5 cách làm nước chấm gỏi cuốn ngon chuẩn vị
Vậy món gỏi cuốn, một món ăn vỉa hè đặc trưng, thì sẽ dùng loại nước chấm như thế nào? Cách làm nước chấm gỏi cuốn không hề khó nhưng phải đúng tỷ lệ để có được hương vị ngon nhất. Sau đây là một số công thức mà bạn có thể tham khảo tùy theo khẩu vị gia đình nhé!
Trong bữa cơm của các gia đình Việt Nam hay đặc biệt là các món ăn đường phố, nước chấm có thể coi là “linh hồn” của các món ăn. Bởi một món ăn ngon không chỉ là hương vị của các nguyên liệu khác nhau mà còn lại sự kết hợp thêm sự đậm đà quyến rũ khó cưỡng của một bát nước chấm pha chuẩn vị. Hầu hết các món ăn đều có thể “chấm” với nhiều loại công thức khác nhau, ví dụ như bún đậu thì sẽ ăn kèm mắm tôm hoặc nước mắm pha thêm chút quất, nem cuốn thì thường ăn cùng với mắm nêm, thịt gà thì ăn với muối chanh còn thịt vịt thì lại chấm mắm tỏi,…
Vậy món gỏi cuốn, một món ăn vỉa hè đặc trưng, thì sẽ dùng loại nước chấm như thế nào? Cách làm nước chấm gỏi cuốn không hề khó nhưng phải đúng tỷ lệ để có được hương vị ngon nhất. Sau đây là một số công thức mà bạn có thể tham khảo tùy theo khẩu vị gia đình nhé!
Nội Dung Chính
1. Cách làm nước chấm gỏi cuốn chua ngọt tỏi ớt
Đây là cách pha nước chấm đặc trưng của người miền Bắc với độ loãng dễ chấm, hương vị hài hòa, ngấm vào trong miếng gỏi cuốn, tạo hương vị đậm đà. Đây cũng là loại nước chấm thông dụng có thể dùng cho nhiều món ăn khác. Cách pha chế cũng đơn giản, bạn cần chuẩn bị các nguyên liệu sau:
-
5 thìa nước mắm
-
6 thìa nước lọc
-
4 muỗng canh đường trắng
-
1 thìa nước cốt chanh
-
Ớt, tỏi
Một mẹo nhỏ để bát nước chấm đậm đà hương thơm hơn đó là hãy giã nhuyễn tỏi ớt thay vì chỉ băm nhỏ. Nước mắm, nước cốt chanh, đường hòa chung với nước lọc theo tỷ lệ như đã chuẩn bị, khuấy đến khi tan đường, sau đó cho thêm tỏi ớt đã giã nhuyễn vào. Hoặc bạn cũng có thể pha nước chanh, nước lọc với đường trước, sau đó mới từ từ hòa với nước mắm từng chút một cho đến khi đạt được hương vị mong muốn. Tỏi ớt cho sau cùng và càng nổi lên bề mặt nhiều thì bát nước chấm càng đẹp mắt.
Nước chấm chua ngọt là nước chấm điển hình trong hầu hết các món ăn Việt bởi hương vị chua cay mặn ngọt hòa quyện với nhau rất khó quên.
>> Xem thêm: Cách chế biến cá hồi ngon không tanh
2. Cách làm nước chấm gỏi cuốn bằng mắm nêm
Nước chấm mắm nêm là loại nước chấm đặc trưng của vùng miền từ Trung vào Nam. Ngoài gỏi cuốn, mắm nêm có thể sử dụng cho nhiều món ăn khác nhau như thịt ba chỉ luộc, bò nhúng dấm, bò cuốn lá lốt, nem nướng… Nguyên liệu cần chuẩn bị cho món nước chấm này cũng cầu kỳ hơn so với nước chấm chua ngọt. Cụ thể như sau:
Nguyên liệu:
-
1 chai mắm nêm ngon (Mẹo: bạn nên chọn những chai mắm còn nguyên xác, có màu nâu đỏ đặc trưng sẽ ngon hơn).
-
Chanh, ớt (mỗi loại vài quả tùy vào độ chua cay mong muốn)
-
Tỏi
-
1/2 quả dứa
-
2 cây sả tươi
-
Đường, dầu ăn
-
Nước lọc
Cách làm:
Đầu tiên bạn cần rây lọc phần bã của mắm, chỉ lấy phần nước, hoặc nếu bạn thích ăn nhiều xác thì có thể dùng thìa rây nhuyễn để cho thêm xác cá trong mắm vào. Quả dứa gọt sạch, bỏ phần lõi cứng, sau đó rửa để ráo nước rồi băm nhuyễn. Chanh vắt lấy nước cốt, bỏ hạt để không bị đắng. Sả tươi cũng rửa sạch, bỏ phần vỏ già rồi băm nhuyễn như dứa. Tỏi và ớt cũng giã nhuyễn để tạo độ thơm ngon hơn.
Bước tiếp theo là pha chế, bạn làm nóng chảo, thêm chút dầu ăn rồi phi thơm tỏi, sả và dứa đã băm nhỏ. Nêm nếm gia vị và đường vừa ăn, đảo đều tay để hỗn hợp thật ngấm rồi tắt bếp. Tiếp đến, trộn phần mắm đã rây, thêm nước chanh và ớt băm vào hỗn hợp vừa đun, tiếp tục nêm nếm đến khi vừa ăn, đủ vị cay mặn ngọt đậm đà là bát nước chấm đã hoàn thành.
