60 năm tự hào từ mái trường Đại học Khoa học Huế
Bề dày lịch sử
Trường Đại học Khoa học tiền thân là Ban Văn khoa và Ban Toán học Đại cương thuộc Viện Đại học Huế được thành lập ngày 1 tháng 3 năm 1957. Qua hai năm hoạt động, do nhu cầu của xã hội và xu thế phát triển của lịch sử, ngày 21 tháng 2 năm 1959, Trường được thành lập trên cơ sở Ban Toán học Đại cương và Trường Đại học Văn khoa được thành lập trên cơ sở Ban Văn khoa. Sau ngày đất nước thống nhất (1975), dẫu có những khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển nhưng ảnh hưởng, uy tín và vị thế đó vẫn được kế thừa, phát huy một cách vững chắc.
Đại học Khoa học và Đại học Văn khoa trước 1975 (ảnh tư liệu)
Ngày 27/10/1976, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 426/TTg sáp nhập Đại học Văn khoa và Đại học Khoa học thuộc Viện Đại học Huế thành Trường Đại học Tổng hợp Huế trực thuộc Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT). Năm 1994, theo yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước, Chính phủ ký ban hành Nghị định 30/CP ngày 04/4/1994, về việc tổ chức sắp xếp lại mạng lưới các trường đại học, Trường Đại học Tổng hợp Huế đổi tên thành Trường ĐHKH thuộc Đại học Huế.
Trải qua 60 năm xây dựng, phát triển, Trường ĐHKH hôm nay đã có sự lớn mạnh vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực hoạt động với sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu cơ bản và ứng dụng về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội – nhân văn và kỹ thuật – công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.
Trường Đại học Khoa học – Đại học Huế hôm nay
Về đội ngũ và cơ cấu tổ chức ngày càng lớn mạnh, Trường hiện có 439 cán bộ, trong đó có 311 giảng viên (GV) với 46 GS, PGS, 117 TS, gần 200 Th.S, 44 GV cao cấp; 05 chuyên viên chính và thư viện viên chính. Tỷ lệ GV có trình độ Th.S trở lên chiếm khoảng 96%. Trường có 15 khoa chuyên môn, 07 phòng chức năng, 01 Trung tâm Thông tin – Thư viện, 05 trung tâm nghiên cứu và 01 viện nghiên cứu.
Những bước tiến vững chắc
Theo PGS.TS. Hoàng Văn Hiển, Hiệu trưởng ĐHKH, để có một đội ngũ cán bộ có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, giỏi chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng hiệu quả công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và và công tác xã hội, đoàn thể… Nhà trường đã thực hiện quy hoạch chuyên môn đối với GV, cán bộ quản lý và hành chính; xây dựng kế hoạch đào tạo GV có trình độ TS, học hàm GS, PGS cho các khoa chuyên môn trực thuộc, hỗ trợ kinh phí cho cán bộ tham gia các khóa đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ, chuyên môn, kỹ năng.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu, trong những năm qua, Trường ĐHKH đã tạo được sự phát triển đồng bộ về qui mô và chất lượng các chuyên ngành đào tạo. Về bậc đại học và dưới đại học, triển khai đào tạo theo hệ thống tín chỉ cho 24 ngành của hệ chính qui. Trong năm học 2016 – 2017, tổng số sinh viên, học sinh các hệ của Nhà trường có hơn 8.000, trong đó có 6.913 sinh viên, 128 học sinh THPT khối Chuyên. Chỉ tính từ năm 1976 – 2015, Trường đã đào tạo tốt nghiệp 42.420 sinh viên các hệ, 958 học sinh khối Chuyên. Về bậc sau đại học, hiện Trường đang triển khai đào tạo cho 26 chuyên ngành Th.S và 17 chuyên ngành TS với số lượng 550 học viên và 153 nghiên cứu sinh. Riêng từ năm 1993 đến nay, Trường đã đào tạo tốt nghiệp hơn 3.000 học viên cao học và nghiên cứu sinh. Chính vì vậy, công tác đào tạo trong những năm qua, Trường ĐHKH đã đạt được các mục tiêu cơ bản là: ổn định đầu vào; nâng cao chất lượng dạy học, góp phần hỗ trợ đầu ra; mở rộng hợp tác trong và ngoài nước, qua đó, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Lễ trao bằng Tiến sĩ và Thạc sĩ tại trường năm 2016
Vấn đề đội ngũ GV giỏi và mẫu mực phải luôn đi kèm với một hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại mới phục vụ hiệu quả cho công tác đào tạo, nghiên cứu, đối ngoại. Trong những năm gần đây, việc quy hoạch xây dựng, chỉnh trang khuôn viên nhà trường khang trang, sạch đẹp đã được chú trọng với hệ thống 9 tòa nhà lớn, 120 phòng học, giảng đường, phòng thí nghiệm, xưởng thiết kế, bảo tàng; các khu vực hành chính, tường rào, vườn hoa, nhà xe… tạo môi trường công sở văn minh, sạch đẹp.
