21 điều thú vị về văn hoá ngày Tết Nhật Bản|Kênh du lịch LocoBee
Chỉ còn một vài ngày nữa người dân Việt Nam chúng ta lại sẽ được đón một cái Tết cổ truyền. Những hình ảnh như hoa đào, hoa mai, bánh chưng, bánh giày… có lẽ luôn là hình ảnh cố hữu trong tâm trí của mỗi người con đất Việt về Tết cổ truyền của dân tộc.
Vậy Nhật Bản thì sao? Qua bài viết này bạn sẽ biết tất tần tật về văn hoá ngày Tết Nhật Bản từ nguồn gốc đến đồ ăn, vật trang trí, hoạt động vui chơi vào dịp Tết… Hãy cùng tìm hiểu về Tết ở Nhật Bản để hiểu hơn về xứ sở hoa anh đào này nhé!
Nguồn gốc của Tết
Từ xưa người Nhật tin rằng vào ngày mùng 1 đầu năm, vị Thần Năm mới (年神様 – Toshigami-sama) xuống từng gia đình ở trần gian và mang đến một năm may mắn và hạnh phúc. Thần Năm mới có thể là Thần Tổ tiên, Thần của Đồng ruộng, Thần của Núi… liên quan sâu sắc đến cuộc sống con người như ước mong con đàn cháu đống, mùa màng bội thu, làm ăn thịnh vượng…
Để mừng Thần Năm mới tới trần gian, người Nhật đã nghĩ ra, thực hiện và truyền lại từ đời này sang đời khác các phong tục có nhiều ý nghĩa và giá trị văn hoá. Những phong tục, nghi thức này thể hiện sự hiếu khách, chân thành – Omotenashi của người Nhật.
Phong tục ngày Tết Nhật Bản
Osoji – Tổng dọn vệ sinh
Để chào đón vị Thần Năm mới người Nhật cũng giống người Việt Nam sẽ dọn dẹp nhà cửa (大掃除) từ các điện thờ, bàn thờ rồi đến các phòng, ngoài sân vườn… Người Nhật tin rằng nếu lau chùi đi bụi bẩn để nhà sạch sẽ thì Thần Năm mới sẽ mang đến cho gia đình họ nhiều điều phúc lộc hơn.
Phong tục này được cho rằng có nguồn gốc từ nghi thức Susuharai được thực hiện ở thành Edo vào ngày 13 tháng 12. Việc chuẩn bị cho ngày Tết được bắt đầu từ Susuharai do đó mà người ta gọi ngày 13/12 là khởi đầu của ngày Tết (正月事始め – Shogatsukotohajime).
Kadomatsu
Được làm từ thông và tre đều là những vật thể hiện điều may mắn, Kadomatsu có chức năng là dấu hiện chỉ đường để Thần Năm mới không bị lạc và cũng là sự chào đón của gia đình đó dành cho thần.
Bạn biết không 2 cây Kadomatsu được đặt ở hai bên cửa ra vào có một cây là giống cái và một cây là giống đực
Shimenawa/Shimekazari
Vật trang trí này có ý nghĩa thông báo đây là nơi ngụ lại của Thần Năm mới nên sẽ được gia đình người Nhật treo ở nơi vô cùng trang trọng.
3 món đồ trang trí không thể thiếu trong ngày Tết ở Nhật
Kagamimochi
Là bánh mochi làm bằng gạo nếp để dâng lên Thần Năm mới. Kagamimochi (鏡餅) có 2 tầng lớn nhỏ thể hiện cho mặt trời và mặt trăng, âm và dương với mong ước một năm viên mãn tràn đầy may mắn.
Bánh mochi giọt nước – vẻ đẹp của sự tinh khiết
Mì Toshikoshisoba
Người Nhật ăn mì soba này vào tối trước giờ Giao thừa với hi vọng về sức khoẻ và sự bền bỉ. Ngoài ra việc thêm hành (Negi) vào trong bát mì nó vừa mang ý nghĩa cảm ơn (Negairai – 労い) một năm đã cố gắng và mong ước (Negi – 祢宜) cho năm mới nhiều điều hạnh phúc.
Joya no Kane
Có nghĩa là tiếng chuông đêm Giao thừa. 108 tiếng chuông mang ý nghĩa xoá đi nỗi lo toan của con người ở trần gian. Ngoài ra 108 còn là con số được hợp thành từ 12 tháng – 24 tiết – 72 thời khắc trong đất trời.
Hatsuhi no de
Có thuyết cho rằng Thần Năm mới sẽ đến cùng với thời điểm bình minh nên người dân Nhật Bản sẽ chọn những địa điểm đẹp nhất để có thể ngắm khung cảnh bình minh đẹp rực rỡ.
Osechi
Là thức ăn ngày Tết của người Nhật được chuẩn bị từ trước đó. Ban đầu nó xuất phát là đồ dâng lên thần thánh 御節供 – Gosechiku vào ngày Ngũ Tiết. Nó còn mang ý nghĩa là ngày Tết để cho Thần Bếp có thể được nghỉ ngơi. Osechi bao gồm nhiều món nhỏ gói ghém từng mong ước của con người trong năm mới.
Giải mã ý nghĩa của từng món trong osechi ngày Tết của người Nhật
Otoso
Là một loại rượu thuốc, uống vào để năm mới có thể khoẻ mạnh, không ốm đau.
