18 doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm công trình thủy lợi Bắc Đuống
Báo cáo của Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh – Sở NN-PTNT) và Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Đuống, Nam Đuống cho biết, tại một số khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có 17 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh không thực hiện gia hạn giấy phép; 1 doanh nghiệp chưa được cấp phép nhưng ngang nhiên xả thải ra hệ thống công trình thủy lợi, không báo cáo quan trắc chất lượng nước xả thải định kỳ theo quy định gây ô nhiễm môi trường.
Sở NN&PTNT đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Đuống, Nam Đuống tổ chức chỉ đạo xử lý và yêu cầu các doanh nghiệp nêu trên dừng ngay các hoạt động xả nước thải ra hệ thống công trình thủy lợi. Các trường hợp cố tình vi phạm đề nghị kiện toàn hồ sơ, xử phạt theo quy định.
Ô nhiễm môi trường từ làng giấy Yên Phong đối với sông Ngũ Huyện Khê. Ảnh: Nguyễn Thắng
Ngoài ra, các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra công trình thủy lợi trên địa bàn để kịp thời phối hợp, kiện toàn hồ sơ đề nghị xử lý các trường hợp cố tình xả thải ra công trình khi chưa được cấp phép và quan trắc định kỳ.
Ô nhiễm hệ thống thuỷ lợi của 5 huyện thị
Quy trình vận hành hệ thống thuỷ lợi Bắc Đuống được xây dựng mới vào năm 2017 có vai trò cấp nước tưới cho 55.000ha và tiêu 53.000ha diện tích nông nghiệp các huyện Tiên Du, Từ Sơn, Quế Võ, Yên Phong và TP Bắc Ninh.
Báo cáo “Giám sát, dự báo chất lượng nước trong hệ thống công trình thuỷ lợi Bắc Đuống phục vụ lấy nước sản xuất nông nghiệp” của Trung tâm Chính sách và Kỹ thuật Thủy lợi (Tổng cục Thủy lợi) cho biết, ô nhiễm trên hệ thống công trình thuỷ lợi Bắc Đuống xảy ra ngày càng nghiêm trọng, do phải tiếp nhận nguồn xả thải từ các cụm công nghiệp làng nghề, khu dân cư trong địa bàn.
Kết quả điều tra thống kê được 185 điểm xả thải có lưu lượng ≥5m3/ngày đêm (nước thải thuộc diện cấp phép xả thải) với tổng lưu lượng nước thải 231.724,8 m3/ngày đêm. Trong 81 cơ sở đã được cấp phép xả thải có 62 giấy phép còn thời hạn sử dụng và 19 giấy phép đã hết hạn sử dụng.
Ô nhiễm môi trường trên sông Ngũ Huyện Khê
Khối lượng nước thải được cấp phép theo giấy phép còn thời hạn sử dụng là 144.726 m3/ngày đêm chiếm tỷ lệ 62,46% so với tổng lưu lượng nước thải thuộc diện cấp phép xả thải. Trong đó, nước thải công nghiệp xả vào hệ thống là nhiều nhất, khoảng 170.431,0 m3/ngày đêm, chiếm 73,55%.
Với tốc độ phát triển công nghiệp, khu đô thị, sản xuất tiểu thủ công nghiệp của các làng nghề tỷ lệ thuận với lưu lượng nước thải đổ vào hệ thống thuỷ lợi Bắc Đuống. Nước thải của quá trình sản xuất tại làng nghề không được thu gom xử lý mà độ trực tiếp ra hệ thống kênh mương thuỷ lợi.
Đặc biệt, nước thải của cụm làng nghề giấy Phong Khê, Phú Lâm, làng nghề sắt thép, đúc đồng Đa Hội với mức độ ô nhiễm rất lớn, lượng bột giấy trong nước thải quá lớn làm bồi lắng hệ thống kênh mương đặc biệt là hệ thống sông Ngũ Huyện Khê, khiến nhiều thời điểm trong mùa khô không thể lấy nước vào kênh phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Mới đây, Quy hoạch Tài nguyên nước giai đoạn 2021 – 2030 tầm nhìn 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ thông qua đã giao nhiệm vụ cho Bộ TN&MT xây dựng đề án cải tạo, làm sống lại các hệ thống sông chết do ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, trong đó có sông Ngũ Huyện Khê chảy trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
18 doanh nghiệp xả thải ra công trình thuỷ lợi đã hết hạn cấp phép:
Tại TP Từ Sơn: Công ty Cổ phần và xuất nhập khẩu bao bì Thăng Long (điểm xả – Kênh tiêu 6) hết hạn giấy phép.
Tại huyện Tiên Du: Công ty Cổ phần tập đoàn C.E.O (điểm xả – Kênh tiêu Trịnh Xá) hết hạn giấy phép.
Tại huyện Quế Võ: Công ty cổ phần VIEPAC và Công ty cổ phần tập đoàn DABACO (điểm xả – đều tại Kênh tiêu Kim Đôi 7) hết hạn giấy phép.
Tại huyện Yên Phong: Công ty đầu tư phát triển hạ tầng Viglacera – Chi nhánh Tổng công ty Viglacera (điểm xả – Kênh tiêu chính trạm bơm Vạn An – Đặng Xá) hết hạn giấy phép.
Tại huyện Thuận Thành: Công ty CP KCN Khai Sơn; Công ty CP dịch vụ kỹ thuật KVC (điểm xả – Kênh tiêu Sông Đông Côi – Đại Quảng Bình) và Công ty TNHH&Thương mại quốc tế Việt Sinh (điểm xả – Kênh G2) hết hạn giấy phép.
Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành (điểm xả – Kênh G16); Công ty TNHH Phát triển nhà đất Shun – Par (điểm xả – Cống tiêu Ngọ Xá); Bệnh viện đa khoa Thuận Thành (điểm xả ra Kênh tiêu L6) và Công ty Thực phẩm Farina (điểm xả – Tại K1+500, bờ tả kênh tiêu S5) đều hết hạn giấy phép.
Tại huyện Gia Bình: Công ty CP TM và VLXD Phú Bình (xã Quỳnh Phú); Bệnh viện Đa Khoa Gia Bình (điểm xả – Kênh tiêu N9); Công ty cổ phần xốp 76; Công ty CP Đông Bình (Thị trấn Gia Bình) (điểm xả – Hệ thống thoát nước Thị trấn ra kênh tiêu N9) đều hết hạn giấy phép.
Tại huyện Lương Tài: Công ty TNHH MTV DHA (điểm xả – Hồ thủy lợi Táo đôi Thôn Bùi, thị trấn Thứa) hết hạn giấy phép. Đặc biệt, Công ty ống thép Hoà Phát xả thải ra kênh C2 thậm chí còn chưa có giấy phép xả thải.
(Công văn số 1929/SNN-CCTL của Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Ninh)