Trường đã xây dựng và hiện đại hoá một số phòng thí nghiệm trên cơ sở kinh phí các chương trình mục tiêu về thiết bị, dự án nâng cao năng lực đào tạo ngành Công nghệ thông tin; Điện tử – Viễn thông; dự án TRIG (Khoa Sinh học). Ngoài ra, Nhà trường cũng đầu tư nguồn kinh phí để nâng cấp pPhòng thí nghiệm của Khoa Môi trường, Phòng thực hành máy của Khoa Công nghệ Thông tin. Trường cũng đã hoàn thành việc xây dựng Khu nhà ở 3 tầng khang trang, hiện đại dành cho chuyên gia và giảng viên thỉnh giảng.
Hiện tại, Trường đang xúc tiến việc trình Bộ chủ quản và các bộ liên quan để thực hiện một số dự án xây dựng qui mô lớn và hiện đại trong khuôn viên trường, điển hình là Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành khoa học cơ bản đã được Đại học Huế và Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Trong tương lai gần, Trường sẽ phối hợp với Đại học Huế triển khai quy hoạch chi tiết và bước đầu xây dựng Cơ sở II của Trường tại khu vực Trường Bia.
Sinh viên tốt nghiệp chụp ảnh kỷ niệm trước lúc ra trường
Đẩy mạnh khoa học công nghệ, mở rộng quan hệ quốc tế
Theo PGS.TS. Hoàng Văn Hiển cho biết, do là trường khoa học cơ bản nên Nhà trường luôn gắn công tác đào tạo với hoạt động khoa học và công nghệ với những thành tựu rất đáng tự hào. Trong những năm qua, nhiều đề tài các cấp thuộc ngân sách nhà nước, liên kết địa phương, nghị định thư, các dự án có yếu tố nước ngoài… tiếp tục được triển khai thực hiện, phát huy thế mạnh mang tính đặc trưng của Trường ở miền Trung – Tây Nguyên, đã phục vụ tốt cho sự phát triển kinh tế – xã hội của các tỉnh này và của cả nước, góp phần quan trọng vào quá trình nâng cao năng lực nghiên cứu, đào tạo bậc Th.S, TS.
Tính đến đầu năm 2017, Trường đã thực hiện hơn 2.000 đề tài, dự án các cấp. Trường còn xuất bản Tạp chí khoa học và công nghệ mã số chuẩn quốc gia ISSN xuất bản định kỳ 1 năm 4 tập (1 tập gồm 2 chuyên san) và tham gia vào hệ thống tạp chí trực tuyến VJOL toàn quốc. Đặc biệt, Trường đang hình thành những nhóm nghiên cứu mạnh mang tính liên ngành như Hóa – Sinh – Môi trường, Vật lý – Công nghệ Sinh học – Thủy sản, Lịch sử – Ngữ văn – Địa lý – Địa chất – Kiến trúc…
Hội thảo khoa học quốc tế tại trường ĐHKH
Trong những năm tới, bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh NCKH cơ bản, vốn là thế mạnh của trường, Trường ĐHKH còn chú trọng đến việc nghiên cứu các lĩnh vực kỹ thuật – công nghệ, tiến đến thực hiện chuyển giao công nghệ và thương mại hóa sản phẩm. Trường đã và đang rà soát, xây dựng định hướng KHCN của các đơn vị chuyên môn giai đoạn 2015 – 2020, chú trọng đầu tư phát triển các nhóm nghiên cứu liên ngành theo hướng mũi nhọn về khoa học tự nhiên, công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn. Trường cũng sẽ phân bổ kinh phí hợp lý cho hoạt động KHCN và đề tài do Nhà trường quản lý theo hướng tăng số lượng đề tài, tăng kinh phí và hiệu quả trong khả năng ứng dụng; và quan tâm hơn nữa việc xã hội hóa NCKH để huy động các nguồn kinh phí hỗ trợ từ các cơ quan, doanh nghiệp, các cá nhân tự túc kinh phí thực hiện và triển khai ứng dụng kết quả của đề tài.
