30 năm làm bạn bệnh nhân tâm thần

30 năm gắn bó với bệnh nhân tâm thần, ông không nhớ hết đã “giải cứu” bao nhiêu người có ý định tự tử.

30 năm làm bạn bệnh nhân tâm thần

Bác sỹ Tô Thanh Phương vui vẻ trò chuyện với một bệnh nhân tâm thần

30 năm gắn bó với bệnh nhân tâm thần, Tiến sỹ, Thầy thuốc ưu tú Tô Thanh Phương, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần T.Ư I không nhớ nổi đã điều trị, cứu chữa thành công cho bao nhiêu bệnh nhân mắc bệnh tự kỷ, có ý định tự tử…

Bác sỹ đầu tiên chữa khỏi bệnh “ảo thanh kéo dài”

Mồng 2 Tết Âm lịch, Bệnh viện Tâm thần T.Ư I tiếp nhận một bệnh nhân nữ tên H. (Hà Nội) trong tình trạng cố gắng cắn lưỡi tự sát. Phát hiện H. bị trầm cảm nặng, mắc bệnh “ảo thanh kéo dài” khiến tinh thần bị hỗn loạn, bác sỹ Phương đã trực tiếp điều trị cho H. bằng phương pháp kích thích từ xuyên sọ mà ông nghiên cứu. Chỉ sau bốn ngày chữa trị đúng hướng, H. đã khỏi bệnh và sẽ xuất viện trong tuần sau khi tình trạng sức khỏe ổn định.

Ngày 7/10/2014, Tiến sỹ, Bác sỹ cao cấp, Thầy thuốc ưu tú Tô Thanh Phương được lưu danh vào Văn Miếu – Quốc Tử Giám với đóng góp từ công trình nghiên cứu khoa học “Kích thích từ xuyên sọ trong hỗ trợ điều trị ảo thanh kéo dài ở bệnh tâm thần phân liệt Paranoid”.

Bác sỹ Phương cho biết: “Qua việc tham khảo các phương pháp chữa trị về bệnh thần kinh và từ kinh nghiệm nghề nghiệp, tôi đã chữa thành công bệnh “ảo thanh kéo dài” cho nhiều bệnh nhân. Bệnh này rất nguy hiểm với triệu chứng luôn có tiếng nói văng vẳng trong não, xúi giục bệnh nhân tìm đến cái chết như: Cắn lưỡi, đâm vào ô tô, nhảy cầu… Nếu không can thiệp kịp thời thì sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng”.

Lý giải về việc hiện nay có nhiều người tự sát, bác sỹ Phương cho hay: “Do tâm lý của người mắc bệnh trầm cảm bị tác động mạnh theo hai chiều hướng của cảm xúc vui quá hoặc buồn quá. Nếu người bị trầm cảm bỗng nhận cảm xúc không bình thường và để vượt qua ngưỡng kiểm soát đến mức mất cân bằng thì sẽ có những hành động không kiểm soát. Chính bệnh trầm cảm là nguyên nhân của những vụ tự sát thương tâm. Người thân của người mắc bệnh trầm cảm nên để ý đến cảm xúc của họ, tránh để họ nhận được cảm xúc vui, buồn bất ngờ”.

Người bạn của bệnh nhân tâm thần

Sinh năm 1959 tại Hà Nội, năm 1982, tốt nghiệp ĐH Y Hà Nội, bác sỹ Phương lên đường làm nghĩa vụ quân sự. Năm 1986, hoàn thành nghĩa vụ, bác sỹ Phương về Bệnh viện Tâm thần T.Ư I công tác, dù gia đình và bạn bè của ông đều ngăn cản vì công việc này vừa nguy hiểm, vừa nghèo, vừa dễ bị nhiều người xa lánh.

Nhưng với bác sỹ Phương, “được ngành Y chọn là may mắn trong cuộc đời”, làm bác sỹ chuyên ngành tâm thần là cơ hội cuộc đời ban cho để gần gũi với những bệnh nhân đáng thương, kéo họ trở về với cuộc sống bình thường. Thế nên, bác sỹ Phương đã “cắp túi thuốc” về với Khoa Cấp tính nữ tại bệnh viện. Đây là khoa chuyên điều trị các bệnh nhân nữ mắc bệnh thần kinh nặng, dễ kích động, luôn có ý nghĩ và hành vi tự sát.

Với những người bệnh này, bác sỹ Phương và đồng nghiệp phải dành cả ngày ngồi bên để nói chuyện và giám sát họ. Không ít lần, ông và đồng nghiệp bị bệnh nhân hành hung, nhưng ông và các y, bác sỹ vẫn nhẹ nhàng dỗ dành, an ủi để bệnh nhân bình tĩnh và cho uống thuốc. “Nếu hờ hững hay quát mắng với bệnh nhân thì rất dễ xảy ra án mạng. Họ chỉ cần tức giận hay ngồi lủi thủi một mình thì việc tự tử là rất dễ xảy ra”, bác sỹ Phương nói.

Nhờ cái tâm, cái tình của bác sỹ Phương, nhiều bệnh nhân đã khỏi bệnh, không còn ý định tử tự, vui sống trở lại. Chính vì vậy, nhiều người nhà bệnh nhân đã gắn cho bác sỹ Phương biệt danh “bác sỹ cứu người tự tử”. Tuy nhiên, bác sỹ Phương vẫn trăn trở trước thực trạng cuộc sống hiện đại nhiều áp lực, tình cảm con người xa dần, khiến số lượng bệnh nhân trầm cảm ngày một tăng.

“Bệnh trầm cảm, tự kỷ có thể làm họ chán sống, có ý định tự tử. Đáng buồn hơn là những người ngoài xã hội lại vẫn dựng rào cản xa lánh, mỉa mai họ khiến họ càng đi vào bế tắc của cuộc sống. Cách tốt nhất để chữa bệnh thần kinh chính là sự quan tâm, gần gũi và chia sẻ nỗi niềm với họ”, bác sỹ Phương nói.