5 cách làm bánh xèo đơn giản thơm ngon giòn lâu chuẩn vị
Bánh xèo là món ăn được nhiều người yêu thích bởi vị béo bùi giòn giòn của bột gạo kết hợp vị ngọt từ tôm, thịt, giá đỗ, vị mặn ngọt chua chua của nước chấm khiến bạn ăn hoài không chán. Hãy tham khảo cách làm bánh xèo ngon giòn rụm dưới đây để các thành viên gia đình cùng thưởng thức nhé!
Bánh xèo là món ăn được cả 3 miền Nam, Trung, Bắc ưa chuộng và được làm theo những nguyên liệu đặc trưng và cách thưởng thức khác nhau theo văn hóa từng vùng. Điểm đặc biệt khiến bánh xèo được nhiều người mê mẩn đó chính là ăn kèm với nhiều loại rau.
Ở miền Trung hay miền Nam người ta thường cuốn bánh xèo với lá cải xanh, xà lách chấm nước mắm pha chua ngọt gia giảm theo khẩu vị của từng vùng. Còn với bánh xèo miền tây được đổ bằng chảo lớn và ăn kèm với nhiều loại rau đặc trưng của vùng.
Nội Dung Chính
Chọn nguyên liệu làm bánh xèo
Muốn có bánh xèo ngon thì nguyên liệu chọn mua phải chuẩn.
Cách pha bột bánh xèo
Hiện nay, trong các siêu thị, bán sẵn rất nhiều sản phẩm bột bánh xèo đã pha sẵn. Tỉ lệ bột cũng như các nguyên liệu đi kèm đã được tính toán rất kỹ, vì thế, bạn không cần biết cách pha bột bánh xèo vẫn đổ được chiếc bánh ngon như mong muốn.
Một số chị em đặt câu hỏi cho Bếp Eva rằng, có cách làm bánh xèo bằng bột mì không thì câu trả lời là “Không”. Bánh xèo làm từ bột gạo là chính kết hợp cùng bột nghệ.
Cứ 500g bột gạo thì bạn sử dụng 1 thìa bột nghệ, 250ml nước và 50ml nước cốt dừa. Sau khi pha xong, nên để cho bột nghỉ khoảng 20 – 30 phút rồi mới bắt đầu tráng để bánh giòn ngon hơn. Lưu ý, bạn nên cho thêm bia để bánh màu đẹp và giòn lâu hơn nhé.
Các loại nguyên liệu làm bánh xèo khác
* Thịt lợn
Người ta thường lựa chọn thịt ba chỉ lợn để làm bánh xèo. Phần thịt này vừa có nạc, có mỡ nên rất vừa miệng.
Nên chọn phần thịt ba chỉ có màu sắc tươi tắn, khi sờ vào có cảm giác chắc chắn. Thịt có mùi thơm tự nhiên không bị tanh, hôi.
* Tôm
Ưu tiên chọn những con tôm có thân hơi cong. Khi chạm vào thịt tôm rất chắc. Có một mẹo kiểm tra tôm tươi hay không đó là chú ý tới phần đuôi.
Bạn đưa đuôi tôm ra ngoài ánh sáng rồi dùng tay kéo dài thân tôm. Nếu thấy giữa các khớp ở vỏ và thịt càng hẹp thì tôm càng tươi.
Ngoài ra, những con tôm ngon còn có vỏ tươi bóng, bơi khỏe.
* Nấm
Nấm sử dụng làm bánh xèo thường là nấm đông cô. Bạn nên chọn nấm còn nguyên, không dập nát. Phần mũ gắn chặt vào thân và có màu vàng nâu.
Nếu mua nấm khô thì tránh chọn những cây nấm có mùi lạ hoặc phần thân và mũ nấm bị tách rời nhé.
Bên cạnh nấm đông cô thì người ta cũng sử dụng các loại nấm khác như nấm hương, nấm mối để làm nhân bánh xèo.
