Mục tiêu của nhiệm vụ:
Khảo sát thực trạng chăm sóc và giáo dục trẻ của đội ngũ giáo viên mầm non tỉnh Bến Tre. Từ đó đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao năng lực chăm sóc và giáo dục trẻ cho đội ngũ giáo viên mầm non và xây dựng một bộ tài liệu bồi dưỡng giáo viên phù hợp với yêu cầu của Chương trình giáo dục mầm non hiện hành và được ứng dụng cho các trường mầm non trên địa bàn tỉnh.
Mục tiêu cụ thể:
2.1. Khảo sát thực trạng chăm sóc và giáo dục trẻ của 620 giáo viên mầm non và 50 cán bộ quản lý mầm non tỉnh Bến Tre.
2.2. Xây dựng Bảng mô tả thực trạng năng lực chăm sóc và giáo dục trẻ mầm non của giáo viên mầm non tỉnh Bến Tre so với yêu cầu của Chương trình giáo dục mầm non hiện hành.
2.3. Soạn thảo 06 bộ tài liệu bồi dưỡng (khoảng 400 trang) cho giáo viên mầm non tỉnh Bến Tre phù hợp với yêu cầu của Chương trình giáo dục mầm non hiện hành và được ứng dụng vào thực tiễn.
2.3. Tổ chức thực nghiệm sư phạm nhằm nâng cao năng lực chăm sóc và giáo dục trẻ cho 20 giáo viên mầm non tỉnh Bến Tre.
2.4. Đề xuất các giải pháp khả thi nhằm nâng cao năng lực chăm sóc và giáo dục trẻ của đội ngũ giáo viên mầm non tỉnh Bến Tre dựa trên mô hình cấu trúc năng lực của giáo viên mầm non.
Nội dung chính của nhiệm vụ:
– Nội dung 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu trong và ngoài nước có liên quan đến đề tài.
– Nội dung 2: Các khái niệm liên quan đến đề tài và cơ sở lý luận của đề tài.
– Nội dung 3: Nghiên cứu thực trạng năng lực của giáo viên mầm non tỉnh Bến Tre về các mặt: kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, phẩm chất đạo đức và các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng của đội ngũ giáo viên.
– Nội dung 4: Soạn thảo tài liệu bồi dưỡng cho toàn thể giáo viên Mầm non tỉnh Bến Tre nhằm nâng cao năng lực sư phạm mầm non.
– Nội dung 5: Tiến hành thực nghiệm sư phạm thông qua việc tổ chức lớp học nâng cao năng lực chăm sóc và giáo dục trẻ của đội ngũ giáo viên mầm non tỉnh Bến Tre và đo lường mức độ khác biệt trong chất lượng của học viên trước và sau khi tổ chức các lớp bồi dưỡng.
• Kết quả thực hiện:
Nghiên cứu “Nâng cao năng lực chăm sóc và giáo dục trẻ cho đội ngũ giáo viên mầm non tỉnh Bến Tre” đã hệ thống hóa được một số vấn đề lý luận về khái niệm năng lực, năng lực sư phạm, cấu trúc năng lực của giáo viên mầm non. Sau mỗi phần trình bày lý luận, nội dung kiến thức được tóm tắt thành các biểu bảng về: cấu trúc năng lực chuyên môn, khái niệm giáo dục, cấu trúc năng lực GV theo đặc điểm của hoạt động giáo dục, cấu trúc năng lực giáo viên theo các chức năng của quá trình giáo dục, cấu trúc cơ bản của năng lực giáo viên mầm non, cấu trúc cơ bản năng lực sư phạm của GV, cấu trúc cơ bản năng lực sư phạm của GV (nâng cao). Đề tài đã trình bày được các khái niệm chương trình giáo dục mầm non, các dạng chương trình GDMN, nội dung của chương trình giáo dục mầm non mới với mục tiêu quan trọng là nhằm giúp trẻ em phát triển hài hòa về các mặt thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm, kỹ năng xã hội và thẩm mỹ và chuẩn bị cho trẻ vào học tiểu học.
Bảng cấu trúc năng lực của GVMN, bảng cấu trúc mô hình năng lực thực hiện CTGD của GVMN, cấu trúc mô hình năng lực thực hiện CTGD của GVMN đã được xây dựng thông qua việc trình bày các lý thuyết có liên quan. Để xây dựng được một Bản mô tả cấu trúc năng lực giáo dục của GVMN trong việc thực hiện CTGDMN hiện hành (mô hình lý thuyết) thì GVMN cần phải có kiến thức về hoạt động giáo dục trong trường mầm non (tổ chức các hoạt động cùng nhau của trẻ với người lớn – tổ chức các dạng hoạt động độc lập và hoạt động giáo dục trực tiếp, và hoạt động giáo dục nhằm thực hiện chế độ sinh hoạt). Để thực hiện hoạt động giáo dục trực tiếp trong trường mầm non hiện đại thì cần phải nâng cao vị trí của hoạt động vui chơi và thoát ly khỏi hoạt động học tập bằng các hình thực làm việc có hiệu quả hơn (hoạt động dự án, tình huống chơi, tình huống dạy học nêu vấn đề). Do đó giờ học truyền thống được thay thế bằng giờ học tổ chức các dạng hoạt động của trẻ. Bên cạnh đó, GVMN cần phải biết xây dựng và sử dụng môi trường giáo dục, môi trường vật chất mang tính phát triển và phù hợp với từng lứa tuổi. GVMN cũng cần phải biết sử dụng môi trường để tổ chức hoạt động giáo dục (trong phòng ngủ, phòng đón trẻ, trong các góc chơi, bảo tàng mini).
