Hải Dương là một trong những vùng đất địa linh nhân kiệt, vùng văn hoá và văn hiến tâm linh chính của cả nước. Theo dòng lịch sử đã để lại cho Hải Dương 1.098 di tích lịch sử, trong đó có 133 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và nhiều di tích được xếp hạng đặc biệt cấp quốc gia.

 

1. Khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc 

Di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc thuộc địa bàn thị xã Chí Linh, được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt năm 2012. Nơi đây gồm quần thể các di tích lịch sử liên quan đến những chiến công lẫy lừng trong ba lần quân dân thời Trần đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII và trong cuộc kháng chiến 10 năm của nghĩa quân Lam Sơn chống quân Minh ở thế kỷ XV. Đây là nơi gắn liền với thân thế, sự nghiệp của các vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo cùng với nhiều danh nhân văn hoá của dân tộc: Trần Nguyên Đán, Pháp Loa, Huyền Quang… Điểm nhấn của khu di tích này là chùa Côn Sơn và đền Kiếp Bạc.

Toàn cảnh di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc

– Chùa Côn Sơn thuộc phường Cộng Hòa, thị xã Chí Linh, là một trong những trung tâm Phật giáo của dòng thiền phái Trúc Lâm Đại Việt được Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông sáng lập ở thế kỷ XIII. Chùa kiến trúc theo kiểu chữ công, gồm Tiền đường, Thiêu lương, Thượng điện là nơi thờ Phật, trong đó có những tượng Phật từ thời Lê cao tới 3 mét.


Tam quan chùa Côn Sơn

– Đường vào Tam quan lát gạch, chạy dài dưới hàng thông trăm năm phong trần xen lẫn những tán vải thiều xum xuê xanh thẫm. Tam quan được tôn tạo năm 1995, kiểu cổ, có 2 tầng 8 mái với các hoạ tiết hoa lá, mây tản cách điệu của nền nghệ thuật kiến trúc thời Lê

Quang cảnh bên trong chùa

Tòa Cửu phẩm liên hoa được khánh thành năm 2017

Nhà Tổ là nơi thờ các vị tổ có công tu nghiệp đối với chùa: Điều ngư Trúc Lâm Trần Nhân Tông, Thiền sư Pháp Loa và Thiền sư Huyền Quang.

– Đền thờ Nguyễn Trãi, khởi công xây dựng ngày 14-12-2000, trên khuôn viên đất rộng gần 10.000 mét vuông, tại chân núi Ngũ Nhạc, nằm trong khu vực Thanh Hư Động và gần nơi ngày xưa từng có đền thờ bà Trần Thị Thái, thân mẫu của Nguyễn Trãi. Phía bên phải là dòng suối Côn Sơn chảy từ Bắc xuống Nam, uốn lượn từ phải qua trái, ôm lấy khu Đền.


Toàn cảnh di tích đền thờ Nguyễn Trãi nhìn từ trên cao phía sau đền


Cầu đá dẫn vào đền thờ Nguyễn Trãi

Ngôi đền chính tựa lưng vào Tổ Sơn, hai bên tì vào hai dãy núi Ngũ Nhạc và Kỳ Lân là tả Thanh long và hữu Bạch hổ. Phía trước có hồ nước rộng, tiếp theo là núi Trúc Thôn đối diện với núi Phượng Hoàng. Xa xa là dãy núi An Lạc.


Đền thờ chính

Đền thờ Quan Đại tư đồ Trần Nguyên Đán (Ông ngoại của Nguyễn Trãi)

Đền Kiếp Bạc thuộc địa phận hai thôn Dược Sơn và Vạn Kiếp, xã Hưng Đạo, thị xã Chí Linh, là nơi thờ phụng Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Kiếp Bạc là tên ghép của hai vùng Vạn Yên (làng Kiếp) và Dược Sơn (làng Bạc). Đây là di tích quan trọng thuộc khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc.

