Vận dụng quy luật Lượng- Chất trong học tập và nghiên cứu của sinh viên đại học Văn hóa Thể thao và Du lich Thanh Hóa.

                                                                                                Th.s Hoàng Thị Thảo

Cuộc sống luôn luôn vận động và con người phải thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh mới. Thế giới đang có sự biến đổi không ngừng, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Để thích ứng với xu hướng đó đòi hỏi chúng ta phải có một “ nội lực” đủ mạnh, một “ tâm thế” vững vàng mới hội nhập tốt, nhằm đưa đất nước sánh vai với bạn bè quốc tế. Trong đó sinh viên là người đi tiên phong trên mọi lĩnh vực. Sinh viên Đại học văn hóa Thế thao và Du lịch Thanh Hóa không thể đứng ngoài cuộc. Vì vậy việc vận dụng quy luật lượng –chất vào việc nghiên cứu, học tập và rèn luyện của sinh viên , để giúp các em sinh viên có định hướng đúng đắn trong học tập, phần nào biết được nhiệu vụ, trách nhiệm lớn lao của mình là một việc làm cần thiết.

1. Những vấn đề lý luận của quy luật

Đây là một trong ba quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật. quy luật này nói lên cách thức (phương thức) vận động, phát triển của sự vật, nghĩa là sự vật vận động và phát triển bao giờ cũng diễn ra theo cách thức từ sự thay đổi về lượng  thành những sự thay đổi về chất và ngược lại.

*Khái niệm chất và lượng

– Chất là gì?

 Thế giới có vô vàn các sự vật hiện tượng. Mỗi sự vật có, hiện tượng có những chất vốn có làm nên chính chúng. Nhờ đó mà có thể phân biệt sự vật hiện tượng này với sự vật hiện tượng khác.

 Chất là một phạm trù triết học dùng để chỉ tính quy định khách quan vốn có của sự vật, hiện tượng; là sự thống nhất hữu cơ của các thuộc tính làm cho sự vật là nó chứ không phải là cái khác.

VD: chất của con người khác các động vật khác ở những thuộc tính ; có ngôn ngữ, có tư duy, biết chế tạo và sử dụng công cụ lao động.

Chất của sự vật là các thuộc tính khách quan vốn có của sự vật nhưng không đồng nhất với khái niệm thuộc tính. Mỗi sự vật, hiện tượng đều có những thuộc tính cơ bản và không cơ bản. Chỉ những thuộc tính cơ bản mới hợp thành chất của sự vật, hiện tượng. Khi các thuộc tính cơ bản thay đổi thì chất của sự vật thay đổi.

Chất của sự vật, hiện tượng không những được xác định bởi chất của các yếu tố cấu thành mà còn bởi cấu trúc và phương thức liên kết giữa chúng, thông qua các mối liên hệ cụ thể do đó việc phân biệt thuộc tính cơ bản và không cơ bản, chất và thuộc tính chỉ có ý nghĩa tương đối.

Mỗi sự vật, hiện tượng không chỉ có một chất, mà có nhiều chất, tùy thuộc vào các mối quan hệ cụ thể của nó với những cái khác. Chất không tồn tại thuần túy tách rời sự vật, biểu hiện tính ổn định tương đối của nó.

– Lượng là gì?

Lượng là một phàm trù triết học dùng để chỉ tính quy định khách quan vốn có của sự vật về các phương diện: số lượng các yếu tố cấu thành, quy mô của sự tồn tại, tốc độ, nhịp điệu của các quá trình vận động, phát triển của sự vật.

Lượng biểu hiện kích thước dài hay ngắn, quy mô to hay nhỏ, trình độ cao hay thấp, số lượng nhiều hay ít…

Ví dụ: Số lượng người trong một lớp học, vận tốc của ánh sáng….

+Lượng cũng mang tính khách quan như chất, là cái vốn có của sự vật

+Lượng thường được xác định bởi những đơn vị đo lường cụ thể với con số chính xác nhưng cũng có lượng biểu thị dưới dạng khái quát, phải dùng tới khả năng trừu tượng hóa  để nhận thức.

