50 Câu Hỏi Thưa Về Đời Sống Nhân Bản (I) – Giáo Phận Cần Thơ

print

GIÁO PHẬN CẦN THƠ

50 CÂU HỎI THƯA

VỀ ĐỜI SỐNG NHÂN BẢN (I)

 

 

XIN PHÉP – CÁM ƠN – XIN LỖI

  1. Lời xin phép (Câu 01-11)

  2. Lời cám ơn (Câu 12-36)

III. Lời xin lỗi (Câu 37-50)

BAN GIÁO LÝ 2019
LỜI NGỎ

—–oOo—–

“Anh em hãy nói những lời tốt đẹp,

để xây dựng và sinh ích cho người nghe” (Eph 4, 29).

Kính thưa quý Cha, quý Tu sĩ, quý Giáo lý viên,

Ban Giáo lý GP kính gửi đến Quý vị tập “50 CÂU HỎI THƯA VỀ ĐỜI SỐNG NHÂN BẢN (I)[1], dành cho các lớp giáo lý, các hội đoàn, các cuộc thi giáo lý :

– Chủ đề:  Lời “XIN PHÉP – CÁM ƠN – XIN LỖI”.

– Dựa trên diễn từ của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô tại quảng trường Thánh Phê-rô, Rô-ma, ngày 13.05.2015.

– Ước mong tập tài liệu nhỏ này sẽ giúp các học viên hiểu biết, và thực hành những lời nói rất “đơn sơ, nhưng gói ghém sức mạnh lớn lao, gìn giữ gia đình qua ngàn nỗi khó khăn thử thách…Đây là những từ ngữ của nền giáo dục tốt”[2], nhân bản, nền tảng…giúp các học viên vui tươi tiến bước trên đường nên người và nên thánh của những người được làm con cái Thiên Chúa, như thánh Phan-xi-cô Sa-lê-si-ô thường nói: “Nền giáo dục tốt đã là một nửa sự thánh thiện rồi!”.

Ban Giáo Lý GP. Cần Thơ

Trung Tâm Mục Vụ Lễ Chúa Phục Sinh 2019.

 

LỜI XIN PHÉP

  1. Lời Chúa dạy ta ra sao về việc nói lời “xin phép” ?

Lời Chúa dạy ta: “Chính Chúa cũng xin phép” để được ngự vào lòng ta[3], như lời sách Khải Huyền chép: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy…”[4].

  1. Vì sao con cần nói lời “xin phép” ?

Con cần nói lời “xin phép” vì đời sống chung[5] đòi hỏi con phải luôn cư xử tế nhị, tránh xúc phạm tới nhau, và luôn tôn trọng lẫn nhau.

  1. Vì sao lời “xin phép” giúp ta tránh được xúc phạm và tôn trọng lẫn nhau ?

Vì lời “xin phép” chứng tỏ ta chân thành nhận biết và tôn trọng vai trò, trách nhiệm, địa vị của nhau[6]. 

  1. Lời xin phép với những người thân thiết có phải là khách sáo không ?

Thưa không, vì “càng thân thiết, ta càng phải tôn trọng sự tự do của nhau, và càng phải biết chờ đợi họ mở cửa lòng ra bấy nhiêu”[7].

  1. Con cần nói lời xin phép khi nào ?

Con cần nói lời xin phép khi nói năng hay hành động liên can đến người trên hay kẻ dưới, như với ông bà cha mẹ trong gia đình hoặc thầy cô, bạn học nơi trường lớp.

  1. Kể ra ba trường hợp cụ thể con phải nói lời xin phép cha mẹ [8]

1/……………….2/……………….3/…………………

  1. Kể ra ba trường hợp cụ thể con phải nói lời xin phép thầy cô [9]

1/……………….2/……………….3/…………………

  1. Kể ra ba trường hợp cụ thể con phải nói lời xin phép với các bạn [10]

1/……………….2/……………….3/…………………

  1. Vì sao con cần nói lời xin phép cha mẹ ?

Vì cha mẹ được Chúa chọn để cộng tác và thay quyền Chúa sinh thành dưỡng dục, dạy bảo từng điều cụ thể, cho con cái được nên người tốt.