Khu vực đền Kiếp Bạc là một thung lũng trù phú ba phía có dãy núi Rồng bao bọc, một phía là Lục Đầu Giang. Núi tạo thành thế rồng chầu, hổ phục, sông tạo thành minh đường rộng rãi. Phía trước đền có cổng lớn có ba cửa ra vào nguy nga, đồ sộ. Trên trán cổng mặt ngoài có bốn chữ “Hưng thiên vô cực”, dưới có 5 chữ “Trần Hưng Đạo Vương từ”.


Quang cảnh đền Kiếp Bạc đầu thế kỷ XX

Vào thế kỷ XIII, đây là nơi Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn lập căn cứ, tích trữ lương thực, huấn luyện quân sĩ trong các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Sang thế kỷ XIV, đền thờ ông được xây dựng tại nơi đây và là nơi tổ chức các lễ hội hàng năm để dâng hương tưởng niệm vị anh hùng của dân tộc Việt, người có công lớn với đất nước và được dân gian tôn sùng là Đức Thánh Trần.


Nghi môn đền Kiếp Bạc

Án thờ trước toà điện chính của đền

Di tích Cồn Kiếm trên Lục Đầu Giang

2. Khu di tích An Phụ- Kính Chủ-Nhẫm Dương

Nằm trên vùng đất địa linh, với cảnh quan thiên tạo kỳ thú, quần thể di tích An Phụ – Kính Chủ – Nhẫm Dương thuộc huyện Kinh Môn từ lâu đã được biết đến với những giá trị hiếm có về lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh. Ngày 22/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định xếp hạng di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quần thể An Phụ – Kính Chủ – Nhẫm Dương là di tích quốc gia đặc biệt.

Đền Cao năm trên đỉnh cao nhất của dãy An Phụ

– Đền Cao, nằm trên đỉnh cao nhất của dãy An Phụ, là điểm nhấn trong quần thể di tích An Phụ – Kính Chủ – Nhẫm Dương. Đền Cao An Phụ thuộc xã An Sinh, được xây dựng vào thời Trần (thế kỷ XIII), thờ An Sinh Vương Trần Liễu – thân phụ của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Trong khuôn viên đền Cao An Phụ còn có chùa Tường Vân thờ Phật và Phật hoàng Trần Nhân Tông – người sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Chùa Tường Vân trên núi An Phụ

Giếng Ngọc trước chùa quanh năm đầy ắp nước


Đền Cao thờ An Sinh Vương Trần Liễu

Thấp hơn đền An Phụ chừng 50m và cách khoảng 300m ra phía trước là tượng đài Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn bằng đá cao gần 13m đứng tay tì đốc gươm, tay cầm cuốn thư, mắt hướng ra nơi biên ải phía Đông Bắc của Tổ quốc. Công trình được UBND tỉnh Hải Dương xây dựng từ 1993 do Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt phiến đá đầu tiên. Khu vực tượng đài còn có bức phù điêu bằng đất nung dài 45m, cao 2,5m, gồm 265 viên ghép lại, mô tả cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông của quân và dân Đại Việt do những nghệ nhân gốm sứ ở làng Cậy, huyện Bình Giang (Hải Dương) tham gia chế tác.

Tượng đài Trần Hưng Đạo

Động Kính Chủ, từ xưa đã được xếp vào một trong sáu động đẹp của trời Nam. Động Kính Chủ nằm ở dãy núi đá vôi Dương Nham (xã Phạm Mệnh) sừng sững những ngọn đá hình mũi mác. Động nằm ở sườn nam núi, qua 36 bậc đá mở ra hoăm hoẳm với 3 cửa hang lớn. Không gian động phơi bày những thạch nhũ được thiên tạo sắp đặt kỳ thú. Với cảnh thiên nhiên như cõi cực lạc, động được người xưa tạo thành chùa thờ Phật. Ở bên trái động có bốn chữ lớn “Vân Thạch thư thất” (Nhà sách Vân Thạch) là nơi đọc sách của Nhập nội hành khiển Phạm Sư Mạnh, một vị quan nổi danh thời Trần.


