5 cách giúp trẻ giảm đau sau khi đi tiêm chủng | Bệnh viện đa khoa Sóc Sơn
Theo Ths.Bs.Nguyễn Thị Hà (Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội), tiêm chủng là cách duy nhất bảo vệ trẻ khỏi các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phổ biến nhưng tiêm chủng lại thường mang đến cảm giác lo lắng cho cả mẹ và bé.
Để hạn chế tối đa những diễn biến xấu có thể xảy ra trong quá trình tiêm chủng cho trẻ, bác sĩ Hà cho rằng, các phụ huynh nên tìm hiểu trước về các văc-xin con bạn sẽ phải tiêm, những phản ứng trẻ có thể gặp phải sau khi tiêm, cách giảm bớt những khó chịu cho bé, cách chăm sóc trẻ sau khi tiêm chủng. “Tuyệt đối thực hiện theo các hướng dẫn chăm sóc trẻ của bác sỹ trước, trong và sau khi tiêm chủng” – bác sĩ Hà nhấn mạnh. Sau đây là 5 cách đơn giản để giúp trẻ giảm đau sau tiêm chủng.
Phân tán tư tưởng của trẻ: Khi đưa trẻ đi tiêm, hãy mang theo một đồ vật gây chú ý của trẻ, ví dụ như một trái bóng, thứ đồ chơi yêu thích của trẻ, hoặc một loại đồ chơi có thể tạo ra âm thanh. Với trẻ lớn hơn một chút, hãy nói chuyện với bé, chỉ cho bé thấy một vài chi tiết lý thú xung quanh, kể cho bé nghe một vài chuyện đùa… để trẻ ít chú ý hơn vào mũi tiêm.
Giữ bình tĩnh: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng hành vi của cha mẹ sẽ ảnh hưởng đến khoảng 50% cảm xúc của trẻ khi đi tiêm. Những ông bố bà mẹ trẻ thường rất lo lắng về việc con bị đau khi tiêm chủng. Hãy thư giãn bởi trẻ chỉ cảm thấy đau vì tiêm chủng trong một vài phút, nhưng sự bảo vệ do tiêm chủng đem lại cho trẻ sẽ kéo dài một vài năm thậm chí cả đời.
Xoa lên da của trẻ: Sau khi tiêm, bạn có thể xoa nhẹ vùng da xung quanh chỗ tiêm nhưng lưu ý không được xoa trực tiếp bên trên vết tiêm. Việc mát xa nhẹ nhàng có thể giúp trẻ thư giãn và giảm cảm giác đau do việc tiêm chủng gây ra. Một nghiên cứu trên người trưởng thành chỉ ra rằng, những người được xoa nhẹ nhàng lên da sau khi tiêm khoảng 10 giây sẽ ít bị đau hơn. Một nghiên cứu khác lại cho thấy, ấn mạnh lên da trước khi tiêm cũng có tác dụng giảm đau.
Cho trẻ bú: Cho trẻ bú có thể giúp trẻ giảm đau khi tiêm chủng. Những trẻ được bú mẹ trong khi tiêm vaccine sẽ khóc ít hơn so với những trẻ không được bú. Tuy nhiên, các bác sỹ khuyên rằng, bạn nên cho trẻ bú sau khi đã tiêm xong như một sự trấn an, bởi nếu bú trước, rất có thể, trẻ sẽ nôn trớ trong quá trình tiêm chủng.
Thêm một chút đường: Rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng đường có thể giúp giảm cảm giác đau nhói khi tiêm vaccine. Đường đặc biệt sẽ hữu ích đối với trẻ em dưới 6 tháng. Mẹ có thể thử cho trẻ uống một chút nước đường trước khi tiêm hoặc nhúng núm vú vào dung dịch nước đường và để trẻ ngậm trong khi tiêm chủng.
nguồn của Trang Thu-Báo Lao động thủ đô