5 nghề hệ trung cấp dễ xin việc nhất hiện nay

Làm thế nào để chọn được cho mình một ngành nghề phù hợp với bản thân, học một nghề có thể sống được với nghề mình học lại càng quan trọng hơn, vì đó là yếu tố mang tính quyết định cho sự thành công của bạn trong tương lai. Đó cũng chính là câu hỏi nhận được nhiều sự quan tâm của cả học sinh và lẫn các bậc phụ huynh mỗi mùa thi đến. Vậy nghề nào phù hợp với bản thân, lại vừa dễ dàng xin việc ở bất cứ đâu là vấn đề chúng ta sẽ cùng nhau giải đáp với 5 nghề hệ trung cấp dễ xin việc nhất hiện nay:

1.​​​​​ 

Tiếng Anh 

Trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, giao lưu hợp tác giữa các quốc gia là một điều tất nhiên và tiếng Anh đóng một vai trò quan trọng.

Thực tế là hiện nay nhiều người giỏi tiếng Anh lại không được đào tạo chuyên ngành kinh tế hay kỹ thuật. Ngược lại, nhiều người giỏi các chuyên ngành khoa học kinh tế kỹ thuật lại không thông thạo ngoại ngữ. Chương trình đào tạo tiếng Anh giúp đáp ứng được nhu cầu vừa tinh thông ngoại ngữ vừa đáp ứng như cầu xã hội. 

Do tính ứng dụng khá cao, ngành Tiếng Anh hầu hết khá phù hợp với các công việc thuộc khối ngành kinh tế và ngoài kinh tế. Các vị trí công tác mà một học viên tốt nghiệp ngành Tiếng Anh có thể đảm nhận như hướng dẫn viên du lịch, xuất nhập khẩu, phiên dịch viên hay giáo viên tiếng Anh.

Học viên tốt nghiệp với bằng chuyên ngành Tiếng Anh có thể làm việc tại các doanh nghiệp trong nước hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, hiệp hội thương mại, tổ chức thương mại, nhân viên kinh doanh…

Bạn có thể thấy cơ hội việc làm khá rộng mở, vấn đề là mục tiêu và định hướng phát triển bản thân. Tiếng Anh là ngoại ngữ phổ biến nhất hiện nay mà bạn phải có, không riêng đối với ngành nào. Để thành công trong mỗi công việc, bạn phải thật sự say mê, nỗ lực tìm tòi học hỏi và có tâm huyết với nghề mà bạn đã chọn.

Tiếng Anh là một ngành đa dạng công việc và tiềm năng phát triển, cơ hội nghề nghiệp lớn. Nhưng bên cạnh đó ngành này cũng đặt ra nhiều thử thách luôn đòi hỏi sinh viên phải phát triển kỹ năng toàn diện để hội nhập trong giai đoạn toàn cầu hóa như hiện nay.

2.​​​​​ Quản lý doanh nghiệp

Quản trị doanh nghiệp là ngành học chuyên sâu của quản trị kinh doanh. Học viên theo học ngành này được cung cấp những kiến thức cơ bản và chuyên sâu về tổ chức, quản lý điều hành các hoạt động sản xuất kinh doanh, quản lý nguồn nhân lực và những kỹ năng mềm cần thiết.

Học quản trị doanh nghiệp và tốt nghiệp, học viên có khả năng xây dựng mối quan hệ với khách hàng và triển khai các hợp đồng kinh doanh; thành lập, điều hành doanh nghiệp; kiểm soát tình hình tài chính của doanh nghiệp, dự toán kinh phí thực hiện và thẩm định các dự án đầu tư trong xu thế hội nhập kinh tế. Ngoài ra học viên còn có thể tự khởi nghiệp kinh doanh nếu thực sự có đam mê.

