4 mô hình văn hóa doanh nghiệp trên thế giới – Viện Đào tạo và Tư vấn doanh nghiệp
Trên thế giới, có rất nhiều công ty phát triển vượt bậc và thần tốc nhờ việc xây dựng một bề dày văn hóa phù hợp và đúng đắn với phương hướng của doanh nghiệp mình. Việc mà doanh nghiệp ngày nay cần làm đó là tìm cho mình một hướng đi rõ ràng và mục tiêu cụ thể đồng thời tiếp thu kinh nghiệm từ những người đi trước để tạo ra con đường phù hợp với mình.
Sau đây là 4 mô hình văn hóa doanh nghiệp tiêu biểu mà các nhà quản trị có thể tham khảo và áp dụng cho hoạt động xây dựng văn hóa công ty. Hãy cùng Viện iEIT tìm hiểu đó là gì nhé!
1. Mô hình văn hóa doanh nghiệp gia đình:
Văn hóa doanh nghiệp gia đình là mô hình thiên về con người và thứ bậc. Đây là một dạng mô hình định hướng về quyền lực, người lãnh đạo như là một người chủ gia đình có trách nhiệm chăm lo cho các thành viên khác và đòi hỏi sự trung thành của các thành viên. Người có kinh nghiệm, người lớn tuổi, người nắm vị trí cấp cao sẽ có quyền quyết định lớn hơn và đóng vai trò cốt lõi trong doanh nghiệp.
– Ưu điểm: Tạo nên sự gắn kết giữa các cá nhân bởi sự trung thành và truyền thống văn hóa. Thành công được các doanh nghiệp xác định là giải quyết tốt các nhu cầu của khách hàng và chăm sóc nhân viên hạnh phúc.
– Nhược điểm: Công ty càng lớn, việc duy trì loại hình văn hóa này càng khó khăn.
– Đối tượng phù hợp: Các công ty có xu hướng đưa môi trường doanh nghiệp trở thành khép kín, chú trọng vào nền văn hóa bản địa.
– Ví dụ : Các doanh nghiệp Hàn Quốc hầu hết đều theo mô hình văn hóa gia đình. Họ đã vận dụng khéo léo các hình thức để thể hiện được sự quan tâm của doanh nghiệp đối với nhân viên và gia đình như: quan tâm đến việc học hành của con cái, việc hiếu hỷ… đều được doanh nghiệp trợ cấp đặc biệt. Bằng mọi cách, các doanh nghiệp cố gắng để nhân viên yên tâm với công việc của mình ở doanh nghiệp, bồi dưỡng tình cảm như đối với gia đình họ.
2. Mô hình văn hoá doanh nghiệp tháp Eiffel:
Trong 4 mô hình văn hoá doanh nghiệp thì mô hình văn hóa này thiên về nhiệm vụ và tôn trọng thứ bậc. Mô hình doanh nghiệp sẽ như một hình tháp có nhiều tầng, mỗi tầng có một nhiệm vụ riêng, phân cấp từ trên xuống dưới và được quy định rõ ràng trong quy chế và bảng mô tả công việc để đảm bảo sự vững chắc của tòa tháp. Các nhà lãnh đạo điều khiển dựa trên sự phối hợp và tổ chức dựa trên hiệu quả công việc, đối với họ giữ cho tổ chức hoạt động trơn tru là quan trọng nhất.
– Ưu điểm: Văn hóa doanh nghiệp lúc này sẽ thiết lập nên các quy tắc và chính sách đồng nhất giữ cho tổ chức cùng phát triển. Mục tiêu dài hạn là sự ổn định kết hợp các nhiệm vụ ngắn hạn hiệu quả, kiểm soát quy trình, công cụ chất lượng tạo ra kết quả. Do đó, việc quản lý nhân sự phải sẽ tập trung vào KPIs và hiệu suất.
– Nhược điểm: Cách tiếp cận rất khô khan này không tạo ra cảm hứng hoặc dám thử nghiệm, điều này có thể dẫn đến việc thiếu niềm đam mê hoặc khó chịu từ các nhân viên vì môi trường quá cứng nhắc.