1. Cách làm bánh xèo miền Bắc
Món bánh xèo miền Bắc giòn rụm thơm ngon ai ăn cũng mê tít.
Nguyên liệu làm bánh xèo
– Bột bánh xèo pha sẵn (nếu không có bạn dùng bột gạo trộn với bột nghệ và nước cốt dừa)
– Bia (giúp vỏ bánh giòn lâu)
– Thịt ba chỉ
– Tôm nõn (có thể thay thế bằng tép)
– Đỗ xanh nguyên vỏ
– Hành tây, hành lá, hành khô, giá đỗ, cà rốt, ớt tươi, chanh, tỏi, rau sống
– Muối, hạt tiêu, đường
Nguyên liệu cơ bản làm bánh xèo
Cách làm bánh xèo ngon
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
– Thịt ba chỉ bạn thái mỏng hoặc băm nhỏ. Tôm cắt râu, bỏ đầu chỉ lấy phần thịt rồi làm sạch để riêng.
– Hành tây bóc vỏ thái múi cau ngâm nước đá, đỗ giá rửa sạch ráo nước. Cà rốt bạn thái hoa mỏng sao cho đẹp mắt. Hành lá thái nhỏ.
– Đỗ xanh bạn ngâm với nước 1-2 tiếng rồi đãi sạch sau đó mang đồ chín.
Các bước sơ chế làm bánh xèo
Bước 2: Chuẩn bị bột làm vỏ bánh xèo
– Làm vỏ bánh: Trộn bột bánh xèo pha chế sẵn với một thìa nhỏ muối, một chén bia và nước khuấy đều để có hỗn hợp lỏng không bị vón cục. Cho hành lá đã cắt nhỏ và đỗ xanh đồ chín khuấy đều để bột nghỉ khoảng 20 phút. Lưu ý không pha bột đặc khiến vỏ bánh dày không được giòn và khó chín.
Bước 3: Chuẩn bị nhân bánh xèo
– Ướp tôm thịt với tiêu, muối và hành khô băm nhuyễn sao cho vừa ăn trong 10 phút rồi cho lên bếp xào qua với dầu ăn. Xào đến khi thịt và tôm chín cho ra đĩa để riêng. Với một số vùng miền trung thì họ sẽ ướp thịt và nướng thay cho thịt xào như cách làm bánh xèo thông thường.
Thực hiện làm vỏ và nhân bánh xèo
Bước 4: Rán bánh xèo
– Bắc chảo chống dính lên bếp kèm 1 chút dầu ăn đun sôi, bạn khuấy đều bột rồi cho 1 thìa bột vào giữa chảo láng thật mỏng đậy vung trong 1 phút. Sau đó cho hỗn hợp nhân tôm thịt đỗ giá lên rồi gấp đôi bánh chờ bánh chín giòn và đều 2 mặt. Cứ thế làm đến khi hết bột và nhân bánh.
Rán bánh xèo
Bước 5: Làm nước chấm bánh xèo
Nước chấm bánh xèo cần có độ chua ngọt bạn pha theo công thức sau cho 5 thìa nước lọc pha cùng 2 thìa đường, 2 thìa nước mắm, 1 thìa nước cốt chanh rồi thêm tỏi ớt băm nhỏ hòa đều, nêm nếm sao cho vừa ăn.
Nước chấm bánh xèo
Bánh xèo sau khi hoàn thành
– Bánh xèo sau khi rán xong có màu vàng đẹp mắt. Khi ăn ngon giòn rụm hòa quyện cùng vị thơm của thịt tôm khiến bạn ăn hoài không chán.
– Bánh xèo ăn ngon nhất khi còn nóng hổi. Khi ăn bạn cuốn bánh xèo cùng bánh tráng hoặc lá cải xanh hay xà lách thêm chút rau sống chấm với nước mắm chua ngọt sẽ tạo nên hương vị đặc biệt cho món ăn.
