5 bước lập mục tiêu tài chính cá nhân | Prudential Việt Nam

Hơn hai năm sau đại dịch Covid-19, nhiều người nhận thấy rõ tầm quan trọng của việc xây dựng kế hoạch tài chính cá nhân trọn đời, biết tính đến các trường hợp khẩn cấp và rủi ro trong cuộc sống. Tuy nhiên việc lập kế hoạch tài chính chưa bao giờ dễ dàng nếu bạn không biết đến 5 bước được đề cập trong bài.

1. Bạn đã hiểu rõ kế hoạch tài chính cá nhân là gì?

Kế hoạch tài chính cá nhân là một bản kế hoạch về việc sử dụng ngân sách cân đối dòng tiền thu nhập – chi tiêu – tích lũy – đầu tư của một cá nhân, thường gắn với tình hình tài chính hiện tại và có tính đến các rủi ro tài chính hoặc các sự kiện trong tương lai.

Các mục cần có trong bảng kế hoạch tài chính cá nhân bao gồm:

  • Mục tiêu

  • Khoản thu chi theo ngày/tháng/quý/năm

  • Khoản tiết kiệm, đầu tư

  • Thời gian hoàn thành mục tiêu.


Bạn có thể tự lập kế hoạch tài chính cá nhân hoặc nhờ đến chuyên gia để đạt được hiệu quả tốt nhất.

Các chuyên gia cho biết việc lập kế hoạch tài chính cá nhân trọn đời nên được thực hành ở mọi lứa tuổi và nên bắt đầu càng sớm càng tốt.

2. Vì sao nên lập kế hoạch tài chính cá nhân càng sớm càng tốt?

Dưới đây là những lợi ích “vàng” bạn cần hiểu ngay:

  • Giúp quản lý tốt thu chi, tiết kiệm, nợ, đầu tư: Với một bản kế hoạch tài chính chỉn chu, bạn sẽ nắm rõ dòng tiền của mình đang đi về đâu, từ đó không còn phải lo lắng việc thiếu trước hụt sau.

  • Chuẩn bị cho các mục tiêu lớn trong đời: Kế hoạch tài chính cụ thể sẽ có những mốc thời gian chi tiết giúp bạn tập trung vào cách quản lý tiền bạc và thời gian để đạt được các mục tiêu đã đề ra như kết hôn, sinh con, kinh doanh, du lịch, chu cấp cho cha mẹ…

  • Chủ động ứng phó với nhiều rủi ro bất ngờ: Biến động cuộc sống là điều khó tránh. Ai cũng có thể bị thất nghiệp, phá sản hoặc gặp vấn đề sức khỏe vào bất kỳ lúc nào. Thế nhưng nếu đã có một bản kế hoạch tài chính cá nhân đến trọn đời, bạn chỉ cần tuân theo và sẵn sàng đối mặt với mọi biến cố mà không cần phụ thuộc vào ai.

  • Hạn chế áp lực tiền bạc trong cuộc sống: Khi đã có một kế hoạch tài chính hiệu quả, bạn sẽ không còn quá áp lực về tiền bạc, bạn sẽ có nhiều thời gian hơn để tập trung làm việc và hưởng thụ cuộc sống. Đặc biệt nếu biết cách quản lý tài chính ngay từ lúc còn trẻ, khi về già bạn sẽ tận hưởng một cuộc sống an nhàn và độc lập.

3. Chi tiết các bước lập kế hoạch tài chính cá nhân trọn đời

Dưới đây là 5 bước quan trọng cần có cho một kế hoạch tài chính:

Bước 1: Đánh giá tình hình tài chính hiện tại của bản thân

  • Thu thập tất cả các hoá đơn định kỳ trong vòng 6 tháng gần nhất.

  • Ghi chú lại toàn bộ các khoản thu nhập trong 6 tháng gần nhất.

  • Liệt kê các chi phí định kỳ và những khoản chi tiêu đột xuất thành những mục riêng biệt. Ví dụ: tiền thuê nhà, tiền điện, nước, điện thoại, internet, xăng xe… là chi phí định kỳ; trong khi đó tiền thuốc chữa bệnh, tiền sửa xe… là chi tiêu đột xuất.

  • Xác định những khoản chi nào thực sự cần thiết và những khoản chi nào quá xa xỉ.

Bước 2: Tìm cách cắt giảm chi tiêu cho các nhu cầu thiết yếu

  • Tìm kiếm các công ty mới có nhiều ưu đãi cạnh tranh hơn cho các sản phẩm hay dịch vụ bạn dùng định kỳ như: thẻ tín dụng, xăng dầu, cước phí di động và dịch vụ Internet. Ví dụ, bạn có thể sử dụng Viber / Skype / Facetime… để liên lạc thay cho việc gọi bằng di động.