– Đối tượng phù hợp: Các công ty thiên về quản trị bằng sức mạnh, quyết đoán. thường là các công ty về sản xuất…
– Ví dụ: Mạnh mẽ và hiệu quả, mô hình văn hóa tháp Eiffel là điển hình ở Đức. Điều này được phản ánh trong việc tuân thủ các nguyên tắc kinh doanh, làm việc theo sự vận hành có tổ chức từ trên xuống dưới làm giảm đi các phương án dự phòng hay hạn chế các tình huống tự phát trong quá trình diễn biến sự việc. Người Đức không thích sự bất ngờ. Những thay đổi đột xuất trong các thương vụ kinh doanh thường không được chào đón.
3. Mô hình văn hoá tên lửa dẫn đường:
Ngược hoàn toàn với mô hình văn hóa gia đình, mô hình này thiên về nhiệm vụ và phân quyền. Do vậy nó chú trọng đến sự bình đẳng ở nơi làm việc và định hướng vào công việc, tạo ra một môi trường làm việc năng động và sáng tạo và chấp nhận rủi ro.
– Ưu điểm: Trong 4 mô hình văn hoá doanh nghiệp, mô hình này thiên về sự sự sáng tạo và đổi mới được nhấn mạnh với mục tiêu dài hạn là phát triển và tạo ra các nguồn lực mới. Việc tạo ra các sản phẩm hoặc dịch vụ được coi là thành công đối với các doanh nghiệp này. Do đó, thúc đẩy sáng kiến cá nhân và tự do phát triển của mỗi nhân viên trong doanh nghiệp.
– Nhược điểm: Văn hóa này có thể khiến nhân viên bị thiếu phương hướng và trách nhiệm.
– Đối tượng phù hợp: Các doanh nghiệp làm theo dự án hoặc làm theo nhóm
– Ví dụ: Cơ quan hàng không vũ trụ quốc gia (NASA) đã tiên phong sử dụng nhóm dự án làm việc trong tàu thăm dò vũ trụ giống như tên lửa điều khiển. Để hoàn thành nhiệm vụ hạ cánh mặt trăng cần 140 kỹ sư thuộc các lĩnh vực khác nhau. Không hề có hệ thống thứ bậc nào tất cả trách nhiệm và quyền hạn của họ đều ngang nhau, hoặc ít nhất gần như ngang nhau vì không ai biết sự đóng góp của người khác.
4. Mô hình văn hoá doanh nghiệp lò ấp trứng:
Trong 4 mô hình văn hoá doanh nghiệp thì mô hình này thiên về con người và bình đẳng. Điều này mô tả văn hóa doanh nghiệp như một lò ấp trứng để các thành viên tự phát huy khả năng và tự tạo mối quan hệ. Nhân viên được thỏa sức sáng tạo, không bị gò bó, ép buộc theo bất kỳ lề lối nào, phát huy khả năng tự học hỏi, tự nghiên cứu, tự hoàn thiện bản thân hơn.
– Ưu điểm: Trong doanh nghiệp này, sự nhấn mạnh vào chiến thắng, mục tiêu giữ cho tổ chức hoạt động cùng nhau. Danh tiếng và thành công, thâm nhập được thị trường chứng khoán là quan trọng nhất. Phong cách tổ chức văn hóa doanh nghiệp của họ sẽ dựa trên sự cạnh tranh.
– Nhược điểm: Cường độ như vậy có thể dẫn đến sự cạnh tranh giữa nhân viên và mọi người dễ cảm thấy áp lực.
– Đối tượng phù hợp: Doanh nghiệp thiên về sáng tạo, công nghệ, thiết kế…
– Ví dụ: Facebook có thể được coi là một điển hình mẫu cho văn hóa lò ấp trứng. Dựa trên lời khuyên răn nổi tiếng của CEO Mark Zuckerberg: Di chuyển nhanh và phá vỡ mọi thứ các nhân viên không bị ràng buộc bởi quy trình, quy định mà có thể tự phát triển bản thân.