Chùa thờ Phật, thờ thiền sư Minh Không, cùng vua Lý Thần Tông

và Huyền Quang trong Động Kính Chủ

Ở Kính Chủ còn có nhiều hang động độc đáo như hang Vang, hang Luồn, hang Tiên Sư… với những câu chuyện huyền sử bất tận. Kính Chủ còn hấp dẫn bởi hơn 40 văn bia Ma Nhai độc nhất vô nhị được tạc vào vách đá. Đáng chú ý là tấm bia hình chữ nhật nằm ngang trên nóc động khắc thơ của vua Lê Thánh Tông (1442 – 1497), chủ súy hội Tao Đàn khi ông đến thăm nơi này.

Toàn cảnh khu vực Động Kính Chủ

– Nhẫm Dương (xã Duy Tân) là nơi thắng tích núi non kỳ vĩ với hàng chục hang động: động Thánh Hóa, động Tĩnh Niệm, hang Chiêng, hang Trống, hang Tối… Các hang động này lưu giữ những hiện vật của thời tiền sử thu hút sự chú ý của giới khảo cổ học. Tại động Thánh Hóa sau chùa, năm 2000 người ta đã tìm thấy nhiều xương voi, tê giác, khỉ, lợn rừng, đặc biệt là xương vượn người… hóa thạch, tổng cộng 17 loài động vật thuộc kỷ Đệ tứ, cách chúng ta 3-5 vạn năm. Ngoài ra còn phát hiện nhiều xương người dính vào thành động đã bị thạch nhũ bám kín thuộc về thời kỳ tiền sử cách chúng ta hàng vạn năm.


Di vật khảo cổ học ở hang  động Nhẫm Dương

Nơi đây còn có ngôi chùa cổ được xây dựng từ thời Trần (1225 – 1400), là chốn tổ thiền phái Tào Động, từng góp phần chấn hưng Phật giáo Việt Nam. Chùa còn bảo lưu được 2 tháp đá thời Lê chứa xá lỵ đệ nhất tổ thiền sư Thủy Nguyệt và đệ nhị tổ Tông Diễn.

Chùa Nhẫm Dương chứa đựng nhiều điều kỳ bí


Cổng vào hang (động) Thánh Hóa – nơi gắn liền với sự tích Sư tổ Thủy Nguyệt viên tịch.

3. Văn miếu Mao Điền

Văn miếu Mao Điền là một trong số ít văn miếu còn tồn tại ở Việt Nam. Nguyên được lập ra để tổ chức các kỳ thi Hương của trấn Hải Dương xưa nhưng vào thời nhà Mạc đã bốn lần tổ chức thi đại khoa. Văn miếu Mao Điền nằm tại làng Mậu Tài, xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương; ngay cạnh đường quốc lộ số 5 từ Hà Nội đi Hải Phòng, cách thành phố Hải Dương 15 km về phía tây. Tại miền Bắc Việt Nam, Văn miếu Mao Điền có quy mô và lịch sử lâu đời đứng thứ 2, chỉ sau Văn miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội). Văn miếu Mao Điền được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là di tích quốc gia đặc biệt vào tháng 12-2017.


Toàn cảnh Văn miếu Mao Điền nhìn từ xa

Được khởi dựng vào thời Lê Sơ (Thế Kỷ XV). Đây là di tích lịch sử thờ Khổng Tử và tôn vinh các bậc Đại khoa nho học tiêu biểu cho truyền thống văn hiến. Nơi đây đã đào tạo hàng ngàn cử nhân, tiến sỹ nho học đứng vào hàng đầu cả nước. Nếu chỉ tính số người đỗ Đại khoa trong 185 kỳ thi (từ 1075 – 1919), cả nước có 2.898 tiến sĩ thì trấn Hải Dương có 637 vị, trong số 46 Trạng Nguyên, Hải Dương có 12 người. Đặc biệt là Hải Dương còn có “Lò tiến sỹ xứ Đông” thuộc thôn Mộ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang. Tại đây có 39 vị tiến sỹ Nho học qua các thời kỳ lịch sử.


