4 bước để lập một kế hoạch đầu tư (Phần 1) | Prudential Việt Nam

Bạn muốn có một kế hoạch đầu tư cho riêng mình, nhưng không biết nên bắt đầu từ đâu? Hãy cùng Prudential tìm hiểu 4 bước để lập một kế hoạch đầu tư hiệu quả nhé!

Bước 1: Xác định tình hình tài chính hiện tại

Chọn mức đầu tư phù hợp với độ tuổi của bạn

Thông thường, các bạn trẻ sẽ mạo hiểm hơn khi đầu tư bởi họ có nhiều thời gian hơn để “làm lại từ đầu” nếu không may thua lỗ hay rơi vào suy thoái thị trường. Vậy nên, nếu bạn đang trong độ tuổi 25-30, bạn có thể cân nhắc một số khoản đầu tư mạo hiểm, chẳng hạn như đầu tư vào các start-up (doanh nghiệp mới) nhỏ có tiềm năng tăng trưởng lớn.

Ngược lại, nếu bạn đã sắp về hưu, hãy cân nhắc đầu tư vào các khoản ít rủi ro hơn, chẳng hạn như mua cổ phiếu của các tập đoàn lớn có uy tín lâu năm và nguồn vốn mạnh.

Hiểu rõ tình hình tài chính hiện tại của bạn

Bạn cần nắm rõ liệu nguồn thu nhập hiện tại của mình có sẵn sàng cho việc đầu tư hay không. Hãy tổng hợp các khoản tiết kiệm và thu nhập sẵn có, trừ đi chi tiêu hàng tháng, trích lập và tích luỹ cho mình một khoản dự phòng đủ cho chi tiêu của bạn và gia đình từ 3-6 tháng. Khoản tiền còn lại, bạn có thể cân nhắc cho việc đầu tư.

>>> Có thể bạn quan tâm: Quản lý tài chính cá nhân bắt đầu từ đâu?

Hiểu rõ mức độ rủi ro của các hình thức đầu tư khác nhau

Hãy nhớ rằng hình thức đầu tư nào cũng có những rủi ro và bạn cần nắm rõ để xác định lĩnh vực đầu tư phù hợp. Hãy nhớ rằng lợi nhuận luôn tỷ lệ thuận với rủi ro, đồng nghĩa với việc nếu bạn không mạo hiểm, lợi nhuận bạn nhận về sẽ thấp. Ví dụ, đầu tư chứng khoán sẽ rủi ro hơn đầu tư trái phiếu hoặc gửi tiền cho ngân hàng.

>>> Thông tin thêm: Nên lựa chọn kênh đầu tư nào để vừa an toàn, vừa sinh lời?

Bước 2: Đặt ra các mục tiêu tài chính

Đặt mục tiêu cho các khoản đầu tư của bạn

Bạn sẽ làm gì với số tiền kiếm được từ các khoản đầu tư của mình? Bạn muốn nghỉ hưu sớm? Bạn muốn sở hữu một căn nhà đẹp? Sau khi xác định rõ mục tiêu, bạn cần lên kế hoạch hợp lý và dành thời gian đủ dài cho các khoản đầu tư của mình tăng trưởng hiệu quả. Với những mục tiêu lớn và quan trọng, hãy cân nhắc đầu tư định kỳ và chia làm nhiều khoản nhỏ thay vì dồn vốn vào một quỹ đầu tư mạo hiểm duy nhất.

Lên lịch trình cụ thể cho việc đầu tư của bạn.

Bạn muốn đạt những mục tiêu đã đề ra sau bao lâu? Việc này sẽ quyết định hình thức đầu tư phù hợp với mục tiêu của bạn.

Nếu bạn muốn thu được lợi nhuận nhanh chóng trong thời gian ngắn, và đã chuẩn bị tâm lý đầu tư mạo hiểm, hãy cân nhắc các hình thức đầu như chứng khoán dưới giá thị trường, cổ phiếu giá rẻ, và bất động sản có tiềm năng lên giá.

Nếu bạn muốn có lợi nhuận trong dài hạn, hãy cân nhắc lựa chọn lĩnh vực đầu tư tăng trưởng thấp nhưng đem lại lợi nhuận ổn định, ví dụ như gửi tiết kiệm ngân hàng, mua trái phiếu chính phủ,…

Xác định tính thanh khoản của tài sản.

“Tài sản có tính thanh khoản cao” là những tài sản có thể dễ dàng chuyển đổi thành tiền mặt. Đầu tư vào những tài sản này, bạn có thể đổi chúng ra tiền mặt để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Cổ phiếu, vàng hay quỹ tương hỗ có tính thanh khoản cao và có thể quy đổi ra tiền mặt chỉ trong vài ngày. Ngược lại, bất động sản không có tính thanh khoản cao, việc quy đổi có thể mất vài tuần tới vài tháng.

Trên đây là 2 bước khởi động giúp bạn lập kế hoạch đầu tư, hãy cùng đón xem 2 bước tiếp theo trong Phần 2 bạn nhé.

Nguồn: Theo WikiHow