Ví dụ: Trình độ nhận thức, phẩm chất đạo đức của một con người…

+Có lượng biểu thị yếu tố bên ngoài (ví dụ: chiều cao, chiều dài cảu một vật….), có lượng biểu thị yếu tố  quy định kết cấu bên trong (ví dụ: số lượng nguyên tử của một nguyên tố hóa học).

Lưu ý:  Sự phân biệt giữa chất và lượng chỉ có ý nghĩa tương đối: có cái trong mối quan hệ này đóng vai trò là chất nhưng trong mối quan hệ khác lại là lượng.

Ví dụ: số lượng sinh viên học giỏi nhất định của 1 lớp sẽ nói lên chất lượng học tập của lớp đó.

* Mối quan hệ giữa sự thay đổi về lượng và sự thay đổi về chất

Mỗi sự vật, hiện tượng là sự thống nhất giữa hai cặp đối lập chất và lượng. Hai mặt đối lập không tách rời nhau mà tác động qua lại biện chứng làm cho sự vận động, biến đổi theo cách thức từ những sự thay đổi về lượng thành những sự thay đổi về chất của sự vật và ngược lại.

-Lượng đổi dẫn đến chất đổi:

Khi sự vật đang tồn tại, chất và lượng thống nhất với nhau ở một độ nhất định.

Độ là phạm trù triết học dùng để chỉ giới hạn trong đó sự thay đổi về lượng của sự vật chưa làm thay đổi căn bản chất của sự vật ấy.

VD:1.  Độ tồn tại trong đời người từ lúc sinh ra  đến lúc chết; 2. Độ tồn tại của nước nguyên chất ở trạng thái lỏng từ 0 độ C đến 100 độ C.

Trong giới hạn của một độ nhất định, lượng thường xuyên biến đổi còn chất tương đối ổn định. Sự thay đổi về lượng của sự vật có thể làm chất thay đổi ngay lập tức nhưng cũng có thể làm thay đổi dần dần chất cũ. Lượng đổi đến một giới hạn nhất định-điểm nút, nếu có điều kiện sẽ diễn ra bước nhảy làm thay đổi chất của sự vật.

Điểm nút là phạm trù triết học dùng để chỉ thời điểm mà tại đó sự thay đổi về lượng đã làm thay đổi chất của sự vật.

VD: 0 độ C và 100 độ C là điểm nút để nước chuyển sang trạng thái rắn hoặc trạng thái khí (bay hơi).

Muốn chuyển từ chất cũ sang chất mới phải thông qua bước nhảy

Bước nhảy là một phạm trù triết học dùng để chỉ sự chuyển hóa về chất của sự vật do những sự thay đổi về lượng trước đó gây nên.

VD: Một cuộc cách mạng, một kỳ thi, một đám cưới…

Bước nhảy kết thúc một giai đoạn biến đổi về lượng và mở đầu cho một giai phát triển mới. Đó là gián đoạn trong quá trình vận động liên tục của sự vật đồng thời là một tiền đề cho một quá trình tích lũy liên tục về lượng tiếp theo.

Ví dụ chứng minh:

Trong xã hội: Sự phát triển của lực lượng sản xuất(lượng đổi) tới khi mâu thuẫn với quan hệ sản xuất lỗi thời (chất cũ) sẽ dẫn đến đấu tranh giai cấp mà đỉnh cao là cách mạng xã hội (bước nhảy) làm cho xã hội cũ mất đi, xã hội mới tiến bộ hơn ra đời.

Chất mới ra đời , nó tác động trở lại lượng mới, làm thay đổi kết cấu, quy mô, trình độ nhịp điệu của sự vận động phát triển của sự vật.

Như vậy, bất kỳ sự vật, hiện tượng nào cũng là sự thống nhất biện chứng giữa hai mặt chất và lượng. Sự thay đổi về lượng tới điểm nút sẽ dẫn đến sự thay đổi về chất thông qua bước nhảy. Chất mới ra đời sẽ tác động trở lại sự thay đổi của lượng mới. Quá trình đó liên tục diễn ra, tạo thành phương thức phổ biến của các quá trình vận động, phát triển của sự vật, hiện tượng trong tự nhiên, xã hội, tư duy.

