5 BƯỚC QUẢN TRỊ RỦI RO TRONG SẢN XUẤT HIỆU QUẢ

Quản trị rủi ro là một công việc vô cùng quan trọng trong quá trình vận hành kinh doanh sản xuất. Bài viết dưới đây sẽ đi sâu vào việc hướng dẫn sơ lược để doanh nghiệp có thể quản trị rủi ro một cách bài bản và hiệu quả nhất. 

Quản trị rủi ro trong sản xuất

Quản trị rủi ro là việc xác định, đánh giá và ưu tiên hóa rủi ro tiếp theo là việc áp dụng hợp lý, đồng thời tiết kiệm các nguồn lực để giảm thiểu, theo dõi và kiểm soát xác suất xảy ra hoặc ảnh hưởng của các sự kiện không may.

Trong sản xuất, rủi ro được hiểu là sự gián đoạn của các hoạt động, quy trình khiến cho kế hoạch sản xuất bị chậm tiến độ hoặc thực hiện chệch hướng. Bởi vậy quản trị rủi ro trong sản xuất chính là quá trình các cấp quản lý trở lên cần quan tâm, đưa ra giải pháp kịp thời để ngăn chặn và hạn chế tối đa ảnh hưởng của các rủi ro này.

Các loại rủi ro thường gặp trong sản xuất:

  • Rủi ro chất lượng

  • Sự cố về thiết bị

  • An toàn lao động 

  • Thu hồi sản phẩm

  • Gián đoạn chuỗi cung ứng

5 bước kiểm soát rủi ro

Bước 1: Xác định rủi ro

Muốn xử lý được rủi ro, trước hết doanh nghiệp cần xác định được rủi ro đang gặp phải. Doanh nghiệp cần căn cứ vào những đặc trưng về ngành nghề, lĩnh vực hoạt động, quy mô… để quyết định xem đâu là rủi ro trọng yếu. Thông thường các doanh nghiệp sẽ xem xét đánh giá các dữ liệu từ quá khứ hoặc hỏi ý kiến chuyên gia để phân tích các lỗi trong sản xuất. Tùy thuộc vào quy trình và bộ máy của mỗi doanh nghiệp sẽ có phương pháp nhận diện rủi ro khác nhau.

Bước 2: Đánh giá rủi ro

Bước thứ hai sau khi đã xác định được rủi ro chính là đánh giá mức độ nghiêm trọng và ảnh hưởng của nó tới sản xuất. Cần đặc biệt chú ý vào tần suất xảy ra các rủi ro này, đo lường cẩn thận và xây dựng thước đo mức độ ảnh hưởng của nó đối với doanh nghiệp. 

Bước 3: Xác định phương pháp đối phó rủi ro

Rủi ro thường được đối phó bằng 1 trong 4 chiến lược phổ biến sau: 

  • Giảm thiểu rủi ro: Khi rủi ro là những vấn đề bất khả kháng không thể giải quyết một cách triệt để, doanh nghiệp cần ứng phó bằng chiến lực giảm thiểu tối đa tần suất rủi ro có thể xảy ra. 

  • Né tránh rủi ro: Khi thiệt hại của một số rủi ro khá lớn và chúng có xác suất xuất hiện thường xuyên, doanh nghiệp tốt nhất không nên tiếp tục thực hiện hoạt động kinh doanh sản xuất gây ra rủi ro đó. Hoặc thay đổi phương pháp hoặc quy trình sản xuất và thậm chí là nguyên vật liệu để tránh rủi ro. 

  • Chấp nhận rủi ro: Đối với các rủi ro xảy ra với tần suất thấp và có thiệt hại nhỏ không đáng kể, doanh nghiệp có thể xem xét chấp nhận sống chung với nó và gia tăng số lượng sản xuất để đảm bảo đủ số lượng hàng hóa đúng theo kế hoạch. Về cơ bản,doanh nghiệp cần xem xét khả năng xảy ra và tác động của rủi ro dưới góc độ mức chịu rủi ro cơ bản của mình và sau đó quyết định có chấp nhận rủi ro hay không. 

  • Chuyển giao rủi ro: Khi rủi ro không thường xuyên xảy ra nhưng mỗi lần xuất hiện sẽ gây ảnh hưởng lớn tới doanh nghiệp, doanh nghiệp có thể cân nhắc việc mua bảo hiểm để đảm bảo được đền bù hỗ trợ khắc phục khi rủi ro xảy ra. Các rủi ro này thường là những vấn đề không nằm trong tầm kiểm soát của con người như thiên tai, dịch bệnh, cháy nổ….

Bước 4: Kiểm soát rủi ro

Hoạt động kiểm soát rủi ro là các biện pháp, quy trình, thủ tục được thực thi nghiêm túc trong toàn tổ chức nhằm đảm bảo chỉ thị của ban lãnh đạo trong giảm thiểu rủi ro và tạo điều kiện cho tổ chức đạt được mục tiêu đã đặt ra.  Thông thường có ba loại hoạt động kiểm soát:

Hoạt động kiểm soát phòng ngừa (hay còn gọi là các hoạt động kiểm soát trước) được thiết kế để tránh những sai sót trong sản xuất trước khi chúng xảy ra. 

Hoạt động kiểm soát phát hiện được thiết kế nhằm giám sát hoạt động/quy trình để xác định các biện pháp kiểm soát phòng ngừa còn thiếu sót và lỗi, sự cố trong sản xuất, từ đó có các biện pháp ứng phó phù hợp.

Hoạt động kiểm soát dò tìm (còn được gọi là các hoạt động kiểm soát sau) được thiết kế để xác định các sai sót hoặc bất thường đã xảy ra và cho phép quản lý có hành động khắc phục kịp thời. 

Bước 5: Giám sát – Báo cáo

Quy trình giám sát và báo cáo rủi ro được thực hiện nhằm đánh giá tính hiệu quả và sự phù hợp của khung quản trị rủi ro doanh nghiệp. Bằng cách thường xuyên giám sát rủi ro và đánh giá hiệu quả của việc xử lý rủi ro, doanh nghiệp có thể điều chỉnh chương trình quản lý rủi ro phù hợp với tình hình cụ thể. Giám sát các rủi ro hiện tại, các rủi ro mới xuất hiện thông qua các chỉ số rủi ro chính KRI (Key Risk Indicator, là một chỉ số dự báo về các rủi ro hiện tại hoặc tương lai có thể quan sát hay đo lường được). Báo cáo các bên liên quan về quy trình quản lý rủi ro, gồm:

  • Đánh giá hiệu quả của hoạt động kiểm soát

  • Đánh giá hiệu quả của khung quản trị rủi ro

  • Các rủi ro còn lại sau khi đã áp dụng các giải pháp ứng phó

Tổng kết

Việc kiểm soát rủi ro trong sản xuất rất quan trọng để doanh nghiệp có thể phát triển bền vững trong môi trường kinh doanh ngày càng nhiều biến động. Để quản lý rủi ro hiệu quả, các doanh nghiệp cần xây dựng một mô hình và quy trình quản trị rủi ro phù hợp, trên cơ sở xem xét yếu tố đặc thù, để đảm bảo mọi rủi ro được phát hiện kịp thời, giám sát và quản lý một cách hiệu quả. 

Tham khảo các bài viết:

Tham gia vào cộng đồng: