6 món ăn độc lạ nổi danh ở Việt Nam, có món người Việt cũng không dám ăn
Sỏi mầm
Nếu chỉ nghe tên, chắc không ít người băn khoăn và liên tưởng ngay món” mầm đá” trong truyện Trạng Quỳnh hoặc nghĩ mình sắp được nếm một món ăn mang hình dáng giống… sỏi. Tuy nhiên tên gọi này thực chất xuất phát từ cách chế biến. Khi gọi sỏi mầm, thực khách sẽ được thưởng thức món thịt lợn rừng chế biến theo một cách đặc biệt. Mỗi suất ăn bao gồm 3 – 4 viên sỏi được nung thật nóng, dùng để nướng chín thịt heo rừng. Lợn rừng sau khi được ướp gia vị thì được đặt lên sỏi. Sức nóng từ viên sỏi sẽ nướng và giúp làm chín thịt.
Đối với người Hậu Giang, sỏi mầm tuy không phải món ăn cầu kỳ nhưng nếu thiếu đi sỏi thì món ăn sẽ mất đi hồn cốt của nó. Và để cho ra một món sỏi mầm hoàn chỉnh không thể thiếu nguyên liệu chính là thịt lợn rừng và đôi bàn tay tài hoa của người đầu bếp cùng các gia vị tẩm ướp thịt. Thịt phải là thịt lợn rừng được người dân tộc nuôi thả trên đồi núi, trọng lượng chỉ độ từ 5- 15kg. Vì chỉ những con heo như thế mới cho ra được những miếng thịt thơm ngon, ít mỡ, thích hợp để làm món sỏi mầm.
Nậm pịa
Nậm pịa là một món ăn đặc trưng của người dân tộc Thái ở Mai Châu, Hòa Bình. Món nậm pịa Tây Bắc là món ngon truyền thống của bà con dân tộc Thái ở vùng cao, thường xuất hiện ở các dịp đám đình, lễ hội hay những bữa tiệc đãi khách. Đây được xem là món ăn đặc sản mà du khách nên thử một lần khi đến với vùng đất cao nguyên. “Nậm” có nghĩa là “canh” trong tiếng Thái, còn “pịa” là chất dịch sền sệt trong ruột non của các loài động vật ăn cỏ như trâu, bò, dê, hay còn được gọi là phân non hoặc kém tế nhị chút là“ cứt non”.
Nguyên liệu chính làm món ăn là nội tạng của các con vật được trộn lẫn, sau đó ninh nhừ với xương cho đến khi đủ độ ngọt. Gia vị đi kèm gồm: ớt, tỏi, và mắc khén. Món ăn này nhìn không được bắt mắt, kết hợp vị đắng của các loại lá rừng cùng với hơi nồng từ chính lục phủ ngũ tạng của lợn, bò sẽ gây khó chịu với một số người. Tuy nhiên nếu chậm rãi nếm thử, món ăn cũng khá ngon và cuốn hút.
Tiết canh
Tiết canh là món ăn tươi sống sử dụng nguyên liệu là tiết động vật tươi được pha với chút nước mắm hoặc nước muối nhạt hãm cho khỏi đông. Tiếp theo cho tiết vào trộn với những phần thịt, sụn động vật băm nhỏ để làm đông tiết. Cách chế biến món ăn như vậy rất thịnh hành trong ẩm thực của người Việt từ Bắc xuống Nam. Nhưng chưa từng thấy trong ẩm thực của một nơi nào khác trên thế giới và có lẽ cũng vô cùng hiếm hoi trong cộng đồng người Việt tại hải ngoại.
Tiết canh thông thường là tiết lợn, ngan, vịt, dê, chó. Trong tiết canh có thể cho gan, lòng, mề băm nhỏ và ăn kèm cùng lạc rang, tiêu, rau thơm và nước cốt chanh. Đây là món ăn thường xuất hiện trong các bữa nhậu. Tuy nhiên, hiện nay nhà nước đã nghiêm cấm bán món ăn này để đảm bảo tình trạng an toàn sức khỏe trước những trường hợp đã tử vong vì ăn tiết canh.
