28 loại gia vị nấu ăn của Nhật Bản bạn nên có trong căn bếp của mình
Nội Dung Chính
5 loại gia vị cơ bản trong ẩm thực Nhật Bản (Sa-Shi-Su-Se-So)
Đường (Sato / 砂糖)
Có rất nhiều món ăn Nhật Bản có vị hơi ngọt nên đường chính là một trong những loại gia vị không thể thiếu ở Nhật.
Loại đường phổ biến nhất dùng để nấu ăn chính là “johakuto” (上白糖), là đường trắng có thêm glucose và fructose, tạo nên một kết cấu ẩm hơn dạng hạt thông thường. Ngoài ra, đường Caster (guranyuto / グラニュー糖), được sử dụng để làm bánh hoặc được thêm vào đồ uống, cũng rất phổ biến.
Những người quan tâm đến sức khỏe gần đây đang chuyển sang sử dụng đường mía (kibizato / きび砂糖), loại đường ít được tinh chế so với hai lựa loại đường được giới thiệu bên trên. Một lựa chọn phổ biến khác là đường làm từ củ cải đường (tensaito / てんさい糖), một loại đường không qua tinh chế nên có thể được coi là loại ít ngọt nhất trong số các loại đường kể trên nhưng cũng chứa đầy đủ chất dinh dưỡng.
Cuối cùng là đường wasanbon (和三盆), gần giống như đường bột và có hương vị cực kỳ thơm ngon. Loại đường này thường được sử dụng làm wagashi (bánh kẹo truyền thống của Nhật Bản).
Muối (Shio / 塩)
Muối đã được sử dụng trong ẩm thực Nhật Bản trong nhiều thế kỷ qua, với công dụng là để bảo quản thực phẩm và bổ sung hương vị cho các món ăn. Muối là một loại gia vị thiết yếu hầu như ở khắp mọi nơi trên thế giới.
Vì Nhật Bản là một quốc đảo nên muối biển là loại muối phổ biến nhất trong căn bếp của người Nhật. Trong những năm qua, Nhật Bản đã cho ra mắt rất nhiều loại muối biển khác nhau – từ loại muối được làm từ rong biển đến các loại muối có hương vị như yuzu shio (ゆず塩) có vị cam yuzu của Nhật Bản, hay matcha shio (抹茶塩) có màu xanh giống như trà xanh nhưng hương vị thì không giống như vậy. Người Nhật thường trộn và kết hợp các loại muối khác nhau tùy thuộc vào từng món ăn, giúp trải nghiệm ăn uống thêm tuyệt vời hơn.
Các loại muối khác, chẳng hạn như muối iwa (iwa shio / 岩塩), hiện cũng có thể được tìm thấy ở hầu hết các siêu thị tại Nhật Bản. Người tiêu dùng Nhật Bản có thể tha hồ lựa chọn các loại muối ăn khác nhau!
Giấm gạo (Su / 酢)
Giấm gạo là một loại gia vị phổ biến khác trong căn bếp của người Nhật. Giấm được tạo ra từ quá trình lên men của rượu gạo để tạo thành axit axetic và quá trình này thường mất vài tháng. Giấm gạo thường trong, có vị chua nhẹ hơn so với các loại giấm khác như giấm balsamic, nhưng lại rất phù hợp để chế biến các món ăn Nhật Bản. Trên thực tế, đây là loại gia vị không thể thiếu để chế biến một số món ăn Nhật Bản nổi tiếng, ví dụ như sushi!
Nước tương (Shoyu hoặc Seuyu / 醤油)
Nước tương có lẽ là một trong những gia vị quan trọng nhất đối với hầu hết các món ăn Nhật Bản. Nước tương vốn có nguồn gốc từ Trung Quốc và đã được du nhập vào Nhật Bản từ khoảng thế kỷ thứ VII và rất được yêu thích kể từ đó.
Giống như nhiều quốc gia khác, bạn có thể tìm mua nước tương đậm (koikuchi / 濃口) hoặc nước tương nhạt (usukuchi / 薄口) ở các siêu thị. Hai loại nước tương độc đáo khác phải kể đến là tamari (たまり), không được làm từ nguyên liệu lúa mì như nước tương thông thường và có kết cấu đặc hơn so với những loại được liệt kê ở trên. Nước tương trắng (shiro shoyu / 白醤油) được sử dụng khi bạn muốn món ăn có hương vị nhưng không cần màu sắc. Tuy nhiên, cũng giống như muối, bạn có thể tìm thấy các loại nước tương có vị dashi, cam quýt “ponzu” và các hương vị khác.
