6 tiêu chuẩn tuyển chọn công dân vào Công an nhân dân

Điều kiện tuyển chọn công dân vào Công an nhân dân - Ảnh 1.

Tiêu chuẩn tuyển chọn công dân vào Công an nhân dân gồm: 1- Tiêu chuẩn chính trị; 2- Phẩm chất đạo đức; 3- Trình độ; 4- Tuổi đời; 5- Sức khoẻ; 6- Năng khiếu.

Bộ Công an đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư quy định về tuyển chọn công dân vào Công an nhân dân.

Nguyên tắc tuyển chọn thực hiện theo yêu cầu nhiệm vụ và biên chế của Công an nhân dân. Bảo đảm dân chủ, công bằng, công khai, minh bạch, đúng pháp luật và bình đẳng giới. Đề cao trách nhiệm của các cấp ủy và thủ trưởng Công an đơn vị, địa phương. Bảo đảm đúng chỉ tiêu, chức danh, vị trí việc làm và đủ điều kiện, tiêu chuẩn; bảo đảm tính cạnh tranh, số lượng người dự tuyển ở mỗi chỉ tiêu phải cao hơn ít nhất hai lần so với chỉ tiêu cần tuyển (trừ tuyển chọn theo chỉ tiêu đích danh). Có chính sách ưu tiên hợp lý trong tuyển chọn đối với người có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ, ngoại ngữ giỏi trở lên; người có tài năng; người dân tộc thiểu số; đối tượng chính sách.

Đối tượng tuyển chọn gồm: 1- Cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại các bộ, ngành ở Trung ương và địa phương hoặc sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đang phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam. 2- Công dân Việt Nam không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này.  

Điều kiện tuyển chọn công dân vào Công an nhân dân thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Công an nhân dân và các quy định sau: 1- Công an nhân dân có nhu cầu biên chế. 2- Có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ, năng khiếu phù hợp với yêu cầu của vị trí chức danh, công việc cần tuyển. 3- Bảo đảm các tiêu chuẩn tuyển chọn quy định và tự nguyện phục vụ lâu dài trong Công an nhân dân.

Về tiêu chuẩn tuyển chọn, dự thảo quy định cụ thể 6 tiêu chuẩn: 1- Tiêu chuẩn chính trị; 2- Phẩm chất đạo đức; 3- Trình độ; 4- Tuổi đời; 5- Sức khoẻ; 6- Năng khiếu.

Trong đó, về trình độ, công dân phải đáp ứng tiêu chuẩn: Đã tốt nghiệp (được cấp bằng hoặc chứng chỉ tốt nghiệp) từ hạng khá trở lên và bảo đảm một trong các tiêu chuẩn sau: a) Đối tượng tuyển chọn quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư này yêu cầu phải tốt nghiệp đào tạo trình độ đại học trở lên; b) Đối tượng tuyển chọn quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư này yêu cầu phải tốt nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng (bao gồm cả sơ cấp, trung cấp, cao đẳng nghề), đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Tuyển chọn để bố trí làm công tác nghiệp vụ Công an hoặc tham mưu, quản lý nhà nước trên các lĩnh vực theo chức năng của Công an nhân dân chỉ tuyển người có trình độ đào tạo từ đại học trở lên. 

Về tuổi đời, dự thảo quy định phải từ đủ 18 tuổi đến dưới 30 tuổi. Riêng công dân có trình độ tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp I, bác sĩ chuyên khoa cấp II, bác sĩ nội trú, dược sĩ chuyên khoa cấp I, dược sĩ chuyên khoa cấp II chuyên ngành y học, dược học, người dân tộc thiểu số, người đã có thời gian làm lao động hợp đồng trong Công an nhân dân trên 05 năm và các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư này tuyển chọn đến 35 tuổi; chức danh giáo sư, phó giáo sư tuyển chọn đến 40 tuổi. 

Việc tuyển chọn công dân vào Công an nhân dân được thực hiện thông qua phương thức xét tuyển bảo đảm lựa chọn được những người có phẩm chất, trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu tuyển chọn.

Trường hợp đã thực hiện các giải pháp để thu hút nguồn tuyển nhưng số lượng người đăng ký dự tuyển trong đợt xét tuyển không bảo đảm nguyên tắc quy định, Công an đơn vị, địa phương báo cáo về Cục Tổ chức cán bộ để tổng hợp, trình Bộ trưởng xem xét, quyết định.

Căn cứ chủ trương của Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an về công tác cán bộ trong từng giai đoạn, Cục trưởng Cục Tổ chức cán bộ báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an xem xét, điều chỉnh phương thức tuyển chọn công dân vào Công an nhân dân theo quy định của pháp luật.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Tuyết Hoa