Phía trước tam quan Văn miếu Mao Điền

Ngày nay, Văn miếu không chỉ thờ Khổng Tử mà còn phối thờ thêm 8 vị Đại khoa tiêu biểu cho các lĩnh vực và thời đại (trong đó có 7 vị là người Hải Dương): Nhà giáo Chu Văn An, Lưỡng quốc Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi (thời Trần, thế kỷ XIII-XIV), Danh nhân văn hoá thế giới, Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi (thời Lê Sơ, thế kỷ XV), Trình quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm (thời Mạc, Thế kỷ XVI), Đại danh y, Thiền sư Tuệ Tĩnh, Nhập nội hành khiển Phạm Sư Mệnh (thời Trần, thế kỷ XIII- XIV), Thần toán Vũ Hữu (thời Lê Sơ, thế kỷ XV)  và Nghi Ái quan, tiến sỹ Nguyễn Thị Duệ (thời Mạc, thế kỷ XVI).

Hậu cung Văn Miếu nơi thờ các bậc Đại khoa nho học xứ Đông


Lễ hội Văn Miếu Mao Điền được tổ chức vào ngày 18-2 âm lịch hằng năm

4. Cụm di tích đền Xưa – chùa Giám – đền Bia

Đền xưa – chùa Giám – đền Bia là cụm 3 di tích nằm trên địa bàn 3 xã Cẩm Sơn, Cẩm Vũ và Cẩm Văn của huyện Cẩm Giàng. 3 di tích ở rất gần nhau, cùng thờ một vị tổ là Đại danh y thiền sư Tuệ Tĩnh, song ở mỗi nơi lại có những công trình kiến trúc độc đáo, tạo dấu ấn và chỗ đứng riêng trong đời sống văn hóa, tâm linh người dân địa phương. Tháng 12-2017, cụm di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật đền Xưa – chùa Giám – đền Bia được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là di tích quốc gia đặc biệt.

– Chùa Giám (chùa Nghiêm Quang), được khởi dựng vào thời Lý; cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII được xây dựng lại với quy mô kiến trúc to đẹp. Chùa tọa lạc trên một khoảng đất rộng 2ha. Ngôi chùa có kiến trúc kiểu “nội công ngoại quốc” với đầy đủ các công trình như: Tam quan, Tiền đường, Tam bảo, nhà Tổ, hành lang, nhà tháp Cửu phẩm, nhà khách, nhà Tăng, vườn cây, Pháp sư, nghè Giám. Các kiến trúc sư, các nghệ nhân đã tạo trên mặt bằng của chùa sự liên hoàn của các hạng mục tôn lên vẻ tráng lệ cổ kính, ẩn chứa nhiều tầng trí tuệ văn hóa.


Nhà cửu phẩm trong chùa Giám, xã Cẩm Sơn

Chùa Giám là nơi gắn với cuộc đời Tuệ Tĩnh từ khi ông còn nhỏ. Theo tư liệu lịch sử, Tuệ Tĩnh sinh vào khoảng năm 1330, mồ côi cha mẹ từ năm 6 tuổi, được sư thầy Hải Triều ở chùa Giám nuôi và cho đi học. Thời niên thiếu và những kiến thức đầu đời về y học của ông đã được nuôi dưỡng, gắn bó với ngôi chùa này.

Điểm đặc sắc nhất của chùa Giám là tòa cửu phẩm liên hoa được đặt ở sân phía sau tam bảo. Nhà cửu phẩm hình vuông (8 x 8 m), cao 3 tầng, 12 mái, có nhiều mảng kiến trúc còn giữ được dấu ấn của thế kỷ XVII. Trong nhà cửu phẩm là tòa cửu phẩm liên hoa gồm 9 tầng hoa sen, cao trên 6m hình lục giác đều, mỗi cạnh 1,24m. Trên cửu phẩm có 145 pho tượng Phật. Toàn bộ kết cấu cửu phẩm liên kết với một trụ gỗ lim lớn ở giữa, trụ này đặt trên ngõng đá, tựa một ổ bi. Vào ngày lễ Phật, chỉ cần 2 người đẩy, cửu phẩm có thể quay nhẹ nhàng. Tòa cửu phẩm liên hoa là công trình kiến trúc Phật giáo độc đáo chỉ có ở Việt Nam. Hiện nay, trong cả nước chỉ còn 3 tòa cửu phẩm liên hoa có thể quay được, 2 tòa còn lại ở chùa Bút Tháp (Bắc Ninh) và chùa Đồng Ngọ (Thanh Hà, Hải Dương).