Miso (味噌)
Miso là một loại tương đậu nành lên men truyền thống không thể thiếu của người Nhật. Miso thường được bán trong các vại lớn ở các siêu thị địa phương vì nó được sử dụng rất nhiều trong chế biến món ăn hàng ngày. Miso đang dần nhận được sự quan tâm ở nước ngoài vì hương vị umami tuyệt vời và cả những lợi ích sức khỏe mà nó đem lại. Một số người còn cho rằng miso chính là một trong những bí quyết đằng sau tuổi thọ trung bình cao của người Nhật.
Có rất nhiều loại miso được bán tại các siêu thị Nhật Bản và bạn có thể phân biệt chúng qua màu sắc, khu vực sản xuất và thành phần được sử dụng làm nguyên liệu. Tuy nhiên, đối với những người chưa từng thử miso, bạn nên thử 3 loại sau: miso đỏ (hay còn gọi là aka miso / 赤味噌) có hương vị đậm đà và khá mặn; miso trắng (shiro miso / 白味噌), thường được dùng trong các món súp nhẹ nhờ có vị ngọt; và miso hỗn hợp (awase miso / 合わせ味噌) kết hợp giữa bột miso đỏ và trắng. Ngoài ra, cũng có cả các loại miso có ít muối hơn.
7 loại gia vị Nhật Bản cần thiết khác cho căn bếp của bạn
Rượu gạo Nhật Bản (Mirin / みりん)
Về cơ bản, rượu mirin không được xem là một trong 5 loại gia vị cơ bản trong nấu ăn của người Nhật, nhưng vì được sử dụng quá thường xuyên, nó dần trở thành một loại gia vị nấu ăn không thể thiếu. Mirin là một loại rượu gạo ngọt của Nhật Bản với nồng độ cồn thấp hơn rượu sake tự nấu. Mirin được sử dụng để thêm vị ngọt nhẹ và vị umami cho món ăn cũng như giúp khử mùi hiệu quả, ví dụ như mùi tanh của hải sản. Nó cũng giúp làm tăng độ bóng cho thực phẩm, giúp các món thịt trông ngon mắt hơn. Nếu bạn không thể mua rượu mirin, bạn có thể tự pha theo tỷ lệ 3:1 rượu sake và đường để thay thế, nhưng món ăn sẽ có thể ngọt hơn hoặc không ngon so với khi sử dụng rượu mirin mua sẵn.
Rượu Sake nấu ăn (Ryori Shu hoặc O-Sake / 料理酒 hoặc お酒)
Vì rượu sake được làm từ gạo và nước nên nhiều người thường coi đây là một loại rượu gạo giống như rượu mirin, nhưng rượu sake thực chất lại được ủ giống như bia. Rượu sake có nồng độ cồn cao hơn rượu mirin và ít đường hơn, mang lại hương vị sắc nét hơn. Giống như mirin, nó có thể không được coi là một trong 5 loại gia vị nấu ăn cơ bản của Nhật Bản, nhưng chắc chắn là một loại gia vị không thể thiếu trong căn bếp của người Nhật.
Mặc dù bạn có thể nấu ăn bằng bất kỳ loại rượu nào, chẳng hạn như rượu vang, nhưng người Nhật lại thích sử dụng loại rượu sake được thiết kế riêng để nấu ăn. Được gọi là ryori shu (料理酒), loại rượu sake này có thêm muối nên không thích hợp để làm rượu uống. Người Nhật có xu hướng dùng rượu sake nấu ăn để khử mùi khó chịu, làm mềm thịt,…
Bạn có thể thay thế rượu sake hoặc rượu sake nấu ăn bằng rượu sherry hoặc rượu gạo Trung Quốc.
Dashi (だし / 出汁)
“Dashi” là một món súp của Nhật Bản và cũng giống như miso, nó là nước dùng cơ bản để chế biến rất nhiều món ăn khác nhau. Dashi được làm từ một số nguyên liệu cơ bản, phổ biến nhất là tảo bẹ khô “kombu”, cá cơm khô hoặc cá mòi (iriko hoặc niboshi dashi), nấm “shiitake” và cá ngừ bào (katsuobushi). Món ăn này có thể được hoàn thành trong vòng chưa đầy 30 phút. Tất cả những thành phần này đều có chứa vị umami, tạo nên một món nước dùng thơm ngon và có thể được sử dụng trong hầu hết các món ăn. Ramen? Đương nhiên rồi. Súp miso? Tất nhiên. Và còn rất nhiều món ăn khác nữa!
