3 điều bạn nhất định phải biết khi đi khám sức khỏe xin việc | TCI Hospital
3 điều bạn nhất định phải biết khi đi khám sức khỏe xin việc
Là một việc làm quen thuộc và rất đơn giản trong suy nghĩ của nhiều người, nhưng bạn đã thực sự nắm rõ kiến thức khi đi khám sức khỏe xin việc hay chưa? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây.
1. Danh mục khám sức khỏe xin việc
Đa số chúng ta thường không quan tâm tới các danh mục khám mà sẽ tới trực tiếp cơ sở y tế để thực hiện dịch vụ theo hướng dẫn. Tuy nhiên, nhiều phòng khám, bệnh viện không triển khai gói dịch vụ khám sức khỏe cho mục đích xin việc mà chỉ có các danh mục khám lẻ. Điều này đòi hỏi các khách hàng cũng cần có những kiến thức nhất định về các nội dung cần phải có khi đi khám sức khỏe xin việc.
Đơn giản nhất, bạn nên căn cứ theo mẫu giấy khám sức khỏe được ban hành theo Thông tư 14/2013/TT-BYT của Bộ Y Tế. Theo đó, danh mục khám sức khỏe xin việc được thực hiện theo mẫu danh mục khám dành cho đối tượng trên 18 tuổi, bao gồm:
– Thông tin bệnh sử (cá nhân, gia đình)
– Khám thể lực chung: chiều cao, cân nặng, huyết áp, mạch đập
– Khám sức khỏe lâm sàng: Răng – hàm – mặt, tai – mũi – họng, da liễu, hệ hô hấp, tuần hoàn, cơ xương khớp… Riêng với khách hàng nữ sẽ bao gồm cả khám phụ khoa.
– Khám sức khỏe cận lâm sàng: Xét nghiệm máu, nước tiểu và một chẩn đoán hình ảnh.
Lưu ý, nhiều cơ sở y tế thường đưa danh mục X-quang tim phổi vào hạng mục chẩn đoán hình ảnh nên nhiều người thường hiểu nhầm đây là quy định bắt buộc của Nhà nước. Trên thực tế, Thông tư 14/2013/TT-BYT chỉ quy định người khám sức khỏe phải có một danh mục khám chẩn đoán hình ảnh (có thể là X-quang hoặc không). Vì thế, bạn hoàn toàn có thể lựa chọn danh mục chẩn đoán hình ảnh là siêu âm hoặc danh mục khám khác, tùy theo yêu cầu từ phía đơn vị tuyển dụng.
Đồng thời, nếu nhà tuyển dụng có mẫu giấy khám sức khỏe riêng, yêu cầu ứng viên phải tuân thủ thì cũng được chấp nhận. Điều kiện mẫu giấy khám sức khỏe này là phải có đầy đủ những danh mục khám bắt buộc nói trên.
2. Chi phí khi đi khám sức khỏe xin việc
Chi phí luôn là vấn đề quan tâm của nhiều người khi đi khám sức khỏe. Đây đồng thời cũng là yếu tố ảnh hưởng khá nhiều tới quyết định khám sức khỏe xin việc ở đâu của nhiều người.
2.1. Mức phí dịch vụ khi đi khám sức khỏe xin việc
Khám sức khỏe xin việc có chi phí khác nhau theo từng địa chỉ chọn khám. Tuy nhiên, theo quy định tại Thông tư 04/BYT năm 2012, mức phí tối đa cho khám sức khỏe tại các cơ sở y tế công lập là 100.000 VNĐ. Mức chi phí này chưa bao gồm dịch vụ xét nghiệm, chụp X-quang. Bệnh viện sẽ thu thêm phí hồ sơ khoảng 4.000 – 6.000 VNĐ cho mỗi phiếu khám sức khỏe đi làm. Như vậy, với trọn gói khám sức khỏe đi làm tại các bệnh viện công, bạn sẽ phải chi khoảng 120.000 VNĐ.
