5 Điều Thú Vị Về Trà Không Phải Ai Cũng Biết
Hơn 1500 loại trà đa dạng về mùi hương lẫn màu sắc. Trà không chỉ là thức uống quốc dân, nổi tiếng và phổ biến, mà còn chứa đựng những câu chuyện thú vị đầy ẩn ý. Cùng tìm hiểu 5 điều thú vị về các loại trà hiện nay và cách pha chế trà đúng cách tại bài viết này nhé.
Trà là nguyên liệu pha chế dễ ứng dụng, hương vị gần gũi (Ảnh: Internet)
Trà đã xuất hiện từ 5000 năm trước, trà đã từng là một đơn vị tiền tệ để mua bán và trao đổi hàng hoá tại Siberia. Một số khu vực, họ uống trà mỗi ngày để duy trì năng lượng và dinh dưỡng cho cơ thể.
Tổng quan về trà
Tất cả các loại trà trên thế giới đều được làm từ một loại cây được gọi là cây trà. Tên gọi tiếng Anh của cây trà là Cemellia Senensis. Cây trà mọc chủ yếu ở các vùng có khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới. Là loại cây thân gỗ, được trồng thành luống và được đốn cắt để cây thấp ngang bụng dễ thu hoạch búp trà.
Các loại trà được sơ chế từ cây trà là Trà đen, trà Ô long, trà xanh, trà vàng, trà Phổ Nhĩ và trà trắng. Những loại trà như trà vối, trà Atiso… không phải trà, vì không được làm từ cây trà. Nước trà chứa hàm lượng caffein, theophylline và chất chống oxy hoá tự nhiên. Nước trà có mùi thơm, vị hơi đắng, chát. Trà chứa nhiều thành phần tốt cho sức khoẻ.
5 điều cần biết về các loại trà
Các thành phần hoá học của trà và công dụng
– Amino acids: đây là hợp chất hữu cơ kết hợp với nhau để tạo thành protein hay đạm. Một số nhà khoa học Nhật Bản đã khám phá ra rằng 50% cấu tạo của trà chính là Amino Acids. Mỗi loại sinh vật có Amino Acids khác nhau, đối với trà thì có nhiều nhất là Theanine.
Một điều đặc biệt nữa là vị Umami mà người Nhật đã phát hiện ra, chính Theanine là hợp chất tạo nên vị ngon trong mỗi loại trà. Ngoài ra, Theanine lý giải cho hiện tượng “trà khí” – khi chúng ta uống trà vào thì thấy đầu óc tỉnh táo và cơ thể có thêm năng lượng. Đối với những cây trà càng nhiều tuổi, trồng ở nơi có phong thuỷ tốt thì sẽ hấp thụ tinh khí của đất trời càng nhiều và lá trà sẽ có nhiều khí.
Những lá trà hấp thụ tinh khí của đất trời (Ảnh: Internet)
Tuy nhiên, Amino Acids sẽ bị chuyển hoá thành Polyphenols tạo ra vị chát khi lá trà quang hợp. Do đó, một số vườn trà thường trồng trà ở hướng đồi núi để hạn chế tiếp xúc với ánh mặt trời. Một số loại trà sẽ được trồng trong bóng râm, hoặc dưới những tán cây rộng.
– Polyphenols: Đây là nguyên nhân chính tạo ra vị chát của trà, cũng là hợp chất mang lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ khi uống trà. Trong lá trà tươi chứa đến 40% Polyphenol, hàm lượng này sẽ còn giữ được cho đến khi chúng ta pha trà.
Phần trăm Polyphenol ở búp trà và lá non sẽ nhiều hơn ở những lá giá nằm ở phía dưới. Polyphenol cũng là chất tạo màu cho trà có màu nước đẹp.