  • Cắt giảm bớt các thú tiêu khiển tốn kém nhiều như truyền hình cáp hay truyền hình vệ tinh. Thay vào đó, hãy tìm kiếm các dịch vụ miễn phí hoặc giá rẻ, chẳng hạn như xem phim truyền hình với laptop mạng Internet.

  • Hãy tận dụng tối đa các phiếu giảm giá trong các dịp mua sắm.

Bước 3: Xác định những điều bạn cần và muốn trong tương lai

  • Việc xác định mục tiêu tương lai giúp bạn có nhiều động lực hơn để tiết kiệm và chi tiêu hợp lý. Hãy lựa chọn một mục tiêu duy nhất vào mỗi thời điểm để không tự gây áp lực quá lớn cho bản thân.

  • Một số mục tiêu bạn có thể cân nhắc bao gồm: mua sắm nội thất, mua xe hơi, học cao học, lập gia đình, có con, xây sửa nhà, đi du lịch…

Bước 4: Lựa chọn những mục tiêu giúp bạn hiện thực hóa kế hoạch của mình

  • Bạn không nhất thiết phải tiết kiệm đủ số tiền để thực hiện được tất cả các kế hoạch của mình ngay lập tức. Hãy cân nhắc đến việc mua trả góp cho những món lớn như xe hơi hoặc thậm chí là một căn nhà.

  • Nếu bạn cần một số tiền đáng kể cho kế hoạch của mình, hãy chia ra thành từng mục tiêu tiết kiệm nhỏ theo tháng hoặc theo quý để dễ thực hiện hơn.

  • Hãy chia sẻ mục tiêu trong kế hoạch tài chính cá nhân trọn đời của mình với những người xung quanh (gia đình, bạn bè), biết đâu họ có thể hỗ trợ bạn.

Bước 5: Đặt ra một ngân sách cho kế hoạch tài chính cá nhân

  • Ngân sách này sẽ bao gồm tất cả các nhu cầu thiết yếu bạn đã liệt kê từ bước 1 sau khi cắt giảm tối đa các chi phí khác. Tuy nhiên, đừng loại bỏ hết tất cả các nhu cầu giải trí hay mua sắm bởi nó sẽ dễ khiến bạn nản chí với kế hoạch của mình.

  • Trích một khoản từ ngân sách hằng tháng của bạn cho mục tiêu tài chính cá nhân. Mở một tài khoản tiết kiệm riêng cho việc thực hiện mục tiêu đó và cài đặt lệnh chuyển tiền tự động mỗi tháng để tránh tiêu xài vào khoản tiền này.


Hãy nhớ khen thưởng bản thân mỗi lần đạt được một mục tiêu nào đó nhằm tăng thêm động lực cho mình nhé!

4. Kế hoạch tài chính của bạn đã thật sự đúng?

Kế hoạch tài chính của bạn đã đề ra cần đạt các chỉ tiêu trong quy tắc SMART:

  • S – Specific: Mục tiêu cụ thể.

  • M – Measurable: Có thể đo lường.

  • A – Attainable: Mục tiêu thực tế, có thể đạt được.

  • R – Relevant: Mục tiêu liên quan đến mục đích cuối cùng (có thể là tự do tài chính).

  • T – Time based: Thời gian hoàn thành mục tiêu.

5. Một số lưu ý khi lập kế hoạch tài chính cá nhân

Để lập kế hoạch tài chính thành công, các chuyên gia dành một số lời khuyên cho bạn:

  • Luôn theo dõi quá trình thực hiện kế hoạch, hiểu rõ từng giai đoạn diễn ra giúp bạn chủ động khắc phục rào cản hợp lý và nhanh tiến đến mục tiêu cuối cùng.

  • Sử dụng thêm công cụ hỗ trợ để kế hoạch tài chính có độ trực quan, chính xác cao như công cụ tính toán, ứng dụng điện thoại…

  • Kiên trì thực hiện kế hoạch, tránh trì hoãn, không bỏ cuộc.

  • Bảo hiểm nhân thọ nên có trong kế hoạch tài chính cá nhân trọn đời, vì giải pháp này có tính ổn định trong dài hạn và vai trò dự phòng rủi ro hiệu quả. Trường hợp không có rủi ro xảy ra, giá trị tích lũy của hợp đồng sẽ là một khoản tiết kiệm giúp bạn hiện thực hóa mục tiêu kế hoạch tài chính của mình.


Bên cạnh dòng sản phẩm truyền thống, bạn cũng có thể chọn sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư để gia tăng tài sản và quản lý tài chính hiệu quả hơn.

Hy vọng thông qua những chia sẻ trên, bạn có thể hình dung việc xây dựng kế hoạch tài chính cá nhân trọn đời khá dễ dàng. Không nên do dự nữa, mà hãy hành động ngay hôm nay nhé!

>>> Xem thêm: Bật mí bí quyết quản lý tài chính cá nhân dành riêng cho gen Z