  1. Câu ca dao tục ngữ nào dạy con cần thiết phải nói lời xin phép và vâng theo cha mẹ ?

Đó là câu: “Cá không ăn muối cá ươn! Con cãi cha mẹ trăm đường con hư!”.

  1. Con muốn đi chơi với các bạn…có 3 trường hợp sau đây có thể xảy ra, con đánh giá ra sao về 3 trường hợp này ?

1/Con không xin phép cha mẹ và cứ đi.

2/Con không xin phép và cũng không đi.

3/Con xin phép và chờ cha mẹ quyết định.

LỜI CÁM ƠN

  1. Vì sao con cần nói lời cám ơn ?

Con cần nói lời cám ơn để nói lên “lòng biết ơn và nhớ ơn”[11].

  1. “Lòng biết ơn và nhớ ơn” có giá trị thế nào ?

“Lòng biết ơn và nhớ ơn” góp phần làm nên phẩm giá cao quý của ta, và làm nên đời sống chung công bằng[12].

  1. Con phải cám ơn những ai ?

Con phải cám ơn Thiên Chúa và những người làm ơn cho con.

  1. Vì sao lòng biết ơn góp phần làm nên phẩm giá cao quý của ta ?

Vì lòng biết ơn giúp ta nhận ra và hạnh phúc đón nhận những ơn huệ Chúa ban, nhất là ơn được làm con cái Chúa[13].

  1. Vì sao lòng biết ơn góp phần làm nên đời sống chung công bằng?

Vì lòng biết ơn giúp ta nhận ra, để đền đáp cho cân xứng những công ơn của ông bà, cha mẹ, thầy cô và mọi người.

  1. Lời Chúa dạy con thế nào về cám ơn ?

Lời Chúa dạy con: “Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ; vì muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương; vì Ngài đã làm nên những kỳ công vĩ đại”[14].

  1. Tổ tiên chúng ta dạy thế nào về lời cám ơn ?

 Tổ tiên chúng ta dạy: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Có danh có vọng nhớ thầy khi xưa”.

  1. Đâu là ơn huệ cao quý đầu tiên mà Thiên Chúa trao ban cho con người ?

Đó là ơn Sáng Tạo thuở ban đầu: Thiên Chúa dựng nên muôn loài muôn vật và con người.

  1. Lời kinh nào nói lên những ơn lành hồn xác Thiên Chúa ban cho chúng ta ?

Lời kinh cám ơn.

  1. Con hãy thuộc và đọc kinh cám ơn, nhất là mỗi tối trước khi đi ngủ:

“Con cám ơn Đức Chúa trời là Chúa lòng lành vô cùng, chẳng bỏ con, chẳng để con không đời đời mà lại sinh ra con, cho con được làm người, cùng hằng gìn giữ con hằng che chở con, lại cho Ngôi Hai xuống thế làm người, chuộc tội chịu chết trên cây Thánh Giá vì con, lại cho con được Đạo thánh Đức Chúa Trời cùng chịu nhiều ơn nhiều phép Hội thánh nữa, và đã cho phần xác con (ngày / đêm) hôm nay được mọi sự lành, lại cứu lấy con kẻo phải chết tươi ăn năn tội chẳng kịp. Vậy các Thánh ở trên nước thiên đàng cám ơn Đức Chúa Trời thế nào, thì con cũng hợp cùng các Thánh mà dâng Chúa cùng cám ơn như vậy. Amen”.

  1. Vì sao con phải cám ơn Thiên Chúa đã sáng tạo nên muôn loài muôn vật ?

Con người phải cám ơn vì Ngài đã sáng tạo nên muôn loài muôn vật cách  lạ lùng, tốt đẹp[15] và ban cho con được hưởng dùng.

  1. Con cần hưởng dùng muôn loài muôn vật thế nào để nói lên lời cám ơn Thiên Chúa ?

Con cần biết sử dụng, bảo vệ và phát huy muôn loài muôn vật, để tôn vinh Chúa và phục vụ mọi người như ý Ngài muốn[16].

  1. Vì sao con phải cám ơn Thiên Chúa đã tạo dựng nên con ?

Con người phải cám ơn Thiên Chúa vì Ngài đã yêu thương tạo dựng nên con, cho con được làm người, nhất là được làm con cái Chúa[17].