– Enzyme: Enzyme hay còn gọi là men. Đây là chất xúc tác sinh học giúp làm tăng cường độ hoá ứng hoá học. Trong trà có nhiều loại enzyme khác nhau, đặc biệt là enzyme hoá nâu. Có bao giờ bạn thấy một miếng táo được cắt ra, để lâu trong không khí sẽ bị hoá nâu chưa? Người làm trà đã ứng dụng việc này để làm ra các loại trà lên men như trà đen. Sau khi hái lá trà lên men tự nhiên bằng cách ủ, các enzyme hoá nâu đã hoạt động đã chuyển lá trà từ màu xanh sang nâu hoặc nâu đỏ. Đó là lý do giải thích cho màu sắc của trà đen.
Mỗi loại trà có màu sắc khác nhau (Ảnh: Internet)
Đối với trà xanh, khi sản xuất phải diệt men để giảm ở mức tối thiểu việc lên men hoặc oxy hoá của lá trà. Người làm trà sẽ cho lá trà tươi lên chảo và xao ở nhiệt độ cao.
– Caffeine: Trong các loại trà hiện nay để xác định loại trà nào có nhiều caffeine hơn thì chưa có cách chính xác, chỉ mang tính tương đối. Bởi vì caffeine bị ảnh hưởng bởi 2 yếu tố là nhiệt độ nước và cách ngâm. Vì vậy nhiệt độ nước càng cao và thời gian ngâm trà càng lâu thì trà càng đắng. Hiện nay, nhiều người áp dụng nhiệt độ pha trà và điều chỉnh thời gian ngâm theo từng loại trà để kiểm soát vị đắng của chúng. Đối với trà xanh thì dùng nước ở nhiệt độ 80 – 90 độ C, còn trà đen ở mức 90 – 95 độ C.
Các bước chế biến trà
Thông thường, cây trà trải qua 5 bước để tạo ra thành phẩm trà khô.
- Bước 1: Hái – người thu hoạch sẽ hái búp, lá.
- Bước 2: Làm héo – làm héo và làm mềm lá trà.
- Bước 3: Vò – Làm vỡ các tế bào và tạo hình cho lá khi thành phẩm.
- Bước 4: Oxy hoá.
- Bước 5: Sấy.
Trong 5 bước trên thì bước oxy hoá được xem là quan trọng nhất. Bởi vì đây là giai đoạn để phân loại các loại trà. Khi quá trình oxy hoá diễn ra các enzyme trong lá trà tương tác với không khí làm cho các tế bào lá trà bị phá vỡ.
Quá trình oxy hoá rất quan trọng khi chế biến lá trà (Ảnh: Internet)
Dựa vào quá trình này mà người ta phân loại ra 3 nhóm trà chính: trà không oxy hoá (trà xanh), trà oxy hoá một phần (trà ô long) và trà oxy hoá hoàn toàn (trà đen).
Nước rất quan trọng khi pha chế trà
Nước tốt để pha trà là giúp trà tôn lên hương thơm nhiều nhất, lôi kéo các hợp chất tạo nên vị trà và màu trà đẹp mắt. Việc nước có mùi có thể lấn át hương trà, gây mùi hương khó chịu. Do đó tuỳ thuộc vào nguồn nước mà bạn có cách xử lý phù hợp.
- Đối với nguồn nước ngầm hoặc nước giếng: nước thường có mùi của H2S, mùi tanh của sắt và mangan.
- Nước tự nhiên (ao, hồ, sông…) thường có mùi tanh do xuất hiện tảo và vi sinh vật, đôi khi axit của nước mưa làm cho nước có mùi khó chịu.
- Nước máy thường có mùi clo. Để khử nhanh mùi này, bạn có thể bỏ xác trà vào nước máy, sau vài giờ là nước này sẽ hết mùi clo.
Ngoài ra, khi đun sôi nước để pha trà bằng bếp gas hoặc than thì cần chú ý những nhiên liệu này có thể ảm vào mùi nước của bạn đấy nhé.
