20 năm sau Luật Doanh nghiệp 1999: Kinh tế tư nhân trước cơ hội và thách thức mới – Tạp chí Kinh tế Sài Gòn

20 năm sau Luật Doanh nghiệp 1999: Kinh tế tư nhân trước cơ hội và thách thức mới

Lê Đăng Doanh

(TBKTSG) – Trong công cuộc đổi mới được khởi động từ Đại hội VI (1986), ngày 29-12-1987 Việt Nam đã ban hành Luật Đầu tư nước ngoài với hy vọng thu hút vốn đầu tư nước ngoài để tiến hành công nghiệp hóa. Ba năm sau, ngày 21-12-1990, Quốc hội đã thông qua Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân, trong đó có quy định chủ tịch tỉnh, thành phố ký quyết định thành lập công ty hay doanh nghiệp tư nhân…

20 năm sau Luật Doanh nghiệp 1999: Kinh tế tư nhân trước cơ hội và thách thức mới

TS. Lê Đăng Doanh.

Một điều tra của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương năm 1998-1999 cho thấy, để thành lập công ty, doanh nhân phải xin đến 35 chữ ký và 32 con dấu trong thời gian bình quân 12-36 tháng với chi phí “bôi trơn” khoảng 10-30 triệu đồng (tương đương 2.000 đô la Mỹ), một khoản tiền lớn thời đó. Có nữ chủ tịch của một tỉnh còn tự cho mình quyền quyết định đối với việc thành lập doanh nghiệp của công dân dựa trên nhận xét cá nhân mà không hề có quy định pháp luật nào cho phép. Còn Phó chủ tịch UBND Thủ đô Hà Nội thì phải triệu tập tất cả cán bộ liên quan từ phường, quận đến giám đốc sở để họp, xem xét từng hồ sơ; mỗi tuần chỉ duyệt được 2-4 hồ sơ thành lập doanh nghiệp vì e ngại bị chụp mũ là “mất lập trường”, “ủng hộ tư nhân”… Trong chín năm, chỉ có 43.000 doanh nghiệp tư nhân được cấp phép thành lập. Có thể xem con số này là một tiến bộ vượt bậc so với trước đó, song lại quá khiêm tốn đối với yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước lúc bấy giờ.

Thực tiễn đặt ra một câu hỏi: vì sao Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân chưa thật sự đi vào đời sống kinh doanh? Nhiều ý kiến cho rằng cần bổ sung, sửa đổi luật; thậm chí ban hành một luật mới, phù hợp với tình hình thực tế hơn để thúc đẩy các thành phần kinh tế nói chung và kinh tế tư nhân phát triển. Quá trình xây dựng luật mới diễn ra rất căng thẳng và khó khăn. Không ít đại biểu Quốc hội khi ấy còn xa lạ với các khái niệm như “cổ phần”,“cổ tức”. Sau rất nhiều phiên thảo luận kỹ càng từng câu, từng chữ; biểu quyết thông qua từng điều, từng chương với 266 ý kiến tranh luận trên hội trường và 288 ý kiến phát biểu ở các đoàn đại biểu, Luật Doanh nghiệp 1999 đã được Quốc hội thông qua ngày 12-6-1999, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2000, thay thế hai luật nói trên.

Điều 6 của Luật Doanh nghiệp đã bãi bỏ quyền quyết định của chủ tịch tỉnh, thành phố về thành lập doanh nghiệp, khẳng định công dân có quyền đăng ký thành lập doanh nghiệp và kinh doanh các ngành nghề mà pháp luật không cấm; chỉ quy định những đối tượng không được quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp. Đó là bước tiến quan trọng trong việc thực hiện quyền tự do kinh doanh của công dân được xác định trong Hiến pháp.

Phát huy tinh thần tự chịu trách nhiệm và trung thực, Luật Doanh nghiệp cũng bãi bỏ yêu cầu tất cả doanh nghiệp phải có vốn pháp định mà chỉ yêu cầu vốn pháp định đối với những ngành nghề nhất định như ngân hàng, bảo hiểm.

