5 món ăn truyền thống “vừa lạ vừa quen” mỗi dịp Tết Đoan Ngọ 5/5

Việt Nam là đất nước nổi tiếng với rất nhiều lễ, tết và các dịp quan trọng, có Tết đầu năm, cũng lại có cả Tết giữa mùa hè, như Tết Đoan Ngọ chẳng hạn! Vào dịp này trong năm, dân gian thường rủ nhau ăn các món ăn được cho rằng có khả năng “diệt sâu bọ”, trong đó có 5 món ăn truyền thống này luôn nằm trong top được người dân lựa chọn vì vừa ngon, dễ ăn lại hợp phong tục của dịp 

Giới thiệu 

Tết Đoan Ngọ hoặc thường được gọi là Tết Đoan Dương diễn ra vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch hàng năm, với năm 2021 thì tết Đoan Ngọ năm nay rơi vào ngày 14/6 dương lịch. Đây được coi là một ngày Tết truyền thống tồn tại từ lâu trong văn hóa dân gian phương Đông. Tết Đoan Ngọ có nghĩa là ăn vào buổi trưa. 

Hơn nữa, vì người Việt Nam còn coi đây là Tết giết sâu bọ nên vào ngày này sẽ phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt bớt các loài gây hại cho mùa màng. Dân gian cho rằng, bộ phận tiêu hoá của con người thường có các loại ký sinh gây hại và chúng nằm sâu trong bụng nên không phải lúc nào cũng diệt được. Tuy nhiên vào ngày mùng 5/5 âm lịch hàng năm, thì các loại ký sinh này thường ngoi lên và do đó con người có thể ăn thức ăn, hoa quả vị chua, chát và nhất là rượu nếp để diệt trừ. 

5 món ăn truyền thống không thể thiếu trong ngày Tết Đoan ngọ 2021
Mâm cúng Tết Đoan Ngọ 

Các hoạt động chính 

Tết Đoan Ngọ không được tính là một ngày nghỉ, song trong dịp này người ta thường ăn tết ở nhà với gia đình vào buổi sáng để giết sâu bọ, bệnh tật trong người. Ở một số nơi người ta còn cúng lễ cho một tiết mới hoặc tắm nước lá mùi để phòng bệnh và tẩy trừ “sâu bọ”. Một số địa phương thì lại tìm mua cành xương rồng bỏ trong nhà để đuổi tà ma.

Các món ăn được sử dụng trong ngày này thì hầu hết đều là các món ăn nhanh dễ làm, thậm chí dễ mua, dễ kiếm. Dưới đây là 5 món ăn truyền thống rất được ưa chuộng trong mọi dịp lễ Đoan Ngọ của người dân Việt Nam 

Cơm rượu nếp 

Cơm rượu nếp là món ăn phổ biến nhất, có trên mâm cúng của cả ba miền Bắc – Trung – Nam, tuy nhiên thì nổi tiếng ở miền Bắc hơn cả. Có 2 loại cơm rượu nếp phổ biến nhất là cơm rượu nếp trắng và cơm rượu nếp cẩm. 

Cơm rượu nếp là món ăn có thể chinh phục bạn bởi sự hòa quyện giữa vị cay the ngọt ngọt của rượu và vị dẻo của lúa nếp mới. Gạo của món ăn này luôn được chọn cẩn thận, để nấu rượu nếp nhất định phải là loại nếp cẩm, hoặc nếp cái hoa vàng. Từ gạo đó sẽ đồ thành xôi, để nguội rồi rắc men, ủ trong ba ngày là xong. Dân gian quan niệm rằng món ăn này không thể thiếu men rượu vì chính vị nồng của cơm nếp hòa với men cay của rượu sẽ có tác dụng loại bỏ những loài ký sinh có hại. 

cơm rượu nếp tết đoan ngọ

Bánh ú nước tro (bánh tro, bánh ú) 

Theo như phong tục của người dân Việt Nam, bánh ú và bánh gio luôn là 1 trong 5 món ăn truyền thống trong dịp Tết Đoan ngọ (5/5 âm lịch). Món bánh ú nước tro là món bánh dân dã được chế biến bằng cách ngâm gạo nếp trong nước lá gió, sau đó gói vào lá rồi mang luộc. Bánh được coi là có đặc tính tư âm vì chứa những nguyên vật liệu có tính âm do đó, Tết Đoan ngọ cần có bánh tro để giúp trung hòa chất độc tích lại nhằm bảo vệ sức khỏe .

bánh tro tết đoan ngọ

Các món chè 

Món chè cũng được coi là một trong những món ăn ngon gần đây được ưa chuộng tại nhiều vùng miền vào dịp tết Đoan Ngọ. Tuy nhiên, mỗi miền lại có 1 loại chè khác nhau mà không hề giống nhau. 

Miền Nam – Chè trôi nước: Món chè trôi nước không chỉ thanh mát, bổ dưỡng mà còn có hương vị cực kì hấp dẫn với từng viên bột nếp trắng được nặn tròn, bên trong là nhân đậu xanh, rắc chút vừng, ăn với nước cốt dừa, đường thốt nốt ngọt thơm
Miền Trung- Chè kê, chè hạt sen: Với chè hạt kê và hạt sen thì cực kì dễ ăn, được coi là món thanh đạm, mát, dễ ăn, có tác dụng điều hòa khí huyết, làm mát cơ thể trong ngày Tết Đoan Ngọ nắng nóng nên người dân miền Trung cực kì ưa chuộng 

chè trôi nước món ăn truyền thống tết đoan ngọ

Thịt vịt 

Tuy không phải một món ăn lạ dễ làm hay khó làm gì cho cam, song ũng theo quan niệm “giết sâu bọ” chữa bệnh, thì thịt vịt lại trở thành món ăn thường được nhắc đến trong tết Đoan Ngọ  nhờ tác dụng cân bằng phong huyết, âm dương và làm mát cơ thể. Thịt vịt thường có thể linh động chế biến tùy thuộc vào sử thích, có thể luộc, hấp, quay hay chiên đều được. Trong đó thì thịt vịt luộc thường được lựa chọn nhiều nhất do phù hợp nhất để bày lên mâm cúng, dễ chế biến cũng dễ ăn. 

các món vịt ăn trong tết đoan ngọ

Hoa quả, trái cây 

“Món ăn” cuối cùng trong 5 món ăn truyền thống thì lại là món vô cùng quen thuộc, dễ kiếm: hoa quả. Trong ngày tết Đoan Ngọ thì hầu như loại quả nào cũng có thể dùng để giết sâu bọ, miễn là mùa Tết đó đang vào mùa của loại quả nào, hoặc tuỳ thuộc vào vùng bạn sống là vùng nào. 

Ví như miền Nam trong thời điểm tết Đoan Ngọ thì đang là mùa mận, xoài, chôm chôm, dưa hấu, sầu riêng, măng cụt; còn ở miền Bắc thì cực kì ưa chuộng các loại quả như mận, vải, đào,.. 

ăn hoa quả trong tết đoan ngọ

Với 5 món ăn truyền thống không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ trên, hi vọng đã giúp bạn hiểu hơn về những phong tục, những dịp quan trọng của quê hương, đồng thời lý giải được vì sao cứ đến Tết Đoan Ngọ là sẽ lại được ăn những món ăn đó. Vậy thì chỉ còn chưa tới 2 hôm nữa là đến Tết Đoan Ngọ rồi, bạn đã chọn được món ăn phù hợp chưa, thử “đổi gió” thì sao nhỉ? 

2