Cửu phẩm liên hoa – chùa Giám

– Đền Xưa, là ngôi đền chính thức được xây dựng để thờ Đại danh y Tuệ Tĩnh trên quê hương ông, nay là thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng. Chưa xác định đền được khởi dựng từ năm nào, nhưng căn cứ di vật kiến trúc hiện còn có thể xác định vào thế kỷ XVII đã có một ngôi đền kiên cố, chạm khắc tinh tế. Hiện tại di tích còn khoảng 50 cổ vật có giá trị như chuông đồng đúc năm Tự Đức thứ 8 (1855), sắc phong cho Tuệ Tĩnh vào các thời Thiệu Trị, Tự Đức, Duy Tân, Khải Định, Bảo Đại… Đây là những vật chứng cho sự nghiệp y học lẫy lừng đã được ghi nhận của Tuệ Tĩnh trong lịch sử.


Đền Xưa, nơi thờ chính Đại Danh y Tuệ Tĩnh

– Đền Bia, nằm trên cánh đồng phía Tây thôn Văn Thai (xã Cẩm Văn), giáp làng Nghĩa Phú (xã  Cẩm Vũ), quê hương của Đại Danh y Tuệ Tĩnh. Đền được xây dựng để thờ Đại Danh y Tuệ Tĩnh và tấm Bia đá thời Lê, là di vật kỷ niệm của ông nên có tên là đền Bia. Tấm Bia đá hiện đang lưu giữ tại Hậu cung của đền Bia tương truyền được tiến sĩ Nguyễn Danh Nho đặt khắc theo nguyên mẫu tấm bia đặt trên mộ ông bên Giang Nam (Trung Quốc).

Đền Bia thuộc xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng

Đền Bia không phải là nơi thờ chính Tuệ Tĩnh nhưng lại được nhân dân địa phương đến thăm viếng nhiều nhất, vì nơi đây đã trở thành trung tâm thuốc nam uy tín. Vào dịp lễ hội (1-4 âm lịch) khách trẩy hội rất đông, nhiều du khách tới đây cắt thuốc nam như một cách cầu may về sức khỏe.

Sinh viên các trường y khoa về dâng hương tưởng nhớ Đại danh y Tuệ Tĩnh

5. Đền thờ Chu Văn An

Chu Văn An quê gốc ở làng Văn Thôn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ông là người có công lớn đầu tiên trong việc truyền bá, giáo dục tư tưởng đạo đức Khổng Giáo ở Việt Nam. Ông được Vua Trần Minh Tông (1314 – 1329) mời làm tư nghiệp Quốc tử giám dạy học cho Thái tử. Đến đời Vua Trần Dụ Tông (1341 – 1369), vì không chịu nổi bọn gian thần ác bá, ông đã trao ấn từ quan về ở ẩn trên núi Phượng Hoàng, chỉ chuyên dạy học, viết sách, làm thơ, nghiên cứu y dược cho tới khi mất.

Sau khi Chu Văn An qua đời (1370), tại nơi thầy làm nhà dạy học đã được dựng ngôi đền thờ thầy. Sau 2 giai đoạn trùng tu, năm 2008 đền thờ Chu Văn An đã trở thành quần thể kiến trúc bề thế trang nghiêm bao gồm: tam quan nội, tam quan ngoại, sân hạ, sân trung, sân thượng, vườn cây, hai nhà giải vũ, hai nhà bia, đền thờ chính cùng những bức phù điêu chạm Long Phượng vờn mây và 112 bậc đá dẫn lên đền thờ chính. Đền đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử quốc gia năm 1998.