  1. Con phải làm gì để nói lên lời cám ơn Chúa hằng ngày ?

Để nói lên lời cám ơn Chúa hằng ngày con hãy năng tham dự Thánh lễ tạ ơn mỗi ngày[18], và luôn tuân giữ giới răn mến Chúa yêu người [19].

  1. Câu truyện nào trong Phúc-âm nhắc nhở con phải biết luôn tạ ơn Thiên Chúa ?

Đó là câu truyện về 10 người phong cùi được Chúa Giê-su chữa lành[20].

  1. Con ghi ra một lời nguyện tạ ơn của Chúa Giê-su ?

Trước khi truyền cho La-da-rô đã chết 4 ngày được sống lại, “Đức Giê-su ngước mắt lên và nói: “Lạy Cha, con cảm tạ Cha, vì Cha đã nhậm lời con”[21].

  1. Vì sao con phải cám ơn những người làm ơn cho con ?

Vì đó là điều phép lịch sự đòi buộc; chứng tỏ con biết vui mừng nhận ơn cách khiêm tốn, làm vui lòng người ban ơn, và cũng đáng được hưởng thêm những ơn huệ khác nữa[22].

  1. Chúa Giê-su dạy ta phải tránh những lời nói nào không xứng hợp với lòng biết ơn ?

Qua dụ ngôn “Thợ làm vườn nho”, Chúa Giê-su dạy ta phải tránh những lời phiền trách, ganh tị, vô ơn…nghịch lại với Lòng thương xót vô biên và với giới răn yêu thương của Chúa[23].

  1. Thánh Gio-an Bốt-cô, Bổn mạng giới thanh thiếu niên công giáo, nói gì về những kẻ vô ơn ?

Thánh Gioan Bốt-cô nói: “Chúng ta phải khóc thương cho những kẻ vô ơn, vì họ không được hạnh phúc”[24].

  1. Ai là những người làm ơn to lớn nhất cho con ?

Những người làm ơn to lớn nhất cho con là ông bà, cha mẹ, thầy cô.

  1. Con phải làm gì để nói lên lời cảm ơn ông bà-cha mẹ ?

  • Con phải luôn ghi khắc trong lòng rằng: “Công cha như núi Thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.

  • Vì vậy, trong cuộc sống, con phải: “Một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con” [25]

  1. Để tròn chữ hiếu với cha mẹ, con cái phải làm gì ?

Để tròn chữ hiếu với cha mẹ, trong tư tưởng, lời nói và việc làm, con cái phải:

  • Một là yêu mến [26] . – Hai là tôn kính [27]

  • Ba là vâng lời [28]

  • Bốn là giúp đỡ cha mẹ [29]

  1. Con phải làm gì để nói lên lời cám ơn thầy cô ?

Con phải siêng năng học hành, nghe theo những lời dạy bảo tốt đẹp của thầy cô, nhất là thầy cô Giáo lý viên.

  1. Con có cần nói lời cảm ơn với các bạn không ?

Con rất cần nói lời cảm ơn với các bạn, với cả những người nhỏ hơn mình…vì đó là phép lịch sự căn bản, làm cho cuộc sống chung thêm thân ái vui tươi.

  1. Các con hãy cùng nhau “Hòa vang lên hai tiếng cám ơn”:

“Cùng hòa vang lên hai tiếng cám ơn, hát câu cám ơn vang dội nơi nơi, và ngàn con tim muốn nói lên, lời cám ơn không bao giờ phai”.

LỜI XIN LỖI

  1. Vì sao con cần nói lời xin lỗi ?

Vì lời xin lỗi chứng tỏ con khiêm tốn nhìn nhận những lỗi lầm thiếu sót của mình; ước mong hàn gắn lại những nứt rạn; khiến con đáng được tha thứ, và cũng sẵn lòng thứ tha theo Lời Chúa dạy[30].

  1. Đâu là những Lời Chúa dạy về việc xin lỗi và tha lỗi ?

– Chúa Giê-su đã dạy ta cầu nguyện: «Xin Cha tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con»[31].

– Thánh Phao-lô thì dạy:“Chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn”[32].

  1. Để tỏ ra hối lỗi, con cần nói lời xin lỗi với những ai, về những gì ? [33]

Con cần nói lời xin lỗi với “Thiên Chúa và anh chị em…”, về những tội “đã phạm trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót”[34].

