5 NHÓM NGÀNH chưa ra trường đã được săn đón, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm cao nhất 2020 và 2021: Bất ngờ nhất là ngành học này
Đứng trước ngưỡng cửa đại học, chọn ngành học gì đúng sở thích, năng lực nhưng quan trọng vẫn đảm bảo đầu ra là những yếu tố sĩ tử nên lưu ý.
Đành rằng cơ hội việc làm còn phụ thuộc vào nỗ lực, ý chí, khả năng của mỗi người, tuy nhiên lựa chọn ngành học có tiềm năng trong tương lai để bớt lâm vào cảnh cặm cụi 4 năm học rồi phải chật vật tìm kiếm việc làm là điều cần cân nhắc. Bởi có rất nhiều những ngành nghề hiện nay đang rất hot, rất “khát” nhân lực song cũng có nhiều nghề kiếm việc rất vất vả.
Bộ GD-ĐT vừa công bố kết quả khảo sát về tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp trong 2 năm 2020 và 2021. Cụ thể, trong năm 2021, các lĩnh vực được doanh nghiệp săn đón, với tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm ở mức cao (đạt tỷ lệ trên 85%) gồm: Dịch vụ vận tải (89,2%), Nghệ thuật (85,4%),Thú y (85,2%), Kiến trúc và xây dựng (79,6%).
Ở trong cả 2 năm 2020 và 2021, Thú y và Nghệ thuật đều nằm trong tốp 3 lĩnh vực sinh viên tốt nghiệp dễ kiếm việc làm. (Ảnh minh họa).
Còn năm 2020, nhóm ngành Nghệ thuật, Thú y, Máy tính và Công nghệ thông tin có tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm cao nhất. Như vậy, ở trong cả 2 năm 2020 và 2021, Thú y và Nghệ thuật đều nằm trong tốp 3 lĩnh vực sinh viên tốt nghiệp dễ kiếm việc làm.
Thú y: Ngành học triển vọng
Rất dễ mường tượng về ngành học Thú y. Ngành học này cung cấp khả năng chẩn đoán, phòng bệnh và điều trị đối với các hoạt động chăn nuôi, khả năng thực hiện các thao tác tại phòng thí nghiệm.
Tuy nhiên, học Thú y không chỉ để làm bác sĩ Thú y. Có rất nhiều cơ hội nghề nghiệp dành cho các sinh viên sau khi tốt nghiệp. Chẳng hạn, làm việc tại những công ty thuốc, phòng khám thú y, trại chăn nuôi gia súc – gia cầm, khu bảo tồn động vật hoang dã hay thảo cầm viên, phòng xét nghiệm thú y khoa, các hoạt động sản xuất và kinh doanh thuốc thú y.
Tại các phòng mạch hoặc bệnh xá (hay bệnh viện) thú y, phòng xét nghiệm thú y khoa; Cơ quan nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật thú y; Tham gia hoạt động sản xuất và kinh doanh thuốc thú y.
Chuyên viên tại các công ty quản lý nhà nước, như Phòng, Sở Nông nghiệp, Cục, Viện nghiên cứu, Chi cục thú y Tỉnh, Trạm thú y quận huyện, cơ quan nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật thú y, cơ sở chăn nuôi, cơ sở chế biến thực phẩm, chế biến thủy hải sản, các cơ sở bảo vệ môi trường sinh thái…
Tham gia giảng dạy, nghiên cứu ở các Trường, Viện chuyên ngành; Mở công ty thuốc thú y, phòng khám thú y hoặc trang trại chăn nuôi của riêng mình.
Vì nguồn đào tạo khan hiếm cùng với nhu cầu nhân lực chất lượng cao, nhiều doanh nghiệp ngành Thú y hiện nay sẵn sàng thảo luận mức lương trên 20 triệu đồng/tháng cho vị trí kỹ sư Thú y. (Ảnh minh họa)
Nói về ngành thú y, thạc sĩ Đặng Kiên Cường, Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM chia sẻ trên Thanh Niên: “Ngành này nằm trong tốp những ngành nghề sinh viên có việc làm cao vì hiện nay nhu cầu việc làm rất lớn. Nhiều công ty không tuyển dụng được nhân sự, nhất là nhân sự chất lượng cao”.
“Hiện nay trên cả nước chỉ có khoảng 23 trường ĐH đào tạo ngành thú y, chỉ tiêu không nhiều nên không đủ để đáp ứng nhu cầu xã hội. Hàng năm, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM tuyển sinh khoảng 150 sinh viên cho ngành chăn nuôi, 180 em cho ngành bác sĩ thú y. Theo thống kê về việc làm của sinh viên tốt nghiệp sau một năm, hơn 98% sinh viên ngành thú y có việc làm”.
Chủ tịch Hội đồng quản trị một tập đoàn dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh thuốc thú y, vắc xin… từng cho hay: “Chúng tôi tuyển một kế toán, trả lương 6-8 triệu là tuyển được người xuất sắc, trong khi đó thì tuyển một người học chăn nuôi Thú y, trả lương 20 triệu, vẫn bị… bấp bênh”.
Lương khởi điểm của một bác sĩ hoặc kỹ sư Thú y mới ra trường là 6-8 triệu đồng/tháng, và tăng theo kinh nghiệm cũng như kỹ năng. Vì nguồn đào tạo khan hiếm cùng với nhu cầu nhân lực chất lượng cao, nhiều doanh nghiệp ngành Thú y hiện nay sẵn sàng thảo luận mức lương trên 20 triệu đồng/tháng cho vị trí kỹ sư Thú y.