Toản cảnh khu di tích đền thờ Chu Văn An

Đền thờ chính tọa lạc trên thế đất cao, rộng, theo phong thủy, đây chính là mắt của chim Phượng. Phía trước đền có núi Ngọc làm tiền án, phía sau có núi Phượng làm hậu trẩm, hai bên là núi Kì Lân và núi Phượng Hoàng chầu về. Đền được xây dựng theo hình chữ Nhị (二), kiểu chồng diêm 2 tầng 8 mái, ngói liệt với 8 góc đao cong, bao gồm 5 gian tiền tế và 1 gian hậu cung. Nghệ thuật trang trí trong đền theo đề tài tứ linh (Long, Ly, Quy, Phượng), tứ quý (Tùng, Cúc, Trúc, Mai). Các bức y môn sơn son thếp vàng trang trí mỹ thuật theo hình tượng “rồng chầu hoa cúc mãn khai”. Phía trước đền là đôi rồng đá mang phong cách kiến trúc thời Trần…


Quang cảnh phía trước đền thờ


Ban công đồng trong điện chính của đền

Tượng thầy Chu Văn An bằng đồng được thờ trong hậu cung của đền

Lăng mộ thầy Chu Văn An trên núi Phượng Hoàng

Hàng năm, tại đền Chu Văn An diễn ra lễ khai bút đầu xuân vào ngày 6 tháng Giêng với 4 chữ thư pháp Hán Nôm: Chính – Học – Thuần – Hành, và 10 chữ Quốc ngữ: Tâm – Đức – Chí – Nghĩa – Trung – Tài – Minh – Trí – Thành – Vinh. Đây là nét đẹp văn hóa được gìn giữ từ khi thầy Chu Văn An về đây mở lớp dạy học. Lễ hội đền Chu Văn An mùa thu diễn ra từ ngày 1 – 25/8 âm lịch (chính hội ngày 25).


Lễ khai bút đầu xuân tại đền thờ Chu Văn An

6. Chùa Thanh Mai

Chùa Thanh Mai được xây dựng vào khoảng năm 1329 trên sườn núi Thanh Mai, hay còn gọi là núi Tam Ban (nghĩa là ba cấp núi nối liền nhau của ba tỉnh Bắc Giang-Hải Dương-Quảng Ninh, thuộc cánh cung Đông Triều), cao khoảng 200m, nay thuộc địa phận xã Hoàng Hoa Thám, thị xã Chí Linh. Chùa gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của Thiền sư Pháp Loa tôn giả vị tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.


Toàn cảnh chùa Thanh Mai

Chùa chính có kiến trúc kiểu chữ Đinh, với 7 gian tiền đường, 3 gian hậu cung. Kết cấu khung chùa bằng gỗ lim với 12 cột cái đường kính 50cm, cao 7,2m và 16 cột quân đường kính 42 cm, cao 3,5m được nối theo kiểu “chồng rường bát đấu” là kiểu kiến trúc thời Trần. Mái chùa gồm 8 mái, 8 đầu đao, lợp ngói mũi hài, trên nóc đắp bờ, chính giữa đắp nổi bốn chữ “Thanh Mai thiền tự”. Chùa khởi công và hoàn thành năm 2005.


Khung cảnh bên trong chùa Thanh Mai

Hiện nay chùa Thanh Mai vẫn gìn giữ được nhiều hiện vật có giá trị như: Viên Thông Bảo Tháp xây dựng năm 1334; tháp Phổ Quang được xây dựng năm Chính Hoà thứ 23 (1702); tháp Linh Quang xây dựng năm Chính Hoà thứ 24 (1703), cùng 5 ngôi tháp khác. Trong chùa cũng còn lưu giữ được 6 tấm bia thời Trần và Lê, trong đó Thanh Mai Viên Thông tháp bi được công nhận là bảo vật quốc gia. Bia được khắc dựng năm Đại Trị thứ 5 (1362) nói về thân thế và sự nghiệp của Đệ nhị tổ Thiền phái Trúc lâm. Tấm bia cũng cho thấy tình hình chính trị, tôn giáo, ruộng đất đương thời và những hoạt động của Trúc Lâm Tam tổ: Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang.  Hội chùa Thanh Mai diễn ra vào ngày mùng một đến mùng ba tháng Ba âm lịch hằng năm.


