4 Bước vẽ Ông Đồ ngày tết bằng bút kim đệm màu nước – Zest Art
“Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua”.
Những câu thơ này ắt hẳn đã quá quen thuộc với mỗi chúng ta mỗi dịp tết đến xuân về rồi đúng không nào? Người Việt ta từ xưa có truyền thống thờ chữ, rước chữ, chơi chữ, xin chữ ngày Tết. Đây vốn là nét văn hoá đặc trưng của người Việt, bắt nguồn từ sự hiếu học, sự trọng chữ, trọng tri thức. Nét đẹp văn hóa ấy đến nay vẫn được trân trọng, lưu truyền. Để khơi gợi lại mảnh ký ức truyền thống đẹp đẽ này Zest sẽ hướng dẫn mọi người vẽ ký hoạ bút kim đệm màu nước cảnh ông đồ cho chữ ngày tết. Cùng Zest hoàn thiện bức tranh này nhé
Nội Dung Chính
Phần I: Chuẩn bị dụng cụ
– Giấy canson, happy hoặc bất cứ loại giấy nào từ 250-300gsm
– Màu nước (leningrad, white night, koi….)
– Bút chì
– Bút kim mực đen dùng để ký hoạ
– Gôm
– Băng keo giấy
Đặt mua họa cụ tại: Zest Corner
Phần II: Dựng hình
Bước 1: Sketch định hình toàn bộ khung hình chính
Phân tích các mảng chính phụ, xa gần và phối cảnh của bài. Sau đó phác thảo bằng bút chì và định hình bố cục chính (Ông Đồ) sao cho nằm vào phần khung hình chính. Tránh để bố cục bị lệch lên trên hoặc xuống dưới sẽ làm bài của chúng ta bị mất cân đối. Sau khi căn bố cục chúng ta sẽ phác sơ những chi tiết có trong bài.
(Nguồn tranh: Khôi Mi)
Bước 2: Chọn lọc chi tiết và line nét bằng bút kim mực đen
Sau khi phác thảo bằng bút chì chúng ta sẽ chọn lọc và giữ lại các chi tiết chính, quan trọng và line lại bằng bút kim mực đen.
(Nguồn tranh: Khôi Mi)
Xem thêm: Các tips vẽ màu nước đơn giản
Phần III: Tô màu
Bước 3: Lót màu
Sau khi đã line và chọn lọc lại chi tiết, chúng ta sử dụng những gam màu chính làm màu nền, màu lót. Ở đây chúng ta sẽ sử dụng hiệu ứng loang 2 tông màu chính là màu hồng tím và màu xanh biển. Kỹ thuật ướt trên ướt được dùng ở đây sẽ tạo được độ mềm mại và hài hoà hơn. Với kỹ thuật này chúng ta sẽ loang 1 lớp mỏng nhạt màu như hình 1. Sau đó đợi khô hoàn toàn rồi sử dụng kỹ thuật chồng lớp loang tiếp lớp thứ 2 nhấn vào những màu tối và đậm hơn. Tiếp đến phần nền gạch ta sử dụng kỹ thuật loang màu như trên, thả màu từ đậm và loang dần sang phần sáng hơn
(Nguồn tranh: Khôi Mi)
(Nguồn tranh: Khôi Mi)
(Nguồn tranh: Khôi Mi)
(Nguồn tranh: Khôi Mi)
Xem thêm: Cách vẽ trang trí bao lì xì bằng màu nước
Bước 4: Chi tiết và hoàn thiện bài
- Phần ông đồ và bàn cho chữ: Nhấn thêm các chi tiết và phần ngũ quan cho ông đồ.
- Phần chữ thư pháp: Có thể sử dụng bút line để vẽ các phần chữ hoặc sử dụng cọ nét mảnh nhỏ để hoàn thiện phần chữ này.
Lưu ý: Để nền khô hoàn toàn ta mới tiến hành đi chữ tránh trường hợp chữ bị lem.
- Phần bối cảnh xung quanh và phía sau: Phần này là phần phụ nên ta nhấn nhá sao cho sắc độ mờ và màu sắc ít nổi hơn phần chính.
Lưu ý: Xuyên suốt bài có các kỹ thuật vẽ màu nước chính được sử dụng lặp đi lặp lại là kỹ thuật loang màu ướt trên ướt, kỹ thuật chồng lớp từ nhạt đến đậm và kỹ thuật sử dụng cọ mảnh để ke nét.
(Nguồn tranh: Khôi Mi) (Nguồn tranh: Khôi Mi)
Trên đây là 4 bước đơn giản để hoàn thiện bài vẽ ông đồ ngày tết. Ngoài ý nghĩa hoài niệm về những truyền thống phong tục cho chữ ngày tết của người Việt, thông qua bài vẽ này Zest mong muốn được đồng hành cùng bạn khai bút ngày xuân và chia sẻ những kiến thức hữu ích đến với mọi người trong dịp đầu năm mới. Hoàn thành bài vẽ cùng Zest nhé!
Học vẽ tại nhà với các tips vẽ do Zest chia sẻ: Tự học vẽ cùng Zest
Tác giả: GV Thục Yên – Team Zest Mỹ thuật người lớn.
Lưu ý: Bài viết thuộc sở hữu trí tuệ của Zest Art, nghiêm cấm sao chép nội dung và hình ảnh dưới mọi hình thức