5 ví dụ về đối thủ cạnh tranh nổi tiếng trên thế giới – VNOKRs

Đối thủ cạnh tranh trong kinh doanh là những doanh nghiệp có sự đối đầu, xung đột lợi ích khi cùng cung cấp hàng hóa, dịch vụ tương tự cho thị trường. Môi trường kinh doanh, sự biến đổi nhu cầu của khách hàng sẽ ngày càng làm cho sự cạnh tranh trên thị trường trở nên căng thẳng hơn. Bạn hãy cùng VNOKRs tìm hiểu 5 ví dụ về đối thủ cạnh tranh nổi tiếng trên thế giới qua bài viết sau.

Tìm hiểu thêm: Tất cả những điều bạn cần biết về đối thủ cạnh tranh

1. COCA COLA – PEPSI

Sự cạnh tranh giữa Coca-Cola và Pepsi là một ví dụ điển hình về sự độc quyền. Hai đối thủ lớn này thống trị thị trường, cạnh tranh với nhau và hầu như không tạo cơ hội cho các công ty khác tham gia thị trường. Họ chia sẻ, cùng sản xuất một sản phẩm là cola có hương vị soda. Hơn nữa, cả hai thương hiệu đều có mức giá tương đương nhau. Vì vậy, khách hàng sẽ thật khó quyết định chọn thương hiệu nào. 

Những năm 1980, Coca Cola nhận thấy áp lực mất thị phần vào tay đối thủ Pepsi. Các thử nghiệm bịt mắt thử vị cho kết quả khách hàng bỏ phiếu ủng hộ Pepsi ngon hơn Coca.

Cạnh tranh cũng giống như tình yêu, có thể khiến chúng ta làm những điều điên rồ. Còn cách nào khác để giải thích nỗ lực tai hại của Coca Cola nhằm điều chỉnh công thức nổi tiếng của mình và giới thiệu New Coke, một biến thể ngọt ngào hơn của công thức cổ điển trị giá hàng tỷ đô la? Cạnh tranh đã khiến Coca Cola phải tìm cách đổi mới chính mình từ những năm 1980.

Sau đó thực tế đã chứng minh, New Coke là một sản phẩm thất bại, kéo theo doanh số của Pepsi tăng vọt trong một thời gian ngắn. Coca Cola đã phải tiến hành nhiều hoạt động để khắc phục sai lầm như:

  • Xin lỗi 400.000 khách hàng đã viết thư khiếu nại

  • Chuyển các sản phẩm theo công thức cũ của mình tới các cửa hàng với tên gọi “Coca Cola Classic”

  • Giảm dần việc phân phối New Coke

Hiện nay, trật tự phân hạng đối với các nhãn hiệu nước giải khát lớn vẫn rất chặt chẽ: Coca-Cola đứng đầu, Diet Coke và Pepsi cạnh tranh vị trí thứ hai. Một thách thức lớn là người Mỹ cũng như các thị trường khác đang uống ít nước ngọt hơn. Cụ thể tại thị trường Mỹ, số lượng nước ngọt tiêu thụ hàng năm đã giảm 1,4 tỷ thùng từ năm 2004.

Người tiêu dùng đã có nhiều sự lựa chọn đồ uống khác như: nước tăng lực, nước trái cây, nước có hương vị… Trong những danh mục đồ uống mới này, Coca Cola vẫn chưa tái tạo được ma thuật thương hiệu đã duy trì doanh số bán hàng của mình trong nhiều thập kỷ.

Trước tình hình đó, Pepsi đã nhìn thấy cơ hội và công bố các khoản đầu tư lớn vào các lựa chọn đồ uống thay thế lành mạnh hơn cho danh mục sản phẩm hiện có của mình. Các sản phẩm mới của Pepsi chủ yếu là đồ uống với calo bằng 0; đồ uống với hương vị ngọt, mặn hấp dẫn. Pepsi đang hướng đến gia tăng lợi thế cạnh tranh thông qua những đồ uống lành mạnh hơn với sức khỏe và đáp ứng vị giác của người tiêu dùng.

ví dụ về đối thủ cạnh tranh trong doanh nghiệp

2. MARVEL COMICS – DC COMICS

Marvel Comics và DC Comics là hai công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực truyện tranh. Marvel thậm chí đã gọi DC là “đối thủ cạnh tranh nổi bật”. Cả hai công ty dường như đều thừa nhận tầm quan trọng của việc có một đối thủ cạnh tranh xứng tầm và cả hai đều được hưởng lợi từ việc Hollywood quan tâm đến việc đưa các nhân vật của họ lên màn ảnh rộng.