– Các hình thức của bước nhảy

+Căn cứ vào nhịp điệu có:

Bước nhảy đột biến là bước nhảy được thực hiện trong thời gian rất ngắn làm thay đổi chất của toàn bộ kết cấu cơ bản cảu sự vật

VD; Uranium 235 được tăng tới hạn (1kg) thì ngay lập sẽ xảy ra vụ nổ nguyên tử

Bước nhảy dần dần là bước nhảy được thực hiện từ từ, từng bước bằng cách tích lũy dần những nhân tố của chất mới, loại bỏ dần những nhân tố của chất cũ.

VD:  Quá trình chuyển biến từ vượn người thành người; thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt nam…

+ Căn cứ vào quy mô có:

Bước nhảy toàn bộ là bước nhảy làm thay đổi chất của toàn bộ các mặt, các yếu tố cấu thành sự vật.

VD: Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa theo nghĩa rộng

Bước nhảy cục bộ là bước nhảy làm thay đổi chất của những mặt, những yếu tố riêng lẻ của sự vật.

VD: Những bước nhảy cục bộ trong lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, tư tưởng.

VD: Những kỳ thi học phần

Tóm tắt nội dung quy luật

Mọi sự vật đều là sự thống nhất giữa lượng và chất, sự thay đổi đần dần về lượng trong khuôn khổ của độ tới điểm nút sẽ làm thay đổi chất của sự vật thông qua bước nhảy, chất mới ra đời tác động trở lại sự thay đổi của lượng mới, tạo thành quá trình vận động phát triển liên tục của sự vật.

* Ý nghĩa phương pháp luận

– Bất kỳ sự vật, hiện tượng nào cũng có phương diện chất và lượng tồn tại trong tính quy định lẫn nhau, tác động và làm chuyển hóa lẫn nhau do đó trong thức tiễn và nhận thức phải coi trọng cả hai phương diện chất và lượng.

– Những sự thay đổi về lượng sẽ dẫn đến sự thay đổi về chất trong điều kiện nhất định và ngược lại do đó cần coi trọng quá trình tích lũy về lượng để làm thay đổi chất của sự vật đồng thời phát huy tác động của chất mới để thúc đẩy sự thay đổi về lượng của sự vật.

 – Sự thay đổi về lượng chỉ làm thay đổi chất khi lượng được tích lũy đến giới hạn điểm nút do đó trong thực tiễn cần khắc phục bệnh nôn nóng tả khuynh, bảo thủ trì trệ.

 – Bước nhảy của sự vật, hiện tượng là hết sức đa dạng, phong phú do vậy cần vận dụng linh hoạt các hình thức của bước nhảy cho phù hợp với điều kiện cụ thể. Đặc biệt trong đời sống xã hội, quá trình phát triển không chỉ phụ thuộc vào điều kiện khách quan, mà còn phụ thuộc vào nhân tố chủ quan của con người. Do đó, cần phải nâng cao tính tích cực chủ động của các chủ thể để thúc đẩy quá trình chuyển hóa từ lượng đến chất một cách hiệu quả nhất.

2. Vận dụng trong quá trình học tập và rèn luyện của sinh viên Đại Học Văn hóa thể thao và du lịch Thanh Hóa

           Từ việc nghiên cứu quy luật chuyển hóa từ những sự thay đổi về lượng thành những sự thay đổi về chất và ngược lại có thể rút ra  một vài kết luận có ý nghĩa phương pháp luận với việc học tập và rèn luyện của sinh viên trong môi trường Đại Học văn hóa thể thao và du lich Thanh Hóa như sau:

                        *Sự khác nhau cơ bản giữa việc học tập ở phổ thông và Đại Học

So với học ở phổ thông thì khối lượng kiến thức ở cấp độ Đại học tăng lên một cách đáng kể. Một ví dụ đơn giản, nếu học phổ thông thì một môn học sẽ kéo dài trong một năm, vì thế khối lượng kiến thức được chia đều ra kiến học sinh dễ dàng tiếp nhận hơn. Trong khi ở Đại học một môn chỉ kéo dài khoảng 8 đến 18 buổi học (từ 1 đến 2 tháng). Rõ ràng sự tăng lên đáng kể về số lượng kiến thức sẽ khiến tân sinh viên gặp những khó khăn. Chính vì thế sinh viên cần phải chủ động tìm hiểu và sãn sàng để thích nghi với sự thay đổi này. Không chỉ khác biệt về khối lượng kiến thức, học đại học và phổ thông còn có sự khác biệt về sự đa dạng kiến thức. Tiếp đến là các nhiệm vụ trong học tập, nếu học phổ thông hoạt động chủ yếu là ở trên lớp còn học đại học còn đi kiến tập, thực tập,…Đây là cơ hội cũng nhưng cũng là thách thức cho sinh viên.. Ở đây là sự khác nhau về bản chất chứ không chỉ là sự thay đổi về hình thức, bởi vậy có thể nới sự chuyển đổi từ phổ thông lên Đại học cũng giống như quá trình biến đổi từ lượng thành chất. Chính vì vậy mà người sinh viên cần phải thay đổi nếp sống mới sao cho phù hợp với hoàn cảnh hiện tại, phù hợp với yêu cầu  của ngành giáo dục đối với Đại học. Chỉ khi nào làm được như vậy sinh viên mới hy vọng đạt được những thành tích rực rỡ trong quá rình học tập và nghiên cứu của mình.

* Từng bước tích lũy kiến thức một cách chính xác, đầy đủ.

Như chúng ta đã biết, sự vận động và phát triển của sự vật bao giờ cũng diến ra bằng cách tích lũy dần dần về lượng đến một giới hạn nhất định, thực hiện bước nhảy để chuyển về chất và việc học tập của sinh viên  cũng không nằm ngoài điều đó. Để có một tầm bằng Đại học chúng ta cần phải tích lũy đủ số lượng các tín chỉ của các môn học. Như vậy có thể coi học tập là quá trình tích lũy về lượng mà điểm nút là các kỳ thi, thi cử là bước nhảy và điểm số xác định quá trình tích lũy kiến thức đã đủ dẫn tới sự chuyển hóa về chất hay chưa. Do đó, trong hoạt động nhận thức, học tập của sinh viên phải biết từng bước tích lũy về  lượng ( tri thức) làm biến đổi về chất (kết quả học tập) theo quy luật. Cần học tập đều đặn hạng ngày để chất được thấm sâu vào mỗi sinh viên. Tránh gặp gấp rút mỗi khi sắp đến kỳ thi, như vậy là thiếu kinh nghiệm nhận thức được trong quá trình học tập. Tránh tư tưởng chủ quan, nóng vội trong học tập và trong hoạt động thực tiễn hàng ngày.

Hàng ngày mỗi tân sinh viên vẫn đến trường để học tập, tiếp thu những kiến thức mới và lượng kiến thức ngày một nhiều, nhưng chưa thể ra trường để làm việc ngay được vì kiến thức mỗi sinh viên chưa tích lũy đầy đủ, chưa đảm bảo để ta làm việc. Nhưng nếu qua 4 năm mỗi sinh viên học tập và rèn luyện chăm chỉ để tích lũy kiến thức, tích lũy kinh nghiệm qua thầy cô, qua những lần đi thực tập…(lượng) và tốt nghiệp Đại học đạt  kết quả cao, đảm bảo về chuyên môn cho mỗi sinh viên ra trường làm việc. Nói cách khác chất đã thay đổi và biến đổi sang chất mới.

           * Sinh viên phải tự học tập và rèn luyện tính  tích cực, tự chủ, nghiêm túc, trung thực.