Viên Thông Bảo Tháp nơi đặt xá lỵ của vị tổ thứ 2 thiền phái Trúc Lâm

Bia “Thanh Mai viên thông tháp bi” – Bảo vật quốc gia

7. Đền Cao (An Lạc, Chí Linh)

Khu di tích Đền Cao, xã An Lạc, thị xã Chí Linh thờ 5 vị tướng họ Vương có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Tống năm (981) do Vua Lê Đại Hành (Lê Hoàn) trực tiếp chỉ huy. Đền Cao thờ người anh cả Vương Đức Minh (Thiên bồng Đại tướng quân Đại vương); đền Bến Tràng- thờ Đại vương Vương Đức Xuân; đền Bến Cả – thờ tướng Vương Đức Hồng và Đền Cả-thờ Vương phụ, Vương mẫu cùng 2 tướng Vương Thị Đào, Vương Thị Liễu và Thành hoàng Dương Tôn Linh…

Ngày 2-3-2018, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã quyết định “xếp hạng di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật” đối với quần thể Đền Cao, xã An Lạc, thị xã Chí Linh.

Đền Cao toạ lạc trên đỉnh núi Thiên Bồng


Những cây lim cổ thụ hàng trăm năm tuổi trong khuôn viên đền

Đền Cao là một ngôi đền độc đáo xây dựng từ thế kỷ XX và được trùng tu nhiều lần. Lễ hội chính diễn ra từ ngày 23 đến ngày 25 tháng giêng (âm lịch) có nhiều trò chơi dân gian như: Đấu vật, kéo co. Phần lễ có: Rước ngai, tế truyền thống thu hút rất nhiều du khách đến thăm quan.

Lễ hội chính tại đền Cao ngày 23-25 tháng giêng âm lịch

8. Đền thờ Khúc Thừa Dụ

Đền thờ Khúc Thừa Dụ tại thôn Cúc Bồ, xã Kiến Quốc, huyện Ninh Giang, thờ 3 vị anh hùng dân tộc họ Khúc (Khúc Thừa Dụ, Khúc Thừa Hạo, Khúc Thừa Mỹ). Đền đã được nhà nước công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2015.

Anh hùng Dân tộc Khúc Thừa Dụ (? – 907) quê ở đất Hồng Châu (nay là huyện Ninh Giang) là người đã đặt cơ sở cho nền độc lập, tự chủ của nước ta sau 1.000 năm chịu ách thống trị của phong kiến phương Bắc. Nhân lúc nhà Đường suy yếu, ông đã đem quân đánh phủ Tống Bình (Đại La) và tự xưng là Tiết độ sứ, đứng lên cai quản nước ta. Sau khi ông mất, con trai Khúc Hạo lên nắm quyền đã thực hiện nhiều cải cách quan trọng, góp phần ổn định, phát triển đất nước. Trung chúa Khúc Hạo được lịch sử đánh giá là nhà cải cách đầu tiên của thời quân chủ Việt Nam. Sau khi Trung chúa Khúc Hạo mất, Hậu chúa Khúc Thừa Mỹ cai quản nước ta và thực hiện nhiều biện pháp đề phòng nguy cơ xâm lược từ phương Bắc. Tuy nhiên, do thế giặc Nam Hán mạnh, nên Khúc Thừa Mỹ đã bị thất thủ. Ba đời họ Khúc kế nghiệp lãnh đạo đất nước đã để lại mốc son trong lịch sử đấu tranh gây dựng nền độc lập tự chủ của dân tộc.