Bạn có thể làm dashi từ những bước đầu tiên bằng cách sử dụng bất kỳ các nguyên liệu nào được kể trên. Tại các siêu thị và cửa hàng ở Nhật Bản cũng bán rất nhiều loại dashi ăn liền tiện lợi. Bạn có thể mua dashi ở dạng gói, các nguyên liệu đã được cắt sẵn và đóng gói, hoặc dashi dạng bột. Nhìn chung, chúng khá rẻ, dễ mua và có thể để được lâu trong tủ lạnh, vậy tại sao bạn không thử mua một ít vào lần tới khi đến thăm Nhật Bản hoặc khi đi ngang qua một siêu thị Nhật Bản?
Nếu bạn muốn tham khảo thêm thông tin về dashi và các bước chuẩn bị nước dùng dashi thì có thể đọc thêm bài viết Công thức nấu nước dùng Dashi mà bất cứ ai cũng có thể làm được!
Mentsuyu (めんつゆ)
Mentsuyu là một loại nước dùng cơ bản của Nhật Bản giúp cho việc nêm nếm các món ăn trở nên dễ dàng hơn. Đây là một loại gia vị được chế biến từ dashi, nước tương, mirin và đường. Mentsuyu giúp làm tăng thêm hương vị umami cho món ăn mà không yêu cầu bạn phải thêm nhiều nguyên liệu nấu ăn khác. Mentsuyu được sử dụng trong nhiều món ăn khác nhau, đặc biệt là những món cần dùng nước tương, chẳng hạn như cơm bò “gyudon”, vì Mentsuyu giúp món ăn có hương vị đậm đà hơn hơn. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng mentsuyu để làm nước chấm cho các món mì như soba lạnh hoặc làm nước dùng cho các món lẩu. Mentsuyu không phải là gia vị nấu ăn bắt buộc phải có trong tủ đựng gia vị nhà bạn nhưng nó làm cho việc nấu ăn trở nên dễ dàng hơn rất nhiều, đó là lý do tại sao bạn sẽ tìm thấy nó trong nhà bếp của rất nhiều người Nhật.
Wasabi (わさび)
“Wasabi” là tên gọi của cải ngựa Nhật Bản – một loại củ thường được xay nhuyễn để làm gia vị ăn cùng với các món hải sản sống như sashimi và sushi. Theo truyền thống, wasabi được sử dụng như một loại gia vị của Nhật Bản để giúp cho các món ăn thêm hấp dẫn hơn cũng như loại bỏ mùi tanh hoặc mùi khó chịu. Hầu hết wasabi được tìm thấy trong các siêu thị. Wasabi bạn thấy ở các nhà hàng cũng không phải là wasabi thật, vì nó rất khó trồng nên có giá khá cao. Loại wasabi “giả” được tạo ra bằng cách nhuộm màu cho cải ngựa thông thường, có hương vị giống hệt với wasabi thật. Đây là một trong những loại gia vị có thể không cần thiết trong nhà bếp Nhật Bản, nhưng nếu bạn thích ăn thịt và hải sản tươi sống thì đây chắc chắn là thứ không thể thiếu.
Mayonnaise (マヨネーズ)
Dù yêu hay ghét loại gia vị này, chúng ta đều phải công nhận rằng mayonnaise đóng một vai trò to lớn trong việc nấu ăn của rất nhiều người Nhật. Thương hiệu mayonnaise nổi tiếng nhất của Nhật Bản là Kewpie, được biết đến với hương vị trứng đậm đà, béo ngậy và thơm ngon. Các loại mayonnaise khác cũng được bày bán trên thị trường ở Nhật Bản, nhưng chúng thường gần giống với mayonnaise Kewpie về kết cấu và hương vị hơn so với mayonnaise ở nước ngoài. Mayonnaise được sử dụng cho một số món ăn, từ món salad khoai tây đến bánh pizza Nhật Bản.