Chưa bao giờ kinh doanh, doanh nghiệp ở Việt Nam phát triển như ngày nay. Chỉ tính riêng khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, chúng ta đã có khoảng 20 vạn doanh nghiệp, các doanh nghiệp lớn, liên doanh, doanh nghiệp hoạt động ngoài nước cũng rất phát triển. Tất cả đang tạo nên những địa chỉ làm việc vô cùng phong phú cho các quản trị viên trong tương lai.

Tất nhiên vẫn có một lời khuyên chung: Doanh nghiệp luôn cần những người có tài và có tâm. Nên cơ hội công việc luôn phụ thuộc không nhỏ vào chính quá trình học tập, rèn luyện của bản thân bạn. Dù cơ hội rất nhiều nhưng chúng sẽ không bao giờ tự đến với bạn.

 

Tải: Danh sách các trường Trung cấp theo từng ngành nghề

 

3. Tin học ứng dụng (Thiết kế đồ họa đa phương tiện)

Ngành thiết kế đồ họa và truyền thông đa phương tiện là sự kết hợp giữa tư duy sáng tạo của người học với tính đa dụng của công cụ đồ họa máy tính. Theo đó, các ý tưởng sáng tạo được hình thành trong suy nghĩ hay bản vẽ phác thảo trên giấy sẽ được chuyển tải thành hình ảnh, âm thanh đa chiều với những sắc diện khác nhau.

Nếu như thiết kế đồ họa chỉ dừng lại ở việc vẽ trên máy trong một không gian nghệ thuật phẳng 2 chiều, thông qua các phần mềm đồ họa ứng dụng như CorelDRAW, Photoshop, Illustrator,… thì thiết kế truyền thông đa phương tiện cho phép sinh viên sáng tạo trên thế giới 3 chiều bằng việc tạo ra những giao diện, hợp nhất những khả năng lập trình để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật sống động như: thiết kế phim hoạt hình công nghệ 3D, sản xuất phim và thiết kế web cùng các ứng dụng tương tác khác.

Học viên học thiết kế đồ họa sau khi tốt nghiệp có thể đảm nhận các công việc như trình bày bản in, thiết kế quảng cáo, in ấn, bao bì sản phẩm, thiết kế báo chí,… còn học viên ngành thiết kế truyền thông đa phương tiện có thể trở thành họa sĩ phim hoạt hình, chuyên viên sản xuất phim, chuyên viên thiết kế và phát triển web, chuyên viên phát triển phim, game online, lập trình viên đa phương tiện… Hai ngành học này đa số làm việc tại các công ty quảng cáo, tòa soạn, đài truyền hình, các doanh nghiệp lớn có bộ phận thiết kế và quảng cáo riêng.

Một khía cạnh khác khiến nhiều bạn trẻ quyết định học thiết kế là chỉ cần có chút năng khiếu, sáng tạo và sự cần cù, chịu khó là có thể tự tin kiếm được việc làm tốt với mức lương hấp dẫn. Thậm chí ngay trong thời gian đi học, nhiều học viên đã có thể nhận việc thiết kế thêm tại nhà với chi phí đủ trang trải cho việc học và phát triển nghề nghiệp. Bạn Nguyễn Hoàng Dũng, sinh viên học thiết kế đồ họa, hiện đang là nhân viên thiết kế “outsource” cho một công ty quảng cáo chia sẻ: “Sau giờ học ở trường, tôi thường nhận các hợp đồng thiết kế tờ rơi, tạp chí và web về làm thêm vào buổi tối. Vừa là để cọ xát với thực tế, nâng cao tay nghề, vừa có nguồn thu nhập tốt. Công việc thiết kế quả là rất thú vị”.

Anh Nguyễn Quang Tuấn, giám đốc công ty quảng cáo Carrot cho biết: “Nhu cầu tuyển dụng nhân viên thiết kế đồ họa ở các công ty quảng cáo nói chung và các doanh nghiệp nói riêng là rất lớn. Khi tuyển dụng cho nghề này, chúng tôi thường chú trọng nhiều đến sản phẩm của họ làm ra thế nào. Một mẫu thiết kế ấn tượng, có ý tưởng sáng tạo độc đáo luôn được đánh giá cao.”

