5 điều nên thực hiện để phần bảo vệ nghiên cứu diễn ra suôn sẻ | RCES | Cộng đồng sinh viên kinh tế nghiên cứu khoa học
Tiếp nối các phần trước của loạt bài được các nhóm mong chờ nhất trước giờ G báo cáo, Cộng đồng RCES sẽ mang tới cho bạn một số nội dung hữu ích liên quan đến nội dung bảo vệ công trình nghiên cứu trước Hội đồng phản biện. Đây được coi là nội dung cực kì quan trọng để các giám khảo có sự đánh giá về mức độ làm chủ tri thức của sinh viên. Nếu trong phần báo cáo công trình, nếu nhóm nghiên cứu thể hiện tốt và lấy được thiện cảm từ Hội đồng, chỉ cần làm tốt phần bảo vệ này nữa thôi, dù kết quả như thế nào chúng ta cũng hoàn toàn có thể hài lòng vì “chúng ta đã cố gắng hết sức”.
Trong phần bảo vệ công trình, bên cạnh những đánh giá, nhất xét về công trình; các giám khảo trong Hội đồng sẽ đưa ra những câu hỏi “làm khó” các tác giả, nhằm kiểm tra mức độ hiểu chắc và sâu về nội dung nghiên cứu chính các bạn thực hiện.
Các giám khảo có thể đưa ra từng câu hỏi một, hoặc đưa ra tất cả các câu hỏi cùng lúc. Với kiểu thứ 2, nhóm nghiên cứu cần nhanh chóng ghi chép các câu hỏi ngay vào giấy để chuẩn bị trả lời. Các câu hỏi đầy “thách thức” để test các nhóm rất đa dạng, có thể kể tới một số loại như câu hỏi tại sao thực hiện đề tài; câu hỏi về cơ sở lí luận, câu hỏi về mô hình, mẫu nghiên cứu, các câu hỏi trong bảng hỏi; câu hỏi giải thích các kết quả nghiên cứu hay tính mới của đề tài … Tuy các câu hỏi rất đa dạng, nhưng nếu bạn đã từng tham dự các Hội đồng báo cáo thì sẽ có một số câu hỏi được các giám khảo “hỏi đi, hỏi lại” với tất cả các nhóm nghiên cứu. Làm thế nào để biết đó là những câu hỏi nào? Bạn hãy từ từ đọc tiếp và đợi ở cuối bài viết. Còn ngay sau đây là một số TIPS có thể sẽ hữu ích cho phần phản biện của bạn sắp tới:
Mục lục
#1: Cố gắng suy nghĩ thật nhanh và không để thời gian chờ đợi bạn
Với tất cả những câu hỏi được đặt ra liên quan trực tiếp đến đề tài bạn nghiên cứu, bạn không nên để thời gian các giám khảo chờ quá lâu. Hãy cố gắng phản xạ nhanh và trả lời câu hỏi ngay khi bạn nhận được. Điều này thể hiện rằng bạn rất tự tin và không có gì phải do dự trước những thách thức từ các giám khảo. Chắc chắn đây sẽ là một điểm cộng lớn!
#2: Nếu không trả lời được, tốt hơn hết bạn nên sử dụng quyền cứu trợ “bỏ qua”
Tại sao “bỏ qua lại là quyền cứu trợ” trong trường hợp này? Hãy chú ý nếu rơi vào trường hợp này, đừng cố lí giải theo “lí” của bạn để tìm mọi cách vượt qua câu hỏi NẾU “bạn không chắc chắn” hoặc không biết. Việc đưa ra những lí lẽ không thuyết phục và có phần “cố gắng dù em không chắc chắn” sẽ làm mất điểm của bạn với hội đồng. Thay vào đó, việc xin phép Hội đồng tìm hiểu vấn đề này sau chính là cách tốt nhất để vượt qua câu hỏi và tránh để lại ấn tượng không tốt với hội đồng. Các thầy cô cũng sẽ thông cảm nếu vấn đề đó nhóm nghiên cứu chưa tìm hiểu sâu tới và đó chính là những gì các bạn cần tiếp tục trau dồi và tìm hiểu sau.
#3: Trả lời ngắn gọn, đi thẳng vào câu hỏi và không “đi đường vòng”
Đừng đi đường vòng trước những câu hỏi phản biện! Điều các giám khảo chờ bạn là câu trả lời đi thẳng vào câu hỏi. Hãy trả lời ngắn gọn, rõ ý để thuyết phục giám khảo nhé. Khi trải qua một hành trình dài và nghiền với công trình rồi, việc của chúng mình giờ chỉ là “tuôn chảy” thôi.
#4: Khiêm tốn trong từng câu trả lời
Cảm nhận của giám khảo về nhóm nghiên cứu rất quan trọng. Chính vì vậy, hãy cố gắng không làm mất điểm trong từng câu trả lời với các giám khảo. Hãy khiêm tốn từng câu trả lời của mình, vì bạn đang bảo vệ một công trình nghiên cứu khoa học chứ không phải đề cao công trình của mình. Hãy trả lời với tông giọng trầm, nhẹ nhàng và không nên để cảm giác “như đang đấu khẩu” với các giám khảo nhé!
#5: Cám ơn các giám khảo cho mỗi câu hỏi và sau phần bảo vệ
Hãy cảm ơn các giám khảo với mỗi câu hỏi, vì đó chính là những câu hỏi giúp nhóm bạn tự đánh giá bản thân của mình về mức độ am hiểu và tự tin về chính công trình của bạn. Bên cạnh đó, hãy cảm ơn vì những nhận xét, góp ý và những câu hỏi của Hội đồng sau khi phần bảo vệ kết thúc. Điều này sẽ giúp nhóm bạn để lại ấn tượng tốt hơn với các vị giám khảo.
Quay trở lại với câu hỏi làm thế nào để biết đó là những câu hỏi “lặp đi, lặp lại” là những câu hỏi nào, để có thể chuẩn bị sẵn cho mọi câu hỏi đến từ Ban giám khảo? Hãy tới những Hội nghị báo cáo trực tiếp để “mắt thấy, tai nghe và đầu ghi nhớ”. Việc tham dự những Hội nghị báo cáo trước khi nhóm bạn báo cáo sẽ giúp bạn biết được quy trình báo cáo và bảo vệ, những câu hỏi mà bạn mong chờ để có thể chuẩn bị tốt hơn cho phần bảo vệ, cũng như học hỏi và rút kinh nghiệm từ những “sự cố” mà nhóm bạn có thể gặp phải nếu không tham dự những buổi báo cáo đó. Và sau đó, không còn điều gì quan trọng hơn là chuẩn bị thật tốt để tự tin trong từng câu trả lời của mình.
Vì vậy, nếu nhóm nghiên cứu của bạn không phải là nhóm bảo vệ công trình đầu tiên thì nhóm nên đến sớm để theo dõi “toàn bộ diễn biến” của những phần bảo vệ của các nhóm trước đó!
Cộng đồng sinh viên kinh tế nghiên cứu khoa học (RCES)