Gừng (Shoga / 生姜)
Gừng được sử dụng rộng rãi trên khắp thế giới bởi mang hương vị vô cùng độc đáo, giúp món ăn thêm phần ngon miệng cũng như có tác dụng khử mùi khó chịu trong các loại thịt và hải sản. Ở Nhật Bản, gừng thường được bào nhỏ hoặc cắt thành sợi và được ăn kèm với các món ăn ninh như món thịt lợn xào gừng “shogayaki”. Đôi khi bạn cũng sẽ thấy gừng được gọi là “gari” (ガリ) ở Nhật, đây thực chất là một loại gừng ngâm dấm, được ăn kèm với sushi như một món ăn giúp loại bỏ mùi tanh, hoặc “beni shoga” (紅生姜) một loại gừng ngâm khác có màu đỏ. Bạn có thể phân biệt chúng bằng màu sắc: loại ăn kèm với sushi có màu vàng và loại còn lại có màu đỏ.
11 loại gia vị Nhật Bản có thể bạn đã từng nhìn thấy
Furikake (ふりかけ)
Cơm chính là thực phẩm chính của người người Nhật. Nhưng có bao giờ bạn tự hỏi rằng liệu bạn có cảm thấy chán khi ăn một thứ mỗi ngày bao giờ chưa? “Furikake” là một loại gia vị khô của Nhật Bản dùng để rắc lên trên cơm giúp làm tăng thêm hương vị. Nó thường được làm từ các nguyên liệu như cá khô, rong biển, đường, muối, v.v. Furikake cũng có thể được dùng làm gia vị cho các món ăn khác như salad và thậm chí là mì ống! Nó thường có rất nhiều loại và nhiều hương vị khác nhau, có thể được bảo quản trong tủ lạnh và có giá cực kỳ rẻ, vậy tại sao bạn không mang loại gia vị này về căn bếp nhà mình?
Bột ớt Nhật Bản (Togarashi / 唐辛子)
“Togarashi” là thuật ngữ chung để chỉ ớt của Nhật Bản. Loại ớt này vô cùng đa dạng và có thể tìm thấy trên khắp Nhật Bản. Tuy nhiên, hầu hết người Nhật thường sử dụng hai loại gia vị ớt là shichimi togarashi (七味) và ichimi togarashi (一味).
Shichimi togarashi thực chất là một hỗn hợp gia vị bao gồm 7 thành phần như ớt xay, vỏ cam, rong biển, hạt mè, v.v. Loại bột ớt này có một chút gia vị và đậm đà hương vị umami, nên vô cùng hoàn hảo khi sử dụng cho tất cả các món ăn, cho dù đó là súp miso hay ramen. Mỗi thương hiệu đều có shichimi togarashi của riêng mình, vì vậy có thể bạn sẽ phải mất một lúc lâu để tìm ra được loại ớt bột phù hợp với khẩu vị của mình. Tuy nhiên, đây là một trong những loại gia vị Nhật Bản mà chúng tôi thực sự khuyên bạn nên dùng bởi nó giúp món ăn thêm đậm đà và thơm ngon.
Ichimi togarashi đơn giản chỉ bao gồm ớt xay, vì vậy nó khá cay so với shichimi togarashi và có thể sử dụng được với bất kỳ món ăn nào.
Cá ngừ bào (Katsuobushi / 鰹節)
“Katsuobushi” trong tiếng Nhật có nghĩa cá ngừ bào khô. Nếu bạn đã từng ăn takoyaki trước đây, thì bạn sẽ thấy những mảnh vụn nhỏ được rắc bên trên món ăn này, đó chính là katsuobushi. Katsuobushi là một trong những nguyên liệu dashi quan trọng và cũng thường được sử dụng làm gia vị phủ bên trên cho một số món ăn trước khi được mang ra phục vụ. Tuy nhiên không phải món ăn Nhật Bản nào cũng sử dụng loại nguyên liệu này. Chúng thường được đóng theo dạng bột hoặc gói, và là một nguyên liệu truyền thống thường xuất hiện trong căn bếp của các gia đình ở Nhật Bản.
Có hai loại katsuobushi là arabushi (荒節) được làm từ cá ngừ ninh nhừ nhỏ lửa, sau đó mang đi hun khói và cắt nhỏ, và honkarebushi (本枯れ節) được làm từ cá lên men và hun khói. Quá trình chế biến này mang lại hương vị thơm ngon và thanh nhẹ cho Katsuobushi và có rất nhiều đầu bếp chuyên nghiệp Nhật Bản thích sử dụng chúng để làm dashi. Quá trình làm honkarebushi mất nhiều thời gian hơn arabushi nên giá thành của sản phẩm này cũng đắt hơn.
