5 tác dụng của mật mía với sức khỏe – ‘xứng danh’ vị mật ngọt thơm, sánh quyện lại bổ dưỡng!
Có thể nói rằng nghệ thuật kết hợp nguyên liệu trong ẩm thực của người Việt vô cùng tài tình, bởi từng loại gia vị nêm nếm không chỉ góp phần tăng thêm hương vị hấp dẫn cho món ăn mà đó còn là những “vị thuốc” mang đến nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe. Và mật mía cũng được xem như một nguyên liệu đặc biệt như vậy. Cùng tìm hiểu xem loại mật này “ra đời” như thế nào và có tác dụng gì với sức khỏe ngay sau đây nhé.
Nội Dung Chính
1. Mật mía là gì?
Mật mía là một loại mật được chưng cất trực tiếp từ nước mía hay chính là thành phần cuối cùng sau một quá trình tương đối cầu kì kéo dài khoảng 10 – 12 tiếng, từ ép nước mía, lắng cặn bã mía và đun quấy mật. Khác với vị ngọt sắc của đường tinh luyện, mật mía – loại mật với màu nâu vàng óng này có vị ngọt dịu, quyện thơm hơn.
Hiện nay tại Việt Nam ta, nghề nấu mật mía nổi tiếng là nghề thủ công truyền thống ở khu vực trung du Bắc Bộ và một số tỉnh bắc Trung Bộ như Nghệ An, Hà Tĩnh.
Mật mía là loại mật được chưng cất, đun quấy từ nước mía (Nguồn: Internet)
2. Mật mía có tác dụng gì với sức khỏe?
Không chỉ có màu sắc và hương vị độc đáo, mật mía còn được đánh giá là loại mật khá bổ dưỡng, cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu như kali, canxi, magie hay vitamin B6. Nhờ vậy mật mía có tác dụng cải thiện một số vấn đề sức khỏe như:
2.1 Ngăn ngừa thiếu máu
Vốn được cô đặc trực tiếp từ mía nên mật mía cũng được xếp vào nhóm nguyên liệu ẩm thực chứa hàm lượng vi chất sắt khá dồi dào, một thìa canh mật có thể cung ứng lượng sắt tương đương với khoảng 20% nhu cầu hàng ngày. Vi chất này sẽ hỗ trợ sản sinh tế bào hồng cầu, giảm tỉ lệ mắc chứng thiếu máu gây nên tình trạng mệt mỏi, mất sức.
2.2 Mật mía có tác dụng kích thích tiêu hóa
Nhiều nghiên cứu dinh dưỡng nhận thấy mật mía có tác dụng kích thích tiêu hóa. Theo đó, vào buổi sáng bạn có thể tham khảo uống nước chanh ấm pha thêm chút mật mía để sớm cải thiện chứng đầy bụng khó tiêu hay táo bón.
2.3 Tốt cho xương khớp
Hàm lượng khoáng chất canxi và magie được tìm thấy trong mật mía rất cần thiết cho hệ xương khớp của chúng ta. Lúc này khi vào cơ thể, những dưỡng chất này sẽ trực tiếp tham gia hình thành tế bào xương mới, tăng kết nối giữa các khớp xương, từ đó củng cố khả năng vận động chắc khỏe, dẻo dai hơn.
2.4 Điều hòa huyết áp
Một trong những tác dụng của mật mía với sức khỏe đó còn giúp điều hòa huyết áp và không tăng cao đột ngột. Điều này là bởi một thìa canh mật mía có thể mang tới hơn 300mg khoáng chất kali (bằng khoảng 1/2 một trái chuối chín), góp phần tăng đào thải lượng muối natri dư thừa, giảm áp lực lên thành mạch, duy trì huyết áp ổn định và bảo vệ sức khỏe tim mạch.
2.5 Hỗ trợ giảm rụng tóc
Để dưỡng ẩm và phục hồi tóc hư tổn, giảm rụng tóc, uống giấm táo pha cùng mật mía hoặc ủ mật mía hòa với nước ấm lên tóc rồi xả nước sạch là những gợi ý bạn có thể thử nghiệm. (1)
3. Mật mía dùng để làm gì ngon?
Mật mía cũng được sử dụng rộng rãi không kém gì so với mật ong, được sử dụng trong nhiều món ăn hoặc dùng làm sốt chấm bánh.
Một số nơi ở tỉnh thành miền Bắc, mật mía thường dùng để làm bánh trôi, bánh giò, bánh chay,..hoặc các biến thể khác như bánh trùng ( Vĩnh Phúc ) và sửi dìn.
Còn ở Thanh Hóa, mật mía còn được nấu thành chè hoặc làm nước sốt để chấm bánh chưng. Ngoài ra ở vùng xứ Nghệ – Tĩnh, mật mía được sử dụng cho nhiều món mặn như dùng để kho cá, kho thịt hoặc dùng trong các món ngọt như bánh ngào, bánh khảo, bánh gai, chè đỗ đen,…và làm nước sốt để chấm xôi, bánh giò, bánh chưng,..