  1. Tổ tiên chúng ta dạy những gì về lời nói ?

Tổ tiên chúng ta dạy: “Học ăn học nói học gói học mở”; “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.

  1. Để lời “nói cho vừa lòng nhau”, con cần làm gì ?

Để lời nói cho vừa lòng nhau, con cần biết “lắng nghe tích cực”.

  1. Để có thể “Lắng nghe tích cực”, hai bên phải làm gì ?

Để có thể “Lắng nghe tích cực”, hai bên phải chân thành chú tâm tới lời nói và ý nghĩ của nhau[35].

  1. Lời xin phép, cám ơn, xin lỗi giúp cho cuộc sống gia đình và cộng đoàn những gì ?

Lời xin phép, cám ơn, xin lỗi giúp cho gia đình và cộng đoàn duy trì được cuộc sống yêu thương, hạnh phúc và bình an.

  1. Vì sao lời xin phép, cám ơn, xin lỗi có thể giúp cho gia đình, cộng đoàn được sống hạnh phúc và bình an?

Vì những lời này gói ghém sức mạnh yêu thương, giúp tránh khỏi hoặc xóa bỏ các khó khăn, thử thách và rạn nứt[36].

  1. Khi nói lời xin phép, cám ơn, xin lỗi con phải có thái độ nào ?

Con phải có thái độ chân thành[37], trân trọng, nghĩa là giọng nói, cách xưng hô phải xứng hợp, vui vẻ; đối với cha mẹ, thầy cô, càng phải lễ phép, thưa trình, vâng dạ hẳn hoi…

  1. Để lời xin lỗi được thực sự chân thành, ta phải làm gì ?

Để lời xin lỗi được thực sự chân thành, ta phải thực lòng nhận lỗi và cố gắng sửa lỗi.

  1. Đâu là những lời đối nghịch với lời xin lỗi ?

Đối nghịch với lời xin lỗi là những lời chữa lỗi cho mình, và đổ lỗi cho người khác[38].

  1. Lời xin lỗi có làm tổn thương cho danh dự của ta không ?

Lời xin lỗi không làm tổn thương, nhưng khiến cho ta được mến phục nhờ sự chân thành khiêm tốn của ta, làm hài lòng người được xin lỗi, và giúp ta sống tốt hơn !

  1. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô gọi những lời “xin phép, cám ơn, xin lỗi” là những ngôn từ của một nền giáo dục thế nào ?

Đức Thánh Cha Phan-xi-cô gọi những lời xin phép, cám ơn, xin lỗi là những ngôn từ của một “nền giáo dục tốt !”.

  1. Nền giáo dục tốt có giá trị thế nào ?

Thánh Phan-xi-cô Sa-lê-si-ô thường nói: “Nền giáo dục tốt đã là một nửa sự thánh thiện rồi!”.

 

KÍNH Chúc QUÍ Thầy Cô

và CẦU CHÚC các bạn mùa hè vui TƯƠI !

———-

[1] Nhân bản, về những đức tính chính yếu của một con người, từ bản chất là lương thiện.

[2] ĐTC Phan-xi-cô, diễn từ, 13.5.2015.

[3]ĐTC Phan-xi-cô, diễn từ trước 50.000 khách hành hương, 13.5.2015, Rô-ma.

[4] Kh 3, 20.

[5]Trong gia đình, trường lớp, hội đoàn…

[6] Vd. Khi nói lời “xin phép thầy cô” là con đã nhìn nhận và tôn trọng vai trò, trách nhiệm của thầy cô là giáo dục, răn dạy, hướng dẫn, chỉ bảo con…

[7] ĐTC Phan-xi-cô, diễn từ trước 50.000 khách hành hương, 13.5.2015, Rôma.

[8] Vd. Con xin phép cha mẹ cho con đến chơi nhà bạn A; Con xin phép cha mẹ cho con đi đá banh; Con xin phép cha mẹ cho con lấy xe đi chợ…

[9] Vd. Con xin phép thầy (cô) cho con ra ngoài…; Con xin phép thầy (cô) cho bạn trưởng lớp được nói lời chúc tết Thầy (cô)….

[10] Vd. “Con xin phép được hát một bài góp vui…”; “Con xin phép ra về trước…”; Sau bữa ăn: “Con xin phép dọn dẹp chén đũa…”.

