Kết luận của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Viện Cây ăn quả miền Nam
Ngày 31/12/2020 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Nguyễn Xuân Cường đã ra Thông báo số 9354/TB-BNN-VP kết luận tại buổi làm việc với Viện Cây ăn quả miền Nam (vào ngày 21/12/2020, tại trụ sở Viện Cây ăn quả miền Nam), dựa trên báo cáo của Viện Cây ăn quả miền Nam về thành tựu nổi bật và định hướng nghiên cứu giai đoạn 2021 – 2030, như sau:
Bộ đánh giá rất cao và biểu dương những nỗ lực của tập thể đơn vị Viện Cây ăn quả miền Nam, đã nỗ lực duy trì được nguồn nhân lực, thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao, đóng góp những thành tựu quan trọng trong phát triển ngành rau, hoa, quả ở các tỉnh phía Nam.
Nổi bật nhất là công tác lưu giữ nguồn gen cây ăn quả của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) và thế giới; Nghiên cứu lai tạo giống mới, phục tráng các giống cây ăn quả đặc sản, bản địa để cải thiện năng suất và chất lượng phục vụ cho doanh nghiệp và người dân. Bộ giống của Viện nghiên cứu chọn, tạo đã được ứng dụng rộng rãi và chiếm cơ cấu chủ lực của vùng, góp phần quan trọng vào xuất khẩu trái cây của Việt Nam (điển hình là giống Thanh long ruột đỏ LĐ1 chiếm khoảng 44% diện tích cả nước).
Bên cạnh đó, Viện còn nghiên cứu xây dựng nhiều quy trình công nghệ trong sản xuất giống, canh tác, quản lý dịch hại tổng hợp trên cây ăn quả; Phát triển nhiều sản phẩm công nghệ tiêu biểu phục vụ sản xuất cây ăn quả; Sản xuất và cung ứng hàng trăm nghìn cây giống tốt, sạch bệnh cho nông dân các tỉnh vùng ĐBSCL; Thiết lập và duy trì hiệu quả Bệnh viện Cây ăn quả để hỗ trợ tư vấn kỹ thuật cho nông dân trong vùng. Mặc dù vậy, dư địa cho công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực này còn rất lớn, trong khi nguồn nhân lực và cơ sở vật chất được đầu tư trong thời gian qua chưa tương ứng với tiềm năng lợi thế của Viện.
Để Viện Cây ăn quả miền Nam trở thành viện nghiên cứu mạnh của vùng ĐBSCL, trong khu vực và quốc tế, thời gian tới Bộ trưởng đề nghị các đơn vị thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, đối với Viện Cây ăn quả miền Nam: Tiếp tục xây dựng Viện là trung tâm lưu giữ tập đoàn cây ăn quả vùng ĐBSCL và phục tráng các giống cây ăn quả bản địa, đặc sản của địa phương, xây dựng chỉ dẫn địa lý để nâng cao năng suất, chất lượng quả, tiến tới hình thành nhóm sản phẩm hữu cơ đặc sản có giá trị gia tăng cao đáp ứng tốt hơn yêu cầu phục vụ cho nội tiêu và xuất khẩu; Tập trung đẩy mạnh nghiên cứu chọn tạo, phát triển các giống cây ăn quả mới (tập trung vào nhóm cây ăn quả chủ lực của vùng) để cải tiến năng suất, chất lượng quả và các đặc tính chống chịu với các điều kiện bất thuận và sâu, bệnh hại và một số cây trồng khác như rau, hoa…; Nghiên cứu cải tiến các biện pháp kỹ thuật canh tác để giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất. Lưu ý các quy trình kỹ thuật phục vụ vùng bị xâm nhập mặn và quy trình trẻ hoá vườn cây ăn quả (cắt tỉa cành, tạo tán, tái canh và thiết kế lại vườn cây thích ứng với biến đổi khí hậu); Xây dựng Viện thành trung tâm giao dịch khoa học công nghệ của vùng về giống, quy trình kỹ thuật canh tác, quy trình bảo quản chế biến… qua đó giúp người dân và doanh nghiệp tìm hiểu, tiếp nhận chuyển giao các kết quả nghiên cứu; Phối hợp với tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội thi sầu riêng cho vùng; phối hợp với doanh nghiệp trong việc hỗ trợ công nghệ tiên tiến, xây dựng mô hình trình diễn và chuyển giao công nghệ để xây dựng chuỗi giá trị, thúc đẩy phong trào canh tác sạch, hình thành được các sản phẩm hữu cơ.
Thứ hai, đối với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, cần thực hiện một số nhiệm vụ:
Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường: Ưu tiên bố trí giao cho Viện thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ liên quan đến nghiên cứu chọn tạo, phát triển các giống cây ăn quả mới (tập trung vào nhóm cây ăn quả chủ lực của vùng) và một số cây trồng khác như rau, hoa nhằm phục vụ nội tiêu và xuất khẩu.
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia: bố trí để Viện chuyển giao và nhân rộng các mô hình canh tác sạch, mô hình hữu cơ thông qua chương trình khuyến nông trung ương.
Vụ Kế hoạch: rà soát dự án đầu tư công trung hạn, ưu tiên nguồn vốn từ đầu tư công trung hạn và Chương trình Phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2030 để xây dựng Viện cây ăn quả miền Nam thành một viện nghiên cứu, chọn tạo giống cây ăn quả hàng đầu của Việt Nam và khu vực.
Vụ Hợp tác quốc tế: hỗ trợ Viện hình thành các chương trình, dự án hợp tác với những nước có thế mạnh về nghiên cứu chọn tạo giống cây ăn quả và quy trình kỹ thuật canh tác như Newzeland, Đài Loan, Thái Lan, Hà Lan và Úc.
(Nội dung thông báo theo file đính kèm tbkl_bt_lam_viec_ngay_21122020_tai_vien_cay_an_qua_mien_nam)
M.Hiếu