 


Toàn  cảnh đền thờ Khúc Thừa Dụ

Đền nằm giáp đê sông Luộc, mặt đền quay theo hướng Nam. Từ ngoài vào trong đền qua chiếc cầu đá, đến sân hội, với hai bức phù điêu ghép bằng các tảng đá lớn. Các họa tiết được chạm khắc công phu, mô tả quang cảnh nhân dân tụ nghĩa theo Tiên Chúa Khúc Thừa Dụ giành quyền tự chủ và cuộc sống thái bình, an cư lạc nghiệp.


Cầu đá dẫn vào đền


Giếng ngọc trước đền thờ chính

Phù điêu và tượng bằng đá bên trong khuôn viên đền

9. Đảo Cò Chi Lăng Nam

Đảo cò tự nhiên Chi Lăng Nam huyện Thanh Miện, được phát hiện năm 1994. Đây là một điểm du lịch môi trường sinh thái hấp dẫn. Nằm giữa một vùng hồ bao la sóng nước, đảo Cò nổi lên như một viên ngọc mà thiên nhiên đã ban tặng cho Chi Lăng Nam. Với diện tích 2.382m2, từ lâu đã trở thành nơi trú ngụ của nhiều loại cò vạc khác nhau, cò vạc đến từ khắp nơi. Có chín loại cò khác nhau là cò lửa, cò ruồi, cò bợ, cò đen, cò nghênh, cò diệc, cò trắng, cò ngang, cò hương và ba loại vạc là vạc xám, vạc xanh, vạc đen có nguồn gốc từ Trung Quốc, Miến Điện, Ấn Độ, Nê Pan, Philippines… Mùa xuân là thời điểm cò về đông nhất có tới vài vạn con cò và hàng nghìn con vạc.

Toàn cảnh Đảo Cò Chi Lăng Nam

Đặc biệt, tại đây còn có một số loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam như: con tổ đỉa, rái cá, cá ngạnh, cá vền, cá măng kìm (có con nặng tới trên 30kg). Đảo cò Chi Lăng Nam là nơi mà loài vạc và loài cò lửa làm tổ, đẻ trứng, nuôi con. Hàng năm vào tháng 9, khi gió heo may thổi về thì hàng ngàn con cò, vạc và các loài chim nước từ nhiều xứ khác dồn dập bay về sinh sống kiếm ăn, đông đúc nhộn nhịp cho đến tận tháng tư năm sau. Sáng sớm và chiều tối là lúc chúng tạo nên một bức tranh thiên nhiên cực đẹp với hàng trăm đàn cò, đàn vạc bay đi, bay về phủ kín cả khoảng không mặt hồ, tiếng kêu inh ỏi làm huyên náo cả một vùng quê yên tĩnh.


Một số hình ảnh Đảo Cò Chi Lăng Nam

10. Sân Golf Ngôi Sao Chí Linh

Sân Golf Ngôi sao Chí Linh cách Hà Nội gần 50km và nằm ngay trung tâm thị xã Chí Linh, có tổng diện tích 325 ha, gồm 36 lỗ được thiết theo tiêu chuẩn quốc tế AAA, do IGCS – một công ty hàng đầu của Úc thiết kế và xây dựng.


Toàn cảnh sân golf Ngôi Sao Chí Linh

Sân Golf Ngôi sao Chí Linh có một địa thế tuyệt đẹp nằm gọn trong lòng một thung lũng với một hồ nước tự nhiên nép mình bên những dải đồi xanh hùng vĩ. Điểm cao nhất của sân golf chính là nhà Câu lạc bộ với thiết kế độc đáo, toàn bộ hệ thống cửa và tường bao được xây dựng bằng kính trong suốt cho phép du khách và khán giả có thể chiêm ngưỡng phần lớn diện tích sân với 28/36 hố golf. Những thảm cỏ xanh được chăm sóc, xén tỉa mỗi ngày, những con đường nhỏ uốn mình vòng quanh mép hồ, các rặng cây, các dốc thoải ven đồi, là điểm dừng chân bên những quán nhỏ đơn sơ nép mình trong tán cây thơ mộng…

Một số hình ảnh sân golf Ngôi Sao Chí Linh