[11] ĐTC Phan-xi-cô, diễn từ trước 50.000 khách hành hương, 13.5.2015, Rôma.

[12] Thánh Gioan Bốt-cô nói: “Chúng ta phải khóc thương những người vô ơn, vì họ không được hạnh phúc”.

[13] Ơn này làm nên phẩm giá cao quý nhất của mỗi người.

[14] x. Tv 136, 1-4

[15] St 1, 31: “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp!”.
X. Hc 50, 24-26: “Chúng ta hãy cầu nguyện cùng Thiên Chúa vũ trụ, Đấng đã thực thi những việc vĩ đại trên khắp địa cầu, đã làm cho đời sống chúng ta phấn khởi từ khi chúng ta còn trong lòng mẹ và đã đối xử với chúng ta theo lòng từ bi của Người”. 

[16] Laudato si, s. 12: “Thánh Phan-xi-cô rất trung thành với Thánh Kinh, đề nghị chúng ta nhận ra thiên nhiên là quyển sách sáng ngời, trong đó, Thiên Chúa nói với chúng ta và cho chúng ta thấy một ánh quang đẹp đẽ và nhân từ của Người : “Vì các thọ tạo càng lớn lao đẹp đẽ thì càng giúp nhận ra Đấng tạo thành” (Kn 13,5), và “quả vậy, những gì người ta không thể nhìn thấy được nơi Thiên Chúa, tức là quyền năng vĩnh cửu và thần tính của Người, thì từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người có thể nhìn thấy được qua công trình của Người” (Rm 1, 20). Vì thế, thánh Phanxicô muốn mỗi Đan viện phải để ra một mảnh đất không canh tác, cho cỏ dại có thể mọc lên, để những ai chiêm ngắm chúng có thể nâng tâm hồn lên với Chúa, Đấng là tác giả các vẻ đẹp này…Vũ trụ là một mầu nhiệm thật thân thương, để chúng ta chiêm ngắm trong niềm vui và ca tụng”…..

  1. 13: “Việc đòi hỏi khẩn thiết để bảo vệ cho ngôi nhà chung của chúng ta, cũng đưa đến việc cả gia đình nhân loại phải kết hợp với nhau, tìm cách phát triển lâu dài và trọn vẹn, vì chúng ta biết,  mọi vật đều có thể thay đổi. Đấng Sáng Tạo không bỏ rơi chúng ta, không bao giờ Người rút lại chương trình tình yêu của Người, Người cũng không hối hận khi sáng tạo nên chúng ta. Nhân loại có khả năng cộng tác với nhau để xây dựng ngôi nhà chung của chúng ta”.

[17] X. Kinh cám ơn…

[18] Khi thiết lập Thánh Lễ, Chúa Giê-su đã “cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra và nói…” (1Cor11,23-25). GLHTCG, s.1360.1083: “Bí tích Thánh Thể là hy tế tạ ơn Chúa Cha, là lời chúc tụng Hội Thánh dâng lên Thiên Chúa để tỏ lòng tri ân vì mọi điều thiện hảo Người đã thực hiện qua công trình sáng tạo, cứu chuộc và thánh hóa. Bí tích Thánh Thể trước hết là “hy tế tạ ơn”.

[19] Ga 14, 21: “Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy”.

[20]  Mười người phong cùi được Chúa Giê-su chữa lành, nhưng chỉ có “một người trở lại sấp mình dưới chân Chúa Giê-su mà tạ ơn”, nên Chúa Giê-su đã nói: “Còn chín người kia đâu? Sao không thấy trở lại tôn vinh Thiên Chúa ?” (Lc 17, 16-18).

[21] Ga 11, 41.

[22] Ga 1, 16:  “Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác”.

[23] X. Mt 20, 1-16 (Dụ ngôn “Thợ làm vườn nho”): Chúa là Thiên Chúa của mọi niềm an ủi và từ bi, Chúa là Thiên Chúa thi ân và trả cho mỗi người một quan tiền mà bản thân họ không thể tự sức mình làm ra được. Thiên Chúa ân thưởng chúng con, ngay cả lúc chúng con thực sự chỉ là những tôi tớ mọn hèn và tội nhân nghèo khó.

