5. “Triết lý kinh doanh cơ bản” của Tập đoàn Panasonic – Triết lý kinh doanh cơ bản của Tập đoàn Panasonic – Panasonic Holdings

Tập đoàn Panasonic định nghĩa “Triết lý kinh doanh cơ bản” là việc thực hành và tư duy gắn với Mục tiêu quản trị cơ bản, Tinh thần của công ty, Bảy phương châm xử thế. Với tư cách là trợ thủ đắc lực của nhà sáng lập, cựu Chủ tịch Takahashi Arataro, người đã hỗ trợ công việc thực tế cho giai đoạn tái thiết trước và sau chiến tranh và giai đoạn mở rộng phát triển, đã nói về việc thực hành Triết lý kinh doanh cơ bản như sau:

Nếu chúng tôi làm tốt công việc, không thua kém bất cứ ai trong cuộc cạnh tranh khốc liệt, và mang lại sản phẩm khiến cho người tiêu dùng hài lòng khi sử dụng, chúng tôi chắc chắn sẽ nhận được sự đền đáp. Nếu chúng tôi không nhận được sự đền đáp đó, đó là bằng chứng cho thấy chúng tôi đang không đáp ứng được tiêu chuẩn đó. Khi đó, chúng tôi phải phân tích và giải quyết các vấn đề phát sinh.

Chúng tôi không đặt mục tiêu theo đuổi lợi nhuận, hay mục tiêu chỉ biết làm cho công ty ngày càng to lớn, mà chúng tôi làm tốt công việc để được tất cả người tiêu dùng lựa chọn sau khi cân nhắc kỹ. Nếu công việc của chúng tôi giúp cho cuộc sống của mọi người sung túc hơn, cải thiện cuộc sống và thúc đẩy văn hóa phát triển, chúng tôi chắc chắn sẽ nhận được phần thưởng.

Chỉ cần chúng tôi nhận thức được rằng việc khi khách hàng không đánh giá cao chúng ta, đồng nghĩa với việc có sai sót trong những điều cơ bản, chúng tôi sẽ đưa ra được nhiều cải cách. Nếu chúng tôi đưa ra những lời biện hộ hay đổ trách nhiệm cho những lý do khác, như tình hình ngành công nghiệp đang không khả quan, hay thị trường rối ren vì đối thủ bán phá giá, thì việc kinh doanh sẽ không thể phát triển được.

Theo như những lời này, để hướng tới xã hội lý tưởng và đóng góp cho sự phát triển của xã hội, chúng tôi phải thực hiện công việc vượt trội về chất lượng, chi phí, và dịch vụ không thua bất cứ ai để được khách hàng lựa chọn, và để đạt được sự tiến bộ như vậy, chúng tôi phải không ngừng đổi mới và hoàn thiện.

Nếu một sản phẩm không bán được, thì chúng tôi đã không đóng góp vào sự phát triển của xã hội thông qua sản phẩm đó, và có thể nói là đã không hoàn thành nghĩa vụ của doanh nghiệp. Trong trường hợp như vậy, chúng tôi không thể suy nghĩ đơn giản rằng chỉ cần hạ giá bán và bán sản phẩm là được. Trước hết, điều quan trọng là phải nỗ lực hợp lý hóa chi phí, nâng cao chất lượng và hiệu suất, cung cấp dịch vụ chu đáo.

Nói cách khác, khi làm việc theo Triết lý kinh doanh cơ bản, chúng tôi không thể tiếp tục để xảy ra tình trạng chi phí cao, chất lượng và hiệu suất không tốt, mà phải nỗ lực hợp lý hóa và cải thiện điều đó.

Tất nhiên, việc giảm thiểu chi phí và nâng cao chất lượng và hiệu suất sẽ không dễ dàng, nhưng nếu chúng tôi quyết tâm tuân thủ và áp dụng triệt để Triết lý kinh doanh cơ bản, thì ý tưởng sáng tạo sẽ được tạo ra từ đó, và chúng tôi sẽ có thể tiếp tục thực hiện những nỗ lực phù hợp để ngày càng tiến bộ.

Ngoài ra, chúng tôi cần nhận thức rằng dù hoạt động kinh doanh có mở rộng và tổ chức có phát triển đến đâu thì điểm mấu chốt của hoạt động kinh doanh cũng giống như cửa hàng do một cá nhân vận hành, đó là giống nhau ở bản chất: bán hàng cần có khách hàng.

Năm 1935, trong “Nội quy cơ bản” được ban hành khi công ty Matsushita Electric chuyển sang hình thức công ty cổ phần, có đoạn như sau:

Cho dù Matsushita Electric có trở lên lớn mạnh đến thế nào trong tương lai, phải luôn ghi nhớ thái độ khiêm tốn của một doanh nhân. Hãy suy nghĩ như bạn đang làm việc trong một cửa hàng nhỏ với sự khiêm tốn và nhún nhường

Nhà sáng lập đã đưa ra 3 điểm sau đây là yêu cầu cụ thể đối với “một thương nhân”.

  • Hiểu được ý nghĩa của kinh doanh

  • Hiểu được tâm lý khách hàng

  • Khiêm tốn với mọi người

Mỗi người trong chúng tôi cần nhận thức rõ về ý nghĩa tồn tại, nhận thức rõ công việc kinh doanh của chúng tôi là vì điều gì, hiểu rõ suy nghĩ của khách hàng hơn bất cứ ai, và luôn phải khiêm tốn và biết ơn.