Trứng vịt lộn
Trứng vịt lộn còn gọi là “hột vịt lộn”, là một món ăn được chế biến từ quả trứng vịt khi phôi thai đã phát triển thành hình. Trứng vịt lộn là một trong những món ăn nhẹ bình dân ở Việt Nam. Được quan niệm ở các nước phương Đông coi là món ăn bổ dưỡng. Trứng được bán rong hoặc tại các góc phố, các hàng ăn nhỏ. Món ăn này cũng được ưa chuộng ở một số nước châu Á khác như: Trung Quốc, Philippines và Campuchia( tuy nhiên cách chế biến có khác nhau một chút).
Trứng vịt lộn tại Việt Nam thường là phôi thai vịt già từ 9 đến 11 ngày tuổi. Món ăn luôn được ăn cùng rau răm và muối tiêu khô hoặc muối tiêu chanh (tắc), một số địa phương khác còn ăn kèm với đồ chua ngọt. Ngoài ra, trứng còn có các món biến thể khác như: trứng vịt lộn nhúng lẩu, trứng vịt lộn chiên, trứng cút lộn và trứng vịt vữa (vịt dữa). Sau khi luộc chín trứng, đập ra chén và cho một chút gia vị ăn kèm rau răm, món ăn này sẽ khiến bạn mê mẩn ngay lập tức. Tuy nhiên, không ít người nước ngoài cảm thấy ghê sợ, thậm chí kinh tởm món ăn này.
Cháo mối
Bát cháo mối với màu nâu của mối có mùi thơm rất đặc trưng, bổ dưỡng từ lâu đã trở thành nét độc đáo trong ẩm thực của đồng bào Cơ Tu. Đây là món ăn đặc sản của dân tộc này. Mùa bắt mối diễn ra từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch, bà con tranh thủ bắt mối để rang ăn, rang xong giằm nước mắm hoặc giã với muối.
Sau khi bắt mối, phải rửa sạch nhẹ nhàng nhiều lần, để ráo nước và nấu cháo gạo hoặc sắn tươi. Cách chế biến cháo mối rất đơn giản. Gạo đem nấu cho chín nhừ, lúc gần được thì cho mối đã rang vào nồi, chờ sôi lại rồi nêm gia vị cho vừa ăn là đã có bát cháo mối với mùi thơm rất đặc trưng, thơm ngon, bổ dưỡng. Không gì thú vị bằng khi bạn được thưởng thức hương vị thơm lừng, beo béo và ngọt bùi của món ăn khá lạ lẫm này trong mùa mưa rét.
Chuột đồng nướng
Không còn xa lạ với người dân Việt Nam, chuột đồng được chế biến thành nhiều món khác nhau như: chuột đồng nướng, rô ti, xào sả ớt, áp chảo… Hiện nay chuột đồng đã trở thành món đặc sản của các quán ăn, nhà hàng. Tại các chợ huyện, chuột đồng được bán với giá từ 50.000 – 70.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, nghề săn chuột đồng còn giải quyết việc làm cho các lao động nông thôn mùa nước nổi.
Chuột đồng béo, chắc thịt và ngon nhất là thời điểm sau khi thu hoạch ruộng lúa. Thường là sau vụ lúa đông xuân và vụ hè thu. Khi lúa thu hoạt xong, bà con đồng bằng miền Tây (đồng bằng sông Cửu Long) sẽ đi bắt chuột mang đi bán. Ngày xưa, chuột được bắt khá dễ dàng và đơn giản. Tuy nhiên, hiện nay, do lượng bắt ngày càng nhiều, buộc họ phải đánh bắt tinh vi hơn. Điểm hình là các bẫy lưới, bẫy rập, đào hang, soi đèn về đêm…