Ozoni
Vốn là món ăn khai vị trước mỗi bữa tiệc rượu giúp làm ổn định hoạt động của dạ dày. Sau đó nó trở thành món được nấu cùng với bánh mochi sau khi hạ xuống. Người Nhật tin rằng khi ăn món ăn này trong năm mới sẽ có sức khoẻ cường tráng.
Wakamizu
Wakamizu là nước được múc lần đầu tiên trong năm để dâng lên Thần Năm mới hay để nấu Ozoni. Uống nước này vào con người có thể xua đuổi được bệnh tật của một năm.
Otoshidama
Hay còn gọi là tiền mừng tuổi. Nó bắt nguồn từ suy nghĩ là tượng trưng cho linh hồn của Thần Năm mới, khi mà người tộc trưởng chia bánh mochi cho các thành viên trong gia đình.
Otoshidama – Người Nhật mừng tuổi bao nhiêu trong ngày Tết?
Nengajo
Đầu năm người Nhật thường gặp nhau để nói lời chúc mừng năm mới. Tuy nhiên đối với người mà không thể đến trực tiếp thì họ sẽ gửi đi một lá thư chúc mừng. Cho đến ngày nay thì nó đã trở thành phong tục gửi Thiệp mừng năm mới – Nengajo.
Hatsumode
Như người Việt Nam, người Nhật tâm niệm rằng nếu đầu năm đi lễ đền chùa thì năm mới sẽ gặp được nhiều điều may mắn, hạnh phúc. Tục lệ này gọi là Hatsumode. Ban đầu nó chỉ là việc người dân tới viếng đền chùa ở gần khu vực mình sinh sống. Tuy nhiên ngày nay mọi người đi xa hơn tới những đền chùa nổi tiếng hoặc đền chùa mà có may mắn phù hợp với điều mong ước của họ trong năm đó.
Top 10 đền chùa mà nhiều người Nhật lựa chọn để đi lễ đầu năm
Kakizome
Có thể hiểu đây là Khai bút đầu năm để viết ra mục tiêu hoài bão trong năm mới. Theo lưu truyền nó bắt nguồn từ tục hướng về phía có Thần Năm Mới để viết thơ ca hay thiệp chúc mừng vào ngày 2 tháng 1 (Dương lịch).
Hatsuyume
Là giấc mơ đầu tiên trong năm. Từ nội dung của giấc mơ mà người ta đoán ra vận hạn của người đó trong năm mới. Để có thể thấy được những giấc mơ tốt lành người Nhật thường đặt dưới gối bức tranh về một con thuyền kho báu hay lợn vòi (baku – một con vật trong truyền thuyết của Trung Quốc).
Nanakusa Gayu
Nanakusa Gayu là loại cháo được ăn vào ngày 7 tháng 1 có sử dụng 7 loại thảo mộc bao gồm nazuna (cần nước), penpengusa (rau tề), hahakogusa (lá khúc), hakobe (cây thảo anh), koonitabirako (cải cúc), kabu (củ cải tròn), daikon (củ cải trắng). Người Nhật có tục lệ ăn cháo này để điều hoà hoạt động dạ dày sau ngày Tết cũng như mong muốn một năm không bệnh tật.
Những liên quan thú vị về số 7 trong đời sống của người Nhật Bản
Kagamibiraki
Là tục lễ cắt bánh gạo vào năm mới. Người Nhật tin rằng bánh gạo là nơi mà Thần Năm Mới đã ở lại nên ăn vào sẽ nhận được nhiều sức khoẻ và không ốm đau. Tục lệ này vừa có ý nghĩa tiễn Thần Năm Mới đi cũng như là báo hiệu cho việc hết Tết.
Koshogatsu
Chỉ ngày 15/1, vào ngày này người Nhật ăn cháo đậu đỏ để có một năm không ốm đau hay trang trí cành liễu bằng bánh mochi nhỏ màu trắng hoặc đỏ để cầu mong cho một năm sung túc, đầy đủ.
Ngày xưa ở Nhật nếu như ngày 1/1 được gọi là Oshogatsu thì ngày 15/1 được gọi là Koshogatsu. Oshogatsu là tục lệ để chào mừng Thần Năm Mới thì Koshogatsu đặc trưng bởi các tục lệ để cầu mong cho sự giàu có hay tục lệ có quy mô gia đình.
Sagicho/Dondoyaki
Là tục lệ đốt những vật trang trí trong ngày Tết hay tờ khai bút, Thần Năm Mới sẽ theo làn khói này để trở về trời. Nếu như ăn bánh mochi được nướng trên lửa này thì một năm sẽ không ốm đau bệnh tật, những điều khai bút sẽ bay cao cùng lửa và năm đó người ta hoàn thành được mục tiêu của mình.
Khá giống với lễ hoá vàng tiễn ông vải, ông bà tổ tiên khi hết Tết của Việt Nam
Nếu so sánh thì Tết của Nhật cũng mang một số nét tương đồng với văn hoá Tết cổ truyền của Việt Nam nhỉ. Việc tìm hiểu và trải nghiệm Tết cũng là cách để biết thêm về nền văn hoá của một quốc gia.
Chúc bạn đọc của LocoBee có một cái Tết cổ truyền thật đầm ấm và hạnh phúc bên gia đình!
Tháng 1 của người Nhật có gì thú vị?
Tham khảo All About