“Việc xây dựng các nhóm nghiên cứu, nhóm chuyên gia chuyên ngành và liên ngành để tham gia và triển khai thực hiện các đề tài, dự án lớn cũng được Nhà trường xác định là mục tiêu quan trọng. Trường sẽ chú trọng đẩy mạnh hơn nữa hoạt động KHCN trên cả 3 hướng: nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng triển khai và liên kết địa phương. Chúng tôi sẽ liên kết chặt chẽ và sâu rộng hơn nữa với các tỉnh thành thông qua các buổi làm việc, ký văn bản hợp tác giữa Nhà trường với UBND, Sở KHCN, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên trong NCKH và chuyển giao công nghệ phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Hiện trường đang cố gắng, xây dựng các phòng thí nghiệm mạnh tầm cỡ quốc gia nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, hỗ trợ tích cực cho đào tạo sau đại học; Khuyến khích cán bộ tăng số lượng các công bố trên các tạp chí quốc tế; xem xét việc thành lập viện nghiên cứu trực thuộc trường. Nhiều việc song song là đầu tư xây dựng Tạp chí Khoa học và Công nghệ Trường ĐHKH sớm trở thành tạp chí có uy tín và nằm trong danh mục các tạp chí tính điểm giáo sư, phó giáo sư; Xây dựng cơ sở dữ liệu các nhà khoa học, chuyên gia là Việt kiều, Giáo sư danh dự, các nhà khoa học hoạt động trong khuôn khổ các thoả thuận hợp tác quốc tế và Xây dựng quỹ khen thưởng KHCN từ nhiều nguồn, trong đó có sự đóng góp của các nhà tài trợ” – PGS.TS. Hoàng Văn Hiển trao đổi.
Nghiên cứu khoa học ở Khoa Sinh học trường ĐHKH
Hiện nay, việc mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế để hội nhập với giáo dục đại học toàn cầu hướng đến xây dựng Trường ĐHKH trở thành một đầu mối giao lưu, hợp tác với các đại học lớn trong khu vực và trên thế giới đã trở thành một chiến lược phát triển của Nhà trường trong những năm qua. Tính đến đầu năm 2017, Nhà trường đang hợp tác với 40 trường đại học, viện và trung tâm nghiên cứu, tổ chức quốc tế của châu Á, châu Âu, châu Mỹ và châu Đại Dương, với nhiều hình thức như: trao đổi chuyên gia, đào tạo GV trẻ và sinh viên; hỗ trợ trang thiết bị, tài chính và sinh kế cộng đồng, thực hiện các dự án, đề tài khoa học và công nghệ ; trao đổi học thuật, thông tin, tư liệu…
Đáng chú ý có nhiều đối tác của Trường ĐHKH là những trường có chất lượng và danh tiếng như các đại học Tokyo, Kyoto, Shizuoka, Tottori (Nhật Bản), Chongbuk, Pukyong (Hàn Quốc), Khon Kaen, Chiang Mai (Thái Lan), Thành Công (Đài Loan), Marche (Italy), Diak (Phần Lan) và các đại học Vương quốc Bỉ, San Jose State (Hoa Kỳ), Nam Úc (Australia); các tổ chức KOICA (Hàn Quốc), Hiệp hội Công nghệ Sinh học châu Á (AFOB), ICCO (Hà Lan)… Riêng lãnh đạo Nhà trường tiếp tục khuyến khích các đơn vị tìm giải pháp phù hợp để triển khai hiệu quả các văn bản đã ký kết với các đối tác theo hướng đa phương và đa dạng hoá.
