5 bí kíp giúp học sinh học tốt môn Toán lớp 7 – Edu Masstel
0
)
Để học tốt môn Toán lớp 7, học sinh cần phải nắm chắc kiến thức và kỹ năng làm bài kết hợp với việc học thông minh thông qua việc sử dụng sơ đồ tư duy hay học nhóm, học trực tuyến…
Nội Dung Chính
Nắm chắc lý thuyết
Mặc dù môn Toán đòi hỏi tư duy logic nhưng nếu không nắm chắc kiến thức cơ bản, hiểu sâu vấn đề thì các bạn sẽ không thể giải được bài tập dù là bài tập dễ hay bài tập khó.
Trong năm học lớp 7, học sinh sẽ được làm quen với các nội dung kiến thức trong phần Đại số và Hình học. Với phần Đại số, học sinh cần nhớ các công thức như số hữu tỉ, số thực, hàm số, đồ thị, thống kê… Còn trong phần Hình học, học sinh cần lưu ý về các lý thuyết về tam giác, đường thẳng vuông góc, đường thẳng song song… để luyện tập.
Muốn nắm vững lí thuyết một cách tốt nhất, học sinh nên đọc bài mới trước khi lên lớp. Sau đó, trong những giờ học Toán, hãy ghi chép cẩn thận những kiến thức mà thầy cô truyền đạt vào một quyển vở riêng. Dùng bút màu để đánh dấu kiến thức quan trọng và phân chia nội dung lý thuyết rõ ràng để nhớ kiến thức lâu hơn. Ngoài ra, với các phần kiến thức khó nhớ, học sinh nên dùng giấy nhớ để chép lại công thức rồi dán lên bàn học hoặc những nơi các em thường xuyên đi đến trong nhà để lúc nào cũng có thể nhìn thấy và ghi nhớ nó.
Sử dụng sơ đồ tư duy
Sơ đồ tư duy hay còn gọi là sơ đồ hình cây. Đây là một trong những phương pháp học tập hiện đại đã được xuất bản thành sách. Sơ đồ tư duy giúp học sinh khái quát những nội dung từ cơ bản đến chi tiết, liên kết các kiến thức lại với nhau, tìm ra mối liên hệ giữa các kiến thức. Đặc biệt trong phần toán hình 7, học sinh sử dụng phương pháp sơ đồ tư duy sẽ cực kì hiệu quả.
Để thực hiện phương pháp này, bước đầu tiên học sinh nên lựa chọn hệ thống từ khóa trong bài học. Sau đó, các bạn sẽ lựa chọn dạng sơ đồ bạn muốn vẽ. Đó có thể là hình cây, hình zíc-zắc hoặc một hình gì đó khiến các bạn dễ nhớ nội dung hơn.
Ví dụ, trong chương I của phần Đại số là “Số hữu tỉ – Số thực” có các phần kiến thức cần như cộng trừ, nhân chia số hữu tỉ, giá trị tuyệt đối, cộng trừ nhân chia số thập phân, lũy thừa của một số hữu tỉ, tỷ lệ thức, tính chất của dãy tỉ số bằng nhau, số vô tỉ, số thực… Mỗi một khái niệm trên là một từ khóa. Sau khi đã lọc từ khóa rồi, học sinh sẽ chọn một hình vẽ gợi nhớ đến nội dung bài học để vẽ ở trung tâm rồi phân chia các nhánh cây sao cho hợp lý. Khi cần ôn luyện, các bạn chỉ cần vẽ đi vẽ lại nhiều lần sơ đồ tư duy là nhớ được nội dung.
Làm bài tập đầy đủ
Mỗi khi học xong các phần kiến thức, các em nên làm bài tập để vừa nhớ lại công thức Toán học vừa rèn luyện kỹ năng làm bài. Mới đầu, các bạn học sinh nên chọn những phần kiến thức dễ, đơn giản để làm bài rồi nâng dần lên các dạng bài tập khó.
Ngoài bài tập trong sách giáo khoa, để học tốt Toán 7, các bạn nên làm thêm bài tập trong các sách tham khảo, sách nâng cao hoặc tìm tài liệu trên HOCMAI – Nền tảng học trực tuyến số 1 tại Việt Nam. Các nguồn tài liệu khác nhau cũng cho các cách giải một bài toán khác nhau. Nếu các bạn học sinh còn đang vướng mắc ở phần bài tập nào thì đừng ngại làm lại nhiều lần để nhớ cách giải cũng như tìm ra nhiều hướng giải quyết khác cho bài toán nhé!
Hỏi thầy cô và thảo luận với bạn bè
Nhiều học sinh có tâm lí ngại hỏi lại vấn đề dù chưa hiểu bài. Tuy nhiên, các bạn không biết rằng mỗi lần các bạn phát biểu và trao đổi thông tin với giáo viên thì các bạn sẽ nhớ kiến thức rất lâu. Kiến thức chỉ bị quên đi khi nó không được người học nhắc đến, còn nếu thông tin được trao đổi liên tục thì người học sẽ nhớ mãi nội dung đã học.
Một trong những cách học tốt nhất mà nhiều học sinh thường lựa chọn là thảo luận với bạn bè. Nếu các bạn chưa hiểu bài, hãy hỏi lại những người bạn ngồi gần mình hoặc những bạn học tốt môn Toán trong lớp. Tục ngữ Việt Nam có câu: “Học thầy không tày học bạn”. Câu nói trên đã thể hiện được vai trò của việc học bạn là rất lớn. Học hỏi từ bạn bè, các bạn không những học hỏi về cách làm mà còn được hỏi hỏi về cách trình bày một bài toán khoa học.
Rèn luyện sự kiên trì
Không ít học sinh rơi vào trường hợp, thấy một bài toán khó, chưa ngồi suy nghĩ tìm hướng giải quyết đã từ bỏ. Đó là điều không nên vì các bạn đang tự giới hạn khả năng của mình. Các bạn chưa bắt đầu làm, chưa hệ thống lại kiến thức và ngồi suy nghĩ thì làm sao biết được mình có làm được hay không?
Khi gặp những bài toán khó, các bạn học sinh nên bình tĩnh, xem lại các công thức đã học, các dạng bài tập đã làm để tìm mối liên hệ giữa các kiến thức này lại với nhau. Sau đó, hãy thử làm bài tập ra một quyển vở nháp để tìm ra cách giải quyết bài toán gọn gàng và chính xác nhất. Nếu làm như thế mà vẫn chưa tìm được hướng giải bài tập thì hãy thử hỏi bạn bè, thầy cô để nhờ giúp đỡ. Mỗi lần hỏi như thế các bạn sẽ rút ra kinh nghiệm làm bài và tìm ra những cách giải bài tập mới cho bản thân. Chỉ cần các bạn kiên trì thì bài toán nào các bạn làm cũng sẽ có kết quả.
Nguồn: sưu tầm
Click vào ngôi sao để đánh giá!