Sự ủng hộ của báo chí là một động lực quan trọng để đưa Luật Doanh nghiệp vào cuộc sống và bãi bỏ các giấy phép con bất hợp lý. Đài Truyền hình Việt Nam, báo Tuổi trẻ, Thời báo Kinh tế Sài Gòn đã lên tiếng rất mạnh mẽ, ủng hộ những tư tưởng cơ bản của luật về thực hiện quyền tự do kinh doanh của công dân, phát hiện những quy định bất hợp lý…

Một đổi mới quan trọng nữa là chuyển từ “tiền kiểm” tức là kiểm tra ngay từ khâu thành lập sang “hậu kiểm”. Điều 12 của Luật Doanh nghiệp quy định người thành lập doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về tính chính xác và trung thực của nội dung hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp, “cơ quan đăng ký chỉ chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ” và “cơ quan đăng ký kinh doanh không có quyền yêu cầu nộp thêm các giấy tờ, hồ sơ khác ngoài quy định của luật này”. Như vậy, luật đã hạn chế sự tùy tiện, nhũng nhiễu trong khâu đăng ký kinh doanh như đã diễn ra trong thực tế. Thực hiện nguyên tắc công khai, minh bạch, điều 20 của Luật Doanh nghiệp cho phép “tổ chức, cá nhân được yêu cầu cơ quan đăng ký kinh doanh cung cấp thông tin về nội dung đăng ký kinh doanh”.

Quá trình thực hiện Luật Doanh nghiệp cũng không dễ dàng. Để thúc đẩy việc thực hiện luật, Thủ tướng Phan Văn Khải đã thành lập Tổ Công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Tổ trưởng, làm việc với từng bộ, ngành để bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không phù hợp với Luật Doanh nghiệp, được gọi là “giấy phép con”. Tuy vậy, không có bộ nào tự phát hiện và kiểm kê các điều kiện kinh doanh được quy định trong các thông tư do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành. Tổ Công tác đã phải làm việc với các doanh nghiệp để phát hiện ra trên 500 giấy phép con, trong đó có giấy phép vẽ truyền thần, giấy phép được bán báo, chỉ có hiệu lực ba tháng, phải xin phép lại sau khi hết hạn, giấy phép hạn chế tư nhân được thu gom sắt vụn (với lý do có thể là vũ khí hay bom mìn) hay quy định doanh nghiệp tư nhân chỉ được đóng sà lan không quá 2.000 tấn… Thủ tướng Phan Văn Khải đã họp với các bộ và ký bãi bỏ 268 giấy phép con, cởi trói cho doanh nghiệp hoạt động.

Sự ủng hộ của báo chí là một động lực quan trọng để đưa Luật Doanh nghiệp vào cuộc sống và bãi bỏ các giấy phép con bất hợp lý. Đài Truyền hình Việt Nam, báo Tuổi trẻ, Thời báo Kinh tế Sài Gòn đã lên tiếng rất mạnh mẽ, ủng hộ những tư tưởng cơ bản của luật về thực hiện quyền tự do kinh doanh của công dân, phát hiện những quy định bất hợp lý…

Những đổi mới đó được người dân và doanh nghiệp hưởng ứng và quan trọng hơn là đã phát huy được sự năng động, tinh thần sáng tạo trong kinh doanh của người dân, không gây ra bất kỳ sự mất ổn định nào trong xã hội như một số ý kiến e ngại.

Số doanh nghiệp đăng ký thành lập tăng mạnh, và hiện đã có khoảng 760.000 doanh nghiệp đăng ký theo Luật Doanh nghiệp và 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động. Khu vực kinh tế tư nhân đóng góp đến 40% GDP, nộp 33% thu ngân sách, cao hơn khu vực kinh tế nhà nước với đóng góp 29% GDP và 32,3% thu ngân sách. Khu vực kinh tế tư nhân tạo ra đến 85% việc làm trong xã hội.