Thậm chí mật mía còn được dùng để làm nước uống như món nước chè xanh pha mật mía. Người dân Hà Tĩnh còn dùng mật mía để làm kẹo cu đơ.
Tận dụng vị ngọt thơm, sánh quyện vừa đủ độ của mật mía, bạn có thể “biến hóa” được khá nhiều món ăn đậm đà và hấp dẫn. Cùng xem mật mía dùng để làm gì ngon với một vài công thức chế biến dưới đây nhé!
3.1 Cá kho mật mía
Cá kho mật mìa bùi bùi, béo béo (Nguồn: Internet)
Nguyên liệu
- Mật mía: 3 – 4 thìa canh
- Cá (cá thu, cá bạc má hoặc loại cá tùy thích): 500 – 800g
- Gừng
- Ớt tươi
- Củ nén (hành tăm): 20 – 30g
- Gia vị: nước mắm, hạt nêm, hạt tiêu
Cách làm cá kho mật mía
- Sơ chế sạch cá, bỏ ruột và cắt thành các khúc vừa ăn. Sau đó tùy theo sở thích, bạn có thể đem chiên giòn cá hoặc không.
- Ướp cá với chút gia vị trong khoảng 15 – 20 phút.
- Cho cá vào nồi (để cá không dính nồi thì bạn có thể lót vài lá chè xanh ở dưới), xếp gừng đã thái lát lên trên, cho xâm xấp nước và bật bên đun với lửa lớn khoảng 5 – 7 phút rồi rưới mật mía lên, đun khoảng 30 phút thì tắt bếp nghỉ 10 phút.
- Bật lửa nhỏ, cắt thêm vài lát ớt tươi vào, tiếp tục kho cá tới khi thịt cá mềm, nước sánh sệt lại thì có thể thưởng thức.
Gợi ý: Cá kho càng nhiều lửa và kho lâu thì thịt cá càng chắc, thấm vị và thơm ngon hơn.
Xem thêm: Mách bạn công thức nấu món ngon với củ nén để giải cảm hiệu quả
3.2 Bò kho mật mía
Bò kho mật mía đậm đà, thậm vị (Nguồn: Internet)
Nguyên liệu
- Mật mía: 2 – 3 thìa canh (tùy theo khẩu vị)
- Thịt bò (phần bắp bò có cả gân và mỡ): 1 – 1.5kg
- Gừng
- Tỏi
- Sả: 1 – 2 cây
- Hoa hồi: 3 – 4 bông
- Quế: 1 – 2 thanh
- Ớt tươi (không bắt buộc)
- Gia vị: nước mắm, hạt nêm, hạt tiêu, dầu điều (không bắt buộc)
Cách làm bò kho mật mía
- Rửa sạch thịt bò với nước muối loãng (nếu có nước trà xanh thì có thể tận dụng vì sẽ giúp khử mùi hoi của thịt bò khá tốt), cắt bắp bỏ thành các khúc vừa nhỏ để kho.
- Băm nhuyễn nhỏ gừng, tỏi, sả, hoa hồi và quế rồi đem ướp với thịt bò, thêm nước mắm, hạt tiêu và mật mía. Ướp thịt khoảng 1 – 2 tiếng.
- Bật bếp lửa lớn, kho thịt trong khoảng 15 phút rồi tắt bếp nghỉ 10 phút.
- Tiếp tục kho thịt bò với lửa 2, bật nhỏ lửa, kho khoảng 45 phút – 1 tiếng để thịt ngấm vị và mềm.
- Để thưởng thức, hãy cắt thịt thành các lát mỏng nhỏ.
3.3 Bánh ngào mật mía
Bánh ngào mật mía thơm phức (Nguồn: Internet)
Nguyên liệu
- Mật mía: 2 – 3 thìa canh
- Bột nếp: 200g
- Muối tinh
- Gừng
- Nước ấm: 500 – 700ml
Cách làm bánh ngào mật mía
- Trộn bộp nếp với chút muối, từ từ rót nước ấm vào, trộn đều tới khi bột kết dính lại. Sau đó rắc chút bột nếp khô lên, tiến hành nhào bột tới khi bột dẻo mịn, không còn dính tay thì bọc lại và ủ bột khoảng 30 phút.
- Khéo léo nặn bột thành viên bánh theo hình dáng tùy thích rồi đem luộc chín, vớt ra để trong tô nước nguội để bánh không dính vào nhau.
- Đun sôi nước, hòa tan mật mía rồi trút bánh nếp vào lại, đun khoảng 5 – 7 phút thì cho gừng đã cắt sợi vào, đảo nhẹ tay rồi tắt bếp và thưởng thức.