Trong thực tiễn đời sống của con người, muốn có sự thay đổi về chất, cần có sự tích lũy về lượng, sự tích lũy ấy là do tự bản thân mỗi chúng ta phấn đấu, đánh đổi bằng sức lao động mà có được, chứ không nhờ vào một sự giúp đỡ nào khác. Để làm rõ ý kiến trên, chúng ta cùng suy ngẫm về câu chuyện ngụ ngôn sau: “ Một người nọ tìm thấy cái kén của con bướm. Anh ta nhận thấy cái kén này bắt đầu được cắn rách, sâu bướm bắt đầu bò ra. Quan sát một hồi lâu, anh thấy con sâu bướm cố hết lách thân mình qua lỗ hổng mà không được. Động lòng thương, anh ta lấy kéo cắt vết rách của cái kén để sâu bướm ta vượt ra ngoài đễ dàng. Khi sâu bướm ra khỏi kén, thì thân hình lớn ra nhưng đôi cánh thì nhỏ lại. Người nọ cố chờ xem con bướm có thể  phát triển thêm ra không? Mong rằng đôi cánh kia có thể nở rộng thêm để đủ sức bay đi. Than ôi! Vô ích! Con bướm đã trọn đời tàn tật, lê lết với cái cánh nhỏ bé không thể bay đi được”. Người nọ vì lòng thương mà hấp tấp làm hỏng cuộc đời của con bướm. anh không biết luật của tạo hóa bắt buộc con sâu bướm phải tự phấn đấu để vượt qua khỏi lỗ nhỏ của cái kén. Trong lúc phấn đấu đó, huyết mạch sẽ được luân lưu từ thân mình cho đến đôi cánh và sau khi vượt ra khỏi cái kén, bướm ta mới có đủ sức vươn đôi cánh lớn ra mà bay bổng.

            Hãy trở lại với việc học tập và rèn luyện của sinh viên. Trong một kỳ thi, nếu có sinh viên gian lận để  một kết quả tốt thì chẳng khác gì con sâu bướm bé nhỏ tội nghiệp kia. Bằng gian lận, ta có thể qua được kỳ thi, nhưng về bản chất thì vẫn chưa có được biến đổi nào về chất, khi học những kiến thức sâu hơn, khó hơn chắc chắn  ta sẽ không tiếp thu được, không đáp ứng được yêu cầu công việc sau này và nếu ta giúp đỡ bạn bè theo theo cách của anh chàng trong câu chuyện kia thì không khác gì chúng ta đang hại họ.

             *  Trong học tập và nghiên cứu cần tiến hành từ dễ đến khó, tránh nóng vội đốt cháy giai đoạn

Trong quá trình học tập và rèn luyện của sinh viên cần tránh tư tưởng  tả khuynh, tức là, khi lượng chưa biến đổi đến điểm nút đã thực hiện bước nhảy . Sinh viên khi học đủ những kiến thức cơ bản có sự biến đổi về chất mới có thể học tiếp những kiến thức sâu hơn, khó hơn. Học tập nghiên cứu từ dễ đến khó là phương pháp học tập mang tính khoa học mà chúng ta đều biết nhưng trong thực tế,  không phải ai cũng có thể thực hiện được. Nhiều sinh viên trong quá trình đi học tập do không tập trung, còn mải mê vui chơi , dẫn đến sự chậm chễ trong học tập,  rồi “ nước tới chân mới nhảy” khi sắp thi họ mới tập trung cao độ vào việc học. Giai đoạn ôn thi là lúc ta củng cố lại kiến thức chứ không phải học mới, do đó sinh viên học tập chăm chỉ trong thời gian này không thể đảm bảo lượng kiến thức qua được kỳ thi. Ngược lại có nhiều sinh viên có ý thức học ngay  từ đầu , nhưng họ lại nóng vội, muốn học nhanh, nhiều để hơn người khác, chưa học cơ bản đã đến nâng cao, “chưa học bò đã lo học chạy”. Như vậy, muốn tiếp thu được tri thức ngày càng nhiều và đạt được kết quả cao, thì mỗi sinh viên cần phải hàng ngày học tập, học từ thấp đến cao, từ dễ đến khó để có sự biến đổi về chất.

*Liên tục phấn đấu học tập và rèn luyện, tránh tư tưởng chủ quan

Khi bước chân vào Đại học, có một bộ phận không nhỏ trong sinh viên tự mãn với những gì đã đạt được, không tiếp tục nỗ lực và phấn đấu vươn lên, sống không có lý tưởng, hoài bão. Nhưng bên canh đó một số sinh viên có ý thức rèn luyện và phấn đấu học tập để có trình độ tri thức cao nhất.

Xét theo quan điểm của triết học, chất thay đổi sẽ tác động trở lại lượng của sự vật. Sự  tác động đó được thể hiện: Chất mới có thể làm  thay đổi kết cấu quy mô, trình độ, nhịp điệu của sự vật. Khi đã đỗ vào đại học, trở thành sinh viên chúng ta được tiếp cận những tri thức cao hơn, sâu hơn. Nhiệm vụ của mỗi sinh viên là phải tiếp tục học hỏi, trau dồi thêm những kiến thức ( tích lũy về lượng), trở thành những giáo viên, nhà quản lý văn hóa, họa sỹ…đóng góp cho xã hội, tránh tinh thần thỏa mãn với những gì đã đạt được.