Tại sao cần tráng trà?
Mục đích của việc tráng trà là để phát triển hương vị của chúng. Lá trà tươi khi chế biến có thể trộn lẫn một số tạp chất, bụi, cặn trà… Do đó, tráng trà (rửa trà) trước khi pha có thể loại bỏ hiệu quả các tạp chất trên.
Tráng trà (rửa trà) giúp hương vị nước trà ngon hơn (Ảnh: Internet)
Ngoài ra, mỗi loại trà sẽ có nhiệt độ nước pha khác nhau. Nếu bạn không tráng trà trước mà ủ trực tiếp thì nhiệt độ của nước pha trà sẽ giảm xuống, hương thơm sẽ không được phát triển tối đa.
Hơn nữa, một số lá trà được cuộn chặt và rất khó để tách chúng ở lần đầu tiên. Vì vậy, tráng trà sẽ giúp cho lá trà dễ dàng tách ra và giảm thời gian ủ trà. Từ đó các chất bên trong lá trà được giải phóng nhanh chóng, tạo hương vị và mùi thơm phong phú cho nước trà.
Cách bảo quản trà đúng cách
Nếu không được bảo quản đúng cách, các loại trà sẽ dễ bị hư hỏng, màu sắc lá trà thay đổi, biến vị và trà có thể bị nấm mốc. Vậy những yếu tố nào ảnh hưởng đến quá trình bảo quản trà? Đó là ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, oxy, vi sinh vật, ô nhiễm mùi.
Hộp đựng trà bằng sành sứ (Ảnh: Internet)
- Cách bảo quản trà xanh: Trà xanh là loại trà dễ bị oxy hoá, dễ bị mất màu và mùi thơm. Bạn cho trà vào lon hoặc hộp kim loại sạch, sau đó dùng nắp đậy kín lại và bảo quản trong tủ lạnh. Bạn không nên lưu trữ quá nhiều thực phẩm có mùi để gần trà xanh.
- Cách bảo quản trà Ô long: Đây là loại trà bán lên men. Bạn có thể bảo quản ở nhiệt độ phòng hoặc bảo quản trong tủ lạnh đều được. Bạn chỉ cần cho trà vào hộp sắt, hũ sành sứ để bảo quản trà Ô long. Sau đó đậy nắp kín là được.
- Cách bảo quản trà đen: Hàm lượng nước của trà đen thấp hơn, nên có thể bảo quản trong thời gian dài. Bạn lưu ý tránh xa nơi tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng, nhiệt độ cao và nơi có mùi là được.
- Cách bảo quản trà trắng: Bạn nên cho trà trắng vào túi giấy nhôm, thùng carton… đậy nắp kín hoặc niêm phong bằng băng keo. Trà trắng lưu trữ càng lâu thì càng giá trị.
- Cách bảo quản trà thảo mộc: Ánh sáng, độ ẩm và nhiệt độ cao là kẻ thù của trà thảo mộc. Tốt nhất là bảo quản trà thảo mộc trong các hộp kín hoặc túi zip được niêm phong kín.
Trong quá trình bảo quản trà, bạn không nên lưu trữ chung các loại trà với nhau. Hạn chế sử dụng các hộp nhựa (dễ tạo ra mùi), lọ thuỷ tinh (làm giảm mùi hương của trà vì ánh nắng có thể tiếp xúc trực tiếp), báo (trà sẽ hấp thụ mùi mực của giấy báo).
Hy vọng 5 điều thú vị về trà mà Hướng Nghiệp Á Âu chia sẻ, giúp bạn hiểu rõ hơn về nguyên liệu pha chế này, cũng như có thêm kinh nghiệm về quá trình sản xuất cho đến công đoạn chiết xuất nước cốt trà ngon. Hãy cùng theo dõi những bài viết chia sẻ về nguyên liệu pha chế nói riêng, ngành pha chế nói chung tại website nhé!