5 lưu ý chọn đề tài Nghiên cứu Khoa học Xã hội | TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU XUẤT BẢN VÀ GIÁO DỤC IPER

Nghiên cứu khoa học (NCKH) là một trong những hoạt động quan trọng của quá trình đào tạo đại học, sau đại học. Chắc hẳn nghiên cứu khoa học cũng không quá xa lạ đối với các bạn sinh viên, nhưng để hiểu sâu hơn nữa về NCKH thì hôm nay các bạn hãy cùng tìm hiểu với IPER nhé!

Nghiên cứu khoa học là gì?

Khoa học là gì?

Trước hết muốn hiểu rõ nghiên cứu khoa học là gì chúng ta nên hiểu khoa học là gì? Khoa học bao gồm hệ thống tri thức về các quy luật và sự vận động của vật chất, tự nhiên, xã hội và tư duy. Hệ thống tri thức sẽ được phân thành tri thức và tri thức khoa học.

Tri thức kinh nghiệm là những hiểu biết, những kiến thức mà tích lũy được qua hoạt động sống, học tập và lao động hàng ngày giữa con người với tự nhiên và con người với con người.

Tri thức khoa học là những kiến thức thu được từ hoạt động nghiên cứu khoa học và được hình thành dựa trên kết quả quan sát, thu thập thông tin thông qua các thí nghiệm, những sự việc xảy ra trong tự nhiên và hoạt động xã hội.

Theo tác giả Vũ Cao Đàm (1999), khoa học có thể được phân loại như sau:

  • Khoa học tự nhiên
  • Khoa học kỹ thuật và công nghệ
  • Khoa học nông nghiệp
  • Khoa học sức khỏe
  • Khoa học xã hội và nhân văn
  • Triết học

Nghiên cứu khoa học là gì?

Có rất nhiều định nghĩa khác nhau về nghiên cứu khoa học. Theo Vũ Cao Đàm: “Nghiên cứu khoa học là sự tìm kiếm những điều mà khoa học chưa biết: hoặc là phát hiện bản chất sự vật, phát triển nhận thức khoa học về thế giới; hoặc là sáng tạo phương pháp mới và phương tiện kỹ thuật mới để làm biến đổi sự vật phục vụ cho mục tiêu hoạt động của con người.”

Luathoangphi.vn định nghĩa “Nghiên cứu khoa học là hoạt động tìm kiếm, điều tra, xem xét, thí nghiệm dựa trên những kiến thức, tài liệu, số liệu để từ đó phát hiện ra những mặt mới của bản chất sự việc nào đó hoặc về thế giới tự nhiên và để sáng tạo những phương pháp sản xuất, phương tiện kỹ thuật cao hơn, có giá trị tốt hơn.”

Nhưng tổng kết lại, bạn có thể hiểu đơn giản Nghiên cứu khoa học (NCKH) là một trong những hoạt động thường xuyên và không thể thiếu trong các cấp học sinh, sinh viên và cao học. Đây là hành động tìm hiểu, quan sát, thí nghiệm … dựa trên những số liệu, dữ liệu, tài liệu thu thập được để phát hiện ra bản chất, quy luật chung của sự vật, hiện tượng, tìm ra những kiến thức mới.

Ý nghĩa, vai trò quan trọng của NCKH

Ý nghĩa của nghiên cứu khoa học

Nghiên cứu khoa học mang tới nhiều ý nghĩa, cảm xúc cho người thực hiện nghiên cứu. Thông qua bài nghiên cứu sẽ giúp cho người thực hiện chủ động hơn và hình thành được những phương pháp, tư duy mới. Từ đó sẽ giúp phát hiện ra vấn đề và giải quyết vấn đề một cách tốt nhất.

Một công trình nghiên cứu khoa học thành công còn giúp mang tới niềm vui cho cả người thực hiện cũng như cả mọi người xung quanh. Đồng thời đây cũng là một giai đoạn tiền đề tạo điều kiện thực hiện tốt những dự án, bài báo cáo sau này.