Ta không được phẫn uất, ganh tị, nếu ở đời này, ta nhận thấy những kẻ bị coi như là những đại tội nhân (nhưng thực ra, ta có được quyền phê phán giá trị thiêng liêng của họ không?) được mạnh khoẻ, thông minh, giàu có hơn ta..v.v… Thiên Chúa tỏ ra nhân hậu ngay cả đối với những kẻ vô ơn với Ngài.

Chỉ Thiên Chúa mới có thể hoàn toàn yêu thương, tha thứ con người, yêu thương trên hết mọi sự, và như thế làm đảo lộn mọi tính toán nhỏ mọn của con người. Ngài yêu thương cách vui sướng vì Ngài chẳng để ý đến các công nghiệp nhỏ bé của ta cho bằng đến tình yêu bao la của Ngài.

Nếu nhìn kỹ hơn thì những kẻ được ưu đãi thực sự trong dụ ngôn (và phải tạ ơn Thiên Chúa hơn) lại là những người thợ được gọi từ giờ thứ nhất. Dĩ nhiên, họ đã “chịu nắng nôi cả ngày”, song ông chủ đã giải phóng họ khỏi nỗi sợ thất nghiệp, khỏi mối lo cơm bánh…là những thứ dày vò cả ngày những kẻ buổi chiều mới được gọi mướn! Cũng vậy, các tín hữu đã anh dũng trung thành với đức tin suốt đời là những người được ưu đãi so với những kẻ chỉ đến với Chúa vào cuối cuộc đời, những kẻ có lẽ chưa bao giờ kinh nghiệm được sự bình an và niềm vui nội tâm vì biết mình ở trong tay Thiên Chúa (Giáo Hoàng Học Viện Piô X Đà-lạt).

  1. Ga 13, 34-35: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau…Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau”.

  2. Mt 5, 43-48: “Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”.

[24] “Đừng đòi hỏi Đất nước đã làm gì cho bạn, mà hãy tự hỏi bạn đã đóng góp gì cho Đất nước”. Câu nói nổi tiếng này của tổng thống Hoa kỳ John F. Kennedy cho thấy: con người phải sống với sự biết ơn mới có thể giúp cho xã hội phát triển. Những người vô ơn giống như kẻ sống cô đơn trên hoang đảo: họ tự xây bức tường thành cao nghệu và kiên cố vây quanh mình; họ vô cảm trước bất cứ mối tương quan nào; và họ cũng lạ lẫm với chính mình, vì họ đã từ chối biết đến người khác bằng lòng biết ơn…Họ “không được hạnh phúc” là thế ! (https://tuhaovietnam.com.vn/nhung-cau-noi-hay-ve-su-vo-on).

[25] x. Xh 20, 12; Đnl 5, 16; Hc  3, 1-16. “Ai thảo kính cha mẹ thì được sống lâu, hạnh phúc”. Ai tôn trọng Điều răn này, ngoài những lợi ích thiêng liêng, còn được những lợi ích trần thế: gia đình thuận thảo, thành đạt… “Ai tôn kính cha thì bù đắp lỗi lầm, ai trọng kính mẹ thì tích trữ  kho báu…”.

[26] Phải yêu mến cha mẹ, vì đó là cách tốt nhất, để con cái đền đáp lại tình thương và công ơn cha mẹ.

[27] * Con cái phải tôn kính cha mẹ:

– vì cha mẹ đã được Chúa chọn, để thay quyền Chúa, sinh thành dưỡng dục con cái.

– vì cha mẹ là những bậc tuổi tác đáng kính (Hc. 3, 10-11; 7, 27).

* Phải tôn kính cha mẹ trong tư tưởng, lời nói, và việc làm. X. Hc 3,8: “Hãy thảo kính cha con bằng lời nói việc làm”; Hc 3, 12-16; 7, 27-28: “Đừng quên ơn cha mẹ mang nặng đẻ đau… dưỡng dục sinh thành, công ơn ấy con lấy chi đáp đền cho cân xứng?”.

– Tôn kính cha mẹ trong tư tưởng, là thực lòng nhìn nhận công ơn sinh thành dưỡng dục trời bể của cha mẹ, và nhìn nhận quyền bính của các ngài trên con cái (x. Hc. 3, 1-2).

– Tôn kính cha mẹ trong việc làm là: trong những cử chỉ, thái độ, cách cư xử, chăm sóc đối với cha mẹ, nhất là khi các ngài đã già yếu…phải luôn ân cần, tôn trọng, lễ phép, tế nhị, kẻo các ngài buồn tủi vì phải nhờ  vả con cháu.

