5 nguyên nhân dẫn đến căng cơ đùi và cách điều trị
Căng cơ đùi là một chấn thương khá phổ biến, trong đó những người chơi thể thao thường xuyên là đối tượng hay gặp phải. Tình trạng này có thể gây nên cảm giác đau đớn, đồng thời ảnh hưởng đến khả năng vận động và các hoạt động thường ngày của người bệnh.
25/07/2022 | Góc tư vấn: Nên làm gì và không nên làm gì khi bị căng cơ?
02/06/2022 | Chuyên gia tư vấn các cách điều trị triệu chứng căng cơ hiệu quả
28/06/2021 | Giải mã nguyên nhân căng cơ ở người chạy bộ và cách khắc phục
Nội Dung Chính
1. Thế nào là căng cơ đùi?
Căng cơ đùi là tình trạng chấn thương của một trong ba nhóm cơ ở đùi gồm: cơ gân kheo, cơ tứ đầu và cơ phụ. Chấn thương này xảy ra khi cơ bị kéo căng quá mức dẫn đến việc những sợi cơ bị tổn thương, đứt hoặc rách. Cụ thể, nó gây một số tổn thương ở gần điểm của các mô liên kết cứng và xơ của gân.
Trường hợp các hoạt động, vận động phải sử dụng đến cơ đùi và duy trì các chuyển động mở rộng chân, uốn cong lặp đi lặp lại trong thời gian dài, căng cơ đùi thường dễ xảy ra.
Khi đó, bệnh nhân có thể cảm nhận được những cơn đau nhức đột ngột, kéo dài trong khoảng thời gian vài ngày hoặc vài giờ. Đi kèm với đó, có thể là tình trạng bầm tím, sưng ở vị trí bị tổn thương.
Căng cơ đùi là tình trạng chấn thương, rách hoặc đứt các cơ của một trong ba nhóm cơ ở đùi
2. Những triệu chứng của căng cơ đùi là gì?
Người bị chấn thương căng cơ đùi thường xuất hiện các triệu chứng là dấu hiệu nhận biết như sau:
Cảm giác có tiếng kêu phát ra hoặc cảm thấy như vỡ vụn ở bên trong khi cơ bị rách.
Bị sưng tấy, bầm tím kéo dài sau đùi và có thể lan rộng xuống bắp chân, mắt cá chân.
cảm giác chạm vào thấy mềm ở khu vực xung quanh vùng bị tổn thương.
Xuất hiện cơn đau dữ dội, đột ngột, có thể kéo dài liên tục trong vài ngày.
Tình trạng yếu cơ và giảm chuyển động.
Người bị chấn thương căng cơ đùi có thể trải qua cơn đau dữ dội
3. Những nguyên nhân gây ra căng cơ đùi là gì?
Quá lạm dụng các cơ ở đùi
Những vận động viên tập luyện và thi đấu các môn như nhảy xa, nhảy cao hoặc bộ môn khác có tính lặp đi lặp lại các động tác ở chân thường hay gặp phải chấn thương căng cơ đùi. Bởi trong quá trình này, các cơ ở đùi hoạt động quá mức gây ra tình trạng căng cơ và đau đớn dữ dội.
Đi kèm với đó, các cơ cũng bị co lại và căng giãn liên tục dẫn tới hiện tượng cơ bị mỏi, có dấu hiệu co thắt lại khi phải đáp ứng tối ưu những hoạt động như tăng tốc hay bật nhảy trong quá trình tập luyện, chơi thể thao.
Chấn thương căng cơ đùi rất phổ biến
Chuyển động một cách đột ngột
Bên cạnh đó, các bó cơ ở đùi có khả năng gặp phải tình trạng bị kéo căng quá mức khi một chuyển động làm lấn át sức của những sợi cơ xảy ra.
Hiện tượng này cũng thường gặp ở các đối tượng là những người chơi bóng đá, bóng rổ, bóng chày, chạy điền kinh,…
Trong các trường hợp bị nặng, có thể gây rách cơ kèm theo sưng bầm và sự đau nhức dữ dội.