Vai trò của nghiên cứu khoa học

Thứ nhất, khi thực hiện hoạt động NCKH, người thực hiện sẽ hiểu sâu hơn kĩ hơn về những kiến thức đã học được trên giảng đường đồng thời được bổ sung thêm những kiến thức ngoài sách vở khi nghiên cứu các đề tài.

Thứ hai, NCKH giúp bạn biết cách thực hiện những công việc khoa học như: lập kế hoạch, bố trí thời gian, phân công nhiệm vụ trong nhóm… Đó là kinh nghiệm rất quý khi bạn thực sự bắt tay vào làm việc tại các công ty.

Thứ ba, NCKH tạo môi trường mở rộng mối quan hệ với bạn bè, anh chị, thầy cô và các tổ chức, cơ quan bên ngoài xã hội. Điều đó sẽ tạo thuận lợi khi tiếp cận công việc thực tế sau này.

Với những lý do trên thì nghiên cứu khoa học trở thành một bộ môn bắt buộc ở bậc đại học và sau đại học. Đồng thời, các NCKH cũng rất được khuyến khích đối với sinh viên và là yêu cầu bắt buộc đối của đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ.

Nghiên cứu khoa học xã hội là gì?

Khoa học xã hội là gì?

Khoa học xã hội là khoa học, và lĩnh vực nghiên cứu rộng lớn này bao gồm các môn học áp dụng cách tiếp cận khoa học để nghiên cứu. Tuy nhiên, những môn học này gần gũi với cả đời sống con người và khoa học tự nhiên. Các môn học như luật, khoa học chính trị, lịch sử, giáo dục, vv phân loại để được gọi là khoa học xã hội.

Nghiên cứu khoa học xã hội là gì?

Nghiên cứu khoa học xã hội cũng là một hoạt động nghiên cứu, chuyên về nghiên cứu xã hội, hướng vào việc tìm kiếm những điều mà khoa học chưa biết.

Những lưu ý khi chọn đề tài nghiên cứu khoa học xã hội

Lựa chọn đề tài là bước đầu tiên, đóng vai trò quan trọng trong nghiên cứu khoa học xã hội, giúp các bạn định hướng, khoanh vùng được nội dung triển khai. Vậy, bạn cần lưu ý những gì khi lựa chọn đề tài NCKH xã hội?

Đảm bảo tính khoa học

Đầu tiên, đề tài NCKH bạn chọn cần đảm bảo tính khoa học, phù hợp với lý thuyết và cơ sở lý luận cụ thể.

Đảm bảo tính mới mẻ

Mỗi đề tài được thực hiện, bạn có thể sử dụng đề tài hoàn toàn mới, đề tài sử dụng cách tiếp cận mới,… (nghĩa là trong đề tài bạn cần thể hiện được tính mới mẻ và độc đáo).

Đảm bảo tính khả thi

Đây cũng là một trong những điều cần lưu ý khi thực hiện nghiên cứu khoa học xã hội. Đề tài nghiên cứu khoa học này được coi là có tính khả thi trong trường hợp nhóm nghiên cứu có thể tiếp cận được với cơ sở lý luận cần thiết cùng với các nguồn dữ liệu có liên quan.

Đảm bảo tính áp dụng

Sau khi đã hoàn thành đề tài nghiên cứu khoa học, người nghiên cứu phải đưa ra được giải pháp nhất định đối với đề tài nghiên cứu hoặc tìm ra được một lý thuyết mới.

Phát triển ý tưởng

Khi đã tìm ra vấn đề muốn nghiên cứu, bạn hãy đề ra cho mình một hướng nghiên cứu phù hợp, không quan trọng là ý tưởng của bạn đã được nghiên cứu chưa mà quan trọng là bạn phải biết chọn lọc những điểm mà chưa ai phát hiện ra hoặc phát triển ý tưởng đó theo hướng khác.

Mong rằng một vài thông tin trên về NCKH trên sẽ giúp ích cho bạn. IPER chúc bạn có những đề tài nghiên cứu thành công trong tương lai nhé!

Tác giả: Nguyễn Thị Hải Yến