Chi phí khám sức khỏe đi làm tại các cơ sở tư nhân có mức dao động khá lớn nhưng trung bình trong khoảng 200.000 – 300.000 VNĐ. Tính thêm dịch vụ chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm, mức chi phí sẽ cộng thêm khoảng 200.000 – 300.000 VNĐ.
Với mức chênh lệch này, nhiều người không ngần ngại lựa chọn các đơn vị công lập bổi mức chi phí hợp lý. Tuy vậy, nhu cầu khám tại đây thường khá đông đảo, có thể sẽ khiến bạn phải chờ đợi lâu. Điều này không chỉ gây khó chịu, mệt mỏi mà cũng sẽ khiến bạn không có nhiều thời gian cho các công việc khác. Tương ứng với mức chi phí khá “đắt đỏ”, bệnh viện tư nhân có dịch vụ khám nhanh và chất lượng phục vụ “được lòng” nhiều người.
2.2. Đi khám sức khỏe xin việc có được hưởng BHYT không?
Một vấn đề mà nhiều người cũng thường thắc mắc liên quan tới chi phí khám sức khỏe đi làm là việc hưởng BHYT. Theo quy định của Luật BHYT, khám sức khỏe dù với mục đích là xin việc, đi học, du học hay xuất khẩu lao động thì đều không được hưởng BHYT.
Nhiều người thường hiểu nhầm khám sức khỏe vẫn được hưởng bảo hiểm BHYT vì trong Luật có điều khoản quy định khám bệnh nằm trong phạm vi chi trả BHYT. Nguyên nhân của điều này là do mọi người không phân biệt được khám sức khỏe và khám bệnh. Hiểu một cách đơn giản, mục đích của 2 việc làm này là khác nhau. Khám sức khỏe có mục tiêu phân loại và đánh giá tình trạng sức khỏe để sử dụng cho nhiều mục đích như thi bằng lái xe, đi học, đi làm… Trong khi đó khám bệnh có mục đích cuối là để chẩn đoán và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.
3. Địa chỉ khám sức khỏe xin việc
Đa số chúng ta khi đặt ra câu hỏi khám sức khỏe xin việc ở đâu thường nghĩ nhiều tới những tiêu chí như chi phí, địa điểm, dịch vụ… Nhưng lại không nhiều người phân vân về tính hợp pháp của cơ sở y tế đủ năng lực thực hiện hoạt động khám sức khỏe xin việc. Theo quy định, chỉ những cơ sở y tế cấp huyện trở lên mới đủ thẩm quyền khám sức khỏe và chứng nhận sức khỏe cho cá nhân.
Bên cạnh đó, Thông tư 14/2013/TT-BYT cũng có quy định cụ thể về nhân sự, cơ sở vật chất đối với các cơ sở y tế đủ năng lực thực hiện hoạt động khám sức khỏe. Từ vai trò là một người khách hàng, sẽ rất khó để bạn kiểm tra các thông tin này về các cơ sở y tế. Vì thế, bạn chỉ nên lựa chọn những địa chỉ cơ sở y tế uy tín, hoạt động lâu năm và có công khai thông tin rõ ràng.
Bạn có thể tham khảo thông tin trên mạng hay nguồn tin từ những người thân đã trải nghiệm dịch vụ để tìm được địa chỉ khám sức khỏe phù hợp với bản thân. Ngoài ra, đừng quên gọi điện tham khảo thông tin trước về dịch vụ của bệnh viện. Điều này sẽ giúp bạn đánh giá cụ thể hơn về bệnh viện và có những chuẩn bị cần thiết về giấy tờ, thủ tục hay chi phí khi đi khám.
Khám sức khỏe xin việc không chỉ mang ý nghĩa về mặt thủ tục, đây cũng là cơ hội để bạn kiểm tra sức khỏe cá nhân để có thể chăm sóc, điều chỉnh lối sống khoa học hơn. Hy vọng với những thông tin này bạn đã có thêm hiểu biết về hoạt động khám sức khỏe xin việc và có những cân nhắc lựa chọn địa chỉ thăm khám đúng đắn.