>> Xem thêm: Cách muối hành củ truyền thống ngon miệng và an toàn
3. Cách làm nước chấm gỏi cuốn từ tương hột kèm dưa ghém
Nếu bạn đi ăn gỏi cuốn ở miền Tây thì sẽ thường được hỏi rằng: ”Con ăn mắm nêm hay nước tương?”. Nước chấm tương hột nghe có vẻ lạ, nhưng thực ra lại rất quen thuộc với người miền Tây và đây cũng là một loại nước chấm có hương vị khá độc đáo. Bạn có thể thử thay đổi khẩu vị, trải nghiệm món nước chấm này qua công thức dưới đây xem sao nhé!
Nguyên liệu cho phần nước tương:
-
Tương hột
-
Bơ lạc (lấy bằng ½ lượng tương)
-
Giấm trắng
-
Đường cát
-
Tỏi, hành khô
-
Tương ớt, dầu ăn
Nguyên liệu cho phần dưa ghém:
-
Cà rốt, củ cải/su hào
-
Đường cát
-
Giấm trắng
-
Lạc rang xay nhuyễn
-
Ớt tươi xay nhuyễn
Cách làm:
Tương hột bạn đem xay nhuyễn và để riêng ra một cái bát. Tỏi và hành khô bóc vỏ, xay nhuyễn (tỏi có thể giã để tăng độ thơm ngon). Sau đó, bạn làm nóng chảo, thêm một chút dầu ăn và phi thơm hành, tỏi. Đổ phần tương đã xay vào chảo, đảo đều với lửa nhỏ. Khi hỗn hợp sôi thì bạn tiếp tục đổ các nguyên liệu bơ lạc, tương ớt, đường cát vào và đảo nhẹ nhàng để các nguyên liệu quyện đều với nhau. Khi hỗn hợp bắt đầu sánh lại thì bạn cho thêm chút giấm và đảo tiếp một lần nữa, nêm nếm vừa ăn và tắt bếp.
Phần làm dưa ghém, bạn gọt vỏ và nạo sợi cà rốt, củ cải/su hào, trộn cùng giấm, đường theo tỷ lệ giấm và đường là 2:1, ngâm phần rau này trong khoảng 1-2 tiếng để rau củ ngấm gia vị. Nên ngâm trước khi làm nước chấm để giảm thời gian chờ đợi.
Khi ăn, bạn cho tương ra bát, thêm chút dưa ghém và lạc rang đã giã nhỏ lên trên và như thế bát nước chấm của bạn đã hoàn thành rồi.
4. Nước chấm sốt me
Đối với loại nước chấm này, nếu bạn không có sẵn me khô thì có thể thay thế bằng bột me. Tuy nhiên, nếu dùng bột me thì bạn có thể thay đổi tỷ lệ nguyên liệu một chút để hương vị vừa miệng hơn. Cách làm nước chấm sốt me dưới đây, chúng ta sẽ sử dụng khoảng 20 gram me khô (tương đương ⅓ bát) để pha với ⅓ bát nước lọc. Nếu dùng bột me thay vì me khô thì bạn cần dùng lượng tương đương 2 – 3 thìa cà phê bột, và hãy nêm nếm lại để nước chấm đạt hương vị mong muốn. Cụ thể các nguyên liệu bạn cần chuẩn bị như sau:
-
1 bát me khô (hoặc me ướt)
-
3/4 bát nước lọc để nguội
-
3 tép tỏi xay
-
3 quả ớt đỏ xay nhỏ (tùy chỉnh độ cay)
-
1 thìa canh nước cốt chanh tươi
-
3 thìa canh nước mắm
-
3 thìa canh đường trắng
Cách làm:
Đầu tiên, cho me khô và nước lọc vào một cái bát và dùng thìa dầm nhuyễn để tạo nước cốt me trong khoảng 5 phút. Sau đó, rây hỗn hợp để lọc bỏ bã, giữ lấy phần nước cốt me. Đổ phần nước cốt vào nồi nhỏ, thêm nước cốt chanh đã vắt, mắm và đường trắng vào, đun nhỏ lửa, khuấy đều tay khoảng 2-3 phút là đường tan và các nguyên liệu đều sánh lại thì tắt bếp. Cuối cùng, bạn đổ nước sốt me ra bát và thêm tỏi cùng ớt băm nhuyễn lên trên là hoàn tất.
>> Xem thêm: Các món ăn ngon từ thịt heo dễ làm tại nhà
5. Cách làm nước chấm gỏi cuốn kiểu Thái
Một phiên bản khác của nước sốt me là bạn có thể làm nước chấm Yum kiểu Thái Lan. Nước chấm này vẫn có vị chua ngọt nhưng sẽ đậm đà và ngậy hơn nhờ sốt mayonnaise và các loại ớt. Bạn cần chuẩn bị các nguyên liệu như sau:
-
½ bát mayonnaise
-
1 thìa canh sốt cà chua
-
¼ thìa cà phê bột tỏi + ¼ thìa cà phê bột ớt (có thể tùy chỉnh theo khẩu vị)
-
¼ thìa cà phê ớt tươi cayenne
-
½ thìa cà phê muối
-
Nước lọc ấm
Cách làm:
Hòa lẫn tất cả các nguyên liệu trên (trừ nước lọc) vào một cái bát. Sau đó nêm nếm hợp khẩu vị rồi mới bắt đầu cho từ từ nước lọc ấm vào, khuấy đều tay đến khi nước sốt có độ sánh mịn như mong muốn.
Hi vọng với những Cách làm nước chấm gỏi cuốn này, bạn sẽ chọn được cho mình một công thức riêng phù hợp với khẩu vị của bạn và gia đình, giúp món gỏi cuốn thêm phần thơm ngon và đặc sắc nhé!