Muối tiêu Yuzu (Yuzu Kosho / 柚子胡椒)
Mặc dù trong tên gọi có từ “hạt tiêu” (yuzu kosho), nhưng đây thực chất không phải là một loại bột hạt tiêu có hương vị yuzu. Yuzu kosho là một loại bột nhão làm từ ớt, vỏ cam yuzu và muối. Nó có nguồn gốc từ Kyushu, và trong phương ngữ địa phương, “kosho” có nghĩa là ớt, chứ không phải là hạt tiêu.
Hương vị của yuzu kosho thay đổi tùy thuộc vào loại ớt được sử dụng làm nguyên liệu chế biến. Loại phổ biến nhất được sử dụng là ớt xanh Nhật Bản, loại ớt này khá sệt và có vị hơi chua cũng như màu xanh lục bắt mắt. Đôi khi bạn cũng có thể tìm thấy yuzu kosho đỏ được làm bằng ớt đỏ Nhật Bản, loại ớt này ít cay hơn so với ớt xanh.
Yuzu kosho được sử dụng trong tất cả các món ăn như một loại gia vị, nhưng thường được sử dụng nhiều nhất với các món ăn làm từ thịt gà và các loại thực phẩm béo, nhiều dầu mỡ. Nếu bạn muốn sử dụng yuzu kosho khi nấu ăn, bạn có thể tìm mua loại yuzu kosho được đóng theo lọ. Bạn cũng có thể dùng yuzu kosho dạng bột, nhưng loại này thường có hương vị không mấy đậm đà. Yuzu kosho thậm chí còn ở dạng lỏng, mặc dù loại này thường được pha với giấm và do đó, độ axit thường cao hơn nhiều so với dạng xay nhuyễn.
Hạt tiêu Sansho Nhật Bản (Sansho / 山椒)
Đây là một loại gia vị bột phổ biến của Nhật Bản và thường mang hương vị tinh tế kết hợp giữa cam, quýt và có vị cay nồng do được làm từ hạt và lá của quả hạt tiêu sansho – một loại tiêu giống như hạt tiêu Tứ Xuyên, nổi tiếng trong ẩm thực Trung Quốc. Tuy nhiên, khác với hạt tiêu Tứ Xuyên, sansho không để lại vị cay nồng trong miệng khi ăn.
Bạn sẽ thường thấy sansho được sử dụng với món lươn cũng như các món thịt nướng hoặc hải sản. Nó không chỉ làm tăng thêm hương vị của thịt và hải sản, sansho còn giúp giảm độ béo, khiến món ăn dễ ăn và thơm ngon hơn.
Rong biển khô (Aonori / 青のり)
“Aonori” là rong biển đã được sấy khô và được xay thành bột hoặc những mảnh vụn nhỏ. Aonori thường được sử dụng làm lớp gia vị phủ bên trên cho rất nhiều món ăn như okonomiyaki, yakisoba và takoyaki. Ngoài việc đem lại vị umami cho món ăn, aonori còn rất giàu khoáng chất và axit amin. Nhược điểm duy nhất là đôi khi aonori rất dễ dính vào răng khi ăn! Hãy sử dụng loại gia vị này bất cứ khi nào bạn muốn có thêm một chút vị umami vào món ăn của mình nhé!
Lưu ý rằng mặc dù chúng tôi gọi aonori là “bột rong biển khô”, nhưng nó hoàn toàn khác với nori, wakame hoặc kombu. Loại rong biển gần nhất với aonori là “aosa,” (あおさ), có thể được sử dụng giống như aonori.
Bạn có thể tham khảo thêm bài viết này để phân biệt các loại rong biển ở Nhật.
Lá tía tô (Shiso / しそ)
Shiso là lá tía tô và có hương vị gần giống như bạc hà và có một chút vị cam. Điều này khiến shiso trở thành một loại gia vị tuyệt vời để khử mùi tanh, ăn cùng với các món thịt và giúp kích thích cảm giác thèm ăn. Ở Nhật Bản, có hai loại shiso phổ biến nhất là lá shiso xanh và lá shiso đỏ/tím.