Để làm tốt bất cứ việc gì đều cần có tố chất và sự sự yêu thích dành cho nó. Đối với bố cục, hình ảnh, chi tiết, màu sắc của các vật thể xuất hiện trong tầm mắt mình, bạn có thường xuyên để ý hoặc phân tích, chiêm ngưỡng và cảm thụ chúng? Nếu có, nghĩa là bạn yêu thích, hoặc ít nhất là có khả năng chú ý đối với màu sắc và hình ảnh. Và thế nghĩa là đồ họa đa phương tiện phù hợp với bạn.

Nghề thiết kế đồ họa đa phương tiện không phải là công việc dễ dàng hay nhàn hạ. Một công việc đòi hỏi sự sáng tạo, hoạt động của chất xám thì không bao giờ là nhẹ nhàng. Mỗi khi bị cạn nguồn ý tưởng, hãy chuẩn bị tinh thần để chịu đựng áp lực “nặn cho ra ý tưởng”, đáp ứng deadline và yêu cầu công việc.

Do đặc thù là ngành thường xuyên cập nhật các xu hướng mới, do vậy người làm nghề thiết kế đồ họa đa phương tiện phải liên tục học hỏi để nắm bắt những đổi mới của ngành học này. Không chỉ là xu hướng mới về quan điểm hoặc thị hiếu từ thị trường, mà còn là xu hướng mới về các công nghệ. Vì thực chất thiết kế đồ họa là ngành mỹ thuật sử dụng công cụ là các phần mềm công nghệ đồ họa, mà các công cụ này liên tục được nâng cấp và đổi mới.

4. Công nghệ kỹ thuật phần cứng máy tính

Máy vi tính đã trở thành một trong những thiết bị không thể thiếu đối với con người do tính ứng dụng rộng lớn và đa dạng của nó. Thông qua máy tính, công việc được thực hiện một cách dễ dàng và nhanh chóng hơn rất nhiều, từ trường học đến nơi làm việc, kinh doanh và thậm chí là ở nhà. Với hàng triệu người sử dụng máy tính trên toàn thế giới, nhu cầu về các ngành nghề liên quan đến công nghệ và phát triển máy tính cũng tăng trưởng một cách mạnh mẽ.

Học viên tốt nghiệp ngành công nghệ phần cứng máy tính có khả năng phát triển, thiết kế, kiểm tra, nghiên cứu và quản lý việc cài đặt các linh kiện phần cứng của máy tính. Các linh kiện phần cứng bao gồm các bo mạch chủ, chip máy tính, modem, máy in và các thiết bị ngoại vi khác thường được kết nối với máy tính. Những học viên có đam mê muốn tự kinh doanh riêng cũng có thể theo đuổi ngành này để khởi nghiệp sửa chữa, bảo dưỡng và nâng cấp hệ thống máy tính.

Phẩm chất và kỹ năng cần thiết cho việc học và làm việc trong ngành công nghệ phần cứng máy tính như: Thông minh và có óc sáng tạo để tiếp thu và vận dụng các công nghệ tiên tiến; khả năng làm việc dưới áp lực lớn, kiên trì, nhẫn nại, tính chính xác trong công việc là yêu cầu chung của hầu hết các công việc, đặc biệt là công việc liên quan đến công nghệ cao; ham học hỏi, trau dồi kiến thức bởi máy tính phát triển rất nhanh với những công nghệ cải tiến xuất hiện thường xuyên; trình độ ngoại ngữ là cơ hội để tiếp cận kho tàng phong phú về công nghệ từ các nguồn sách điện tử và Internet, do đó học tập trong một môi trường đầu tư tiếng Anh chuẩn quốc tế tạo điều kiện cho học viên phát triển nhanh chóng; và quan trọng nhất là niềm đam mê với lĩnh vực công nghệ thông tin.

