công ty luôn, cũng hổng có gì, chỉ là trả lương nhanh thôi. Một số ngân hàng lớn như CIMB, Maybank, RHB,… Mở thẻ nhanh chóng, đủ tiện ích. 

6. Employment Pass

Quá trình làm EP của Malaysia của não nề mệt nhọc. Nhưng nhìn chung là có 2 giai đoạn. (4) 

Giai đoạn 1 (pre-arrival): Nộp online. Bạn sẽ nộp hết giấy tờ cho công ty tiến hành đăng ký. Theo như văn bản thì quá trình này chỉ 3 ngày để quyết định reject hay approve, nhưng cũng có thể kéo dài đến 1 tuần, tùy hỉ công ty. (Mình được cấp bởi MDeC btw)

Nếu approve thì công ty sẽ gửi Reference Letter để bạn mang đến Lãnh sự quán xin cấp Visa with Reference (VDR) one-time entry thời hạn 3 tháng và bay sang Malaysia.

Giai đoạn 2 (post-arrival): Khi đã đặt chân đến Malaysia, bạn sẽ nộp passport cho công ty để họ tiến hành làm Employment pass (là một tờ giấy màu đỏ, dán lên passport, có dòng chữ Employment pass, multiple entry, và thời hạn 1 năm, tính từ ngày bạn nhập cảnh Malaysia với VDR). Thời gian làm có thể từ 1 -2 tuần nếu họ không trong mùa lễ hay tháng Ramadan. 

Vì vậy, khi sang Malaysia bạn vẫn chưa đi làm liền. Đó là lí do vì sao công ty thường tặng kèm 1 tháng accomodation.

Một số công ty có thể làm Visit Pass (Temporary Employment). Nhưng phần này mình hong rành nên không chém).

7. Ngôn ngữ

Thấy 6 mục số xấu nên viết thêm thôi chứ không có ý. 

Đại khái là làm việc ở đây khá thoải mái. Vì họ đa chủng tộc, đa ngôn ngữ, nên sử dụng tiếng Anh cũng thạo, dễ giao tiếp và cũng dễ bỏ qua những lỗi tiếng Anh. Họ cố hiểu để giao tiếp.

Nhưng một số văn bản nhà nước thì vẫn sử dụng tiếng Malay (như form thuế) hay các website chính phủ, nên hơi khó khăn. Còn lại, họ đều Engsub tiếng Mã. 

Đây cũng là cơ hội để học tiếng Hoa, vì họ nói tiếng Hoa cũng nhiều, mà cũng hay nhận vơ bọn mình là người Hoa. 

Kết: Nếu các bạn hỏi có recommend để đi làm ở Malay không thì mình 50/50. 

Ai cũng thích đi làm ở nước ngoài hết. Nhưng trước tiên phải cân nhắc về công việc có xứng đáng để mình đánh đổi một số thứ không, có đúng chuyên môn không hay có thực sự phát triển bản thân không, hoặc có thực sự là đẹp CV không. 

Thực tế là đa phần công việc ở Malay là Chăm sóc khách hàng cho thị trường Việt Nam. Mình không chê công việc này, ngược lại, từng làm không trụ nổi 2 tháng, mình rất khâm phục các anh chị bạn làm trong lĩnh vực này. Vì nó mệt thật sự, stress và tốn sức, vì phải làm 24/7.

Thứ hai, thời hạn hợp đồng ít nhất là 1 năm, 1 năm không dài không ngắn, nhưng bạn phải sống 1 mình, đi làm, chứ không phải đi học. Sáng đi làm không được trễ, chán làm không được nghỉ, tối về tự nấu cơm. Cũng đáng cân nhắc. 

Thứ ba, đừng quy mức lương ra tiền Việt. Phải cộng trừ nhân chia hết các khoảng cần tiêu và thuế để có được số tiền thực sự còn lại mỗi tháng sinh hoạt. 

Chúc các bạn tỉnh táo, chân cứng đá mềm và thành công!

p.s: FYI thông tin background của bé

https://www.linkedin.com/in/uyendpp

https://www.facebook.com/dppuyen

(1) https://www.jobstreet.com.my/announcement/FTP/salary-report-mctf17.pdf

(2) https://esd.imi.gov.my/portal/pdf/esdguidebook-v3.pdf (trang 14, 15)

(3) http://lampiran2.hasil.gov.my/pdf/pdfam/PR6_2011.pdf

(4) http://www.mpc.gov.my/pemudah/wp-content/uploads/sites/21/2017/01/15-Guidebook-on-the-Employment-of-Expatriates-Processes-and-Procedures.pdf

http://www.imi.gov.my/index.php/en/foreign-worker.html