28 quy tắc vệ sinh nhân viên bếp nhà hàng, khách sạn không nên bỏ qua
Nhà bếp là khu vực chuyên biệt với rất nhiều những quy định, yêu cầu nghiêm ngặt về vệ sinh cá nhân, vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm đảm bảo chất lượng món ăn cũng như tránh những rủi ro không đáng có. Dưới đây là 28 quy tắc vệ sinh trong khu vực bếp mà bất kỳ nhân viên bếp nhà hàng, khách sạn nào cũng nên nắm rõ.
1. Nhân viên nhà bếp và Đầu bếp nên mặc đồng phục, tạp dề và mũ sạch sẽ theo quy định khi làm việc trong bếp.
2. Không được mặc đồng phục và mũ hay tạp dề bên ngoài khu vực bếp vì điều này có thể gây bám bẩn hoặc đưa vi khuẩn vào khu vực nấu ăn.
3. Móng tay cắt ngắn, đầu tóc của đầu bếp phải sạch, gọn gàng đối với nam và búi gọn gàng đối với nữ.
4. Nhân viên không được đeo đồng hồ hay các loại trang sức cầu kỳ, ngoại trừ nhẫn cưới trơn.
5. Nhân viên không được sử dụng các loại nước hoa mùi mạnh khi làm việc trong nhà bếp.
6. Tay phải được rửa kỹ bằng xà phòng, nước và lau khô bằng khăn giấy sau khi đi vệ sinh, làm việc riêng hay trước khi thực hiện công đoạn chế biến, đặc biệt quan trọng khi trình bày thực phẩm đã nấu chín, cắt gọt trái cây.
7. Tránh chạm tay vào thức ăn khi nêm nếm hay phục vụ món ăn.
8. Luôn đeo găng tay hoặc sử dụng dụng cụ phục vụ sạch khi xử lý thực phẩm.
9. Không xì mũi, ho hoặc hắt hơi trong khu vực nấu ăn.
10. Không ăn uống trong khu vực nấu ăn hoặc chế biến, bảo quản thực phẩm.
11. Nghiêm cấm hút thuốc đối với nhân viên và đầu bếp.
12. Nếu nhân viên nhà bếp có các vấn đề về sức khỏe như: nôn mửa, tiêu chảy, bệnh cảm cúm hay các vết thương hở, hãy thông báo cho quản lý hoặc giám sát để sắp xếp công việc hợp lý. Tránh tình trạng lây nhiễm chéo qua thực phẩm.
13. Không để chung hoặc làm tiếp xúc các thực phẩm sống như thịt, cá, trứng…. với các thực phẩm đã qua chế biến/sẵn sàng để ăn.
14. Sử dụng riêng các dụng cụ như thớt, dao, muỗng, đũa… dành cho thực phẩm sống và thực phẩm chín. làm sạch kỹ lưỡng và khử trùng chúng trước khi sử dụng cho những lần tiếp theo.
15. Luôn đựng thực phẩm trong hộp sạch thích hợp, đậy nắp và dán nhãn phân loại trước khi cho vào tủ lạnh hoặc tủ đông.
16. Không đặt trực tiếp thực phẩm hoặc các hộp đựng thực phẩm dưới nền nhà.
17. Không trộn thức ăn cũ với thức ăn mới.
18. Không sử dụng lại bất kỳ thực phẩm đã phục vụ cho khách.
19. Rửa kỹ tất cả các loại trái cây và rau củ trước khi sử dụng.
20. Không trữ đông lại các thực phẩm đã được rã đông, vì như thế có thể làm mất chất dinh dưỡng cũng như tích tụ vi khuẩn.
21. Thường xuyên theo dõi nhiệt độ của tủ lạnh (0°-5°) và tủ đông (-18°) ít nhất một lần một ngày.
22. Ứng dụng phương pháp FIFO (Nhập trước – Xuất trước) trong tủ lạnh, tủ đông và kho. Phương pháp này hiểu một cách đơn giản đó là những hàng hóa được nhập vào kho đầu tiên sẽ là những hàng hóa đầu tiên được xuất ra khỏi kho. Áp dụng phương pháp này trong nhà bếp giúp giữ được độ tươi mới của thực phẩm, tránh lãng phí do quá hạn sử dụng hay hư hỏng, ôi thiu.
23. Ghi chép và thường xuyên kiểm tra thông tin về ngày mua hàng, thời hạn sử dụng của từng loại thực phẩm để tối ưu phương án sử dụng sản phẩm theo phương pháp FIFO.
24. Cẩn thận khi sử dụng các loại hóa chất tẩy rửa trong bếp và lưu trữ tất cả các hóa chất cách xa thực phẩm, dụng cụ nấu ăn.
25. Rác thải được dọn dẹp sạch sẽ sau mỗi ca làm việc.
Xem thêm: Nguyên tắc vệ sinh 5 vật dụng chuyên dụng trong gian Bếp nhà hàng
26. Lau sạch bếp nấu sau mỗi lần sử dụng và làm sạch hoàn toàn vào cuối mỗi ca làm việc. Rửa và khử trùng bồn rửa ít nhất một lần một ngày
27. Các loại khăn lau nên được giữ sạch sẽ, giặt sạch, phơi khô ngoài trời nắng sau khi sử dụng và thay mới định kỳ.
28. Người giám sát nên theo dõi, cập nhật và báo cáo lịch trình dọn dẹp hàng ngày và hàng tháng.
Những quy tắc trên đây hy vọng sẽ hữu ích đối với các bạn đang làm hoặc chuẩn bị làm việc trong nhà bếp nhà hàng, khách sạn. Ngoài ra nếu các bạn có nhu cầu tìm kiếm vị trí công việc bộ phận bếp có thể truy cập Tại đây hoặc liên hệ Hoteljob.vn để được hỗ trợ.
Ms. Smile