Nếu Marvel nổi bật với các siêu anh hùng như Iron Man, Captain America, Hulk… thì DC có các nhân vật như: Batman, Superman, Joker…

Những năm 1990, Marvel gần như đã phá sản nhưng cùng với thành công của loạt phim siêu anh hùng, Marvel đang dần vươn cao và có nhiều phim vượt trội doanh thu hơn cả đối thủ lâu năm là DC.

Về chủ sở hữu, vào năm 1989, DC đã trở thành một phần của Tập đoàn Time Warner. Còn vào năm 2009, Marvel đã được Disney mua lại. Sự hỗ trợ từ các chủ sở hữu đã giúp cả Marvel và DC cùng phát triển vượt trội và vẫn song hành trên cuộc đua cạnh tranh.

ví dụ về đối thủ cạnh tranh trong doanh nghiệp

3. MCDONALD’S –  BURGER KING

Sự cạnh tranh giữa McDonald’s và Burger King từng bắt nguồn từ một thứ: bánh hamburger (bánh mì kẹp thịt). Bánh mì kẹp thịt của công ty nào rẻ hơn? ngon hơn? Thuận tiện hơn? Trong thập niên 50 và 60, thời kỳ vàng son của văn hóa xe hơi và thức ăn nhanh, thực đơn của các chuỗi cửa hàng bánh mì kẹp thịt đã ghi dấu những bước đi cạnh tranh quyết liệt giữa hai công ty.

Đầu tiên là bánh hamburger 15 cent của McDonald. Sau đó là Whopper 37 xu của Burger King, một nỗ lực cạnh tranh về chất lượng hơn là giá cả. Chẳng bao lâu sau McDonald’s nhận ra rằng họ cần một chiếc burger khổng lồ của riêng mình và giới thiệu Big Mac. Gần đây, khi thị hiếu của người tiêu dùng thay đổi, các công ty đã tranh cãi về việc món gà cốm của nhà hàng nào chứa thịt chất lượng cao hơn.

Thách thức mà hai đối thủ này phải đối mặt trước đây rất đơn giản: bên nào giành được chiếc bánh mì kẹp thịt sẽ thắng cuộc chiến. Tuy nhiên, cùng với xu hướng tiêu dùng tốt cho sức khỏe hơn thì sự cạnh tranh giữa hai công ty cũng có những xáo trộn để định vị thương hiệu của mình. Từ bánh nướng xốp cam, việt quất đến bánh mì kẹp thịt gà teriyaki, cả hai chuỗi cửa hàng đều đang thử nghiệm những ý tưởng mới với hy vọng chiếm được lòng tin của những người tiêu dùng quan tâm đến sức khỏe. 

Hiện nay, McDonald’s đang có 14.300 cửa hàng tại Mỹ. Còn với Burger King, họ đang có 7.400 cửa hàng tại Mỹ và Canada. Cả hai thương hiệu đồ ăn nhanh này đã lớn mạnh vượt trội và hiện diện trên nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu. Sau nhiều năm phát triển, đây vẫn là 2 thương hiệu đã chinh phục được khách hàng bằng những bữa ăn nhanh gọn, ngon miệng cùng giá cả hợp lý.

ví dụ về đối thủ cạnh tranh trong doanh nghiệp

4. AIRBUS – BOEING

Một thế kỷ trước, trên một bãi biển ở Florida, chuyến bay thương mại đầu tiên trên thế giới đã cất cánh, chở một hành khách duy nhất đã trả số tiền tương đương gần 10.000 USD theo giá USD ngày nay. Giờ đây, ngành hàng không trị giá 160 tỷ đô la đã bán được 3 tỷ vé mỗi năm. 

Theo The Guardian, Trung Quốc là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất về du lịch hàng không thương mại đang trong quá trình xây dựng 70 sân bay mới và mở rộng 100 sân bay hiện có.