Bánh xèo sau khi hoàn thành
2. Cách làm bánh xèo miền Trung
Đĩa bánh xèo miền Trung nóng giòn với phần vỏ bánh vàng ươm, mỏng giòn cực kỳ thơm ngon. Nhân bánh được làm từ tôm cùng thịt ba chỉ và các loại rau ăn kèm khác nên rất đậm đà, béo ngậy, ăn một lần nhớ mãi.
Điểm đặc biệt là phần sốt chấm bánh cực kỳ bùi thơm của mè rang và các loại gia vị khác hẳn so với chấm mắm chua ngọt của miền Nam hay miền Bắc.
Khi ăn nhớ kèm thêm một chút rau sống, xoài chua, chuối xanh, dứa…để món ăn thêm tròn vị.
>> Xem thêm: Cách làm bánh xèo miền Trung giòn ngon tại nhà cực đơn giản
3. Cách làm bánh xèo miền Nam
Bánh xèo miền Nam đặc trưng bởi lớp vỏ mỏng cùng phần nhân đa dạng các nguyên liệu. So với bánh xèo miền Bắc, miền Trung thì loại bánh xèo này có nhân là đủ đầy nhất.
Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được phần rìa ngoài của bánh cực kỳ giòn, càng ăn sâu vào bên trong càng thấy bánh có phần mềm thậm chí là hơi dai dai. Đây cũng chính là điểm đặc trưng và khác biệt của bánh xèo miền Nam so với các vùng khác.
Bánh ăn kèm với nước chấm cùng ít dưa góp chua chua ngọt ngọt cuốn thêm chút lá cải tươi, rau xà lách và các loại húng thì ngon “nhức nách”.
>> Xem thêm: Cách làm bánh xèo miền Nam siêu ngon tại nhà
Dù là cách làm bánh xèo miền Bắc, Trung hay Nam thì bánh cũng phải ăn khi còn nóng. Nếu không ăn hết cần bảo quản trong ngăn mát của tủ lạnh để tránh phần nhân bánh bị ôi thiu, nhất là trong những ngày mùa hè nắng nóng thế này.
4. Cách làm bánh xèo chay
Để làm được bánh xèo chay ngon, bạn cần:
Nguyên liệu làm bánh xèo chay
– 1 gói bột bánh xèo pha sẵn
– Đậu xanh sạch vỏ: 100g;
– Nấm hương: 100g;
– Cà rốt: 1 củ; giá: 300g; đậu phụ chiên: 2 bìa,
– Nước cốt dừa: 150ml; bột nghệ: 2 muỗng;
– Gia vị nước mắm chay, đường, bột nêm chay, dầu ăn thực vật, đường, hành lá, ớt, rau sống các loại (xà lách, rau thơm, cải, quả thơm).
Cách làm bánh xèo chay
– Làm nhân bánh: Đỗ xanh bỏ vỏ ngâm nước cho mềm rồi đồ chín. Nấm hương ngâm với nước nóng cho nở rồi thái lát mỏng. Đậu phụ mang chiên rồi thái mỏng. Cà rốt gọt vỏ rửa sạch bào sợi nhỏ, hành lá nhặt rửa sạch rồi thái khúc nhỏ. Đỗ giá và các loại rau sống nhặt rửa sạch ngâm qua nước muối vớt ra để ráo.
– Làm vỏ bánh: Bột bánh xèo hòa với nước cho thêm nước cốt dừa cho ngậy thêm hành lá cắt nhỏ khuấy đều.
– Chiên bánh: Thực hiện giống với các bước làm bánh xèo cơ bản
– Cách pha nước chấm bánh xèo chay: Bạn cho 2 thìa nước mắm chay pha thêm 5 thìa nước cùng 2 đường vào khuấy đều, thái thêm vài lát ớt.
Bạn thưởng thức bánh xèo chay khi nóng và cuốn cùng bánh tráng cùng các loại rau sống rồi chấm kèm với nước mắm chua ngọt
5. Cách làm bánh xèo Nhật Bản
Món bánh xèo Nhật Bản có cách làm khác với bánh của Việt Nam, hương vị đặc trưng và được rất nhiều người yêu thích.