Nghiên cứu cũng đã trình bày được kết quả nghiên cứu thực trạng năng lực chăm sóc và giáo dục trẻ của đội ngũ giáo viên mầm non tỉnh Bến Tre. Các phần chính được trình bày trong chương gồm có: nội dung về tổ chức nghiên cứu, khách thể nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu. Phần trình bày chính là kết quả nghiên cứu thực trạng gồm có thực trạng trình độ của đội ngũ GVMN tỉnh Bến Tre và cán bộ quản lý mầm non tỉnh Bến Tre. Những nội dung liện quan đến nhận thức và kỹ năng của GVMN và CBQL về Chương trình GDMN mới gồm có: hiểu biết của họ về nội dung của CTGDMN hiện hành, thực trạng bồi dưỡng chuyên môn, nhận thức về các loại giờ học, nhận thức về giờ học tích hợp, đánh giá của họ về những hình thức hoạt động giáo dục và phương pháp giáo dục. Kết quả nghiên cứu thực trạng đã cho thấy năng lực chăm sóc và giáo dục trẻ của đội ngũ GVMN tỉnh Bến Tre có một số phù hợp với yêu cầu của CTGDMN hiện hành nhưng một số năng lực còn chưa đáp ứng được yêu cầu của CTGDMN hiện hành. Bước đầu có thể có một số tóm tắt như sau: (1) Có sự mất cân đối trong công tác quy hoạch cán bộ. Tỷ lệ GVMN lớn tuổi, có kinh nghiệm cao hơn tỷ lệ GVMN trẻ nên về lâu về dài sẽ không có được đội ngũ GVMN kế thừa. (2) Tỷ lệ lớp học mầm non có số lượng trẻ đông hơn quy định của Điều lệ trường mầm non hiện hành. (3) GVMN được tập huấn và bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nhiều nhưng cần xem lại quy trình tổ chức các lớp tập huấn cũng như sự phối hợp giữa Vụ mầm non của Bộ Giáo dục đào tạo và các Sở giáo dục đào tạo ở các tỉnh. (4) Cần tổ chức đánh giá chất lượng của các lớp bồi dưỡng chuyên môn được bồi dưỡng hàng năm. GVMN có khuynh hướng tham gia các lớp bồi dưỡng hè một cách hình thức mà có thể các lớp bồi dưỡng đó chưa đạt hiệu quả cao. (5) Hiểu biết của GVMN về Chương trình GDMN hiện hành còn khá hạn chế. GVMN chưa phân biệt được sự khác biệt của hai Chương trình GDMN mới với chương trình cải cách; GVMN chưa hiểu rõ thế nào là môi trường thân thiện, môi trường vật chất, môi trường xã hội. (6) GVMN thiếu kiến thức về lý luận dạy học chung. Như: thế nào là giờ học trong chương trình GDMN hiện hành? Thiếu hiểu biết về giờ học tích hợp, loại giờ học tích hợp, các bước trong một giờ học tích hợp, cấu trúc giờ học…. (7) GVMN nhầm lẫn giữa các phần mục tiêu, hình thức, họat động, phương pháp giáo dục
Tổ chức thực nghiệm tác động lên GVMN và trẻ 5 tuổi đã cho thấy nhóm đối chứng của GVMN và nhóm đối chứng của trẻ 5 tuổi không có tiến bộ gì sau thời gian 1 tháng tác động. Ngược lại, nhóm thực nghiệm ở GVMN và nhóm thực nghiệm ở trẻ 5 tuổi đã có tiến bộ vượt bậc. GVMN trong nhóm thực nghiệm đã hoàn toàn nắm vững được những yêu cầu về kiến thức, kỹ năng và phẩm chất của CTGDMN hiện hành thông qua kết quả bài kiểm tra sau thực nghiệm. Bên cạnh đó, GVMN ở nhóm thực nghiệm đã tham gia vào việc dạy trẻ 5 tuổi ở trường MN Hoa Dừa dựa trên những kiến thức đã có được từ thực nghiệm tác động. Sự thay đổi ở GVMN trong nhóm thực nghiệm được thể hiện ở việc soạn giáo án, tổ chức các hoạt động giáo dục, các giờ học tích hợp cho nhóm trẻ thực nghiệm. Kết quả đánh giá nhóm trẻ sau thực nghiệm tác động đã cho thấy các em phát triển tốt hơn nhóm trẻ đối chứng.