Tăng trưởng đáng kinh ngạc của ngành hàng không đã được thúc đẩy bởi sự cạnh tranh giữa 2 hãng sản xuất máy bay lớn trên thế giới là: Airbus và Boeing. Trong những năm qua, 2 tên tuổi này đã ganh đua vị trí dẫn đầu và tạo nên nhiều nước biến phát triển cho thị trường.

Kể từ những năm 1990, hai nhà sản xuất máy bay phản lực này đã hình thành thế độc quyền với thị phần lớn. Các nhà sản xuất máy bay khác như Convair, Lockheed Martin của Hoa Kỳ hay như Fokker, British Aerospace của châu Âu đã hụt hơi trong cuộc cạnh tranh và dần phải rút lui khỏi thị trường.

Boeing và Airbus cung cấp nhiều loại sản phẩm máy bay với các sức chứa, trọng tải, tầm bay khác nhau. Tuy nhiên, các sản phẩm của họ tương tự nhau và dẫn đến sự cạnh tranh trực tiếp, gay gắt. 

Hiện nay, cả Airbus và Boeing vẫn đang giữ vị thế dẫn dắt thị trường và hưởng lợi từ việc bùng nổ thị trường du lịch tại châu Á và châu Phi.

5. NIKE – REEBOK

Năm 1984, Nike lúc đó đang gặp nhiều khó khăn. Sau khi phát triển nhanh chóng trong một thập kỷ, công ty giày thể thao này đã gặp phải một cú sốc lớn: báo lỗ hàng quý đầu tiên.

Mùa hè năm 1984, Carl Lewis đã giành được bốn huy chương vàng tại Thế vận hội mùa hè Los Angeles khi đi một đôi giày Nike. Nhưng ngay cả với sự may mắn đó cũng không thể thúc đẩy doanh số bán hàng của Nike. 

Vào thời điểm đó, sự thống trị của Reebok dựa trên dòng giày chạy bộ dành cho phụ nữ dường như đã được bảo đảm với những thành công to lớn về doanh số, sản phẩm bán ra.

Để tìm cách cạnh tranh, Nike đã đánh một canh bạc và thuyết phục Michael Jordan, khi đó đang là tân binh đầy triển vọng chơi cho đội bóng rổ Chicago Bulls, ký hợp đồng. Jordan ban đầu thừa nhận rằng anh ấy yêu thích giày thể thao của Adidas hơn.

Đợt hàng đầu tiên của mẫu giày Air Jordans đã được bán vào năm sau, với giá bán lẻ hấp dẫn là 65 đô la. Trong vòng hai tháng, doanh thu sản phẩm đạt mức ấn tượng, lên tới 70 triệu đô la. Ngày nay, mẫu giày Air Jordans vẫn dẫn đầu thị trường bóng rổ, tạo ra hơn 2 tỷ đô la mỗi năm.

Reebok – hãng giày thể thao phổ biến dành cho người chạy bộ vào thời điểm Air Jordan ra mắt đã phần nào đánh mất cơ hội cạnh tranh của mình. Trong khi Nike tiếp tục bổ sung những siêu sao như Andre Agassi và Tiger woods vào danh mục đại sứ thương hiệu thì Reebok lại thất bại trên mặt trận thương hiệu, tiếp thị sản phẩm. Kết cục là vào năm 2005, Adidas đã mua lại Reebok với giá 3,8 tỷ USD.

*

Những ví dụ về đối thủ cạnh tranh trong doanh nghiệp là minh chứng thực tế, sống động có thể giúp bạn nắm bắt cụ thể hơn lý thuyết cạnh tranh. Thực tế, mọi doanh nghiệp đều vận động theo guồng quay của thị trường. Doanh nghiệp xa rời, tách biệt với thị trường thì tất yếu sẽ phải đối mặt với thất bại. Và do đó, đối diện với sự cạnh tranh để phát triển mạnh mẽ hơn là bước đi cần thiết với doanh nghiệp thay vì tìm cách né tránh, bỏ quên đối thủ cạnh tranh của mình.

Hy vọng những chia sẻ của VNOKRs về ví dụ đối thủ cạnh tranh trong doanh nghiệp hữu ích và là những gợi mở tốt dành cho bạn. Bạn có thể tìm hiểu thêm những kiến thức hữu ích về quản trị doanh nghiệp, phát triển bản thân, đội ngũ tại blog của chúng tôi: https://blog.okrs.vn/kien-thuc-quan-tri