Nguyên liệu chuẩn bị:
– 100g bột mì.
– 140ml nước dùng Dashi (hoặc bạn cũng có thể ngâm cá ngừ bào sẵn với nước sôi để làm nước dùng Dashi).
– 1/4 muỗng cà phê bột nở, 1 muỗng bột sắn dây rây mịn (hoặc bột Tempura).
– Muối.
– 2 quả trứng gà, 200g bắp cải và hành lá
– 100g thịt lợn ba chỉ.
– 50g bạch tuộc luộc sẵn (hoặc mực).
– 8 con tôm cỡ nhỏ.
– 1/4 chén gừng muối đỏ (Beni).
– Nửa bát Tenkasu (là các viên bột được rán giòn như vụn bánh mì, bạn cũng có thể tự làm Tenkasu từ bột rán Tempura hoặc bột rán Panko, hoặc sử dụng vụn bánh mì chiên giòn lên cũng được).
– Sakuraebu (tôm nõn khô).
– Nước sốt bánh xèo (vừa đủ).
– Rong biển vụn Nhật Bản Aonori.
– Bơ Mayonnaise.
– Cá bào sợi to.
Các bước làm bánh xèo Nhật Bản
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
– Trộn bột mì và bột nở vào 1 bát to thêm chút muối vừa ăn sau đó cho nước dùng Dashi. Thêm bột sắn dây trộn đều với tác dụng khi rán bột sẽ dai giòn hơn.
– Thịt ba chỉ thái miếng dài khoảng 5cm. Bạch tuộc thái lát. Tôm luộc chín bóc vỏ, bỏ đầu và thái nhỏ.
– Hành lá, bắp cải, hành củ, gừng muối đỏ rửa sạch để ráo sau đó thái lát. Cho tất cả nguyên liệu sơ chế vào hỗn hợp bột, cho thêm Tenkasu, tôm nõn khô và 2 quả trứng gà trộn đều.
Bước 2: Chiên bánh
– Cho dầu ăn vào chảo đun nóng rồi cho hỗn hợp vào dàn đều sau đó thêm thịt ba chỉ lên trên rồi đổ nốt phần bột còn lại bạn đậy vung lại rán để lớp vỏ bánh chín đều trong 2 phút. Sau đó bạn giảm nhiệt độ đun tiếp để bánh chín cả bên trong.
– Khi bánh chín bạn phết đều nước sốt bánh xèo lên mặt, thêm sốt Mayonnaise và hành lá thái nhỏ, rắc đều rong biển vụn Aonori lên trên và cuối cùng thêm cá bào sợi to.
Bánh xèo Nhật Bản sau khi hoàn thành
Bánh xèo Nhật Bản hay còn gọi là okonomiyaki là một trong những món ăn vặt đường phố được nhiều người yêu thích. Bánh xèo Nhật được tạo nên đa dạng với các nguyên liệu như trứng gà, mực, bạch tuộc, bắp cải và rong biển tạo nên hương vị lạ miệng, đặc trưng riêng.
Hướng dẫn pha nước chấm bánh xèo ngon tuyệt cú mèo
Mỗi một loại bánh xèo sẽ thích hợp với các kiểu làm nước chấm khác nhau. Học cách làm bánh xèo thì chắc chắn không thể bỏ qua 2 công thức nước chấm ngon chuẩn vị, ăn là ghiền dưới đây.
1. Nước chấm bánh xèo tỏi ớt kiểu miền Nam
* Nguyên liệu có:
– Tỏi khô: 1 củ
– Ớt tươi: 2 – 5 quả (tùy khẩu vị ăn cay hoặc không ăn cay)
– Chanh tươi: 1 quả
– Đường trắng: 5 thìa
– Nước mắm ngon: ½ thìa
– Nước sôi để nguội: 1 bát ăn cơm
* Cách pha nước chấm bánh xèo miền Nam
– Tỏi bóc vỏ, ớt rửa sạch rồi đem cả 2 đi bằm cho thật nhuyễn.