             Trong quá trình học tập, sinh viên phải trải qua rất nhiều kỳ thi. Kết quả tốt của các kỳ thi đánh dấu ta kết thúc một giai đoạn và là bước khởi đầu cho ta sang một giai đoạn mới đòi hỏi chúng ta có một trình độ cao hơn, lượng kiến thức nhiều hơn, chính vì vậy, mỗi sinh viên cần phải không ngừng học tập phấn đấu để tiếp cận những tri thức mới ở trình độ cao hơn. Nó giúp chúng ta tránh được tư tưởng bảo thủ, trì trệ trong học tập rèn luyện.

*Rèn luyện ý thức học tập của sinh viên

Ngạn ngữ Trung quốc có câu” Gieo hành vi gặt thói quen, gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách găp số phận” câu nói đó có ý nghĩa triết học của nó. Đó là quy luật lượng- chất trong triết học, rõ ràng là, những thói quen mà chúng ta đang có được hình thành từ sự tích lũy của nhiều hành vi được lặp đi lặp lại trong cuộc sống hàng ngày, nhiều thói hư như thế đến lượt nó lại quyết định đến tính cách của chúng ta, và số phận của mỗi con người phụ thuộc vào tính cách của họ. Khi tích lũy hành vi (lượng) dần dần sẽ tạo nên thói quen (chất), sinh viên cần rèn luyện cho mình tính chăm chỉ, tự chủ năng động trong quá trình học tập, tích lũy tri thức giản đơn nhất từ những thói quen hàng ngày. Trong cuộc sống cũng như trong quá trình học tập sinh viên phải rèn luyện hàng ngày để hình thành những thói quen học tập, rèn luyện tốt, như: phải biết tiết kiệm thời gian, làm việc nghiêm túc và khoa học,….tích lũy nhiều thói quen như vậy sẽ góp phần hình thành nên tính cách, giúp chúng ta  thành công trong học tập cũng như trong cuộc sống.

      *Sự phát triển bền vững của tập thể phụ thuộc vào bản thân mỗi sinh viên.

    Một tập thể bao gồm nhiều cá nhân. Mỗi cá nhân có phẩm chất tốt (lượng) sẽ góp phần tạo nên “chất” tốt cho tập thể đó. Một lớp học tập tốt, nếu trong lớp có nhiều cá nhân có ý thức học tập tốt, luôn cố gắng để phấn đấu đạt được thành tích cao. Một lớp đoàn  kết nếu các cá nhân luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Có thể nói uy tín, thành tích của một lớp phụ thuộc vào sự phấn đấu nỗ lực của mỗi sinh viên.

Tóm lại, việc vận dụng nội dung quy luật về mối quan hệ biện chứng giữa lượng và chất cũng như ý nghĩa phương pháp luận của nó có vai trò to lớn trong việc học tập và rèn luyện của sinh viên trường Đại học Văn hóa thể thao và Du lich Thanh Hóa  hiện nay. Lượng và chất là hai mặt thống nhất biện chứng của sự vật, chỉ khi nào lượng được tích lũy tới một độ nhất đinh mới làm thay đổi về chất, do đó trong hoạt động nhận thức, hoạt động học tập của sinh viên phải tích lũy dần về lượng và đồng thời phải biết thực hiện và thực hiện kịp thời những bước nhảy khi có điều kiện chín muồi để biến đổi về chất. Những việc làm vĩ đại của con, bao giờ cũng tổng hợp những việc làm bình thường, vì vậy mỗi sinh viên phải luôn tích cực học tập, chủ động trong công việc học tập và rèn luyện của mình cả đức và tài, để trở thành một con người phát triển toàn diện, tránh tư tưởng chủ quan, nóng vội mà không chịu tích lũy về kiến thức (lượng). Cũng như trong hoạt động của mình ông cha thường có câu: “tích tiểu thành đại”, “năng nhặt, chặt bị”…đó sao.