Shiso xanh thường được dùng để bọc bên ngoài món ăn hoặc để trang trí. Đôi khi, bạn cũng sẽ thấy nó được cắt nhỏ và rắc trên các món salad và các món ăn nguội khác. Shiso xanh thậm chí có thể được chiên lên làm tempura!
Shiso đỏ/tím được sử dụng để tạo màu cho umeboshi (sẽ được đề cập ở phần sau của bài viết này). Ngoài ra, bạn cũng sẽ thấy shisho được sấy khô và có trong furikake, một loại gia vị đã được đề cập đến ở phần trên của bài viết.
Mù tạt vàng Nhật Bản (Karashi / からし)
Được làm từ hạt của cây mù tạt phương Đông, karashi là một loại gia vị phổ biến được sử dụng để thêm hương vị cho các món ăn Nhật Bản như tonkatsu, oden và natto. Karashi có vị cay nóng hơn mù tạt vàng của Mỹ và có hương vị giống với mù tạt của Anh và mù tạt Trung Quốc. Bạn có thể tìm mua karashi ở dạng lỏng hoặc bột. Chúng tôi khuyên bạn nên sử dụng dạng bột vì sẽ để được lâu hơn và bạn chỉ cần pha với một chút nước ấm là sẽ được hỗn hợp dạng sệt.
Dầu mè và các loại hạt (Goma Yu và Goma / ゴマ油 và 胡麻)
Dầu mè không phải là một nguyên liệu đặc trưng tại Nhật Bản, nhưng lại được sử dụng trong rất nhiều món ăn của Nhật, đặc biệt là những món ăn kiểu Trung – Nhật như đậu phụ sốt cay Tứ Xuyên.
Hạt vừng, được gọi là “goma” trong tiếng Nhật, là một nguyên liệu nấu ăn phổ biến của người Nhật, có lẽ còn phổ biến hơn cả dầu mè. Nhiều món ăn Nhật Bản có rắc hạt vừng lên trên, chẳng hạn như onigiri và ramen. Chúng giúp món ăn thêm thơm ngon, hấp dẫn hơn và được cho là có tác dụng cải thiện hệ tiêu hóa. Vừng cũng là một loại hương vị phổ biến cho nhiều món ăn, bao gồm cả kem!
Ở Nhật Bản, hạt vừng nâu và đen là phổ biến nhất. Hạt vừng đen (黒ごま) có hương vị đậm đà hơn và thường được ưa chuộng hơn loại màu nâu.
Dầu ớt Nhật Bản (Rayu / ラー油)
Rayu là một loại gia vị phổ biến mà bạn sẽ tìm thấy ở hầu hết các cửa hàng ramen và há cảo (gyoza). Có rayu dạng lỏng và dạng “taberu rayu” thường đi kèm với một ít tỏi, gừng và hành lá giòn. Dạng “taberu rayu” là một sản phẩm mới được ra mắt gần đây và đã gây bão ở Nhật Bản, vì nó ít cay hơn so với dạng lỏng và giúp món ăn thêm thơm ngon hơn, đặc biệt là cơm trắng.
Umeboshi (梅干し)
Umeboshi là mơ ngâm. Chúng thường có vị chua và mặn, nhưng cũng có loại ngọt và thường được thêm một chút muối. Ở Nhật Bản, umeboshi thường được phục vụ cùng với cơm trắng hoặc trong onigiri để làm tăng thêm hương vị. Bạn cũng có thể tìm thấy bột umeboshi xay nhuyễn được sử dụng với rất nhiều món ăn nấu chín ở Nhật Bản.
Bạn có thể đọc thêm bài viết Mơ muối Umeboshi – Siêu phẩm ẩm thực hàng ngày của người Nhật để tìm hiểu về cách chế biến và cách ăn loại thực phẩm này.
Khám phá 5 loại nước sốt của Nhật Bản
Nước sốt Worcestershire
Nước sốt Worcestershire là một loại gia vị lên men, có nguồn gốc từ Worcester, Anh Quốc. Theo thời gian, loại nước sốt này đã xuất hiện ở Nhật Bản và dần trở nên phổ biến. Nước sốt Worcestershire ở Nhật Bản thường có vị ngọt hơn so với loại được bán ở nước ngoài. Nước sốt Worcestershire của Nhật Bản thường được làm từ những nguyên liệu thuần chay trong khi nước sốt Worcestershire truyền thống thì không như vậy.