– Chanh tươi vắt lấy nước cốt, nhớ bỏ phần hạt đi nhé.
– Cho các nguyên liệu vào bát với tỉ lệ: 2: 2: 1: 1 tương ứng lần lượt là 2 thìa nước đun sôi để nguội: 2 thìa đường : 1 thìa nước mắm : 1 thìa nước cốt chanh.
– Dùng đũa khuấy đều lên cho các gia vị tan ra rồi thả ớt tỏi đã băm vào.
– Nêm nếm lại sao cho vừa miệng là có thể đem đi chấm bánh xèo rồi đấy.
Bát nước chấm ngon có vị chua – cay – mặn – ngọt trung hòa. Vị cay nồng của ớt, thơm của tỏi thêm vị chua chua của chanh hòa quyện tạo nên một bát nước chấm điểm 10 cho chất lượng.
2. Công thức nước chấm bánh xèo miền Trung
Khác với miền Nam, người miền Trung biến tấu nhiều loại nước chấm để ăn bánh xèo. Trong đó, công thức nước chấm làm từ gan lợn là độc đáo và được yêu thích hơn cả.
* Nguyên liệu:
– Thịt lợn xay: 100g
– Gan lợn: 50g
– Sữa tươi: 100ml
– Bột năng: 2 thìa
– Hành, tỏi khô: Mỗi loại 1 củ
– Dầu điều: 2 thìa
– Tương bần
– Lạc rang, vừng rang
– Nước mắm, muối, đường, mì chính
* Cách làm nước chấm cho món bánh xèo
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
– Gan lợn mua về rửa sạch, thái thành miếng vừa ăn rồi để ra rổ cho ráo nước.
– Cho gan đã rửa vào trong bát, thêm sữa tươi ngập mặt gan rồi ngâm chừng 30 phút. Cách làm này sẽ giúp gan thơm và nhả ra những chất độc hại.
– Hành tỏi bóc vỏ, băm nhỏ.
– Khi ngâm gan xong, bạn vớt gan ra cho ráo rồi cho vào cối xay.
– Múc gan heo xay ra bát, thêm vào đây thịt xay, tỏi băm, đường, muối và nước mắm rồi trộn đều.
– Ướp chừng 20 – 30 phút cho hỗn hợp ngấm gia vị.
Bước 2: Pha nước chấm
– Bắc chảo lên bếp rồi cho vào đây 2 thìa dầu điều. Trút hành khô đã băm vào phi thơm.
– Trút hỗn hợp gan và thịt lợn vào chảo rồi đảo đều tay. Tiếp đến là cho 1 chén nhỏ tương bần, 1 chén nước sôi vào đun.
– Khi hỗn hợp sôi thì nêm nếm gia vị cho vừa miệng sau đó trút lạc và vừng rang vào.
– Cho bột năng vào bát nước rồi khuấy đều cho tan. Từ từ đổ bột năng vào chảo nước chấm, khuấy đều tay để tạo hỗn hợp sánh mịn.
– Múc nước chấm ra bát và thưởng thức thôi nào.
Nước chấm làm theo cách này ăn với bánh xèo cực hợp. Vị béo ngậy của gan, thịt heo xay cùng chút bùi bùi của lạc và vừng rang khiến món nước chấm trở nên hoàn hảo hơn. Bạn có thể pha nhiều sau đó bảo quản trong tủ lạnh ăn dần nhé.
Mẹo làm bánh xèo giòn rụm chuẩn nhà hàng
Cách làm bánh xèo không khó tuy nhiên để bánh giòn rụm, vàng thơm thì không phải ai cũng biết cách. Có một số mẹo làm bánh xèo siêu đỉnh mà đầu bếp các nhà hàng không muốn nói cho bạn biết.