3.4 Chè sắn (khoai mì) mật mía
Chè sắn mật mía độc đáo (Nguồn: Internet)
Nguyên liệu
- Mật mía: 2 – 3 thìa canh
- Sắn (khoai mì): 300 – 500g
- Bột sắn dây hoặc bột năng: 20 – 30g
- Gừng
- Nước cốt dừa: 100ml
- Dừa nạo
Cách làm chè sắn mật mía
- Rửa sạch sắn, gọt bỏ vỏ rồi cắt khúc ngắn và ngâm trong nước muối loãng từ 5 – 6 tiếng. Sau đó tiến hành hấp chín sắn rồi cắt thành miếng vuông nhỏ.
- Cắt gừng thành từng sợi mỏng.
- Đun sôi nước, hòa tan mật mía rồi cho sắn vào đun với lửa nhỏ khoảng 15 – 20 phút. Thêm chút bột sắn dây hoặc bột năng để chè sánh quyện, trút gừng vào, đun thêm 5 – 7 phút là có thể tắt bếp và thưởng thức.
Gợi ý: Khi dùng hãy rưới chút nước cốt dừa, thêm dừa nạo để hương vị chè thơm ngon hơn.
4. Cách làm mật mía
Nhìn chung làm mật mía không quá phức chỉ cần thực hiện qua 3 giai đoạn: Ép mía, chưng cất nước mía và lóng mật là có thể làm được mật mía.
4.1 Ép mía
Mía sau khi mua hoặc thu hoạch về thì cắt bỏ phần vỏ cho vào máy để ép lấy nước. Trước đây khi không có công cụ máy móc nhiều thì nhiều người thường dùng sức của trâu bò để ép lấy nước mía, còn bây giờ hiện đại hóa nên sử dụng máy móc để rút ngắn thời gian và gia tăng năng suất.
4.2 Chưng cất nước mía
Nấu nước mía trong một cái chảo gang lớn ở mức lửa nhỏ, thời gian chưng cất tầm 10 – 12 tiếng. Khi sôi thì nhớ vớt bọt mía liên tục để nước mía có màu đẹp và thơm ngon hơn. Đảm bảo lửa ở mức vừa phải để chất lượng mía được tốt.
4.3 Lóng mật
Đây được xem là giai đoạn loại bỏ các cặn bả còn xót lại khi nấu để mật mía được trong hơn. Dùng một tấm vải bọc xung quanh đồ chứa, chế mật mía vào để tiến hành lóng mật.
Sau khi lóng mật xong thì để mật mía nguội rồi chế vào hủ thủy tinh cất bảo quản.
5. Mật mía để được bao lâu?
Có dạng đặc sánh và được dùng như một gia vị tăng độ ngọt nên khi chế biến lượng mật mía chúng ta sử dụng không quá nhiều, các gia đình thường mua và tích trữ dùng dần.
Theo đó, giống như mật ong, mật mía để được khoảng từ 1 – 1.5 năm, bảo quản trong lọ đựng thủy tinh và đặt ở nơi khô ráo, thoáng mát hoặc trong ngăn mát tủ lạnh. Ngoài ra, trong quá trình bảo quản cũng nên hạn chế lắc hoặc khuấy mật nhằm tránh để mật bị chua, nhanh hư hỏng.
6. Một số lưu ý cần biết khi sử dụng mật mía
Để hấp thu tốt các dưỡng chất từ mật mía cũng như cải thiện sức khỏe hiệu quả nhất, hãy lưu ý một vài khuyến cáo sau:
- Lựa chọn nguồn cung cấp mật mía uy tín, tránh trường hợp mua nhầm sản phẩm kém chất lượng.
- Măc dù mật mía là loại đường ít gây hại cho sức khỏe nhưng chỉ nên sử dụng với liều lượng vừa phải, mỗi lần chế biến chỉ nên dùng từ 3 – 4 thìa canh, không lạm dụng quá mức để tránh các tác động tiêu cực đến sức khỏe.
- Nếu đang điều trị bệnh tiểu đường, bạn có thể dùng mật mía thay cho đường tinh luyện thông thường nhưng cũng không nên dùng quá nhiều vì nguy cơ tăng đường huyết vẫn có thể xảy ra.
Mật mía chứa nhiều chất dinh dưỡng hơn đường tinh luyện nên có thể sử dụng để thay thế đường.
Từ cây mía ngọt tới những giọt mật mía sánh quyện là quá trình chắt chiu rất nhiều tinh túy, đem đến một loại mật thơm ngon, bổ dưỡng và rất tốt cho sức khỏe. Hy vọng rằng với chia sẻ trong bài viết trên đây, bạn đã phần nào hiểu hơn về tác dụng của mật mía, thêm nâng niu và trân trọng nguyên liệu ẩm thực đầy quý giá này nhé!