5. Công nghệ kỹ thuật điện tử – viễn thông

Kỹ thuật Điện tử Viễn thông thông hiện là 1 trong 10 nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng nhân lực đều đặn qua các năm và trong tương lai. Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường TP.HCM, nhu cầu nhân lực nhóm ngành nghề này trong giai đoạn 2020 – 2025 rất lớn, có thể lên đến 16.000 người/năm. Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp tại Việt nam đều đang thiếu hụt đội ngũ kỹ sư điện tử và kỹ sư viễn thông chất lượng cao để phục vụ công tác bảo trì, vận hành và nâng cấp hệ thống sản xuất.

Cung không đủ cầu là một trong những lý do thu hút sự quan tâm của nhiều người đối với ngành Kỹ thuật điện tử – Viễn thông, đặc biệt là các bạn trẻ có sở thích và đam mê lĩnh vực công nghệ viễn thông và thông tin, hệ thống điện tử ứng dụng, xử lý tín hiệu âm thanh, hình ảnh và đa phương tiện.

Nói một cách đơn giản thì ngành Kỹ thuật điện tử, truyền thông là ngành sử dụng các công nghệ, kỹ thuật điện tử tân tiến để tạo nên các thiết bị điện tử như: vệ tinh, thiết bị truyền phát tín hiệu, máy thu hình, điện thoại, máy tính cá nhân, máy tính bảng,… nhằm xây dựng hệ thống mạng thông tin liên lạc giúp cho việc trao đổi thông tin giữa con người với nhau diễn ra thuận lợi trong những điều kiện không gian và thời gian khác nhau. Trong thời đại công nghệ số hiện nay, vai trò của ngành Kỹ thuật điện tử, truyền thông là không thể thay thế.

Học ngành Kỹ thuật điện tử – truyền thông học viên có khả năng chủ động tiếp cận, nắm bắt các công nghệ kỹ thuật điện tử tiên tiến và hoạt động của mạng truyền thông hiện đại; đồng thời có khả năng chủ động thiết kế, xây dựng, khai thác, vận hành, sử dụng, bảo trì các thiết bị điện tử, thiết bị viễn thông.

Điện tử Viễn thông là một ngành có tốc độ đổi mới rất cao, đòi hỏi người học phát triển kỹ năng tư duy của mình, năng động, đam mê tìm tòi và thức thời với các công nghệ mới và áp dụng nó vào thực tế tại Việt Nam. Ngành này mang tính phủ sóng diện rộng nên chịu ảnh hưởng từ các yếu tố ngoại tác rất nhiều, người kỹ sư điện tử – viễn thông cần kiên trì, nhẫn nại và có tinh thần vững vàng để ứng phó trước các sự cố hệ thống. Hơn hết, để thành công trong bất kỳ lĩnh vực nào, người học cần có đam mê thật sự, có mục tiêu phấn đấu và sự quyết tâm theo đuổi công việc học tập, nghiên cứu phát triển trong dài hạn.

Bên cạnh đó, để kịp thời cập nhật với những công nghệ mới và tiên tiến nhất đòi hỏi kỹ năng ngoại ngữ đọc viết tốt vì thông tin về chúng thường được viết bằng tiếng Anh. Mang đặc tính khối lượng công việc cao, phức tạp nên ngành Điện tử – Viễn thông vừa phải phát triển khả năng nghiên cứu độc lập, vừa trau dồi kỹ năng làm việc nhóm. Vì thế, việc trải nghiệm trong môi trường tiếng Anh theo chuẩn quốc tế từ khi còn học tập trên ghế nhà trường sẽ tạo nền tảng tốt và điều kiện thuận lợi cho các kỹ sư tương lai thích ứng với yêu cầu công việc.