[28] Con cái phải vâng lời cha mẹ:

– Một là vì cha mẹ có sứ mạng và ơn Chúa ban, để thay quyền Chúa giáo dục con cái, như lời Chúa dạy: “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa” (x. Cl.3, 20).

  • Hai là vì cha mẹ từng trải kinh nghiệm đường đời; ai vâng lời cha mẹ là kẻ khôn ngoan (Cn 1, 8-9).

[29] * Khi cha mẹ đau yếu, phải lo chăm sóc, thuốc men, thăm hỏi. Nếu bệnh nặng hoặc kéo dài, cần mời linh mục đến ban các bí tích.

* Khi cha mẹ già cả, phải đặc biệt tôn kính, yêu thương, tế nhị hơn, tạo điều kiện để các ngài tham gia tích cực vào sinh hoạt gia đình, tránh cho các ngài mặc cảm bị bỏ rơi, nên gánh nặng cho con cháu… Thực ra, người già có sứ mạng quí giá là chứng nhân cho quá khứ, là nguồn mạch khôn ngoan cho những  người trẻ và cho tương lai (x.Hc.3, 12-16; THGĐ, s. 27).

[30] Ga 6, 37: “Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha”.

[31] Mt 6,12.

[32] Eph 4, 26.

[33] + Một vài trường hợp cụ thể cần nói “xin lỗi-xin phép”:

– Khi con đang trò chuyện với ai mà có điện thoại gọi mình, thì cần xin phép…trước khi bấm trả lời.

– Khi con cần gặp một trong hai người đang trò chuyện với nhau, con cần xin lỗi-xin phép người kia.

– Khi phải rời khỏi bàn ăn hoặc một sinh hoạt chung để ra về trước…

– Khi con đã làm việc gì mà không xin phép người có trách nhiệm như cha mẹ, thầy cô…

+ Trong một số tình huống, nếu con cảm thấy nói lời xin lỗi là chưa đủ và con muốn nhận lỗi về mình, thì, ví dụ, khi nói với người lớn:

  • Khi làm mất một đồ vật của người khác, con có thể nói: “Con xin lỗi… con sơ ý quá!”.

  • Khi lỡ làm vấy bẩn quần áo hay đồ vật của người khác, con có thể nói “Con xin lỗi…con làm mạnh tay quá!”

  • Hoặc khi con mải chơi mà quên mất lịch hẹn…con có thể nói: “Con xin lỗi…, con mải chơi quá!”.

  • Khi con muốn nhận trách nhiệm về mình, con có thể nói:

. Thưa (Ba má…), lỗi tại con ạ!

  • Trong những trường hợp, con muốn được tha thứ:

. Xin (ba má)…..đừng giận con.

. Xin (ba má) …..tha lỗi cho con.

[34] Kinh Tôi Thú Nhận: “Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa toàn năng, và cùng anh chị em: tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm, và những điều thiếu sót. Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng. Vì vậy tôi xin Đức Bà Maria trọn đời đồng trinh, các Thiên Thần, các Thánh và anh chị em, khẩn cầu cho tôi trước tòa Thiên Chúa, Chúa chúng ta”.

[35] Cả hai bên ‘người nghe’ và ‘kẻ nói’ đều phải dành cả tấm lòng cho nhau.

[36] Những khó khăn, thử thách, rạn nứt này có thể trở thành các hố sâu ngăn cách, gây đổ vỡ gia đình hoặc cộng đoàn chúng ta.

[37] Phải luôn nói cách chân thành nghĩa là tự đáy lòng, cách thực lòng, thực tình, chứ không đãi bôi môi mép!

[38] Thánh Gioan Bốt-cô, khi còn bé, đá bánh trong nhà, làm rớt bể một món đồ…Bốt-cô có ý định khi mẹ về sẽ đổ lỗi cho con mèo! Nhưng suy nghĩ lại, Bốt-cô lấy sẵn một cây roi, chờ mẹ về sẽ xin lỗi và chịu đòn…Khi về, mẹ đã ôm Bốt-cô vào lòng, tạ ơn Chúa vì đứa con thành thật, đáng yêu biết bao của bà…