1. Pha bột
Bên cạnh lựa chọn đúng loại bột, pha bột theo chuẩn tỉ lệ thì để bánh được giòn thơm bạn nên cho thêm trứng gà và muối vào hỗn hợp bột.
Để bánh được giòn lâu thì đừng quên cho thêm một chút bia nhé. Cả 3 loại nguyên liệu này đều giúp bánh vàng ruộm, giòn và ngon hơn gấp bội đấy.
2. Nhân bánh
Nhân bánh xèo rất đa dạng, có nơi làm từ nấm, tôm, có nơi cho thêm thịt lợn, giá đỗ… Dù chọn nhân làm từ gì đi nữa thì có một nguyên tắc để làm bánh xèo giòn ngon chính là xào nhân thật chín.
Khi sơ chế nhân, bạn cần xào với ngọn lửa lớn. Nhân chín, khô ráo sẽ không gây ra tình trạng ứ nước khi đổ bánh. Điều này cũng giúp cho vỏ bánh giòn, không bị bở.
3. Dụng cụ đổ bánh xèo
Một trong những yếu tố quyết định đến độ giòn của bánh xèo chính là chảo. Bạn nên chọn chảo gang sâu lòng và quan trọng là có khả năng chống dính tốt.
Với loại chào này, bánh sẽ chín nhanh, dễ dàng lật bánh và quan trọng là không lo bị nát. Hơn thế, kích thước chảo lớn cũng giúp phần vỏ bánh của bạn mỏng, giòn ngon hơn gấp bội.
4. Nhiệt độ
Dù là món xào hay món chiên rán thì nhiệt độ luôn là yếu tố quyết định tới sự thành bại của món ăn.
Bạn nên điều chỉnh ngọn lửa nhỏ như thế vỏ bánh sẽ chín từ từ, giòn đều, vàng ươm. Tuyệt đối không để lửa quá lớn bởi như thế bánh sẽ dễ cháy khét. Chưa kể, nhiệt độ cao sẽ làm các phần của vỏ bánh chín không đều.
Bánh xèo Việt Nam bao nhiêu calo?
Bánh xèo là loại bánh được chế biến theo phương pháp chiên rán lại thêm nhiều loại nhân như: Tôm, thịt, nấm… vì thế hàm lượng calo trong đó khá cao.
Theo tính toán của các bác sĩ dinh dưỡng, trong một chiếc bánh xèo cỡ vừa có chứa khoảng 350 calo. Lượng calo này sẽ tăng hoặc giảm tùy thuộc vào nhân bánh mà bạn sử dụng.
Bánh xèo thịt bao nhiêu calo?
Nếu bánh xèo của bạn có nhân làm từ thịt và tôm thì hàm lượng calo sẽ dao động khoảng 300 – 350 calo/chiếc.
Một chiếc bánh xèo ngọt bao nhiêu calo?
Bên cạnh bánh xèo tôm thịt theo kiểu truyền thống thì bánh xèo ngọt cũng được khá nhiều người ưa chuộng. Vì sử dụng nguyên liệu là đường, đậu xanh, nước cốt dừa có thêm cả mứt và vừng rang vì thế hàm lượng calo trong một chiếc bánh xèo ngọt cũng khá cao.
Trung bình, một chiếc bánh xèo ngọt cỡ vừa sẽ có khoảng 250 – 300 calo.
Bánh xèo tôm bao nhiêu calo?
Hầu hết các cách làm bánh xèo dù là miền Bắc, Trung hay Nam thì đều sử dụng tôm như một phần nguyên liệu chính để làm nhân. Tùy vào lượng tôm sử dụng khi đổ bánh xèo mà lượng calo sẽ có sự thay đổi.
Ví dụ, 1 cái bánh xèo miền Trung bao nhiêu calo khi có đủ: Tôm, bột làm bánh, trứng gà, các loại rau củ? Ước tính với phần nguyên liệu này, 1 chiếc bánh sẽ dao động từ 270 – 280 calo.
