5 khó khăn của du học sinh khi ứng tuyển vào các tập đoàn lớn ở Mỹ

Du học sinh Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức từ chính sách tuyển dụng, khác biệt văn hoá, độ cạnh tranh khi ứng tuyển thực tập, tìm việc tại các tập đoàn lớn ở Mỹ.

Tony Linh Dương, 32 tuổi, người có 10 năm kinh nghiệm làm tư vấn chiến lược tại nhiều công ty hàng đầu thế giới, trong đó có Ernst & Young, KPMG (hai trong bốn công ty kiểm toán lớn nhất thế giới); Giám đốc điều hành Học viện hướng nghiệp Career Pass Institute, nhận định năng lực cạnh tranh của ứng viên Việt trên thị trường việc làm quốc tế đang dần tăng cao. Tuy nhiên, khi ứng tuyển vào thực tập hoặc làm việc tại các tập đoàn đa quốc gia lớn như Google, Meta, Amazon, Microsoft, Goldman Sachs, JP Morgan, EY, PwC, nhiều ứng viên sở hữu điểm GPA giỏi hoặc xuất sắc vẫn thất bại.

Theo Dương, nguyên nhân phần lớn là do ứng viên chưa hiểu rõ 5 khó khăn lớn phải đối mặt.

1. Cạnh tranh khốc liệt

Theo dữ liệu từ trang PathMatch hồi tháng 9/2022, với hơn 3 triệu đơn ứng tuyển được gửi đến Google mỗi năm, công ty nhận khoảng 20.000 nhân sự, tỷ lệ chấp nhận là 0,67%. Trang này đánh giá, việc được nhận vào Đại học Harvard dễ dàng hơn kiếm được một công việc ở “gã khổng lồ” công nghệ thế giới.

Đáng lưu ý, năm 2022 được xem là một năm u ám của thị trường kinh tế Mỹ với lạm phát tăng cao nhất trong 40 năm qua. Trang phân tích công nghệ Tech.co hồi tháng 10/2022, cho hay nhiều tập đoàn công nghệ lớn như Microsoft, Meta, Tesla tiến hành cắt giảm nhân sự hoặc không nhận thêm nhân viên từ chương trình thực tập sinh như mọi năm. Chẳng hạn, riêng tháng 7, Microsoft cắt giảm hơn 1.800 nhân viên.

Vì thế, các vị trí tuyển dụng ngày càng hạn chế hơn, cạnh tranh hơn. Ngoài ra, người nước ngoài cần được bảo lãnh visa H-1B để có thể làm việc tại Mỹ và không phải công ty nào cũng sẵn sàng thực hiện việc này.

Anh Dương Linh (trái) chụp cùng, tại sự kiện... hồi tháng/ năm... Ảnh: Nhân vật cung cấp

Anh Tony Dương (trái) chụp cùng ông James Kvaal, Thứ trưởng Bộ Giáo Dục Mỹ tại hội nghị ASU-GSV Summit cùng các nhà tuyển dụng trong nhóm Big-Tech (Google, Amazon, Microsoft) hồi tháng 4/2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp

2. Kinh nghiệm được đánh giá cao hơn điểm số

Không ít sinh viên quốc tế ở Mỹ cho rằng điểm GPA tốt sẽ thuyết phục được nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, theo Linh Dương, ở thị trường Mỹ, các nhà tuyển dụng đánh giá kinh nghiệm cao hơn điểm số.

Anh phân tích, nhà tuyển dụng sẽ không bỏ qua những ứng viên thông minh, có điểm số tốt, nhưng họ cũng muốn nhìn thấy kinh nghiệm của ứng viên và kiểm tra độ phù hợp của ứng viên với tổ chức của họ. Kinh nghiệm này phải liên quan đến kiến thức, kỹ năng từ chuyên ngành học, phù hợp với vị trí ứng viên ứng tuyển. Do đó, nếu sinh viên không có sự chuẩn bị từ sớm sẽ nhận ra mình rơi vào một vòng lặp khó nhằn, ngay từ khi thực tập.