Worcestershire ở Nhật Bản khác nhau dựa trên độ đặc. Loại thông thường có dạng lỏng và thường được sử dụng khi nấu ăn, trong khi nước sốt Worcestershire sệt hơn thường được thêm vào khi món ăn đã được nấu chín hoàn toàn. Những viên bạch tuộc chiên giòn “Takoyaki” là một ví dụ điển hình.
Vô cùng phổ biến trong nhà bếp Nhật Bản, nước sốt Worcestershire là một loại gia vị nhất định cần phải có đối với những ai muốn trở thành bậc thầy về ẩm thực Nhật Bản. Chúng tôi khuyên bạn không nên thay thế Worcestershire Nhật Bản với nước sốt Worcestershire của Anh vì chúng có kết cấu và hương vị hoàn toàn khác nhau.
Nước sốt Ponzu (Ponzu / ポン酢)
“Ponzu” là một loại nước sốt làm từ cam, quýt của Nhật Bản và thường có vị chua. Nhiều người nghĩ ponzu giống như một loại dầu giấm và điều này cũng không sai vì bạn có thể sử dụng ponzu thay cho giấm vì nó có vị chua tương tự như vậy. Ponzu cũng có thể được sử dụng làm nước chấm cho các món ăn như lẩu “shabu-shabu” của Nhật Bản và làm nước sốt cho các món thịt và hải sản.
Nếu bạn muốn thêm nước sốt ponzu vào căn bếp nhà mình thì hãy cân nhắc vì nước sốt ponzu và nước tương không hề giống nhau. Rất nhiều loại nước sốt ponzu bạn thấy trong siêu thị thực chất là nước sốt ponzu pha với nước tương, đó là lý do tại sao nhiều người lầm tưởng nước sốt ponzu chỉ là một loại nước tương. Nước sốt ponzu truyền thống thường có màu vàng nhạt.
Nước sốt Unagi (Unagi no Tare / うなぎのタレ)
Nhật Bản có rất nhiều loại nước sốt được làm riêng cho các món ăn cụ thể, và đây là một trong số đó. Lươn là một món ăn ngon nổi tiếng ở Nhật Bản. Lươn thường được nướng lên và ăn kèm với cơm. Để giúp cho món ăn này thêm phần đậm đà hơn, người ta sẽ thêm nước sốt unagi lên trên miếng lươn nướng. Nước sốt này khá đặc và có vị ngọt, được làm từ đường và nước tương, và có đầy đủ hương vị umami. Trong những năm qua, nước sốt unagi cũng được sử dụng cho nhiều món ăn khác như thịt nướng, hải sản và được rất nhiều người yêu thích. Tại sao bạn không thử mua nước sốt Unagi và thưởng thức loại nước sốt thơm ngon này tại nhà?
Nước sốt Tonkatsu (Tonkatsu no Tare / とんかつのタレ)
Đây là một loại nước sốt khác được làm riêng cho món tonkatsu – món thịt lợn tẩm bột chiên giòn. So với nước sốt unagi, nước sốt Tonkatsu thường loãng hơn, nhưng có hương vị phức tạp hơn vì được làm từ nhiều nguyên liệu khác nhau. Bạn hãy thử nước sốt tonkatsu với bất kỳ món chiên giòn nào nhé!
Nước sốt Okonomiyaki (Okonomiyaki no Tare / お好み焼きのタレ)
Nước sốt okonomiyaki giống như nước sốt thịt nướng của Nhật Bản. Nó được làm từ nhiều nguyên liệu hơn so với nước sốt unagi, nhưng lại đặc hơn nước sốt tonkatsu. Trên thực tế, sốt okonomiyaki được tạo ra khi những người bán okonomiyaki phàn nàn về việc nước sốt worcestershire quá loãng và không phù hợp để ăn với okonomiyaki! Ở Nhật Bản, bạn có thể tìm thấy nước sốt okonomiyaki được phết lên miếng okonomiyaki, bánh mì kẹp thịt, bít tết và đôi khi là cả bánh pizza. Loại nước sốt này giúp làm tăng thêm vị ngọt và độ mặn cho bất kỳ món ăn nào và cũng là loại nước sốt rất được yêu thích của người Nhật.
Nếu bạn muốn gửi phản hồi về bài viết, hay có ý tưởng muốn chia sẻ hoặc câu hỏi liên quan đến Nhật Bản, vui lòng chia sẻ trên Facebook của chúng tôi!