30 năm ám ảnh dọn dẹp, nấu nướng ngày Tết

Cúng bái tất bật, nấu đủ ngày ba bữa cho ông bà, tổ tiên… nhiều cô dâu Việt suốt mấy ngày Tết chẳng được rời xa cái bếp phút nào.

Tết ở nhà hay đi du lịch, ăn Tết hay chơi Tết, có cần tất bật dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn cầu kỳ, hương khói…? Tôi cho rằng tất cả những điều đều đó đều xoay quanh cái gọi là “quan niệm”. Mà đã gọi là quan niệm thì nó hoàn toàn mang tính cá nhân và có thể thay đổi được.

Mỗi một thời đại đi qua, những gì rườm rà, cổ hủ sẽ được giản lược bớt hoặc thay đổi sao cho phù hợp với xã hội hiện đại. Tết cổ truyền vốn được biết đến với ý nghĩa của sự sum vầy, đoàn tụ, đầm ấm của mỗi gia đình, như người ta vẫn nói “năm mới đoàn viên”. Vậy thì giản lược thế nào, miễn là đảm bảo được ý nghĩa tốt đẹp đó thì vẫn là giữ được cái hồn của Tết đó thôi.

Vì chúng ta cứ ngắc ngứ trong cái mớ quan niệm xưa cũ rằng phải thế này, phải thế kia thì mới gọi là một cái Tết trọn vẹn. Nhưng vì quá nhiều yêu cầu, đòi hỏi nên mới dẫn đến chuyện người già chê thấy con cháu chuẩn bị Tết không chu đáo, con cháu thì lại thấy có quá nhiều thủ tục rườm rà phải làm mà thế hệ trước đặt ra. Để rồi, sự xung đột về mặt quan niệm của các thế hế dẫn tới những bất đồng, tranh cãi không có hồi kết xung quanh câu chuyện đón Tết.

>> ‘Đừng làm khổ nhau chuyện dọn nhà, ăn Tết’

Cá nhân tôi cho rằng, thờ cúng ông bà, tổ tiên, dù là thời nào thì chúng ta cũng vẫn phải chu toàn. Bởi đó là văn hóa truyền thống, bản sắc tốt đẹp từ lâu đời của dân tộc, đáng để chúng ta lưu giữ, duy trì. Nhưng cũng đừng quá câu nệ phải cỗ bàn dềnh dang, hương khói nghi ngút mới gọi là truyền thống. Nói thật, ngày nay nhiều nơi việc chuẩn bị cỗ bàn đón Tết đã nhẹ nhàng đi nhiều, nhưng cũng còn nhiều nơi người mẹ, người vợ vẫn rất vất vả.

Cứ hình dung, ngoài chuyện bận bịu đủ thứ công việc nhà không tên, rồi đến chuyện tiền bạc cuối năm, quà cáp nội ngoại như thế nào cho phải phép, nay lại đến chuyện cúng bái tất bật, nấu đủ ngày ba bữa cơm cho ông bà, tổ tiên… Tất cả những thứ đó khiến nhiều cô dâu mới về nhà chồng mà cả mấy ngày Tết cũng chẳng được rời xa cái bếp phút nào.

Tôi không xa lạ gì với mấy cảnh này, bởi hơn 40 năm sống trên đời thì tôi đã có hơn 30 năm lao đao, mù mịt với cái gọi là Tết Âm lịch. Tất cả cũng chỉ bởi người thân quá nặng nề với cái gọi là “quan niệm truyền thống”. Nếu có ai đó hỏi tôi: “Bạn ghét gì nhất?”, có lẽ tôi sẽ không cần suy nghĩ mà trả lời rằng: “Đó là Tết”.

Tôi chỉ mong các thế hệ càng về sau này sẽ ngày càng mạnh dạn cải cách tư tưởng, đừng lúc nào cũng “thủ cựu bài tân”, mà hãy ăn Tết giản đơn, đầm ấm nhất có thể. Có như vậy thì Tết năm nào cũng sẽ là sự vui vẻ chứ không còn là những tiếng thở dài: “Ôi trời. Lại đến Tết”.

Phù Sinh

>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.