1 cách bánh xèo vỏ bao nhiêu calo?
Thông thường, 1 cái bánh xèo vỏ (bánh xèo không có nhân) sẽ có chứa khoảng 120 calo. Tùy vào kích thước size bánh mà lượng calo sẽ có sự chênh lệch, tuy nhiên con số đó là không nhiều.
Giá trị dinh dưỡng của bánh xèo
Các bác sĩ dinh dưỡng cho hay, mỗi một phần bánh xèo có chứa hàm lượng dưỡng chất khá cao. Trung bình, cứ 100g bánh xèo sẽ có:
– Chất béo: 9.8g
– Cholesterol: 67.9mg
– Natri: 319mg
– Kali: 299.6mg
– Chất xơ: 1.5g
– Đường: 1.0g
– Chất đạm: 15.2g
– Vitamin A: 12.3%
– Vitamin C: 11.4%
Bên cạnh đó, trong bánh xèo còn có rất nhiều các vitamin cùng khoáng chất thiết yếu khác như: Vitamin nhóm B (B6, B12), Vitamin D, E, canxi, Đồng, Folate, Sắt, Magie, Mangan, Phốt pho, Ribloflavin, Selen, Thiamin, Niacin, Axit pantothenic, Kẽm…
Nhờ nguồn dinh dưỡng dồi dào mà bánh xèo mang lại một vài lợi ích cho sức khỏe như:
– Giúp hệ tim mạch khỏe mạnh.
– Ổn định huyết áp.
– Hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn nhờ kết hợp nhiều loại rau xanh.
– Bổ sung dinh dưỡng thiếu hụt cho cơ thể.
– Cung cấp năng lượng dồi dào cho bạn làm việc, học tập hiệu quả.
Những lưu ý khi ăn bánh xèo để không hại sức khỏe
Bánh xèo tuy ngon và nhiều dưỡng chất nhưng không được xếp vào danh sách các thực phẩm lành mạnh. Nguyên nhân là do món bánh này được chế biến theo phương pháp chiên rán có nhiều dầu mỡ đồng thời sử dụng các loại gia vị mặn không được chuyên gia sức khỏe khuyến khích dùng.
Ăn bánh xèo thế nào để không hại?
– Học cách làm bánh xèo và tự đổ bánh tại nhà. Việc tự làm bánh sẽ giúp bạn gia giảm được các loại gia vị cũng như thành phần làm nên chiếc bánh này. Từ đó cân đối, kiểm soát lượng calo nạp vào cơ thể.
– Không ăn quá nhiều bánh xèo trong 1 lần. Chuyên gia khuyến cáo bạn chỉ nên ăn tối đa 2 chiếc bánh xèo cỡ nhỏ trong 1 bữa. Mỗi tuần chỉ ăn tối đa là 1 lần.
– Nên ăn kèm thêm nhiều loại rau củ, trái cây để trung hòa dưỡng chất.
– Vận động nhẹ nhàng sau khi ăn như thế sẽ tiêu hao được phần nào lượng calo nạp vào cơ thể từ bánh xèo.
Những người không nên ăn bánh xèo
Bác sĩ dinh dưỡng khuyến cáo những đối tượng sau không nên ăn bánh xèo dù thèm đến mấy:
– Phụ nữ đang trong thời kỳ mang thai không nên ăn bánh xèo vì dầu mỡ có trong loại bánh này không chỉ dễ làm tăng cân mà còn làm tăng nguy cơ bị tiền sản giật.
– Món bánh xèo làm từ bột gạo vì thế lượng tinh bột có trong bánh sẽ không nhỏ. Đây là lí do vì sao bệnh nhân mắc tiểu đường không nên ăn.
– Những người thừa cân, béo phì cũng nên hạn chế ăn món bánh này.
Mong rằng cách làm bánh xèo mà Bếp Eva chia sẻ đã giúp bạn làm ra những chiếc bánh ngon, tròn vị để chiêu đãi cả gia đình.