Khu vực kinh tế tư nhân đóng góp đến 40% GDP, nộp 33% thu ngân sách, cao hơn khu vực kinh tế nhà nước với đóng góp 29% GDP và 32,3% thu ngân sách. Khu vực kinh tế tư nhân tạo ra đến 85% việc làm trong xã hội. Ảnh: Trần Linh

Tuy vậy, với 7,6 doanh nghiệp trên 1.000 dân, mật độ doanh nghiệp của nước ta vẫn còn thấp. 96% số doanh nghiệp đăng ký thuộc loại doanh nghiệp nhỏ, chỉ có 2% là trung bình và 2% thuộc loại lớn. Rất mừng là đã xuất hiện một số tập đoàn kinh tế tư nhân lớn như Vingroup hay Trường Hải…

Song, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, chuyển mạnh sang nền kinh tế số hóa, thương mại điện tử xuyên biên giới, doanh nghiệp quá nhỏ sẽ khó có thể bắt kịp nhịp độ thay đổi trên thế giới, rõ ràng cần có các hình thức hợp tác, liên kết thích hợp. Một trở ngại lớn là quyền sở hữu đất đai của tư nhân chưa được thừa nhận làm hạn chế quá trình tích tụ ruộng đất để đi lên sản xuất lớn.

Điều đáng mừng là Luật Doanh nghiệp đã mở ra cơ hội về bình đẳng giới. Báo cáo do tập đoàn tư vấn Boston (BCG) công bố năm 2017 cho thấy 25% trong số các giám đốc điều hành (CEO) và thành viên ban giám đốc ở Việt Nam là phụ nữ, vượt xa Malaysia (14%), Singapore (10%) và Indonesia (6%), trong đó có những tập đoàn lớn như Vinamilk hay hãng hàng không Vietjet do phụ nữ lãnh đạo rất thành công. Tỷ lệ này cũng cao hơn tỷ lệ giám đốc nữ doanh nghiệp nhà nước ở nước ta.

Dự kiến năm 2025 sẽ có 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động và năm 2030 sẽ có 2 triệu doanh nghiệp trên dân số 100 triệu người. Tuy vậy, mật độ doanh nghiệp ở nước ta còn rất thấp so với Hồng Kông, Singapore hay Đài Loan trong khi doanh nghiệp là lực lượng tạo ra tăng trưởng kinh tế, đem lại việc làm cho xã hội và thu nhập cho đất nước. Việt Nam cần nhiều doanh nghiệp vững mạnh hơn nữa để phát huy tính năng động, sáng tạo của người Việt và tránh để nền kinh tế bị tụt hậu so với các nước trong khu vực.

Theo kết quả điều tra về Năng lực Cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2017 của VCCI, vẫn có đến 58% trên tổng số doanh nghiệp phản hồi phải xin giấy phép kinh doanh có điều kiện. Trong đó, có 42% doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn khi xin những giấy phép loại này. Một số tỉnh, thành phố được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao như Đồng Tháp, Đà Nẵng, Bình Định, Bạc Liêu, Cần Thơ, Vĩnh Phúc, An Giang, Long An. Khu vực có tỷ lệ doanh nghiệp cảm nhận tích cực nhất là đồng bằng sông Cửu Long.

“Một con én không đem lại được mùa xuân”. Chỉ riêng Luật Doanh nghiệp 1999 (đã được sửa đổi nhiều lần sau này) thì không thể cải cách thể chế, bộ máy nhà nước cồng kềnh, trùng lắp. Rất cần đẩy mạnh cải cách thể chế, chuyển sang kinh tế số hóa, chính phủ điện tử, thực hiện công khai, minh bạch trong chi tiêu ngân sách và các hoạt động liên quan đến người dân, thực hiện trách nhiệm giải trình và trách nhiệm cá nhân của người ra quyết định, không thể dựa vào nghị quyết tập thể để né tránh trách nhiệm, gây lãng phí tiền vốn của dân như Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo.

Rất cần tiếp tục tinh thần Luật Doanh nghiệp 1999 trong công cuộc đổi mới lần hai này. Và cũng rất cần sự tiếp tục ủng hộ của báo chí, trong đó có những tờ chuyên về kinh tế như Thời báo Kinh tế Sài Gòn, để góp phần làm cho công cuộc đổi mới lần hai thành công.