Căng thẳng
Căng cơ đùi cũng có thể xảy ra nếu cơ thể bị căng thẳng, stress kéo dài. Khi đó, não sẽ gửi tín hiệu liên tục đến các cơ do sự không ổn định của hệ thần kinh. Điều này dẫn tới hiện tượng co lại của các cơ ngay cả khi không cần thiết mà lâu ngày sẽ làm các nhóm cơ bị co thắt quá mức.
Bệnh lý
Ngoài ra, ảnh hưởng của một số bệnh lý như: bệnh xơ cứng teo cơ bên, hội chứng khoang gắng sức mãn tính, hội chứng mệt mỏi mãn tính, chèn ép dây thần kinh,… cũng có thể là nguyên nhân gây ra chấn thương căng cơ đùi.
Bị mất nước
Một nguyên nhân khác làm tăng tỷ lệ xảy ra của tình trạng căng cơ đùi đến từ việc không cung cấp đủ nước mỗi ngày cho cơ thể hay tình trạng mất nước do bệnh lý. Bởi nước giữ vai trò lớn trong quá trình trao đổi chất của cơ thể đồng thời đảm bảo cho sự hoạt động của nhóm cơ.
4. Phương pháp điều trị căng cơ đùi và phòng ngừa chấn thương xảy ra
Điều trị chấn thương căng cơ đùi có thể áp dụng một số phương pháp như sau:
Quấn băng ép phần đùi bị chấn thương bằng băng mềm, gạc đàn hồi, hoặc đeo băng hỗ trợ đùi.
Nghỉ ngơi là việc quan trọng nhất ở những người bị căng cơ đùi, không nên cố gắng đi lại hoặc luyện tập.
Nâng cao chân bị thương lên cao hơn tim.
Xoa bóp nhẹ nhàng để các cơ được thư giãn, cải thiện tình trạng đau của người bệnh.
Chườm đá.
Tập vật lý trị liệu, các bài tập tăng cường, ổn định khi đã giảm bớt sưng và đau, giúp cơ đùi hoạt động bình thường trở lại.
Dùng thuốc giảm đau, nhưng cần được kê đơn bởi bác sĩ.
Xem xét can thiệp phẫu thuật khi bị rách cơ đùi hoàn toàn.
Căng cơ đùi làm người bị chấn thương trải qua những cơn đau đớn, ảnh hưởng đến hoạt động thường ngày. Do vậy, bạn cũng nên lưu ý đến những cách phòng ngừa tình trạng tổn thương này xảy ra.
Thực hiện luyện tập thường xuyên nhằm mục đích điều hòa cơ bắp và hạn chế nguy cơ chấn thương.
Đảm bảo luôn khởi động trước khi luyện tập thể dục thể thao một cách kỹ càng với các động tác thích hợp.
Khởi động kỹ trước khi tập luyện, chơi thể thao để hạn chế bị chấn thương
Giãn cơ sau khi tập thể dục.
Uống nhiều nước để đảm bảo sự hoạt động bình thường của các cơ.
Có chế độ ăn cân bằng đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết để các cơ được nuôi dưỡng và hoạt động tốt, phòng ngừa tình trạng chấn thương.
Trong trường hợp đã bị chấn thương trước đó, nên dành thời gian nghỉ ngơi để cơ lành lại hoàn toàn trước khi trở lại tập luyện hay chơi thể thao.
Tóm lại, khi gặp phải chấn thương căng cơ đùi, người bệnh cần được tiến hành điều trị sớm và đúng cách để đảm bảo phục hồi hiệu quả và hạn chế đi nguy cơ gặp phải các biến chứng nghiêm trọng.
Nếu cần được tư vấn, thăm khám và điều trị tình trạng chấn thương căng cơ đùi hoặc các vấn đề liên quan đến cơ xương khớp khác, quý khách hãy liên hệ hotline 1900 56 56 56 của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC để được hỗ trợ.