“Bạn ứng tuyển thực tập để lấy kinh nghiệm làm việc sau khi ra trường, nhưng nhiều khi công ty sẽ không cho bạn vào thực tập nếu bạn không có kinh nghiệm làm việc trước đó”, Dương giải thích.

Linh Dương khuyên du học sinh dấn thân vào thị trường lao động ngay từ năm thứ nhất, năm thứ hai đại học với những công việc thực tập đơn giản, tại các công ty vừa và nhỏ ở Mỹ hoặc các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Những kinh nghiệm trong thời gian này có thể giúp ứng viên trở nên nổi bật, giành được nhiều cơ hội tốt khi tìm việc vào năm thứ ba, năm thứ tư ở Mỹ.

3. Khác biệt về văn hóa

Bên cạnh kĩ năng chuyên ngành, các nhà tuyển dụng đa quốc gia tại Mỹ cần ứng viên hiểu và thích ứng được với văn hoá làm việc của họ. Song điều này không dễ với sinh viên quốc tế.

“Nếu ứng viên không thoải mái với “small talk” (cuộc trò chuyện, đối thoại về chủ đề bất kỳ), hay không thể hiện được mình xứng đáng với vị trí công việc, hoặc bị “đơ” khi nghe câu hỏi phỏng vấn, họ chắc chắn sẽ không tuyển”, anh Dương nhấn mạnh, cho biết sự “dễ mến” cũng là một yếu tố quan trọng trong quá trình tuyển dụng ở Mỹ.

Để vượt qua thách thức này, ứng viên hãy cố gắng dành thời gian kết giao với các bạn người Mỹ để biết thêm về văn hóa giao tiếp. Ứng viên cũng nên luyện tập phỏng vấn theo các tình huống giả định để rèn luyện kĩ năng trước khi phỏng vấn chính thức.

4. Nhiều công ty không nhận sinh viên quốc tế

Một số sinh viên quốc tế mất nhiều thời gian đầu tư hồ sơ gửi vào một số tập đoàn không bao giờ tuyển sinh viên quốc tế, đặc biệt là cho vị trí thực tập sinh.

Việc hỏi nhà tuyển dụng hoặc tìm hiểu trước vị trí bạn đang ứng tuyển có bảo lãnh visa cho sinh viên quốc tế hay không sẽ tiết kiệm thời gian cho cả đôi bên.

5. Không có mối quan hệ

Anh Linh Dương nhấn mạnh, để ứng tuyển việc làm ở Mỹ, hình thức nộp hồ sơ online là “lựa chọn kém hiệu quả nhất”. Theo trang thống kê nghề nghiệp Zippia hồi tháng 8/2022, khi đăng tải một vị trí tại Mỹ, trung bình nhà tuyển dụng sẽ nhận được khoảng 250 hồ sơ, thậm chí lên đến trên 1.000 hồ sơ với công ty lớn. Bạn sẽ rất khó để nổi bật trong số lượng hồ sơ đó.

“Đó là lý do tại sao khả năng xây dựng mối quan hệ (networking) sẽ là lợi thế lớn của bạn trong quá trình tìm việc”, anh nói. Theo Dương, ứng viên có thể xây dựng mối quan hệ với những người làm việc trong công ty mà mình muốn ứng tuyển thông qua các hội thảo nghề nghiệp tại Mỹ. Từ đó, nắm bắt các cơ hội tuyển dụng tốt hơn.

“Hãy coi networking như một cơ hội để học hỏi từ những người đi trước, bạn sẽ có thể thực hiện nó một cách thoải mái, tự tin và dễ dàng hơn”, anh chia sẻ.

Theo chuyên gia này, để vào được các tập đoàn danh tiếng hoặc các ngành đang phát triển ở Mỹ là một hành trình rất khó khăn, đòi hỏi nhiều nỗ lực đối với sinh viên quốc tế. Nhưng nếu “có tâm” và “chuẩn bị đủ tầm”, chắc chắn ứng viên sẽ thành công.

Lệ Thu