Hoạt động trao đổi sinh viên giữa Trường ĐHKH và ĐH Bansomdejchaopraya Rajabaht, Thái Lan
Thành quả và những định hướng chiến lược trong tương lai gần
Trong quá trình xây dựng và phát triển, với sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của nhiều thế hệ cán bộ và sinh viên, Trường ĐHKH đã được xã hội tín nhiệm, được Đảng, Nhà nước và Chính quyền, tổ chức chính trị – xã hội các cấp đánh giá cao và tặng nhiều phần thưởng cao quý như: HCLĐ hạng Ba (năm 1983), HCLĐ hạng Nhì (1991), HCLĐ hạng Nhất (1996); HCĐL hạng Ba (2001), HCĐL hạng Nhì (2011) và trong năm 2017: HCLĐ hạng Nhì; liên tục nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về thực hiện tốt nhiệm vụ của ngành, nhiều năm đạt Trường tiên tiến xuất sắc và nhiều bằng khen, cờ thưởng khác của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cùng các tỉnh thành khác, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh…
Những thành tích nói trên là những “viên gạch hồng” do chính thầy và trò của Nhà trường nỗ lực xây đắp nên, góp phần bồi bổ cho truyền thống 60 năm xây dựng và phát triển Trường ĐHKH – nơi đào tạo nguồn nhân lực và cung cấp sản phẩm khoa học công nghệ chất lượng cao cho đất nước. Đây vừa là niềm tự hào, vừa là trách nhiệm của các thế hệ thầy trò của trường hôm nay vì một mái trường thân thiện và từng bước phát triển vững chắc trong hiện tại cũng như tương lai.
Lễ kỷ niệm 55 năm thành lập trường ĐHKH và Đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì vào năm 2012
Những nhiệm vụ quan trọng của Nhà trường trong giai đoạn tiếp theo đã được xác định trong Phương hướng chung của Đại hội ĐBĐB Nhà trường lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2015 – 2020, được điều chỉnh, bổ sung trong Kế hoạch chiến lược phát triển Trường ĐHKH giai đoạn 2016 – 2020 và Tầm nhìn đến năm 2030, đấy là: Phát huy sức mạnh đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ, tiếp tục đổi mới công tác quản lý, điều hành, nâng cao kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, giỏi chuyên môn nghiệp vụ, tập trung mọi nguồn lực nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và cải thiện đời sống cán bộ. Từng bước xây dựng Trường ĐHKH phát triển theo định hướng đại học nghiên cứu, phấn đấu sớm trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, vững vàng hội nhập với các trường đại học tiên tiến trong khu vực và thế giới, góp phần vào sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đất nước.
Với định hướng phát triển như trên, Trường ĐHKH đã đặt ra các chỉ tiêu phấn đấu cụ thể trong nhiệm kỳ 2015 – 2020 và những năm tiếp theo, liên quan đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ; giữ ổn định quy mô tuyển sinh đại học, sau đại học, xây dựng các chương trình tiên tiến đào tạo tiếng Anh; hoàn thành Chương trình Đánh giá ngoài trong tháng 4/2017 và đẩy mạnh công tác đảm bảo chất lượng để hội nhập; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học, nghiên cứu; tìm kiếm các nguồn kinh phí về khoa học và công nghệ ngoài ngân sách nhà nước; tìm kiếm các đối tác mạnh về hợp tác quốc tế… tiến đến tạo những bước chuyển biến mới mang tính đột phá trên một số lĩnh vực vốn là lợi thế của Trường ĐHKH, trong đó, việc đảm bảo kỷ cương, nề nếp; sắp xếp, bố trí khoa học nhân sự; xây dựng cảnh quan, môi trường đại học đúng nghĩa; quan tâm nhiều hơn đến đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, viên chức, lao động, đặc biệt là lớp trẻ; nâng cao uy tín, vị thế của Nhà trường ở trong nước cũng như quốc tế… thực sự là trách nhiệm lớn lao của lãnh đạo Nhà trường và các đơn vị.
“Trong ngày Lễ lớn đầy trọng đại kỷ niệm 60 năm nhà trường thành lập, xây dựng và phát triển, toàn thể lãnh đạo cùng cán bộ, viên chức, lao động, học sinh, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh của Trường ĐHKH cùng ôn cố tri tân nhằm đoàn kết, nhất trí, đồng tâm, hợp lực bên nhau để chung sức, chung lòng xây dựng Nhà trường ngày càng phát triển, xứng đáng với niềm tin yêu, sự kỳ vọng của xã hội và bạn bè quốc tế” – PGS.TS. Hoàng Văn Hiển cho biết.
PGS.TS. Hoàng Văn Hiển, Hiệu trưởng Đại học Khoa học Huế – Đại học Huế
Website trường Đại học Khoa học Huế – Đại học Huế: http://www.husc.edu.vn/
PV (thực hiện)